HTTLVN.ORG – Khi con người lần đầu tiên đặt chân lên cung trăng, tổng thống Mỹ đã hết lời khen ngợi những phi hành gia và nói rằng đây là một sự kiện lớn nhất trong lịch sử con người. Nhưng Mục sư Billy Graham đã lên tiếng rằng: “Vì trong lúc vui quá nên tổng thống Mỹ nói như vậy, nhưng thật sự thì việc Đức Chúa Trời tìm đến con người mới là sự kiện lớn nhất trong lịch sử con người.” Thật vậy, Đức Chúa Giê-xu giáng sinh là sự kiện vô tiền khoáng hậu. Sự kiện nầy đã chia đôi dòng lịch sử và đem đến phước cho nhân loại.
Từ ngữ “giáng sinh” có nghĩa là từ trên trời cao xuống trần gian thấp hèn. Chỉ duy nhất có một nhân vật trên thế gian nầy và trong cả dòng lịch sử nhân loại được dùng từ “giáng sinh”. Vì tất cả các giáo chủ, nguyên thủ hay các bậc vĩ nhân lỗi lạc cũng đều từ thế gian mà ra. Còn đối với Đức Chúa Giê-xu – Gốc tích của Ngài có từ trước vô cùng. Đấng đến trong thế gian là Đức Chúa Trời – Đấng Tạo hoá.
Nương trên câu Kinh Thánh nền tảng I Ti-mô-thê 1:15a, chúng ta cùng suy gẫm với nhau về việc Chúa Giê-xu đến trong thế gian:
- MỤC ĐÍCH CHÚA ĐẾN TRONG THẾ GIAN
“Đức Chúa Giê-xu Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội…”
Phần đầu câu Kinh Thánh nầy đã bày tỏ cho chúng ta quá rõ ràng về mục đích Chúa đến trong thế gian, đó là “để cứu vớt kẻ có tội”. Ai là “kẻ có tội”? Chắc hẳn có người sẽ nói rằng: “Vậy là Chúa Giê-xu không phải đến vì tôi. Bởi vì tôi không phải là kẻ có tội. Tôi sống rất đạo đức, thiện lành, thậm chí tôi còn thường xuyên làm từ thiện giúp đời giúp người”. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng khi đứng trước mặt Đức Chúa Trời là Vị Thẩm Phán công bình, không ai trong chúng ta có thể chối tội lỗi của mình. Có thể chúng ta không làm những điều đại ác như giết người, cướp của… nhưng trước mặt Đức Chúa Trời, hết thảy chúng ta đều là những tội nhân. Kinh Thánh khẳng định rằng “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 3:23). Nghĩa là con người đã thiếu hụt, không đạt tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời đề ra.
Cảm tạ Đức Chúa Trời, Ngài không để cho nhân loại tuyệt vọng trong tội lỗi của mình. Lời Chúa trong Lu-ca 19:10 đã chép: “Bởi Con người (là Đức Chúa Giê-xu) đã đến tìm và cứu kẻ bị mất.” Đây là mục đích Chúa đến trần gian. Chữ “mất” trong câu Kinh Thánh nầy không có nghĩa là bị kết án mà là đang ở sai chỗ. Chính tội lỗi đã và đang làm cho nhân loại lầm lạc, đi ra khỏi chỗ riêng tốt đẹp của mình, để ở vào chỗ không đúng.
Chúng ta không ai có thể tự cứu mình. Chúng ta cần một Cứu Chúa. Tuyên ngôn quan trọng của Tin Lành là: Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đến thế gian để cứu vớt kẻ có tội. Chúa Giê-xu không phải từ thế gian ra nên mới có thể cứu những tội nhân trong thế gian.
Từ ngữ “cứu vớt” có nghĩa là Ngài đem kẻ có tội ra khỏi sự đoán xét, định tội, được kể như người vô tội, được giải phóng tự do, được sự sống mới và sự sống đời đời. Chỉ có Chúa Cứu Thế mới có đủ quyền để cứu vớt nhân loại, và Ngài cứu vớt toàn vẹn tất cả những ai tin nhận Ngài.
- SỰ BẢO ĐẢM CHO SỰ KIỆN CHÚA ĐẾN TRONG THẾ GIAN
Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh rằng việc Chúa Giê-xu đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội “ấy là lời chắc chắc”. Nghĩa đây là một tuyên ngôn chắc chắn, chính xác và đáng tin nhận, không có gì nghi ngờ và lý luận gì cả.
Có ba sự bảo đảm cho việc Chúa Giê-xu đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội là chắc chắn:
Thứ nhất, Chúa Giê-xu đến trong thế gian không phải là một sự tình cờ mà là kế hoạch đời đời của Ngài đã được định từ trước buổi sáng thế. Việc Chúa Giê-xu giáng sinh được ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã được các tiên tri tuyên báo trước hàng trăm năm.
Tiên tri Ê-sai đã tuyên báo 700 năm trước Chúa Giê-xu giáng sinh: “Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ lùng, là Đấng Mưu luận, là Đức Chúa Trời Quyền năng, là Cha Đời đời, là Chúa Bình an.” (Ê-sai 9:5)
Thứ hai, đó là sự bảo đảm từ lịch sử. Sự kiện Đức Chúa Giê-xu giáng sinh không phải là câu chuyện ngụ ngôn, cổ tích nhưng là sự thật lịch sử đã được chứng minh. Sự kiện ấy trọng đại đến nỗi chia chia đôi dòng lịch sử nhân loại: Trước Công nguyên (Trước Chúa) và Sau Công nguyên (Sau Chúa). Nghĩa là người ta lấy sự kiện Chúa Giê-xu sinh ra làm niên đại cho lịch sử thế giới.
