“Hãy Nhớ Đến Thiếu Niên Tin Lành!”

15799

Thiếu niên – các em không quá nhỏ như các bé nhi đồng cần phải có ba mẹ kề bên mỗi giây phút. Thiếu niên – các em cũng chưa thật sự đủ mạnh mẽ và vững vàng để đối diện với những thử thách trong đời như các anh chị thanh niên. Nhưng Thiếu niên – các em chính là lứa tuổi chuyển tiếp từ trẻ con sang tuổi trưởng thành. Chính vì thế, ở các em có nhiệt huyết, có trí tuệ, có tâm tư tình cảm, có cả sự ngông cuồng, nổi loạn khiến các bậc phụ huynh hay Hội Thánh phải đau đầu. Có lẽ ở cái tuổi thiếu niên thì “cái tôi” trong con người bộc lộ rõ rệt nhất, hầu hết các em sống đúng theo câu Kinh Thánh chép trong Truyền Đạo 11:9, “Hỡi kẻ trẻ kia…hãy đi theo đường lối lòng mình mong muốn và nhìn xem sự mắt mình ưa thích...” Nhưng đó chỉ là vế đầu. Còn vế sau các em để tạm vào một nơi nào đó không mấy quan tâm đến: “...nhưng phải biết rằng vì mọi việc ấy Đức Chúa Trời sẽ đòi ngươi đến mà đoán xét.”

Các em dường như bị bỏ quên trong Hội Thánh, vì cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” mà còn gây nhiều phiền phức cho người khác. Nhưng thật ra đây là lứa tuổi rất cần sự quan tâm của người lớn hơn hết. Đây cũng là nan đề mà Hội Thánh và cha mẹ cần nên thấu hiểu, sẻ chia và nhớ đến các em.

  1. Chưa có Chúa làm chủ đời sống

Một cuộc khảo sát nhỏ được tạo ra để thăm dò ý kiến của các em thiếu niên ở các Hội Thánh khác nhau về câu hỏi: “Theo em thì thực trạng của thiếu niên Cơ Đốc ngày nay là gì?” Câu trả lời nhận được đều là “… các bạn bị ảnh hưởng quá nhiều vào mạng xã hội (MXH) và không thật sự có Chúa trong đời sống…”

Thật vậy, trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển, ngày nay phần lớn các em đều mang bên mình một chiếc “smartphone”, và kèm theo đó là vài tài khoản cá nhân trên MHX, đặc biệt là Facebook. Các em xây dựng một tượng đài cho chính mình trên những trang MXH và xem đó là lí tưởng sống mỗi ngày của mình. Thiếu niên đã vô tình phạ0m lỗi thờ thần tượng, mà không biết, vì không ai nói cho các em biết. Mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên là mở mắt, việc kế tiếp là tìm xem điện thoại nằm ở đâu để truy cập vào MXH xem có “biến” gì xảy ra hay không. Rồi cứ cách vài phút các em “update” trang cá nhân của mình bằng những “status”, những hình ảnh “câu like”, trừ khi phải làm việc gì đó nếu không thì cứ mãi cúi mặt vào điện thoại. Đến cuối ngày, “lướt web” chán chường rồi lại lăn ra ngủ. Tuổi thơ ấu, các em được ba mẹ dạy rằng sáng thức dậy là thưa chuyện với Chúa, dâng ngày mới trong sự tể trị của Ngài, đến tối trước khi ngủ thì trình dâng mọi sự lên cho Ngài qua lời cầu nguyện. Các em quan tâm nhiều hơn về mối liên hệ giữa mình với các bạn, với những đề tài mình yêu thích và có thể ngồi nói với nhau hằng ngày hằng giờ về nó. Nhưng các em không thể có thời gian để nói chuyện với Chúa hay là tĩnh nguyện riêng với Ngài.

