Bài 8: Truyền Dạy Kinh Thánh Cho Người Khác

2614

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Trong mấy bài trướctôi đã trình bày cùng quý vị về các hướng dẫn học Thánh Kinh, tôi tin rằng các hướng dẫn này đem lại nhiều hữu ích cho quý vị, và giúp quý vị học Lời Chúa cách hiệu quả, sinh động. Hôm nay tôi xin trình bày thêm hướng dẫn thứ bảy, đó là truyền dạy Kinh thánh cho người khác.

 

7- TRUYỀN DẠY KINH THÁNH CHO NGƯỜI KHÁC

 

Chúng ta không những chỉ đọc Kinh thánh, nghiên cứu Kinh thánh, suy gẫm Kinh thánh, nhưng còn phải truyền dạy Kinh thánh cho người khác. Đó là điều tốt mà tất cả chúng ta nên làm. Đã đến lúc quý vị cần học lời Chúa để chia sẻ cho người khác. Đức Chúa Trời không muốn chúng ta sống xa cách với những người chung quanh, nhưng Ngài muốn chúng ta trở nên người chia sẻ sự hiểu biết Lời Chúa cho những người chung quanh chưa biết. Cho nên chúng ta cần nâng đỡ nhau qua lời Chúa, như sách Hê-bơ-rơ 10:25 viết, “Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy.”

 

 Đức Chúa Trời bảo chúng ta trở nên người làm chứng (Công vụ 1:8) tức là nói lại cho người chung quanh những gì mình đã thấy và nghe. Sứ đồ Phi-e-rơ đã nói lời làm chứng của mình, trong sách Công vụ 2:14-41 ghi lại như sau:

 

 “Bấy giờ, Phi -e-rơ đứng ra cùng mười một sứ đồ, cất tiếng nói với dân chúng rằng: Hỡi người Giu-đa, và mọi người ở tại thành Giê-ru-sa-lem, hãy biết rõ điều nầy, và lắng tai nghe lời ta. Những người nầy chẳng phải say như các ngươi ngờ đâu, vì bây giờ mới là giờ thứ ba ban ngày. Nhưng ấy là điều đấng tiên tri Giô-ên đã nói tiên tri rằng:

 

Đức Chúa Trời phán: Trong những ngày sau rốt, ta sẽ đổ Thần ta khắp trên mọi xác-thịt; con trai và con gái các ngươi đều sẽ nói lời tiên tri, bọn trai trẻ sẽ thấy điềm lạ, và các người già cả sẽ có chiêm bao. Phải, trong những ngày đó, ta sẽ đổ Thần ta khắp trên các đầy tớ trai và gái ta, chúng nó đều nói lời tiên tri; ta lại sẽ tỏ ra sự lạ lùng ở trên trời, và dấu lạ ở dưới đất; tức là máu, lửa, và luồng khói; mặt trời sẽ biến nên tối tăm, mặt trăng hóa ra máu, trước ngày lớn và vinh hiển của Chúa chưa đến; và lại ai cầu khẩn danh Chúa thì sẽ được cứu.

 

Hỡi người Y-sơ-ra-ên, hãy nghe lời nầy: Đức Chúa Giê-xu ở Na-xa-rét, tức là Người mà Đức Chúa Trời đã dùng làm việc quyền phép, sự lạ và dấu lạ ở giữa các ngươi, để làm chứng cho Người trong vòng các ngươi, như chính các ngươi đều biết. Người đó bị nộp, theo ý định trước và sự biết trước của Đức Chúa Trời, các ngươi đã mượn tay độc ác mà đóng đinh Người trên thập tự giá và giết đi. Nhưng Đức Chúa Trời đã khiến Người sống lại, bứt đứt dây trói của sự chết, vì nó không thể giữ Người lại dưới quyền nó. Bởi chưng vua Đa-vít có nói về Người rằng:

 

Tôi từng thấy Chúa ở trước mặt tôi luôn, vì Ngài ở bên hữu tôi, hầu cho tôi chẳng bị rúng động chút nào. Bởi cớ đó, lòng tôi vui vẻ, lưỡi tôi mừng rỡ, và xác thịt tôi cũng sẽ yên nghỉ trong sự trông cậy; vì Chúa sẽ chẳng để linh hồn tôi nơi âm phủ, và chẳng cho Đấng Thánh của Ngài hư nát đâu. Chúa đã cho tôi biết đường sự sống; cũng sẽ cho tôi đầy lòng vui mừng trước mặt Ngài.

