Hiệp Làm Một Trong Chúa

18544

Kinh Thánh: I Cô-rinh-tô 1:10-17

Câu gốc: “Hỡi anh em, tôi nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau”. (I Cô-rinh-tô 1:10)

Julie Ackerman Link kể rằng một lần nọ, một người bạn thời đại học của cô đã tổ chức một buổi hòa nhạc mừng sinh nhật ngoài trời. Lúc đó, một người đề nghị chúng tôi cùng hát bài “Mừng sinh nhật”. Vì vậy, kẻ trước người sau cùng cất tiếng với những cao độ, nhịp điệu khác nhau. Nhưng thật kinh khủng vì đó chỉ là một mớ âm thanh hỗn độn! Cho đến khi, một người trong nhóm bước lên sân khấu và bắt nhịp cho họ. Dù anh không bắt giọng nhưng khi họ cùng khởi sự và đến cuối bài, hầu như tất cả đều trở về cùng một cao độ.

Tất cả có cùng một mục đích là để chúc mừng sinh nhật cho nhân vật chính, họ đã cùng nhau khởi sự, lắng nghe nhau, hài hòa cùng nhau để tạo nên một bài “Mừng sinh nhật” thật sự. Có thể nói sự hiệp một ý, một lòng cùng nhau là chìa khóa đem đến sự hiệu quả trong sinh hoạt của một nhóm, một cộng đồng.

Hội Thánh là một nhóm, một cộng đồng của những người khác biệt nhau nhưng có điểm chung là đã nhận được ơn cứu rỗi của Chúa, được biệt riêng ra thánh để sống cho Chúa. Cho nên hiệp một trong Hội Thánh không phải là đồng một lòng một ý với nhau theo ý của con người, mà là đồng một lòng một ý với nhau trong danh Đức Chúa Giê-xu Christ. Vì vậy, trong bài hôm nay chúng ta sẽ cùng suy ngẫm về điều Chúa dạy về hiệp một trong I Côr 1:10-17.

MỆNH LỆNH CỦA KINH THÁNH VỀ SỰ HIỆP LÀM MỘT (c. 10a)

Hai yếu tố mầu nhiệm của hiệp làm một trong Hội Thánh mà Sứ đồ Phao-lô truyền dạy cho tín hữu gồm:

– Thứ nhất: Cộng đồng tín hữu là những “anh em”. Họ là những anh chị em ở trong Chúa Giê-xu.

– Thứ hai, “nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ”.

Sự hiệp làm một mà Hội Thánh hướng đến được đặt dưới lý tưởng, và trong quyền uy của danh Chúa Giê-xu Christ. Phao-lô đã dạy dỗ tương tự như thế trong Ê-phô-sô 4:1-6: “Vậy, tôi là kẻ tù trong Chúa, khuyên anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi anh em, phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chìu nhau, dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh. Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh, như anh em bởi chức phận mình đã được gọi đến một sự trông cậy mà thôi, chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem; chỉ có một Đức Chúa Trời và một Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người”.

Dù cộng đồng Cơ Đốc tập hợp nhiều con người từ nhiều dòng tộc khác nhau, nhưng hết thảy đều được trải nghiệm điều mầu nhiệm: Mọi người đều trở nên anh chị em trong một đại gia đình – gia đình của Đức Chúa Trời qua dòng huyết của Chúa Giê-xu và quyền phép của Đức Thánh Linh “Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa” – I Cô-rinh-tô 12:13, và mọi Cơ Đốc nhân bắt đầu một đời sống mới và yêu thương nhau như anh em ruột thịt (Rô-ma 12:10).

Hiệp làm một trong Hội Thánh Đức Chúa Trời không phải giả tạo, hay hình thức tổ chức mà điều đó được truyền dạy cho mọi con người đã được cứu chuộc trong danh Chúa Giê-xu. Tố chất của hiệp làm một nầy được hình thành trong quyền uy của chính Chúa – Đấng chuộc mua chúng ta bằng một giá rất cao (I Cô-rinh-tô 6:20). Hiệp làm một cũng là mục tiêu của Chúa khi yêu và cứu chuộc những con người hư mất (Giăng 17:11). Cho nên, mục tiêu của chúng ta là không bao giờ tập trung chú trọng đến việc làm thỏa lòng chính mình, mà phải làm đẹp lòng Chúa. Với lòng quan tâm đến những gì Đấng Christ mong muốn, chúng ta phải sống trong tinh thần hiệp làm một với nhau như Kinh Thánh truyền dạy.

