Bài 78: Mười Hai Sứ Đồ (TT)

1981

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

 

 

MA-THI-Ơ 10:24 -11:6

 

Trong chương trình Tìm Hiểu Thánh Kinh kỳ trước chúng ta học về những lời huấn thị của Chúa Giê-xu, hướng dẫn cho 12 sứ đồ để sai phái họ đi giảng về Tin lành của nước trời. Ma-thi-ơ ghi lại trong đoạn 10, hôm nay chúng ta tiếp tục tìm hiểu những huấn thị này.

 

NHỮNG NGUYÊN TẮC ĐỐI XỬ TRONG ĐỜI SỐNG CỦA CÁC MÔN ĐỒ

 

Bây giờ Chúa Giê-xu lại ban cho các sứ đồ của Ngài lời hướng dẫn chung. Hơn nữa, những hướng dẫn này là những nguyên tắc lớn lao, mà chắc chắn có thể áp dụng được cho chính chúng ta ngày nay, mặc dù sự giảng giải này trực tiếp là dành cho các sứ đồ.

 

Ma-thi-ơ 10:24, “Môn đồ không hơn thầy, tôi tớ không hơn chủ.”

Cần phải khắc ghi trong tâm trí mình rằng, hiện nay chúng ta đang đại diện cho Chúa Giê-xu Christ, và Ngài phải đến trước. Nếu chúng ta không để Ngài trước nhất, chúng ta sẽ gặp rắc rối, rắc rối với Ngài!

Ma-thi-ơ 10:25, “Môn đồ được như thầy, tôi tớ được như chủ, thì cũng đủ rồi. Nếu người ta đã gọi chủ nhà là Bê-ên-xê-bun, phương chi là người nhà!”

Đừng lo lắng về điều người ta sẽ nói về các bạn, nếu các bạn đang trung tín với Ngài. Người ta đã không nói điều gì tốt đẹp về Chúa Giê-xu. Nếu chính Chúa Giê-xu đã phải nhận chịu sự đối đãi tồi tệ như vậy, thì các học trò của Ngài khó có thể hy vọng được đối xử tốt hơn.

 

Ma-thi-ơ 10:26, “Vậy, các ngươi đừng sợ; vì chẳng có việc gì giấu mà chẳng phải bày ra, cũng chẳng có việc gì kín nhiệm mà sau sẽ chẳng biết.”

Sự phán xét sau cùng của Đức Chúa Trời, trong ngày đó Chúa sẽ biện hộ cho chúng ta là các con cái của Ngài, đồng thời cũng giải quyết với những kẻ bắt bớ chúng ta. Thế thì tốt hơn chúng ta nên có một cuộc sống bên trong thánh khiết, cũng như cuộc sống bên ngoài tốt đẹp.

 

Ma-thi-ơ 10:27, “Cho nên lời ta phán cùng các ngươi trong nơi tối tăm, hãy nói ra nơi sáng láng; và lời các ngươi nghe kề lỗ tai, hãy giảng ra trên mái nhà.”

Một chiếc máy thu thanh có thể là một phương cách truyền giảng tốt nhất đem Lời Chúa đến mọi nhà, khi gắn vào một chiếc an-ten trên đỉnh nóc nhà, thế là chúng ta có thể thậm chí bắt được làn sóng của những đài phát thanh khó dò nhất. Ngày nay đây cũng chính là phương cách mà nhiều tổ chức truyền giáo đang áp dụng để rao giảng Lời Chúa, đó là một phương cách đầy hiệu quả. Hãy dùng mọi dịp tiện, cơ hội có được để chia sẻ Tin lành cứu rỗi cho những người xung quanh.

 

Ma-thi-ơ 10:28, “Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn; nhưng thà sợ Đấng làm cho mất được linh hồn và thân thể trong địa ngục.”