 

Hỡi anh em, ta thật có thể nói cách vững vàng với anh em về tổ Đa-vít rằng người đã chết và chôn rồi, ngày nay mồ mả người còn ở giữa chúng ta. Nhưng, vì người là đấng tiên tri, và biết Đức Chúa Trời đã thề hứa với người sẽ cho một hậu tự người ngồi trên ngai mình, thì người đã thấy trước và nói trước về sự sống lại của Đấng Christ rằng: Ngài chẳng bị để nơi âm phủ, và xác thịt Ngài chẳng thấy sự hư nát. Đức Chúa Giê-xu nầy, Đức Chúa Trời đã khiến sống lại, và chúng ta thảy đều làm chứng về sự đó. Vậy, sau khi Ngài đã được đem lên bên hữu Đức Chúa Trời, và từ nơi Cha đã nhận lấy Đức Thánh Linh mà Cha đã hứa ban cho, thì Ngài đổ Đức Thánh Linh ra, như các ngươi đương thấy và nghe. Vì vua Đa-vít chẳng hề lên trời, nhưng chính người có nói: Chúa đã phán cùng Chúa tôi rằng: Hãy ngồi bên hữu ta, cho đến chừng nào ta để kẻ thù nghịch ngươi dưới chơn ngươi, đặng làm bệ cho ngươi. Vậy, cả nhà Y-sơ-ra-ên khá biết chắc rằng Đức Chúa Trời đã tôn Giê-xu nầy, mà các ngươi đã đóng đinh trên thập tự giá, làm Chúa và Đấng Christ.

 

Chúng nghe bấy nhiêu lời, trong lòng cảm động, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: Hỡi anh em, chúng ta phải làm chi? Phi-e-rơ trả lời rằng: Hãy hối cải, ai nấy phải nhơn danh Đức Chúa Giê-xu chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh. Vì lời hứa thuộc về các ngươi, con cái các ngươi, và thuộc về hết thảy mọi người ở xa, tức là bao nhiêu người mà Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta sẽ gọi. Phi-e-rơ lại lấy nhiều lời giảng nữa mà giục lòng và khuyên lơn chúng rằng: Các ngươi khá cứu mình thoát khỏi giữa dòng dõi gian tà nầy! Vậy, những kẻ nhận lời đó đều chịu phép báp-tem; và trong này ấy, có độ ba ngàn người thêm vào Hội thánh.

 

Lời làm chứng, chia sẻ của Phi-e-rơ rất là hiệu quả, đã giúp cho người nghe hiểu biết và tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu.

 

Chúa không bảo chúng ta trở thành học giả đầy sự hiểu biết, hay chuyên gia hay người nhớ sách. Chúa không muốn chúng ta giấu lẽ thật trong sách, hay trong lòng, nhưng Ngài muốn chúng ta chia sẻ những gì mình học biết về Kinh thánh cho người xung quanh.

 

Có người cho rằng giáo dục là tiến trình để truyền đạt kiến thức, tin tức từ thầy cô đến học sinh. Các lẽ thật của Kinh thánh cũng cần được truyền đạt cho người chưa biết, cho nên sẽ không thực tiễn nếu không được chia sẻ. Ngày nay chúng ta được kêu gọi trở nên người làm chứng sự cứu rỗi, người chia sẻ, truyền dạy Thánh Kinh.

 

Giảng dạy Lời Chúa là điều rất quan trọng và cần thiết cho người hầu việc Chúa và cho bất cứ ai hiểu biết Lời Chúa, vì ý muốn của Đức Chúa Trời là Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết chân lý. (I Ti-mô-thê 2:4)

 

Đức Chúa Giê-xu khởi đầu chức vụ của Ngài qua việc giảng Tin lành, trong suốt ba năm chức vụ của Ngài, “Đức Chúa Giê-xu đi khắp các thành, các làng, dạy dỗ trong các nhà hội, giảng Tin lành nước Đức Chúa Trời, và chữa lành các thứ tật bịnh.” (Ma-thi-ơ 9:35)