Sự bảo đảm thứ ba đến từ lời chứng của rất nhiều người mà một nhân vật nổi bật trong số đó là Phao-lô, một học giả uyên bác và đầy lý luận. Phao-lô đã nói: “…trong những kẻ có tội đó ta là đầu” (I Ti-mô-thê 1:15b). Ông tự nhận mình là kẻ phạm tội nặng nhất. Và chính tin mừng về sự cứu vớt của Chúa Giê-xu đã biến đổi cuộc đời ông. Phao-lô là người vốn bắt bớ những người tin theo Tin Lành. Ông chính là “chứng nhân” sống động của một tội nhân được biến đổi:
Ta ngày trước vốn là người phạm thượng, hay bắt bớ, hung bạo, nhưng ta đã đội ơn thương xót, vì ta đã làm những sự đó đương lúc ta ngu muội chưa tin… Đức Chúa Giê-xu Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy; trong những kẻ có tội đó ta là đầu. Nhưng ta đã đội ơn thương xót, hầu cho Đức Chúa Giê-xu Christ tỏ mọi sự nhịn nhục của Ngài ra trong ta là kẻ làm đầu, để dùng ta làm gương cho những kẻ sẽ tin Ngài được sự sống đời đời.” (I Ti-mô-thê 1:13, 15-16)
- ĐÁP ỨNG CỦA NHÂN LOẠI KHI CHÚA ĐẾN TRONG THẾ GIAN
“Đức Chúa Giê-xu Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy; …” (I Ti-mô-thê 1:15a)
Đức Chúa Giê-xu đã đến trong thế gian để tìm và cứu toàn thể nhân loại, không phân biệt dân tộc, quốc gia, giai cấp, thành phần xã hội nào… Món quà đã được ban cho còn đáp ứng thế nào thì ở nơi quyết định của từng người. Đức Chúa Trời ban cho con người có ý chí tự do, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, có quyền quyết định tin hay không tin Ngài. Nhưng hãy nhớ rằng sự lựa chọn và quyết định của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến số phận cuộc đời mình, và chúng ta phải chịu trách nhiệm với quyết định đó.
Vì thế, trước sự kiện Chúa đến trong thế gian, hoặc là bạn TIN NHẬN, hoặc là bạn KHƯỚC TỪ. Thật đáng tiếc và đáng buồn khi mỗi năm cứ đến tháng 12, nhiều người nô nức đón Giáng sinh nhưng họ chỉ đi dự lễ, xem lễ để đông vui, náo nhiệt nhưng không tin nhận và đón mời Chúa giáng sinh vào tấm lòng.
Chúa đã đến trong thế gian để cứu vớt cuộc đời mỗi chúng ta… đây là lời chắc chắn. Thật đáng để mỗi chúng ta đón nhận với cả lòng tin trọn vẹn. “Lòng tin trọn vẹn” nghĩa là không có một chút lăn tăn, nghi ngờ gì cả. Đến với Chúa, đừng ai trong chúng ta chỉ tin nửa vời, bán tín bán nghi hay còn tin một cách mập mờ.
Hàng tỉ người trên trái đất đã nhận biết và tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa và Chủ của đời sống mình, từ đó kinh nghiệm phước hạnh và sự sống đời đời Chúa ban. Dầu vậy, vẫn còn quá nhiều người chưa nhận biết Chúa đã đến trong thế gian là để cứu vớt họ khỏi tội lỗi, nên họ vẫn thờ ơ vô cảm đối với tình yêu của Ngài.
Kết luận:
“Đức Chúa Giê-xu Christ đã đến trong thế gian” cách đây hơn hai ngàn năm để viếng thăm nhân loại giữa sự bất lực của con người trong sự tìm kiếm Ngài. Vì con người không thể tìm và thấy được Ngài, nên Ngài đã trở thành người, sống giữa con người và chỉ có Đấng vô tội mới có chết thế tội cho con người.
Điều quan trọng mỗi chúng ta phải nhận biết mình là một tội nhân, vì tội nhân thì mới cần Đấng cứu vớt mình. Ai còn đang lầm lạc và đắm chìm trong tội lỗi hãy đến với Chúa Giê-xu ngay hôm nay để được Ngài tha thứ và ban cho sự sống đời đời. Đừng để Chúa đến thế gian, mà chúng ta không tìm gặp được Ngài. Đừng để một mùa Giáng sinh nữa trôi qua, mà cuộc đời chúng ta vẫn vô nghĩa và sống trong tuyệt vọng vì chưa được Ngài “cứu vớt”!
Mỗi mùa Giáng sinh đến là dịp để chúng ta kỷ niệm sự Giáng sinh của Đức Chúa Giê-xu, nhưng cũng là dịp để chúng ta cùng ôn lại và cảm xúc sâu xa trước tình yêu và sự cứu chuộc của Ngài trên cuộc đời mỗi chúng ta. Từ đó, chúng ta có thể đồng thanh với sứ đồ Phao-lô rằng: “Chúng ta đã đội ơn thương xót của Chúa” (I Ti-mô-thê 1:16).
Lê-vi