Nói một cách khác, chúng ta phải sợ Đức Chúa Trời. Có người đã hỏi ông Cromwell tại sao ông trở thành một người can đảm như thế. Cromwell trả lời rằng: “Tôi đã học biết rằng một khi các bạn biết kính sợ Chúa, thì lúc ấy các bạn sẽ không thấy bất kỳ một ai khác để mà phải sợ.” Chúng ta phải luôn giữ lòng kính sợ Đức Chúa Trời, Ngài là Đấng trên hết.

Martin Luther cảm nhận lời dạy dỗ này và ông viết lại như sau: “Của cải và người thân yêu sẽ qua đi, cả cuộc sống rối ren cũng vậy, thân xác này có thể bị bỏ, nhưng Đức Chúa Trời vẫn hằng còn, Nước Ngài còn đến đời đời. Người kính sợ một mình Đức Chúa Trời chẳng sợ hãi bất kỳ ai, hoặc nhóm nào. Sự kính sợ Đức Chúa Trời xóa tan mọi mối sợ hãi.”

 

Ma-thi-ơ 10:29, “Hai con chim sẻ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và ví không theo ý muốn Cha các ngươi, thì không hề một con nào rơi xuống đất.”

Quả là một câu Kinh Thánh kỳ diệu biết bao! Đức Chúa Trời chăm sóc loài chim sẻ nhỏ bé ấy. Bạn có bao giờ quan sát một con chim sẻ chưa? Có lần tôi đã thấy một bầy, có đến hàng trăm con chim sẻ, đậu quanh một vòi nước công cộng và quanh các bãi cỏ, vườn hoa. Tôi tự nhủ với chính mình rằng: “Chẳng một chú chim sẻ nào trong số đó mà Đức Chúa Trời chẳng biết về nó” Con chim sẻ nhỏ mà Chúa còn chăm sóc, huống chi chúng ta là những con cái của Ngài, đã được Ngài cứu chuộc, quý chuộng thì chắc chắn là Ngài còn chăm sóc hơn bội phần. Câu Kinh Thánh trên đây thật hết sức tuyệt vời và đáng cho chúng ta ghi nhớ biết bao!

 

Ma-thi-ơ 10:30, “Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi.”

Lúc dầu khi mới nghe câu Kinh Thánh này, nó chẳng có gì thu hút tôi hay làm cho tôi quan tâm hết, vì tóc tôi thường hay rụng, và chẳng ai muốn đếm, và cũng khó mà đếm hết được bao nhiêu tóc trên đầu, nhưng khi tôi suy nghĩ đến sự chăm sóc và bảo vệ của Đức Chúa Trời thì tôi lấy làm lạ lắm về thí dụ này của Chúa Giê-xu, dầu tôi không quan tâm đến sợi tóc rơi xuống đất, nhưng Ngài lại quan tâm.

Đức Chúa Trời yêu thương bạn! Đức Chúa Giê-xu yêu thương bạn hơn cả chính người mẹ hiền yêu quí của bạn nữa kìa! Có bao giờ mẹ của bạn đã từng đếm những sợi tóc trên đầu bạn chưa? Nhưng quả thật, Đức Chúa Trời đã biết rõ số tóc của bạn là bao nhiêu rồi! Ngài biết rõ mọi việc xảy ra đến đời sống chúng ta.

 

Ma-thi-ơ 10:31, “Vậy, đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí trọng hơn nhiều con chim sẻ.”

Xin các bạn hãy suy nghĩ đến điều này – Nếu Đức Chúa Trời biết nơi nào mà con chim sẻ ở, thì chắc chắn Ngài cũng biết rõ bây giờ bạn đang ở đâu, và Đức Chúa Trời cũng biết rõ bạn sẽ đến nơi nào. Đức Chúa Trời là Đấng gìn giữ bảo vệ những con cái yêu dấu của Ngài. Chúa quan phòng mọi chi tiết trong cuộc đời chúng ta.

