Bài 6: Cách Học Kinh Thánh (Phần 2)

2454

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

 Thi thiên 119:160 dạy rằng,

“Sự tổng cộng lời Chúa là chơn thật, Các mạng lịnh công bình của Chúa còn đời đời.”

 

Điều này có nghĩa gì? Khi chúng ta học hỏi Lời Chúa để tìm kiếm các lẽ thật, hãy tìm hiểu cách toàn diện. Hay nói cách khác, hãy có cái nhìn toàn diện, thấu suốt được vấn đề. Đức Chúa Trời dạy điều gì? Sứ điệp bao quát ở đây là gì?

 

Hãy đến với cả Kinh thánh trong tinh thần đó và nhất là  đối với Tân ước, hãy xem lập luận ở đây là gì? Sách Rô-ma và Hê-bơ-rơ có luận đề thật tuyệt vời chạy xuyên suốt cả sách, từ những câu đầu tiên cho đến câu sau cùng. Lúc ban đầu, Kinh thánh không có các chương và các câu nhưng nó  bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ thứ 13. Đức Hồng y tên là Caro đã chia Kinh thánh ra làm các chương. Vào thế kỷ  thứ 16, các chương lại được chia thành từng câu. Các vị Sứ đồ khi viết các sách không hề biết rằng, sách của mình sau nầy sẽ được chia thành từng chương và  từng câu.

 

Đôi khi, các chương và các câu thật là hữu ích và  tiện lợi. Nhưng đôi khi, nó làm gián đoạn dòng tư tưởng của quí vị và khiến quí vị không nắm được chân lý mà tác giả  muốn trình bày. Bởi vậy, cố gắng tìm hiểu lý luận của các sách, luôn luôn để ý đến mạch văn hay bối cảnh của  bất cứ phân đoạn nào. Một trong những sự dối trá tinh tế là bóp méo chân lý hay trưng dẫn các sự dạy dỗ ra khỏi văn mạch hoặc chỉ nói một phần của chân lý. Kinh thánh có thể bị lạm dụng để hỗ trợ cho bất cứ quan điểm nào nếu nó bị tách ra khỏi văn mạch. Do đó, luôn luôn xem xét văn mạch của các phân đoạn trong Kinh thánh.

 

Cần nhớ rằng, Đức Chúa Trời phán dạy với chúng ta qua Kinh thánh. Do đó, hãy đến với Kinh thánh trong tinh thần cầu nguyện. Hãy đến với Kinh thánh như Sa- mu-ên, thưa với Chúa rằng, “Chúa ơi, xin hãy phán kẻ  tôi tớ Ngài đương lắng nghe.” Nói như vậy có nghĩa là, “Con sẵn sàng làm bất cứ  điều gì Chúa dạy con phải làm.” Thoma A Kempis mỗi khi đến với Lời Chúa, ông cầu nguyện như sau, “Xin cho lòng con được lắng đọng, Chúa ơi, chỉ một mình Ngài mà thôi, xin hãy phán với con.” Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy náo động, có nhiều sự mời gọi quyến rũ bên ngoài. Do đó, chúng ta cần sự yên tịnh và thời gian biệt riêng với Đức Chúa Trời qua Kinh thánh .

 

Những gì tôi đã chia sẻ với quí vị về Kinh thánh nhằm giúp quí vị hiểu Kinh thánh. Lời cầu nguyện của tôi là quí vị sẽ bước vào trong Lời của Đức Chúa Trời; và hãy để Lời của Đức Chúa Trời bước vào trong đời sống của quí vị.

 

Cho đến bài này, tôi đã  trình bày với quí vị phần dẫn nhập Kinh thánh, Kinh thánh là gì? Làm thế nào để học Kinh thánh?  Nếu quí vị không có dịp nghe các bài này và muốn nhận các tài liệu, xin liên lạc với chúng tôi để  nhận tập cẩm nang.

 

Chúng ta cùng nhau bắt đầu với sách Sáng thế ký. Sáng thế ký là tên của sách đầu tiên trong Kinh thánh, có nghĩa là căn nguyên hay nguồn gốc. Sách Sáng thế ký nói về những điều ban đầu. Tại sao Đức Chúa Trời bắt đầu Kinh thánh bằng cách nói về  những điều ban đầu?

 

Đức Chúa Trời muốn phán với chúng ta nhiều điều trong quá khứ, bởi vì Ngài muốn chúng ta hiểu những điều này trong bối cảnh hiện tại. Chúa Jêsus đã chỉ cho chúng ta chìa khóa của sách Sáng thế ký. Trong sách Ma-thi-ơ chương 19, khi người Pha-ri-si hỏi Ngài về vấn đề hôn nhân. Chúa Jêsus trả lời “Nếu ngươi muốn hiểu hôn nhân có nghĩa gì, hãy học xem hôn nhân đã được trình bày như thế nào. Hãy trở về với Môi-se, trở về với Sáng thế ký, và trả lời câu hỏi: Ý định của Đức Chúa Trời khi Ngài tạo dựng nên người nam, người nữ là gì?” Tìm hiểu ý định của Đức Chúa Trời về hôn nhân trong Cựu ước sẽ giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của nó. Theo tôi, đây là chìa khóa của sách Sáng thế ký.

 

Chúng ta nên đến với Sáng thế ký trong tinh thần đó. Sáng thế ký xét đến căn nguyên của một số các vấn đề. Chẳng hạn, sáng tạo, hôn nhân, gia đình… Khi học về các chủ  đề  này, hãy đặt câu hỏi: Điều mà Chúa phán dạy ở đây là gì để giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của nó trong bối cảnh hiện tại? Kinh thánh có cả thảy 1189 chương và chỉ có một chương rưỡi đề cập về sự sáng tạo. Nhiều người cứ tưởng rằng, sự sáng tạo là chủ đề duy nhất mà Kinh thánh đề cập đến. Thực ra, Kinh thánh đề cập về sự sáng tạo rất vắn tắt, chỉ một chương rưỡi mà thôi. Vậy, vì sao Kinh thánh lại đề cập về sự sáng tạo?