Có lẽ Lời Chúa quá khô khan chán ngắt, hoặc quá cao siêu với các em chăng? Hay là thưa chuyện với Chúa chỉ là nhiệm vụ, để biến mình thành một đứa trẻ ngoan đạo chứ không hề biết đó là hơi thở thuộc linh của mình? Ngày Chúa nhật, cùng với chiếc điện thoại các em đến nhà thờ có lẽ do Kinh Thánh và Thánh Ca có vẻ hơi nặng, nên các em “tải apps” về điện thoại thế là vừa gọn nhẹ lại vừa tiện lợi. Chúa Nhật không có gì khác với các em, chỉ khác ở chỗ là được gặp bạn bè ở đó, rồi lại đùa vui các kiểu bàn tán về những giá trị đời này. Những câu chuyện xoay quanh chủ đề phải mặc gì cho hợp thời, phải xài gì cho sành điệu, chiếc điện thoại nào mới ra và giá cả của nó v..v…Ôi thôi là bao nhiêu chuyện. Con cái Chúa thì phải “sống đạo giữa đời”, nhưng ngày nay thiếu niên đang cố tình “đem đời vào đạo”!

  1. Đang đắm mình vào thế giới ảo

Thế giới ảo khiến các em rụt rè hơn hẳn, chẳng muốn tham gia vào các hoạt động của Ban Thiếu Niên nữa. Ngay cả giờ thờ phượng Chúa, các em cũng chẳng muốn ca ngợi Chúa hết lòng. Đơn giản là việc bước ra khỏi nhà để xem mọi vật, mọi người ở xung quanh mình ra sao, các em cũng chẳng quan tâm. Cái ốc đảo mà các em đang sống quá rộng lớn chăng, hay các em đang cố thu mình trơ trọi ở đó. Trong khi 7,5 tỉ người ngoài kia đang chờ đợi các em đem Tin Lành đến, đem bình an đến cho họ, mà chính bản thân các em lại đang vùi dập mình trong game, trong MXH, trong cái vỏ bọc của mình. Các em đang bị MXH trói chặt tay chân của các em, các em đang làm nô lệ cho những điều đó.

Có em vì cha mẹ hay cãi nhau, thiếu đi tình thương, sự quan tâm của gia đình, nên các em tìm đến nơi có thể gửi gắm nổi lòng. Nhưng các em đã chọn sai đối tượng để giải bày nên  bị cuốn vào tệ nạn xã hội, bị lôi kéo xa Chúa hơn. Các em lao vào cái gọi là “yêu” vì bị hấp dẫn bởi các bạn khác phái ở thế gian và sống buông thả theo ý mình. “Yêu” được vài tuần, vài tháng thì chia tay. Mọi việc chỉ để các em thể hiện bản thân mình, chứng tỏ mình không thua kém ai “ai sao tui vậy”.

  1. Học quá mức

Bên cạnh đó một số em được gia đình “quan tâm” đến mức phải chú tâm học. Học ở trường, học thêm ở nhà, lại phải học đàn, học hát, học võ, học bơi… Chẳng qua là ba mẹ muốn các em trở thành người xuất sắc nhất theo cách của ba mẹ, nhưng ba mẹ đâu hiểu các em mệt mỏi và stress cỡ nào. Tháng ngày người ta nghỉ hè, thì các em vùi đầu vào sách vở, nhất là mấy cái kì tuyển sinh ập đến, học đến nổi tàn phai nhan sắc! Vậy nên mỗi khi đến nhà Chúa các em đem những sự mệt mỏi bất an, lo lắng của mình đến, nhưng thay vì trình lên cho Chúa thì các em giải quyết theo cách riêng của mình. Một là im lặng, ở đó hết giờ rồi về, mọi người nói các em lạnh lùng khó gần. Hai là, ai giảng Lời Chúa cứ giảng, em “giảng” với bạn em, rồi em bị cho là gây ồn, không được anh chị đặc trách ưu ái nữa. Rồi không ai quan tâm, không ai thăm hỏi, các em bỏ nhóm lại như một thói quen.