 

Chúa Giê-xu xác nhận, việc truyền dạy cho dân chúng là một trong những trọng tâm trong công tác của Chúa Giê-xu. Ngài phán: “Chúng ta đi nơi khác, trong những làng xung quanh đây, để ta cũng giảng đạo ở đó nữa; vì ấy là cốt tại việc đó mà ta đã đến.” (Mác 1:38)

Cho nên trước khi về trời, Chúa Giê-xu ban mạng lịnh trọng yếu cho các môn đồ Ngài: “Đức Chúa Giê-xu đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế. (Ma-thi-ơ 28:18-20)

 

Trải qua 20 thế kỷ, con dân Chúa và Hội Thánh Chúa đã vâng theo lời Chúa phán bảo mà truyền dạy cho muôn người, nhờ đó mà người Việt chúng ta ngày nay, quý vị và tôi, mới biết các chân lý Thánh Kinh, xin chúng ta hãy tiếp tục vâng theo ý Chúa và theo gương của các thánh đồ mà tiếp tục truyền dạy Kinh thánh cho người chưa biết.

 

Thư I Phi-e-rơ 2:9 dạy: “Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhơn đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài.”

 

Vì hiện nay còn rất nhiều người chưa biết Lời Chúa, chưa tin Chúa, cho nên chúng ta cần nỗ lực càng hơn, bởi vì: “…họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao?Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao giảng thể nào? Như có chép rằng: Những bàn chơn kẻ rao truyền Tin Lành là tốt đẹp biết bao!” (Rô-ma 10:14-15)

 

Muốn truyền dạy Lời Chúa có kết quả thì trước hết quý vị và tôi cần phải học Lời Chúa, cần khả năng và ân tứ.

 

Truyền dạy Kinh thánh cho người khác tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mỗi người, và thường được dạy trong ba phạm vi như sau:


1) Dạy dỗ trong gia đình

 

Ân tứ dạy dỗ đôi khi Chúa chỉ ban cho để dạy dỗ con cái trong gia đình, như Lô-ít và Ơ-nít là bà ngọai và mẹ của Ti-mô-thê (II Ti-mô-thê1:5). Ti-mô-thê đã học Kinh thánh với bà ngoại và mẹ khi còn thơ ấu, vì biết Kinh thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Giê-xu Christ. Ước mong các bậc cha mẹ chịu khó học Kinh thánh, hiểu biết Kinh thánh và nhận biết Kinh thánh khiến con cái mình khôn ngoan, với lòng ước mong con cái mình sống trong đức tin của Lời Đức Chúa Trời.

 

2) Dạy dỗ từng người

 

Có người có ân tứ chỉ dạy dỗ từng người như A-qui-la và Bê-rít-sin dạy dỗ A-bô-lô. Sách Công vụ các sứ đồ 18:24-28 ghi lại rằng:

 

“Bấy giờ có một người Giu-đa tên là A-bô-lô, quê tại thành A-léc-xan-tri, là tay khéo nói và hiểu Kinh thánh, đến thành Ê-phê-sô. Người đã học đạo Chúa; nên lấy lòng rất sốt sắng mà giảng và dạy kĩ càng những điều về Đức Chúa Giê-xu, dẫu người chỉ biết phép báp-tem của Giăng mà thôi. Vậy, người khởi sự giảng cách dạn dĩ trong nhà hội. Bê-rít-sin và A-qui-la nghe giảng, bèn đem người về với mình, giải bày đạo Đức Chúa Trời cho càng kỹ lưỡng hơn nữa.”

 

Chắc chắn là ông bà A-qui-la trước đây đã được học Kinh thánh nơi Phao-lô, sau đó ông bà truyền dạy lại cho A-bô-lô. Tôi mong ước quý vị có thể chia sẻ, hay dạy những gì mình biết về Kinh thánh cho một người bạn, một người bà con, hay một người quen, trong cơ hội thuận tiện hằng ngày.

 

3) Dạy dỗ nhiều người

 

Chúa cũng cho một số người có ân tứ dạy dỗ cho nhiều người, như dạy Kinh thánh trong các lớp Trường Chúa Nhật, dạy Kinh thánh cho các nhóm tư gia, dạy trong các lớp Thánh Kinh mùa hè, dạy trong các khóa Thánh Kinh đoản kỳ, hay dạy trong các trường Kinh thánh, trong viện thần học.