 

Ma-thi-ơ 10:32-33, “Bởi đó, ai xưng ta ra trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ xưng họ trước mặt Cha ta ở trên trời; còn ai chối ta trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ chối họ trước mặt Cha ta ở trên trời.”

Điều này nêu ra lời chỉ dẫn rằng, nếu chúng ta tin nhận Chúa Giê-xu Christ là Chúa Cứu Thế của đời sống mình, thì Ngài sẽ tha thứ tội lỗi cho chúng ta và chúng ta nên tuyên xưng điều đó một cách công khai, bất cứ lúc nào cần thiết. Bởi vậy, lời trình bày trong câu 33 được tiếp theo sau cũng giống như ngày tiếp theo đêm. Câu Kinh Thánh này bảo cho chúng ta biết phải nên xưng Ngài ra và không bao giờ được chối bỏ Ngài. Tuy nhiên, tôi cũng không trở nên dại dột, khi tôi không nên quăng ngọc trai trước mặt heo, tức là không cố gắng làm chứng cho người không muốn nghe, ngược lại cũng có lúc tôi phải tôn vinh Chúa bằng cách hành động trong Danh của Ngài cách công khai. Xưng danh Chúa Giê-xu được thể hiện bằng lời nói và hành động trong cuộc sống. Chúng ta hãy xác quyết rằng, chúng ta không bao giờ muốn chối bỏ Ngài, và cũng sẽ không từ chối Ngài.

 

Ma-thi-ơ 10:34, “Chớ tưởng rằng ta đến để đem sự bình an cho thế gian; ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo.”

Câu Kinh Thánh này đã khiến cho những người theo chủ nghĩa hòa bình phải gặp khó khăn khi giải thích nó. Tuy nhiên, mãi cho đến khi mọi bất công bị hạ bệ và triệt tiêu, chính Đấng Christ gây ra sự căm hận cho Sa-tan, và bởi đó mà một cuộc tranh chiến sẽ xảy ra. Khi đến với thế gian này lần thứ nhất, Đấng Christ đã không mang đến sự hòa bình. Tội lỗi còn đang ngự trị trong thế gian và nó sẽ vẫn còn hiện diện trong thế gian, Đức Chúa Trời phán rằng, chẳng có hòa bình cho dòng dõi hung ác đó.

Đừng hiểu lầm về lời nói này của Chúa Giê-xu, Ngài không phải là người đến thế gian để tạo chiến tranh, để đánh nhau với các dân tộc khác. Chúa Giê-xu chỉ muốn nói đến sự tranh chiến với ma quỉ, vì Ngài kêu gọi tội nhân từ bỏ tội lỗi, quay về với Đức Chúa Trời, trong khi ma quỉ lôi cuốn con người đi theo tội lỗi chống nghịch với Ngài, cho nên cuộc tranh chiến này xảy ra. Chúng ta không phải là người gây chiến, Đức Chúa Trời tuyên chiến với ma quỉ và chúng ta đứng về phía Ngài. 

Lời của sứ đồ Phao-lô viết trong Ê-phê-sô 6:10-13, “Vả lại, anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài. Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỉ. Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy. Vậy nên, hãy lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, hầu cho trong ngày khốn nạn, anh em có thể cự địch lại và khi thắng hơn mọi sự rồi, anh em được đứng vững vàng.”

 

Chúa Giê-xu dạy tiếp, Ma-thi-ơ 10:35-36, “Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, dâu với bà gia; và người ta sẽ có kẻ thù nghịch, là người nhà mình.”

Phao-lô đã làm sáng tỏ chân lý của câu này khi ông nói: “Bởi vì sự rao giảng về thập tự giá, thì những kẻ hư mất cho là điên dại; song về phần chúng ta, là những người được cứu chuộc, thì cho là quyền phép của Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 1:18). Tuy nhiên, giữa vòng các tín hữu Cơ Đốc, con cái Chúa lại có một sự hợp nhất, một sự hiệp nhất thật sự đầy ý nghĩa, nhưng lại tạo nên sự phân rẽ với thế gian chưa được cứu này.

