Bài 78: Các Vua Và Tiên Tri (TT)

2102

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

 

 

Kính mời quí vị cùng lật ra trong sách 1 Các vua 22 để theo dõi câu chuyện xảy ra cho một tiên tri thật của Đức Chúa Trời. Trong bài vừa qua, chúng ta đã thấy rằng 850 tiên tri ngoại giáo đã đồng thanh ủng hộ vua xuất quân tiến đánh người Syri. Nhưng Giô-sa-phát là vua của Giu-đa không tin tưởng vào những người này, ông yêu cầu tìm cho bằng được một tiên tri của Đức Chúa Trời. Vua A-háp của Y-sơ-ra-ên miễn cưỡng sai mời Mi-chê vì vua nói rằng Mi-chê chẳng bao giờ nói điều gì tốt về ông. Khi các sứ giả gặp Mi-chê thì họ khuyến cáo Mi-chê nên cùng có một lập trường như các tiên tri ngoại giáo. Lúc được vời đến cung điện, A-háp hỏi Mi-chê, “Liệu chúng ta nên đánh người Syri chăng?” Mi-chê trả lời, “Vâng, nên đánh, vua sẽ chiến thắng.” A-háp kinh ngạc hỏi lại, “Có phải đây là ý Chúa không Mi-chê?” Mi-chê liền đáp, “Nếu vua thật lòng muốn biết thì xin hãy lắng nghe, tôi thấy Y-sơ-ra-ên tan tác trên mọi núi đồi giống như chiên bị giết, và tôi cũng thấy vua bị giết chết.” A-háp bèn nói với Giô-sa-phát rằng, “Vua thấy không, người chẳng nói điều lành cho tôi, nhưng luôn nói điều dữ.” Bất chấp lời khuyên can của Mi-chê, A-háp cùng với Giô-sa-phát kéo binh tấn công Sysi theo lời cố vấn của các tiên tri giả . Sê-đê-kia đã làm một sừng bằng sắt, vả vào má của Mi-chê và nói, “Làm sao Thần của Đức Giê-Hô-Va lìa khỏi ta để nói cùng ngươi.” Mi-chê đã nói với Sê-đê-kia rằng, “Ngươi sẽ biết câu trả lời khi ngươi đóng cửa phòng để ở riêng với Đức Chúa Trời.” Mi-chê tiếp tục với một bài giảng rất đặc biệt, ông nói, “Trên thiên đàng có nhiều thiên sứ đang đứng chầu Đức Chúa Trời, Ngài hỏi, “Ai sẽ đi xuống để lừa A-háp?” Một thiên sứ trả lời, “Tôi sẽ đi.” Chúa phán, “Làm sao ngươi lừa dối A-háp?” Thiên sứ đáp, “Tôi sẽ đặt những lời dối trá trong miệng của các tiên tri.” Không lấy làm lạ gì là Sê-đê-kia biết Mi-chê nói đến mình nên tát vào mặt ông. Mi-chê đã cảnh cáo những tiên tri giả nầy.

A-háp ra lịnh, “Hãy xuất binh và tiến đánh người Syri. Phần của Mi-chê thì tống vào trong tù, chỉ cho ăn bánh mì và nước lã cho đến khi ta trở về.” Mi-chê nhắn nhủ những lời cuối cùng, “Vua sẽ không trở lại đâu. Nếu vua bình an trở lại thì Đức Chúa Trời đã không nói qua tôi.” A-háp và Giô-sa-phát kéo quân đánh Syri. Có thể lắm Mi-chê đã qua đời trong ngục vì đây là lần cuối cùng chúng ta nghe nói về ông.