 

Ân tứ truyền dạy Kinh thánh rất cần thiết cho sự lớn lên của con cái Chúa và sự phát triển Hội Thánh. Chúa nhắc nhở những ai có ân tứ dạy dỗ thì hãy chăm mà dạy dỗ (Rô-ma 12:7).

 

Người truyền dạy Kinh thánh là người gieo hạt giống đạo ra cho mọi người, khi gặp nơi đất tốt hay tấm lòng tốt, lòng mềm mại thì nó sẽ nẩy nở và đơm bông kết trái. Người truyền dạy Kinh thánh là người nuôi dưỡng, vì Lời Chúa ví như thức ăn hay sữa thiêng liêng để gây dựng đời sống tâm linh. Nhờ Lời Chúa mà người nghe, người học trở nên trưởng thành và đứng vững trong đức tin.

 

Nếu quý vị là người chưa biết nhiều về Kinh thánh, quý vị có thể giới thiệu cho bạn hữu mình đọc chương Tìm Hiểu Thánh Kinh này, hay chia sẻ lại cách đơn sơ những gì mà quý vị biết được trong những thời gian qua, tôi tin rằng lời chia sẻ của quý vị sẽ đem lại hữu ích cho người nghe. Hoặc một gợi ý khác nữa là quý vị mời bạn mình đến nhà thờ Tin lành địa phương để nghe mục sư giảng Kinh thánh.

 

Trong sách Công vụ các sứ đồ 22:3-16 ghi lại lời làm chứng về đời sống của Phao-lô để biện hộ với những người tra hỏi ông như sau:

 

“Tôi là người Giu-đa, sanh tại thành Tạt-sơ, trong sứ Si-li-si, nhưng nuôi tại đây, trong thành nầy, học nơi chơn Ga-ma-li-ên, đúng theo trong luật pháp của tổ phụ chúng ta. Vốn tôi đầy lòng sốt sắng vì Đức Chúa Trời, cũng như các ngươi hôm nay vậy. Tôi từng bắt bớ phe nầy cho đến chết, bất kỳ đờn ông đờn bà, đều xiềng lại bỏ và bỏ tù: về điều đó, thầy cả thượng phẩm cùng cả hội đồng trưởng lão đều làm chứng cho tôi; vì bởi những người đó mà tôi nhận được các thơ gởi cho anh em thành Đa-mách, là nơi tôi toan đi, đặng bắt trói những người ở đó dẫn về thành Giê-ru-sa-lem để xử phạt. Vả, lúc tôi đương đi đường, gần đến thành Đa-mách, độ ban trưa, thình lình có ánh sáng lớn, từ trên trời giáng xuống, soi sáng chung quanh mình tôi. Tôi té xuống đất, và nghe có tiếng phán cùng tôi rằng: Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, làm sao ngươi bắt bớ ta? Tôi trả lời rằng: Lạy Chúa, Chúa là ai? Ngài phán: Ta là Giê-xu ở Na-xa-rét mà ngươi đương bắt bớ đây. Những kẻ đi với tôi thấy ánh sáng rõ ràng, nhưng chẳng nghe tiếng của Đấng phán cùng tôi. Tôi bèn thưa: Lạy Chúa, tôi phải làm chi? Chúa đáp rằng: Hãy chờ dậy, đi đến thành Đa-mách, ở đó người ta sẽ nói mọi điều đã truyền cho ngươi làm. Bởi cớ sự chói lói của ánh sáng đó, thì tôi chẳng thấy được, nên những kẻ cùng đi nắm tay dắt tôi đến thành Đa-mách.

 

Tên A-na-nia kia, là người nhơn đức theo luật pháp, được các người Giu-đa trú tại Đa-mách đều làm chứng tốt, có đến tìm tôi; người đứng trước mặt tôi mà nói rằng: Hỡi Sau-lơ, anh tôi, hãy sáng mắt lại. Liền một lúc, tôi được sáng mắt, và xem thấy A-na-nia. Đoạn, người nói với tôi rằng: Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng ta đã định cho anh được biết ý muốn Chúa, được thấy Đấng Công bình và nghe lời nói từ miệng Ngài. Vì anh sẽ làm chứng cho Ngài trước mặt mọi người, về những việc anh đã thấy và nghe. Bây giờ, anh còn trễ nải làm chi? Hãy chờ dậy, cầu khẩn danh Chúa mà chịu phép báp-tem và làm sạch tội lỗi mình đi.”