 

Ma-thi-ơ 10:37-38, “Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta; ai không vác thập tự mình mà theo ta, thì cũng chẳng đáng cho ta.”

Trừ khi bạn đã thật sự phó thác đời sống mình cho Đấng Christ và trả một cái giá nào đó, thì bạn không thể nói nhiều về sự phó thác. Trong cá nhân, chính tôi cũng không dám khoe khoang rằng mình là một Cơ Đốc nhân đã phó thác trọn vẹn cho Chúa, bởi vì tôi cũng nhận thấy rằng chính tôi cũng chẳng khác chi Phi-e-rơ, cũng có khi yếu đuối, sa ngã. Nhưng cảm tạ Đức Chúa Trời, Ngài là thành tín. Đó là tất cả những gì mà chúng ta cần phải lưu tâm!

Vác thập tự giá không có nghĩa là mang một dấu hiệu thập tự trên áo hay đeo trên cổ. Vác thập tự giá Chúa nghĩa là xưng nhận Chúa Giê-xu Christ, và vâng phục Ngài cho dù có buồn thảm hay đau đớn.

Ước chi giá như tôi đã nghe Ngài phán lời này: “chẳng đáng cho Ta.” Nhiều người trong chúng ta ngày nay chẳng xứng đáng cho Ngài, điều này có nghĩa rằng Ngài sẽ không sử dụng chúng ta, nếu như chúng ta không thật sự phó thác đời sống mình cho Ngài. Nhưng hãy cảm tạ Chúa, vì Ngài không ném chúng ta ra khỏi mạn thuyền của Chúa!

 

Ma-thi-ơ 10:39, “Ai rước các ngươi, tức là rước ta; ai rước ta, tức là rước Đấng đã sai ta.”

Chúa Giê-xu đặt ra sự tương phản về cuộc sống trong xác thịt của chúng ta hiện nay với sự ban cho sự sống đời đời, mà nó sẽ đến với chúng ta qua đức tin vào Chúa Giê-xu Christ. Rất có thể khi một người đến cùng Đấng Christ, người đó có thể bị đặt vào sự chết, bởi vì lòng tin của mình. Điều này thật sự không đúng tại một số nước phương Tây ngày nay, nhưng nó thật sự đúng tại vài nơi trên thế giới, thậm chí ngay cả trong thời đại ngày nay của chúng ta. Người nào đã chịu mất mạng sống vì cớ Đấng Christ, sẽ tìm thấy được sự sống đời đời, và sẽ được hiện diện trước mặt Đấng Christ trong cõi đời đời. “Vậy tôi nói, chúng ta đầy lòng tin cậy, muốn lìa bỏ thân thể này đặng ở cùng Chúa thì hơn ” (II Cô-rinh-tô 5:8)

 

Ma-thi-ơ 10:41-42 Chúa Giê-xu nói tiếp: “Ai rước một đấng tiên tri vì là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của đấng tiên tri; ai rước một người công chính vì là công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Ai sẽ cho một người trong bọn nhỏ nầy chỉ uống một chén nước lạnh, vì người nhỏ đó là môn đồ ta, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ ấy sẽ chẳng mất phần thưởng của mình đâu.”

Trong Tin lành Giăng đoạn 15, Chúa Giê-xu đã làm sáng tỏ phần này khi Ngài phán rằng, thế gian đã ghét bỏ Ngài, và nó cũng sẽ ghét bỏ những ai thuộc về Ngài. Chúng ta đừng nên để cho mình được thế gian yêu chuộng, nhưng hãy để cho Chúa Giê-xu được yêu chuộng hơn. Mức độ về lòng trung thành và đức tin của chúng ta đối với Ngài sẽ được ban cho như là phần thưởng của đấng tiên tri, hay phần thưởng của người công chính. Nếu phụng sự Chúa với tư cách là một tiên tri thì sẽ nhận được phần thưởng của đấng tiên tri. Nếu bày tỏ Ngài ra trong đời sống mình với tư cách là người công nghĩa, thì chúng ta sẽ nhận được phần thưởng của người công nghĩa. Nhưng nếu tin nhận Ngài là Chúa và Đấng Cứu Thế của đời sống mình, chúng ta sẽ nhận được phần thưởng trọn đầy. Chúa chúng ta đã phán rất rõ ràng rằng mức độ phần thưởng được ban cho ai, là dựa vào niềm tin và lòng trung tín của họ đối với Ngài.