Trong cuộc chiến gay cấn với người Syri, những lời nói trước của Mi-chê đã được hoàn toàn nghiệm đúng. Quân đội của A-háp và Giô-sa-phát bị tan lạc trên khắp núi đồi. Một binh sĩ Syri nhắm vào điểm yếu của A-háp và bắn một mũi tên. A-háp bị trúng tên liền bảo người vác binh khí rằng, “Hãy đem ta ra khỏi đây vì ta đang bị thương nặng.” Nhưng rồi A-háp đã qua đời. Vậy mọi điều Mi-chê nói đã được nghiệm đúng. Vua bị giết, quân lính tan lạc.

Chúng ta hãy suy nghĩ đến cái giá mà Mi-chê phải trả khi làm người phát ngôn cho Đức Chúa Trời. Bên cạnh Mi-chê có nhiều tiên tri không tên không tuổi trong sách Các vua. Ví dụ trong sách 1 Các vua 13, có một tiên tri dám đối đầu với vua gian ác tên là Giê-rô-bô-am. Vua chỉ tay vào tiên tri và ra lịnh, “Hãy bắt nó!” Cũng chính lúc đó thì tay của vua bị tê liệt không duỗi ra được vì quyền năng của Chúa ở cùng vị tiên tri. Vua bèn nói với tiên tri rằng, “Xin hãy cầu nguyện với Đức Chúa Trời về cánh tay của ta.” Tiên tri của Chúa kêu cầu với Đức Chúa Trời thì Ngài chữa lành cho vua.

Các tiên tri của Đức Chúa Trời đều được trang bị bởi quyền năng siêu nhiên. Không có quyền năng siêu nhiên nầy thì các tiên tri không thể hoàn thành công tác của họ được. Bởi quyền năng nầy mà nhiều phép lạ đã xảy ra trong chức vụ của họ. Không có những phép lạ nầy, những tiên tri của Ngài không thể nào đương đầu với các vua thời bấy giờ. Ê-li là một tiên tri vĩ đại. 1 Các vua 18 kể lại việc Ê-li đối đầu với A-háp và các tiên tri Ba anh. Ê-li gọi dân Y-sơ-ra-ên và những tiên tri giả của A-háp và Giê-sa-bên lên đỉnh núi Cạtmen, tại đây ông thách thức các tiên tri Ba anh trước sự chứng kiến của dân sự Đức Chúa Trời. Ê-li nói, “Các ngươi hãy xây bàn thờ và đặt các sinh tế trên đó nhưng không được châm lửa. Ta cũng sẽ dựng một bàn thờ và đặt các sinh tế như vậy. Các ngươi và ta hãy cầu khẩn với thần của mình để ban lửa từ trời thiêu các sinh tế. Như vậy chúng ta sẽ biết thần của ai thật là Đức Chúa Trời.” Trong khi dân sự tập họp tại núi Cạt men, những tiên tri Ba anh hì hục từ sáng sớm để dựng bàn thờ và đặt súc vật trên đó. Họ bắt đầu cầu nguyện một cách nhiệt thành. Họ rạch vào mình và đánh vào người, làm đủ mọi thứ. Ê-li chỉ đứng đó nhìn cho đến trưa, ông chọc họ rằng,

Khá la lớn lên đi, vì người là thần; hoặc người đương suy gẫm, hoặc ở đâu xa, hoặc đương đi đường; hay là có lẽ người ngủ, và sẽ thức dậy.

Các tiên tri Ba anh cầu nguyện càng khẩn thiết với thần mình cho đến chiều tối. Cuối cùng thì chẳng có động tĩnh gì nên họ bỏ cuộc.

Thế rồi Ê-li đào một cái hố chung quanh bàn thờ. Ông đổ nước lên trên các sinh tế cho đến khi những con mương chung quanh ngập tràn nước. Xong rồi Ê-li dâng lên một lời cầu nguyện thật tuyệt vời,

Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Ap-ra-ham, của Y-sác, và của Y-sơ-ra-ên, ngày nay xin hãy tỏ cho người ta biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời trong Y-sơ-ra-ên, rằng tôi là kẻ tôi tớ Ngài, và tôi vâng lời Ngài mà làm mọi sự này.