DẤU HIỆU CỦA HIỆP LÀM MỘT TRONG CHÚA (c. 10b)

Phao-lô cung ứng cho chúng ta ba dấu hiệu của một cộng đồng có sự hiệp một:

  1. Đồng một tiếng nói với nhau

Các tín hữu trong Hội Thánh của Chúa “phải đồng một tiếng nói”. J.B. Phillips diễn tả cụm từ nầy là “cùng nói bằng một giọng nói”. Có “cùng một tiếng nói” hay “cùng một giọng nói” ở đây không mang ý nghĩa đơn thuần chỉ về cùng một ngôn ngữ, mà chỉ về sự hiệp nhất trong ý kiến, trong quan điểm…

Vì vậy, mỗi cộng đồng Cơ Đốc cần phải có sự hiệp nhất trong đức tin. Chúng ta đang sống trong một thời đại rất đa dạng và triết lý thỏa hiệp đa dạng cũng đã xâm nhập vào trong nhiều hệ phái Tin Lành cũng như từng người Cơ Đốc. Khi ấy, Kinh Thánh trở thành một quyển sách bị đoạn chương thủ nghĩa theo những lý giải riêng tư và người ta tự do bóp méo điều Kinh Thánh nói. Tuy nhiên, khi có những bất đồng về lẽ đạo trong Kinh Thánh, là con cái Chúa, là người khát khao gìn giữ sự hiệp nhất trong thân thể của Đấng Christ, chúng ta cần cùng nhau trở lại với sự dạy dỗ của Kinh Thánh, cùng nhau tìm hiểu rõ Lời của Đức Chúa Trời trong thái độ khiêm nhường để tìm thấy từ lẽ thật của Kinh Thánh, nền tảng của đức tin nơi Đức Chúa Giê-xu Christ thay vì tranh cãi, hơn thua. Khi có sự hiệp một trong đức tin, một hệ quả tất yếu khác sẽ xảy đến là chúng ta sẽ nhìn nhận những những vấn đề khác thuộc về sinh hoạt, tổ chức… là vấn đề thứ yếu và dễ dàng tìm được tiếng nói chung giữa những người kính sợ Chúa.

  1. Không có sự phân rẽ

Một Hội Thánh hiệp một, ấy là “chớ phân rẽ nhau ra”. Từ “phân rẽ” có nghĩa là “xé toạc” giống như một người kia xé toạc tờ báo hay một mảnh vải. “Phân rẽ” còn mang ý nghĩa “phá vỡ” giống như phá vỡ một cam kết.

Khi sự hiệp nhất hiện diện trong Hội Thánh thì dù đông người, nhiều tính khí khác nhau, nhiều ý kiến khác nhau, thì những người trưởng thành thuộc linh luôn nhắm đến điểm chung là gây dựng anh em, gây dựng Hội Thánh và dâng sự vinh hiển cho Chúa. Cái nhìn như thế sẽ giúp mỗi người đặt mình vào sự ràng buộc nhau bằng những mối liên hệ mầu nhiệm trong Đấng Christ để có thể “khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chiều nhau” (Ê-phê-sô 4:2) hầu không có sự phân rẽ trong ban ngành, trong Hội Thánh…

  1. Hiệp một ý một lòng cùng nhau

Từ “hiệp” không có nghĩa là hình ảnh của sự trọn vẹn, toàn hảo, đây là một hình ảnh Tân Ước dùng để đề cập đến một điều đang được chỉnh sửa như một mảnh lưới được vá lại, một chiếc áo được khâu lại. Có người ví sự hiệp một trong Hội Thánh như một bức tranh ghép hình, trong đó mỗi thành viên là một mảnh ghép. Như chúng ta đã biết, trong trò chơi ghép hình, mỗi mảnh ghép đều có giá trị và để hoàn thành bức tranh đẹp, chúng ta cần tất cả các mảnh ghép, không kể số lượng, được đặt vào đúng vị trí của nó. Như một mảnh ghép, mỗi chúng ta đều có giá trị nhưng nếu đứng riêng ra, không hòa mình với Hội Thánh, chúng ta đang đánh mất giá trị của mình và Hội Thánh cũng sẽ bị tổn thương. Khi mọi thành viên hiệp lại, chung tay gây dựng Hội Thánh của Chúa, một bức tranh tuyệt đẹp sẽ được định hình.