  1. Kết ước theo cảm xúc

Rồi đến các kì trại hè, hay khoá học Thánh Kinh Căn Bản, hoặc đến với các buổi bồi linh thông công giao lưu với các BTN Hội Thánh khác. Tại đây các em cảm thấy được khích lệ, được an ủi, lấp đầy những lỗ hổng trong đời mình. Các em đã dám đứng lên kết ước dâng cuộc đời mình cho Chúa, cảm thấy tươi mới khi Chúa xóa bỏ mọi tội lỗi mình và hứa nguyện rằng từ nay con sẽ bước đi trong ánh sáng, con sẽ rao danh Ngài khắp mọi nơi…. Đó là chuyện ở trại, ở các khóa học, khi bài giảng của các tôi tớ Chúa chạm đến tấm lòng của các em. Nhưng phải chăng đó chỉ là cảm xúc nhất thời khi mà trở về Hội Thánh, khi trở về nhà riêng, các em lại tiếp tục sống trong vòng luẩn quẩn của tội lỗi cứ phạm tội – ăn năn – rồi lại phạm tội. Có thể các em sẽ có lửa thiêng hừng hực trong lòng, được một, hai tuần, thậm chí một tháng nhưng dần dần lửa lại tắt đi. Rồi các em xem đi trại như một dịp để gặp bạn bè, để đi đây đó, đến với khóa học Thánh Kinh Căn Bản cũng để vui thôi chứ thật sự không tìm kiếm Chúa không biết mục đích của mình là gì. Dần dần thiếu niên sẽ biến mình thành một Cơ Đốc nhân theo mùa, mùa trại, mùa Thánh Kinh Căn Bản… Khi đó những cam kết của các em sẽ trôi về đâu, ai là người giúp các em nhớ lại kết ước của mình với Chúa và hướng các em đi tiếp?

  1. Cần sự quan tâm thật sự từ người lớn

Những người gần gũi các em nhất là ba mẹ, người thân. Nơi nuôi dưỡng tâm linh các em là từ Hội Thánh, từ Lời Chúa. Các bậc phụ huynh nên quan tâm đến con mình nhiều hơn, nhất là về tâm lý và hướng suy nghĩ của con mình. Đừng áp đặt điều mình muốn lên con mình, đừng cố ép con cái làm điều ba mẹ muốn thay vì điều Chúa muốn. Hãy nuôi dạy con bằng tình yêu thương và đức tin nơi Chúa. Hãy là tấm gương để các con noi theo và đối xử với con cái như những người bạn. Đa số các em thiếu niên sẽ thích tâm sự hay nói chuyện với bạn bè của mình hơn là với ba mẹ. Vì thế đừng cố tỏ ra quá nghiêm khắc với các con, chúng sẽ có khoảng cách với ba mẹ đấy. Hãy cầu nguyện cho con cái và nói về tình yêu của Chúa cho các con nghe.

Ba mẹ hãy làm hết sức có thể để gần gũi với con hơn, nhất là ngôi nhà của mình, hãy để nó là nơi tuyệt vời nhất, thoải mái nhất của các con sau những giờ học tập vất vả, có ai muốn về nhà với những tiếng la mắng hay cằn nhằn mãi đâu chứ!  Ba mẹ cũng hãy tôn trọng ý kiến của các con. Dù biết rằng mọi quyết định là của người lớn nhưng thiếu niên rất muốn bày tỏ quan điểm của mình. Hãy tạo cơ hội để con cái không cảm thấy mình dư thừa trong việc gia đình.