Đức Giê-hô-va ôi! Xin nhậm lời tôi, xin đáp lời tôi, hầu cho dân sự này nhìn biết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, và Ngài khiến cho lòng họ trở lại.

Sau lời cầu nguyện thì lửa từ trời giáng xuống thiêu đốt của lễ và làm khô nước trong mương. Dân sự của Đức Chúa Trời liền sấp mặt và la lên, “Giê-Hô-Va là Đức Chúa Trời, Giê-Hô-Va là Đức Chúa Trời.” Một cuộc phấn hưng thuộc linh xảy ra. Thế rồi họ giết 850 tiên tri giả. Đó là những giờ phút vinh quang của Ê-li trên đỉnh núi Cạt-men. 

Sứ điệp của Ê-li chủ yếu nhắm vào dân sự của Đức Chúa Trời chớ không phải cho những tiên tri giả của A-háp và Giê-sa-bên. Ông đã bắt đầu sứ điệp với những lời thách thức như sau, “Các ngươi đi giẹo hai bên cho đến chừng nào?” Chữ đi giẹo hai bên ở đây chỉ về tình trạng bị tranh chấp giữa hai ý khác nhau. Người đi giẹo hai bên còn gọi là người phân tâm, họ không giữ một lập trường kiên định. Hiện tượng đó vẩn xảy ra ngày nay giữa vòng các tín hữu. Khi một tín hữu không hành động theo những gì mình tin thì họ đã rơi vào tình trạng nầy. Họ có những tranh chấp trong lòng.

Kinh Thánh nói nhiều về người phân tâm, “Ước gì ngươi nóng hoặc lạnh chớ đừng hâm hẩm.” hoặc “Đừng làm tôi hai chủ.” Kinh Thánh luôn khuyến cáo về những người sống lưng chừng. Họ là những người không bao giờ được vui thỏa. Ê-li đã đương đầu với tình trạng lừng khừng nầy của dân Y-sơ-ra-ên. Quyền năng siêu nhiên của Đức Chúa Trời đã đi kèm với bài giảng của Ê-li khiến phục hưng dân sự.

Nếu để ý, chúng ta thấy có hai hình ảnh của Ê-li hoàn toàn trái ngược trong 1 Các vua 18 và 19. A-háp có người vợ tên là Giê-sa-bên, cả hai đều gian ác trước mặt Chúa. Các tiên tri giả là những người của Giê-sa-bên. Ngày mà họ bị giết chết thì Giê-sa-bên cũng sai một sứ giả báo tin cho Ê-li biết rằng, “Vào giờ nầy ngày mai, ta sẽ xử ngươi như ngươi đã xử các tiên tri của ta, ta sẽ giết ngươi.” Nghe lời nầy Ê-li chạy trốn vào sa mạc, mệt mỏi ngồi dưới cây giếng giêng. Ông chán nản cực độ và xin chết.

Hãy nhớ lại rằng trong đoạn 18, Ê-li đã giành được một chiến công vang dội. Nhưng trong đoạn 19, Ê-li lại ngồi dưới cây giếng giêng xin chết. Điều đó cũng xảy ra với những tiên tri lớn hoặc các bậc vĩ nhân trong Kinh thánh. Thông thường sau khi Chúa dùng họ một cách thành công thì họ lại dường như bị thất bại. Hầu như qua đó Đức Chúa Trời khẳng định rằng, “Bởi quyền năng của ta ở trong người đó chớ không phải bởi người đó.” Phao-lô mô tả bằng những lời sau đây, “Chúng ta có của báu đựng trong chậu bằng đất, để ai nấy nhận biết do quyền năng của Đức Chúa Trời chớ không phải do chúng ta.”

Tại sao Đức Chúa Trời đựng của báu của Ngài trong những bình bằng đất dễ vỡ? Bởi vì Chúa nói với mọi người rằng, “Chính của báu chớ không phải bình đựng của báu là quan trọng.”

