Bí Quyết Để Không Bị Stress Theo Lời Chúa

4459

(Kinh Thánh: Phi-líp 4:4-13)

Trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng gặp nhiều áp lực từ công việc, vấn đề tài chánh đến các mối quan hệ… Những điều nầy có thể dẫn đến stress. Stress là điều ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại. Hầu hết chúng ta đều trải qua stress ít nhất một lần trong đời, và trên thế giới có đến 70% người trưởng thành bị stress mỗi ngày.

Stress theo nghĩa tiếng Anh là căng thẳng, gốc là từ tiếng Latinh stringere nghĩa là “kéo căng”. Còn theo tâm lý học giải thích thì đây là một cảm giác căng thẳng và dồn ép.[1] Theo Y học, stress là một nhóm những phản ứng bên trong cơ thể (như căng cơ, tăng nhịp tim, nhịp thở, tăng lượng đường trong máu…) trước áp lực hay yếu tố tác động bên ngoài. Từ đó, đưa đến một nhóm phản ứng chống stress (như kháng viêm, kháng dị ứng, ổn định natri trong máu…).

Về mặt cảm xúc, stress gây cảm giác bức bối, rối bời. Người bị stress cũng trở nên nhạy cảm, dễ nổi cáu hoặc xúc động với những thứ xung quanh hơn lúc bình thường.[2] Stress được coi là một chứng bệnh tâm lý bởi nó ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của người bệnh bao gồm: Hành vi, cảm xúc, nhận thức và thể chất. Vì thế, nếu không thể tìm cách giải quyết nguyên nhân gây ra stress của mình thì dần dần stress sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, các mối quan hệ của chúng ta và nguy hiểm hơn là có thể dẫn đến bệnh trầm cảm.

Stress không miễn trừ ai, kể cả Cơ Đốc nhân. Vậy, làm thế nào để giữ cho tinh thần không bị stress và bản thân luôn cảm thấy thư thái, vui vẻ mỗi ngày? Mỗi khi bị stress, nhiều người thường “xã stress” bằng các hình thức giải trí, chơi thể thao hoặc các biện pháp y học… nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời, có thể được thanh thản tâm hồn, lạc quan trong một khoảng thời gian nhất định, rồi sau đó lại phải tiếp tục đối diện với stress. Có rất nhiều phương pháp để giảm stress nhưng không có một phương pháp nào dám bảo đảm sẽ loại hẳn căn bệnh này.

Nhưng trong lời Chúa, có một phân đoạn Kinh Thánh mà Chúa chỉ cho con cái Ngài rất rõ bí quyết để giữ cho tinh thần mình không bị stress. Nguyên tắc đó còn được gọi là “Nguyên tắc Phao-lô” trong thư Phi-líp 4:4-13. Nguyên tắc nầy gồm sáu điều căn bản:

  1. Luôn giữ tinh thần lạc quan

“Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui mừng đi” (4:4).

Dầu đang ở trong tù, Phao-lô viết cho tín hữu tại thành Phi-líp rằng: “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui mừng đi”. Người ở trong tù lại khích lệ, kêu gọi người ở ngoài tù sống vui mừng. Bí quyết để Phao-lô có thể vui mừng trong cảnh lao tù như vậy, đó là do ông luôn ý thức Đức Chúa Trời là sức mạnh của ông, và ngày đêm ở cùng ông.

Chúa cũng đang ở với mỗi chúng ta, và cũng là sức mạnh của chúng ta. Ngài hứa với chúng ta rằng: “Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:20b). Vì thế không có khó khăn nào, nghịch cảnh nào, đau thương nào có thể khiến người thuộc về Chúa đuối sức, thua cuộc, không vượt qua được. Vì Đức Chúa Trời là Đấng toàn năng, Ngài là sức mạnh của chúng ta.

Cơ Đốc nhân chúng ta không được miễn trừ gặp những khó khăn, gánh nặng, âu lo… hoặc những áp lực công việc, học tập có thể khiến chúng ta bị stress. Nhưng hãy sống với tinh thần: Trong ngày sợ hãi, Con sẽ đặt trọn niềm tin nơi Ngài” (Thi Thiên 56:3).

  1. Sống hòa nhã, dung thứ, chấp nhận người khác

“Hãy cho mọi người đều biết nết nhu mì của anh em. Chúa đã gần rồi” (4:5).

Bí quyết tiếp theo để giúp Cơ Đốc nhân có được niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống đó là sống nhu mì, hòa nhã với mọi người, sống bao dung và sẵn sàng tha thứ cho người khác khi họ phạm lỗi với mình. Chúng ta đừng tự gây áp lực cho mình vì những buồn giận. Hãy mở lòng ra với mọi người, chúng ta sẽ thấy cuộc đời tươi đẹp hơn, tâm hồn được thanh thản, nhẹ nhàng và vui sống hơn.