 

Trong lời huấn thị của Chúa Giê-xu cho các môn đệ của Ngài có hai phần chính. Phần thứ nhất, là những huấn thị có tính cách giai đoạn và địa phương chỉ áp dụng trong thời gian đầu tiên. Phần thứ hai là những lời huấn thị chung áp dụng cho các sứ đồ khi xưa và cho những người rao giảng Tin lành về nước trời hôm nay. Chức vụ sứ đồ ngày nay không còn nữa, nhưng công việc của các sứ đồ thì vần còn tiếp tục.

Xin Chúa cho chúng ta tiếp nối công việc này như lời Chúa Giê-xu nhắc nhở trong Công vụ 1:8, “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.”

Chúng ta hiện nay đang ở dưới sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh để rao giảng Tin lành cứu rỗi. Cảm tạ Đức Chúa Trời về lòng trung thành của các sứ đồ khi xưa, họ tuân hành mạng lịnh của Chúa Giê-xu đi rao giảng. Sau đó những người nghe và tin nhận lại tiếp nối công tác của các sứ đồ. Ước mong chúng ta cùng hiệp nhau trong việc chia sẻ Tin lành.

 

Sự chuyển biến được tiếp tục xuất hiện trong Ma-thi-ơ 11. Chúa Giê-xu đã tuyên bố về bản Luật pháp đạo đức của nước Ngài. Ngài đã làm nhiều phép lạ, rồi Ngài sai các môn đồ đi ra đặng giới thiệu về những lời tuyên bố của Ngài – Các môn đồ đã đi qua các đường phố chính cũng như đi vào những con đường hẻo lánh, cho đến khi đi khắp cả các thành phố của Y-sơ-ra-ên. Bấy giờ sự tiếp nhận và phản ứng của dân chúng đối với lời tuyên bố về Đấng Mê-si đang đến của Ngài xảy ra như thế nào? Câu trả lồi chỉ bằng một từ ngắn gọn: khước từ.

Trong đoạn 11 tiếp theo, tạo ra một bước ngoặc quan trọng trong thời kỳ thi hành chức vụ của Đức Chúa Giê-xu Christ. Trong các câu 28 đến 30, chúng ta thấy rằng Ngài sẽ ban bố một sứ điệp mới. Nó không còn là một sứ điệp sự  ăn năn bởi cớ sự hiện diện của vua.

           

Ma-thi-ơ 11:1, “Vả, Đức Chúa Giê-xu đã dạy các điều đó cho mười hai môn đồ rồi, bèn lìa khỏi chỗ nầy đặng đi giảng dạy trong các thành xứ đó.”

Sau khi đã sai phái các môn đồ đi rồi, thì chính Ngài cũng ra đi. Đem Lời Chúa ra đến cho mọi người quả thật là điều quan trọng biết bao! Và ngày nay việc ấy cũng vẫn quan trọng y như ngày xưa vậy.

 

Tiếp theo đó Ma-thi-ơ ký thuật về việc Giăng Báp-tít gởi các môn đồ của ông đến gặp Chúa Giê-xu.

 

CHÚA GIÊ-XU BỊ CHẤT VẤN BỞI CÁC MÔN ĐỒ GIĂNG BÁP-TÍT

 

Ma-thi-ơ 11:2-3, “Khi Giăng ở trong ngục nghe nói về các công việc của Đấng Christ, thì sai môn đồ mình đến thưa cùng Ngài rằng: Thầy có phải là Đấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi Đấng  khác chăng?”