Vấn đề mà Ê-li đã gặp phải trong đoạn 19 được gọi là tình trạng bị kiệt quệ. Trong Thi thiên 23 Đa-vít nói rằng, “Ngài bổ lại linh hồn tôi, dẫn tôi vào các lối công bình.” Giống như Đa-vít, Ê-li cần được sự khôi phục tâm linh.

Mỗi khi Đức Chúa Trời xử trí với tình trạng kiệt quệ của một tôi tớ Chúa, Ngài ban cho họ một phương cách để thoát ra khỏi tình trạng đó. Ngài chỉ dạy cho họ những lối thực tiễn và công bình để họ bước đi, và theo thời gian nó sẽ chữa lành cho họ. Trong trường hợp của Ê-li khi ngồi dưới cây giếng giêng thì Chúa đã cho ông ngủ say. Sau khi ngủ, Ngài thức ông dậy và bảo, “Hãy ăn” Ê-li ăn và tiếp tục ngủ nghỉ. Sau khi thức dậy lần thứ hai, Ê-li đã có được sức mạnh siêu nhiên để đi suốt 40 ngày đường. Như vậy Ê-li đã lâm vào tình trạng kiệt sức vì ông đã không chăm sóc thân thể mình đúng cách. Tôi tưởng rằng điều Chúa muốn nói với Ê-li rằng, “Ngươi đã không thận trọng quan tâm đến thân thể của mình.” Xem lại 1 Các vua 18, chúng ta thấy Ê-li đã phải tốn sức như thế nào. Ông đào một con mương chung quanh bàn thờ. Sau đó ông chạy một đoạn dài khoảng 27 cây số trước xe ngựa của A-háp. 27 cây số là một đoạn đường dài nên không làm lạ gì là sau đó Ê-li mất sức và rất mệt mỏi.

Lối công bình để khôi phục linh hồn của Ê-li rất thực tế. Chúa phán, “Ngươi là con người bằng xương bằng thịt, ngươi cần phải ăn và cần phải ngủ.” Chúng ta nói rằng Chúa sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không cần ăn uống hoặc ngủ nghỉ. Có người nói rằng nếu không ngủ nghỉ đầy đủ trong khoảng 6 tháng, chúng ta sẽ trở nên lú lẩn.”

Thân thể của chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời, chúng ta không được coi thường nhưng phải chăm sóc bảo quản đúng cách. Chúng ta có của báu, nhưng của báu được đựng trong bình đất mong manh. Nhiệm vụ của chúng ta là bảo vệ bình đất đó. Đây là một bài học thực tiễn từ 1 Các vua 19.

Câu chuyện của Ê-li rất lý thú. Đức Chúa Trời đến với ông khi ông ở trong tình trạng kiệt quệ và Ngài hỏi ông rằng, “Ngươi đang làm gì ở đây?” Câu hỏi nầy cũng giống như trong Sáng thế ký đoạn 3, Chúa hỏi Ađam, “Ngươi đang ở đâu?” Đức Chúa Trời có bao giờ hỏi quí vị câu nầy không? Tôi không biết quí vị đang ở đâu. Phải chăng Ngài cũng hỏi quí vị qua câu chuyện của Ê-li, “Ngươi đang làm gì ở đây?” Một ý nằm đàng sau câu hỏi là có phải ngươi đang ở đúng vị trí không?

Tóm lại qua sách Các-vua chúng ta tìm được những gương tốt cũng như những gương xấu. Các vua gian ác trong sách nầy là bài học cảnh cáo nghiêm trọng, nhưng bên cạnh đó các tiên tri là những gương sáng tuyệt vời chẳng hạn tiên tri Ê-li hay Ê-li-sê. (W 2310)

 

Bài trướcNgày 20/11/2016: Phước Hạnh của Người Công Chính
Bài tiếp theoBài 78: Mười Hai Sứ Đồ (TT)