Thiếu niên rất dễ bị tổn thương bởi lời nói, vì thế ba mẹ đừng cứ mãi nói con mình là vô dụng, hay chả làm được tích sự gì, suốt ngày ăn chơi. Ai cũng có ưu điểm và khuyết điểm mà, sao ba mẹ không nhìn vào ưu điểm của con mình và tự hào về điều đó. Có thể con học không giỏi nhưng con đàn hay, con có thể phục vụ nhà Chúa mà. Có thể con không quá thông minh nhưng con biết việc nào là nên làm. Ba mẹ hãy tạo cho con cái có niềm tin vào cuộc sống vào tương lai, thay vì áp đặt con phải học trường này, ngành kia. Hãy nói với con mình rằng: cứ làm hết sức mình và tin cậy nơi Chúa. Thiếu niên không muốn bị kiểm soát quá nhiều, nhưng được quan tâm đúng mực và động viên kịp thời các em sẽ tạo nên những thành công lớn. Gia đình là nơi tốt nhất để các em học về tình yêu, tình thương, cách đối nhân xử thế, … và nhất là con đường các em phải theo là tin nơi Chúa Cứu Thế.

            Hội Thánh cần quan tâm lứa tuổi thiếu niên cách đặt biệt. Đã bao giờ Ban Trị Sự Chấp Sự Hội Thánh ngồi lại và nhìn về Ban thiếu niên của Hội Thánh đang như thế nào chưa? đáng mừng, hay thật đáng buồn? Có những chương trình, những dự định các em muốn thực hiện nhưng không thể vì không được cho phép. Có những chuyện các em muốn tâm sự muốn giải bày nhưng không biết nói cùng ai vì không có đặt trách. Anh chị hay cô chú đặt trách là những người rất quan trọng. Chẳng những phải có tâm mà còn phải có tầm để gắn bó với thiếu niên để buộc mình vào chức vụ. Tính cách mỗi em mỗi khác, hoàn cảnh mỗi đứa khác nhau, vậy mà Hội Thánh có mấy ai quan tâm lớp trẻ này. Đặt trách không phải là chăn một đứa mà là chăn cả bầy, là người nối kết giữa thiếu niên với Hội Thánh. Thiếu niên sẽ không được góp phần vào công việc nhà Chúa nếu không cho các em cơ hội, và không thấy mình có trách nhiệm gì cả.

Hội Thánh cũng nên tạo sân chơi để các em thể hiện mình qua các môn thể thao hay các hoạt động đội nhóm để phá bỏ sự rụt rè và kết thêm nhiều bạn. Việc khích lệ các em học Lời Chúa là vô cùng quan trọng, phải có nền tảng Lời Chúa thật chắc thì các em mới đủ sức chống lại cám dỗ đời này và vượt qua những thách thức đức tin. Hãy quan tâm tuổi thiếu niên nhiều hơn và lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của các em để mầm xanh phát triển, các em sẽ khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta. Hãy dạy các em biết làm sáng danh Chúa ở nơi học nơi chơi để việc chia sẻ niềm tin không phải là một khái niệm gì đó xa vời mà sẽ là nhiệm vụ mà các em thực hiện cách vui thỏa không hề do phàn nàn hay ép uổng.

Thiếu niên, các em cần biết mục đích sống của mình là gì. Thiếu niên chính là thành phần đông đảo nhất của Hội Thánh. Các bậc phụ huynh hãy dạy dỗ dẫn dắt con mình theo ý Chúa. Những ai là đặc trách thiếu niên hãy thật sự quan tâm các em đừng để các em đến nhà Chúa nghe Lời Ngài và rồi ngủ quên như Ơ-tích. Hãy cầu xin Chúa đồng đi ban sức cho và dùng tình yêu thương của Ngài mà hướng dẫn thiếu niên. Thiếu niên hiện nay đang đứng trước bờ vực của tệ nạn xã hội.

Nguyễn Thanh Nhã

Bài trướcLâm Đồng: Tập Huấn Việc Tổ Chức Giáng Sinh Cho Giáo Viên Thiếu Nhi
Bài tiếp theoƠn Chúa Trên Hội Thánh An Hà – Quảng Nam