Bởi vì khi chúng ta giận người khác, chúng ta đang tự làm hại chính mình mà thôi. Lời Chúa dạy chúng ta trong Ê-phê-sô 4:26b “…chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn”. Điều Sứ đồ Phao-lô dạy ở đây: Không phải là Cơ Đốc nhân thì không được giận. Vì con người là xác thịt, chúng ta không phải là đá mà không biết giận, biết buồn. Nhưng Chúa không muốn chúng ta nuôi dưỡng cơn giận. “Giận đến mặt trời lặn” không phải hiểu theo nghĩa đen là giận đến chiều tối rồi thôi, nhưng là giận phải có thời điểm hết giận.

Như câu nói: “Giận thì giận, mà thương thì thương”. Hãy sống bao dung, tha thứ cho người khác. Đó là một trong những bí quyết khiến cho tâm hồn chúng ta thanh thản và không bị stress.

  1. Trao gánh nặng, lo phiền cho Chúa qua sự cầu nguyện

Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ” (4:6-7).

Trong cuộc sống, mỗi chúng ta ai cũng sẽ gặp những trở lực, khó khăn, nhiều việc phải lo liệu, phải đương đầu, phải giải quyết trong cuộc sống. Những điều đó khiến chúng ta lo lắng, ưu tư, phiền não, tâm hồn nặng nề, thân thể cũng bị ảnh hưởng như sắc mặt phờ phạc, da trán sớm nhăn nhíu, tóc mau bạc, dạ dày đau nhói .v.v.

Nhưng người biết trao gánh nặng cho Chúa sẽ thoát khỏi những hậu quả của stress mang đến. Bởi vì, người theo Chúa không bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh xung quanh, nhưng nhìn thẳng vào thực tại khách quan để thấy rõ những vấn đề khó khăn cần phải giải quyết, rồi cầu nguyện xin Chúa ban đủ sáng suốt để đưa ra giải pháp hữu hiệu, nỗ lực thực hiện rồi an tâm chờ đợi Chúa lo liệu một cách vui mừng, bình an.

Là Cơ Đốc nhân, chúng ta được an ủi khi biết Đức Chúa Trời quan tâm đến gánh nặng của chúng ta và Ngài sẵn sàng gánh thay để chung ta được yên nghỉ. Chúa Giê-xu phán: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” (Ma-thi-ơ 11: 28). Chúa Giê-xu đến không phải chất thêm gánh nặng cho con người như các giáo chủ khác, nhưng Ngài mang lấy thay những gánh nặng cho con người.

Thi Thiên 55: 22 chép rằng: “Hãy trao gánh nặng của con cho Đức Giê-hô-va Ngài sẽ nâng đỡ con; Ngài sẽ chẳng bao giờ để người công chính bị rúng động” (Thi Thiên 55: 22).

Phương ngôn sống của Phao-lô và của mọi Cơ Đốc nhân đó là “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4: 13). Trong Phi-líp 4: 6, Phao-lô nói đến ba khía cạnh của sự tương giao thân mật với Chúa là cầu nguyện, nài xin và sự tạ ơn. Nếu chúng ta dẹp bỏ sự lo phiền, mà thay bằng sự cầu nguyện, nài xin và sự tạ ơn, thì “sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Giê-xu Christ” (4: 7).

Như Frances Ridley Havergal đã kinh nghiệm: “Tâm ta nương nơi Chúa cha, Hưởng biết bao ơn lành; Chúa hứa ban cho lòng ta, Sống thái nhiên an bình”. Sự bình an của Chúa là liều thuốc bổ cần thiết cho con người trong thời đại ngày nay, khi mà có quá nhiều người bị stress dẫn đến bịnh tâm thần, trầm cảm, suy nhược thần kinh. Thậm chí có nhiều người đã tự tìm đến cái chết vì tuyệt vọng.

  1. Nghĩ đến những điều tốt lành, tích cực

“Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến” (4:8).

Bí quyết tiếp theo để giữ cho tinh thần không bị stress là hãy làm tràn ngập tư tưởng những điều tốt lành, tích cực. Bởi vì những tư tưởng tiêu cực chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến stress. Vậy, nếu có một tư tưởng xấu đến, chúng ta nên lập tức loại bỏ nó bằng cách suy ngẫm về Chúa, về những điều thiện lành.

Những nhà tâm lý và bác sĩ tâm thần ngày nay đã đồng tình với Sứ đồ Phao-lô về vấn đề này. Họ nhấn mạnh sự nguy hiểm của những suy nghĩ tiêu cực. Vì thế, tâm trí chúng ta hãy luôn nghĩ đến những điều chân thật, đáng tôn, công bình, thanh sạch, đáng ưu chuộng, có tiếng tốt, có nhân đức đáng khen. Nếu tâm trí chúng ta tràn ngập những điều này, chắc chắn sẽ không có chỗ cho stress.