 

Kinh thánh là lời hằng sống của Đức Chúa Trời, người biết Kinh thánh không phải chỉ giữ riêng cho chính mình, nhưng cần chia sẻ cho người khác để họ cũng biết như mình. Đó là điều mà tôi thấy khác với những người có sự hiểu biết về chuyên môn, kỹ thuật, nghề nghiệp v.v.. Muốn được người khác dạy mình thì phải trả công, trả lệ phí. Nhưng đối với Lời Chúa, vì chúng ta được ban cho cách nhưng không, vì thế chúng ta cần chia sẻ lại cho người khác cách miễn phí. Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho những ai có lòng sốt sắng truyền dạy Kinh thánh.

 

Có một gia đình gặp nhiều việc âu lo xảy ra, vì chồng bị bịnh, con đi xa nhà. Hai người bạn trong hội thánh đến thăm. Hai người bạn này đọc một đoạn Kinh thánh với gia đình và chia sẻ cho họ ý nghĩa của đoạn Kinh thánh, rồi cầu nguyện với họ. Đến lúc ra về hai bạn này thấy đôi vợ chồng mà họ đến thăm có được sự vui mừng, làm cho họ cũng được vui mừng.

 

Lời Chúa có năng quyền và ích lợi cho người nghe, cho nên quý vị và tôi, chúng ta hãy chia sẻ, truyền đạt lại những gì chúng ta hiểu biết cho những người xung quanh đang cần, vì “Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.” (II Ti-mô-thê 3:16-17)

 

Khi giảng dạy Kinh thánh cần kiên nhẫn trong mọi hoàn cảnh, như lời của Phao-lô nhắc nhở: “Hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi.” (II Ti-mô-thê 4:2)

 

Tôi mong rằng khi bền tâm giảng dạy, chia sẻ Lời Chúa, sẽ có một ngày quý vị thấy kết quả vui mừng trong công khó của mình.

 

Một kinh nghiệm nữa mà tôi thấy là khi một người có lòng chia sẻ Kinh thánh cho người khác, họ lại biết nhiều thêm về Lời Chúa, bởi vì trước khi chia sẻ, người ấy phải học và chuẩn bị.

 

Mục sư Vernon McGee có kinh nghiệm nầy khi ông ta còn ở chủng viện, ông làm công tác mục vụ cho một hội thánh nhỏ, giống như năm người bạn khác. Đến khi tốt nghiệp, họ đã trổi hơn những người bạn khác cùng lớp. Tại sao? Có phải là họ thông minh hơn những người khác không? Không phải vậy. Nhưng vì họ đã truyền đạt lời Chúa cho người khác.

 

Tôi và quý vị cảm tạ Đức Chúa Trời vì Ngài ban cho loài người chúng ta Lời Ngài là Kinh thánh. Tôi mong ước quý vị chia sẻ lại những gì quý vị đã học biết về Kinh thánh cho những người chung quanh.

 

Tôi đã trình bày cho quý vị bảy hướng dẫn căn bản để học hỏi lời của Chúa, đó là:

 

1- Bắt đầu bằng lời cầu nguyện

 2- Đọc Kinh thánh

 3- Học Kinh thánh

 4- Suy gẫm Kinh thánh

 5- Đọc sách giải nghĩa Kinh thánh

 6- Vâng theo lời Kinh thánh

 7- Truyền dạy Kinh thánh cho người khác

 

Trong bài học sau, chúng ta sẽ khởi sự học sách đầu tiên của Kinh thánh đó là sách Sáng thế Ký.

 

Bài trướcHuấn Luyện Nhân Sự Truyền Giáo Tại Tỉnh Kiên Giang.
Bài tiếp theoLễ Bổ Nhiệm Tân Quản Nhiệm Hội Thánh Tin Lành QUI NHƠN tỉnh Bình Định.