Chúng ta xem trở lại trong Ma-thi-ơ 4:12, ký thuật rằng Giăng Báp-tít đã bị cầm tù. Đến bây giờ thì Giăng Báp-tít đã bị giam trong tù một thời gian rồi. Thế nhưng, ông vẫn cứ theo dõi các thông tin về hoạt động và việc thi hành chức vụ của Chúa Giê-xu. Các môn đồ của Giăng Báp-tít đã theo dõi mọi hoạt động của Chúa Giê-xu và tường thuật lại với ông. Chính Giăng Báp-tít đang kỳ vọng đến một ngày nào đó cánh cửa tù sẽ mở ra cho ông và ông sẽ lại được tự do, bởi vì ông tin rằng Chúa Giê-xu sắp sửa lên ngôi Vua, để thiết lập Vương quốc của Ngài trên đất.

Câu hỏi của Giăng là một câu hỏi rất có lý. Ông ta có lý do để tin rằng vị Vua đó sẽ nắm chính quyền vào lúc này. Ông ta thật hết sức phân vân không hiểu tại sao Chúa Giê-xu lại di chuyển quá chậm chạp, để tiến đến ngai vàng của Ngài như vậy! Các bạn hãy lưu ý đến câu trả lời của Chúa Giê-xu cho Giăng Báp-tít:

 

Ma-thi-ơ 11:4-6, “Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: hãy về thuật lại cùng Giăng những điều các ngươi nghe và thấy: kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại, kẻ khó khăn được nghe giảng tin lành. Phước cho ai chẳng vấp phạm vì cớ ta!”

Câu trả lời của Chúa Giê-xu thật rất phi thường và chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng, qua những mặc khải từ Kinh Thánh Cựu Ước nói về Đấng Mê-si sẽ đến. Lời này được chép trong sách Ê-sai 35:4-6, “Hãy bảo những kẻ có lòng sợ hãi rằng: Khá vững lòng, đừng sợ nữa! Đây nầy, Đức Chúa Trời các ngươi sẽ lấy sự báo thù mà đến, tức là sự báo trả của Đức Chúa Trời. Chính Ngài sẽ đến và cứu các ngươi! Bấy giờ, những kẻ mù sẽ mở mắt, những kẻ điếc sẽ rỗng tai. Bấy giờ, kẻ què sẽ nhảy như con nai, lưỡi kẻ câm sẽ hát. Vì có những dòng nước trào lên trong đồng vắng, và những suối chảy ra trong nơi sa mạc.”

Bấy giờ những dòng nước đã không trào lên trong đồng vắng, và chẳng có những dòng suối chảy ra trong nơi sa mạc khi Đức Chúa Giê-xu đến. Tại sao? Bởi vì Ngài đã không thiết lập vương quốc của Ngài, khi Ngài đến trên thế gian lần thứ nhất– nhưng Ngài đã là Vua, Ngài là Đấng Mê-si. Đó là tất cả những gì mà Ngài muốn nói. Giăng Báp-tít nhận ra được chức vụ này của Ngài.

Chúa Giê-xu bày tỏ về chính mình chẳng những bằng lời nói, nhưng cũng bằng hành động quyền năng, để cho mọi người biết rõ chính là Đấng Cứu Thế đến từ trời.

 

Trong chương trình Tìm Hiểu Thánh Kinh kỳ sau, chúng ta sẽ tìm hiểu Chúa Giê-xu giải bày thêm về Giăng Báp-tít, một người hết sức đặc biệt.

       

 

 

Bài trướcBài 78: Các Vua Và Tiên Tri (TT)
Bài tiếp theoTruyền Giảng Nhân Ngày Nhà Giáo Tại HT Tô Hiến Thành