Cho nên, khi hiệp nhất chúng ta phải hiệp “một ý, một lòng” với nhau trong danh Đức Chúa Giê-xu Christ. Một ý, một lòng có ý nghĩa là chúng ta cùng có một tâm trí một chí hướng. Tâm trí, chí hướng đó được chi phối bởi tâm trí và chí hướng của Đấng Christ, Phi-líp 2:5-8 chép: “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự”. Nói cách khác, chúng ta không thể sống theo kiểu giả hình, bằng mặt nhưng không bằng lòng, cưu mang ý tưởng phá vỡ trong lòng. Lối sống giả hình đó không đem lại ích lợi, không gây dựng cho Hội Thánh và người sống giả hình cũng không thể sống đời sống thuộc linh sung mãn được.

ĐIỀU NGĂN TRỞ VIỆC HIỆP LÀM MỘT (c. 11-12)

Phao-lô nhận được thông tin về thực trạng của Hội Thánh Cô-rinh-tô đang gặp rắc rối vì sự cạnh tranh đan xen giữa vòng anh em với nhau. Ông đã nhận định rằng trong hội chúng có bốn phe nhóm, mỗi nhóm đều có những điểm nhấn của mình, có những nét tự hào và đều nghĩ rằng mình đang là những người có ảnh hưởng lớn nhất, tài năng nhất, thuộc linh nhất thậm chí là thiêng liêng nhất. Chính vì những cạnh tranh xuất phát từ những con người chưa thật sự trưởng thành thuộc linh, được bao bọc dưới lớp vỏ thiêng liêng đã làm cho Hội Thánh bị phân rẽ, đã xé toạc mọi kết nối khiến Hội Thánh vốn đang hiệp nhất bị tổn thương đau đớn.

Tạ ơn Chúa, khi nhìn lại lịch sử của Hội Thánh, chúng ta thấy Ngài đã dấy lên nhiều con người sống tận hiến, phẩm chất thuộc linh đáng kính và chính họ đã góp phần công sức rất lớn cho vương quốc của Chúa, trong số đó có thể có cả chính bản thân mình. Nhưng, khi chúng ta sa đà tập trung chú trọng vào tìm kiếm, tự hào về những danh vọng, những điều tư lợi tầm thường như con người vẫn thường tìm, ắt sẽ dẫn đến tranh cạnh, hình thành những phe nhóm trong Hội Thánh trái ngược với điều Chúa đã làm cho Hội Thánh Ngài “là sự thù nghịch đã phân rẽ ra, bởi vì Ngài đã đem thân mình mà trừ bỏ luật pháp của các điều răn chép thành điều lệ. Như vậy, khi làm cho hòa nhau, Ngài muốn lấy cả hai lập nên một người mới trong Ngài” – Êph 2:15. Vì thế, dẫu những điều tranh cạnh nào đó được che đậy bằng nhiều lý cớ mang màu sắc thuộc linh, nhưng thực chất nó vẫn là nguồn cơn đánh mất sự thiêng liêng, phá vỡ sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Khi chất chứa ý tưởng tranh cạnh và lập phe nhóm trong Hội Thánh, chúng ta đang bộc lộ con người xác thịt của mình và làm điều tội trọng vì phá tán Hội Thánh Đức Chúa Trời.

NỀN TẢNG CHO SỰ HIỆP LÀM MỘT (c. 13-16)

  1. Thân thể của Đấng Christ không thể phân rẽ

Sứ đồ Phao-lô đưa ra một chuỗi lập luận đầy hùng biện: “Đấng Christ bị phân rẽ ra sao? Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh trên cây thập tự thế cho anh em, hay là anh em đã nhân danh Phao-lô mà chịu phép báp-tem sao?”. Câu trả lời cho lập luận đó tất nhiên là không! Đấng Christ không hề bị phân rẽ. Hội Thánh được ví là thân thể của Đấng Christ, thân thể mầu nhiệm ấy không thể bị phân rẽ mà tất cả các chi thể được ràng buộc bằng những cái lắt léo khiến cho lớn lên và khỏe mạnh (Ê-phê-sô 4:16). I Cô-rinh-tô 12:12-13 cũng đã dạy: “Vả, như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Christ khác nào như vậy. Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-tem chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa”. Thật vậy, Hội Thánh Đức Chúa Trời là một cơ thể sống, không thể có sự phân rẽ. Đó là nền tảng để con dân Chúa giữ mình sống hiệp nhất với anh em mình trong mọi hoàn cảnh.