Là con cái Chúa tuyệt đối chúng ta đừng để mọi thứ rác (dơ bẩn) còn lưu lại trong cơ thể, tư tưởng của mình. Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, chúng ta đã có lời hứa dường ấy, thì hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ bẩn phần xác thịt và phần thần linh, lại lấy sự kính sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn việc nên thánh của chúng ta” (II Cô-rinh-tô 7:1).

  1. Nhìn thấy mặt phải nơi người khác, nơi hoàn cảnh

“Tôi được rất vui mừng trong Chúa, vì nay anh em lại lo tưởng về tôi lần nữa; anh em vẫn tưởng đến điều đó lắm, nhưng không có dịp tiện” (4:10).

Sau khi viết những lời khuyên nhủ ân cần, Phao-lô lại nhắc đến những món quà thiết thực mà các tín hữu tại Phi-líp đã gởi cho ông để cám ơn họ. Sự quan tâm, giúp đỡ của họ đã làm Phao-lô vui mừng và được khích lệ. Dù có lẽ đã khá lâu ông mới nhận được quà của họ, nhưng Phao-lô cảm thông với họ nên ông nói: “Thật ra anh em vẫn quan tâm, nhưng không có dịp bày tỏ” (c.10b, TTHĐ)

Chúng ta hãy học nơi Phao-lô luôn nhìn thấy mặt phải nơi người khác, nơi hoàn cảnh để không bị bi quan, nhưng sẽ luôn đầy tin yêu và hy vọng trong cuộc sống để bước tiếp trong linh trình theo Chúa và hầu việc Ngài.

  1. Sống thỏa lòng trong mọi hoàn cảnh

“Không phải là tôi muốn nói đến sự cần dùng của tôi; vì tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy. Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được” (4:11-12).

Một trong những nguyên nhân khiến con người bị stress nhiều nhất đó là do gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền”. Chính những vật chất đời này làm cho chúng ta lo lắng. Trong xã hội ngày hôm nay, con người bị chi phối bởi sức mạnh của đồng tiền quá lớn nên thường không bao giờ biết thỏa lòng với hoàn cảnh của mình.

Kinh Thánh chép: “Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng, ấy là một lợi lớn” (I Ti-mô-thê 6:6). Vì thế, mỗi chúng ta hãy dẹp bỏ những gánh nặng vật chất, tập sống thỏa lòng trong mọi hoàn cảnh và với những gì Chúa ban cho trong hiện tại. Khi nào trong con người chúng ta còn những tham vọng, còn những bất mãn, thất vọng, chán nãn… thì lúc đó chúng ta vẫn chưa có sự thỏa lòng. Vì thế chúng ta vẫn sầu não, buồn lo và “ăn không ngon, ngủ không yên”.

Bí quyết để Phao-lô có thể thỏa lòng dù cho gặp cảnh ngộ nào đó là: Ông tin quyết mình đang ở trong ý muốn của Đức Chúa Trời. Ông nói: “…vì tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy.

Phao-lô nhận thức dù mình đang ở đâu, hay đối diện với bất kì hoàn cảnh nào, thì đó là do sự chỉ định của Đức Chúa Trời. Bởi thế ông không bao giờ cảm thấy mệt mỏi, cay đắng, oán than mà ngược lại luôn bình an, vui mừng và thỏa lòng trong Chúa. Đây chính là bí quyết thực tế giúp Cơ Đốc nhân giữ cho tình thần không bị stress thật hữu hiệu.

Là Cơ Đốc nhân chúng ta cũng đang cùng chung sống với nhân loại trong một quả đất với quá nhiều nan đề và sự bất an trên mọi lĩnh vực. Nhất là trong cơn Đại dịch Covid-19 toàn cầu hiện nay, chúng ta phải đối diện với những khó khăn và lo lắng chung. Nhưng là con cái Chúa, hơn ai hết chúng ta có Lời hằng sống của Chúa soi tỏa để chúng ta biết cách đối phó với mọi hoàn cảnh, nan đề. Vì thế, mỗi Cơ Đốc nhân hãy có cách sống, thái độ sống khác với người đời.

Khi sống trong sự hiện diện và dẫn dắt của Chúa toàn năng, chúng ta sẽ kinh nghiệm được một cuộc sống thỏa vui, bình an và thanh thản.

Mỗi ngày cầu xin Chúa ban cho mỗi tôi con Chúa cười nhiều hơn, sống vui mừng hơn, lạc quan hơn, khỏe mạnh hơn và ăn ngon ngủ yên khi áp dụng nguyên tắc Phao-lô vào đời sống của mình.

TĐ Sử Đức Nguyên

Chú thích:

[1]https://vi.wikipedia.org/wiki/Căng_thẳng_(tâm_lý)

[2] https://otiv.com.vn/stress/stress-cang-thang-than-kinh-va-giai-phap-khac-phuc-1114.html

Bài trướcTrung Tín Cầu Nguyện – 3/8/2021
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Cụ Ông Nguyễn Xuân Thụ