  1. Người Cơ Đốc thật là người kết làm một với thân Chúa

Nối tiếp lập luận nêu trên, sứ đồ Phao-lô muốn chấm dứt sự tranh cãi trong Hội Thánh bằng cách đặt câu hỏi: “Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh trên cây thập tự thế cho anh em, hay là anh em đã nhân danh Phao-lô mà chịu phép báp-tem sao?”. Phao-lô muốn nói rằng không ai có thể cứu chuộc tội nhân, cũng không ai, dù là một người hầu việc Chúa tận trung, có quyền gây ảnh hưởng lớn đến mức làm cho người đã thuộc về Chúa hiểu sai, hiểu lệch và tôn sùng, thay thế vị trí của Chúa. Điều đó chỉ đem đến sự phân rẽ giữa Hội Thánh.

Rô-ma 12:5 chép: “…chúng ta là nhiều người mà hiệp nên một thân trong Đấng Christ, và hết thảy chúng ta đều là các phần chi thể của nhau”. I Cô-rinh-tô 6:17 còn dạy rằng: “ai kết hiệp với Chúa thì trở nên một tánh thiêng liêng cùng Ngài”. Trở thành một Cơ Đốc nhân là trở nên một với Đấng Christ và với thân thể của Ngài. Cho nên, người Cơ Đốc mà phân rẽ với Hội Thánh, với anh em là điều ngược với bản chất của một Cơ Đốc nhân thật trong Hội Thánh.

Thân thể của Đấng Christ không thể bị phân rẽ, một con người thật sự thuộc về Chúa luôn kết hiệp làm một với Ngài, đó là nguyên tắc của sự sống. Những điều mầu nhiệm đó là nền tảng vững chắc cho sự hiệp làm một trong Chúa.

Hiệp làm một không phải là một tùy chọn, mà là một mệnh lệnh mà hết thảy chúng ta, những người đã kinh nghiệm sự cứu rỗi mầu nhiệm của Chúa phải thực hiện. Một người từng ở trong sự phân rẽ, lại được ban cho đặc ân hòa thuận với Chúa và anh em sẽ phải ra sức trân trọng, giữ gìn điều quý giá đó. Để nuôi dưỡng và bảo vệ sự hiệp một đó, mỗi người trong chúng ta phải luôn nhờ ơn Chúa để nỗ lực để sống hòa hợp với Hội Thánh ngay cả khi có những bất đồng. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải luôn luôn che giấu quan điểm của mình nhưng chúng ta cần nhạy bén để biết cách giải quyết những bất đồng, có khả năng nhận biết giữa việc trọng yếu và thứ yếu, khiêm nhường, tôn trọng người khác cũng như sẵn sàng chung tay để cùng nhau gây dựng Hội Thánh Chúa, dù cho ý kiến của mình không được ủng hộ, miễn sao danh Chúa được vinh hiển, Hội Thánh phát triển, ích lợi cho mọi người. Một trong những điều ngăn trở chúng ta bảo vệ và giữ gìn sự hiệp một là chủ nghĩa cá nhân khi tìm kiếm những quyền lợi cho bản thân, muốn được người khác kể công, ghi ơn,… nhưng nếu mỗi chúng ta đều đầu phục Đức Thánh Linh thì mọi bất đồng, ngăn trở sự hiệp một đều tan biến vì tất cả không còn nhìn nhau hay nhìn vào chính mình mà đều cùng nhìn về một hướng.

Nguyện xin Thánh Linh của Chúa sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng của chúng ta, nhắc nhở chúng ta rằng thân thể của Đấng Christ không thể bị phân rẽ và mọi điều chúng ta làm hãy vì sự vinh hiển của Chúa.

MS Nguyễn

(BTMV 35 – Tháng 05/2013)

Bài trướcThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Cụ Ông Y Lơl Niê
Bài tiếp theoHậu Quả của Ngoại Tình – 20/9/2020