 

Tôi tin rằng, Đức Chúa Trời tiết lộ cho quí vị một ít về sự sáng tạo, bởi vì Ngài biết rằng, một ngày kia giống như Đa-vít, quí vị sẽ nhận thức rằng, mình cần môt sự sáng tạo ngay bên trong chính quí vị. Đa-vít đã thất bại cách thê thảm; và cũng chính trong sự thất bại mà ông đã cầu nguyện rằng, “Xin hãy tạo dựng trong con một lòng trong sạch, …” Đa-vít muốn nói rằng, “Chúa ơi, con cần một sự sáng tạo ngay trong chính tấm lòng của con. Nếu Chúa không tạo dựng trong con điều mà khi sinh ra con chưa có, con sẽ thất bại và thất bại mà thôi. Con cần một hành động sáng tạo của Chúa ngay trong chính đời sống của con.”

 

Khi Chúa Jêsus nói về sự  tái sinh, Ngài dạy, “Các ngươi phải sanh lại, bởi vì hễ  chi sanh bởi xác thịt  là xác thịt.” Khi các vị sứ  đồ  đề cập đến  sự  dạy dỗ của Chúa Jêsus về sự sanh lại, họ gọi đây là kinh nghiệm của sự sáng tạo. “Nếu ai ở  trong Đấng Christ, thì nấy là người được dựng nên mới, mọi sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.” Đức Chúa Trời đã  thực hiện hành động sáng tạo trong lòng của người được sanh lại. Khi chúng ta nhận ra rằng, mình cần hành động tân tạo, Đức Chúa Trời cho biết, chỉ có một mình Ngài mới thực hiện được điều này và  chúng ta phải quay trở về với Ngài.

 

Qua sách Sáng thế ký, Đức Chúa Trời phán dạy chúng ta về tạo vật. Ngài muốn chúng ta hiểu về chính mình. Ngài nói về sự sáng tạo con người cũng như trình bày nhiều điều về con người, nhằm giúp chúng ta hiểu chính mình. Trong chương thứ ba, Chúa nói về tội lỗi xâm nhập vào trong thế gian là điều mà chúng ta gọi là tình trạng khủng hoảng. A-đam và Ê-va đã làm gì? Nếu học sách Sáng thế ký chương 3, chúng ta sẽ hiểu về tội lỗi. Ngay khi con người phạm tội, Đức Chúa Trời hỏi, “Ngươi ở đâu?” “Ai đã nói cho ngươi biết rằng ngươi lõa lồ ?” Bởi vì phạm tội, họ phải gặt lấy hậu quả. Trong chương thứ 4, có sự tranh chấp giữa Ca-in và A-bên. Câu chuyện này giúp chúng ta hiểu bản chất của sự tranh chấp; nó là một vấn đề nghiêm trọng trong thời đại chúng ta. Do đó, Sáng thế ký đề cập về việc này. Chương thứ 6 cho đến 9, Chúa dạy về thiên tai. Đức Chúa Trời tiêu diệt cả thế giới bởi cơn đại hồng thủy. Các chương này chép về câu chuyện của Nô ê và cơn nước lụt. Đây là chỗ rất tốt để khám phá rằng, sách giải nghĩa Kinh thánh tốt nhất chính là Kinh thánh.

 

Tân ước giải thích cho chúng ta câu chuyện Nô-ê và cơn nước lụt. Chúa Jêsus đã đề cập đến hai lần và Chúa so sánh với sự tái lâm của Ngài. Tác giả sách Hê-bơ-rơ giải thích đó là bức tranh của đức tin. Tác giả Hê-bơ-rơ chú tâm về đức tin của Nô-ê và nói rằng, đó là bài học từ câu chuyện thiên tai này. Sứ đồ Phi-e-rơ so sánh với sự cứu rỗi. Nô-ê đã mở cửa và nói với mọi người, “quí ông bà có thể bước vào đây và được cứu.” Đây chính là biểu tượng tuyệt vời về sự cứu rỗi. Do đó, khi đọc câu chuyện Nô-ê và cơn đại hồng thủy, hãy tự hỏi, “Điều gì được mô tả ở đây? Đức Chúa Trời muốn tôi hiểu như thế nào?” Tôi tin rằng quí vị sẽ tìm thấy sự áp dụng cho câu chuyên đó.

 

Sách Sáng thế ký cũng đề cập về giao ước giữa Đức Chúa Trời và con người. Quí vị thấy, Đức Chúa Trời đã đến với con người để thiết lập giao ước với con người. Điều này diễn ra suốt cả Kinh thánh. Khi Chúa Jêsus gặp các vị sứ đồ, Ngài phán với họ rằng, “Hãy theo ta và ta sẽ khiến ngươi…” Phần các ngươi là hãy theo ta, còn phần ta, ta sẽ khiến ngươi. Đây chính là giao ước. Đức Chúa Trời lập giao ước giống như vậy với chúng ta. Theo ý nghĩa đó, chúng ta có hai chữ Cựu ước và Tân ước. Trong Cựu ước hay trong giao ước cũ, Chúa phán, “Hãy tin ta, ta sẽ giãi quyết tình trạng phân cách giữa Ta và ngươi vì Chúa Jêsus sẽ đến.” Tân ước hay giao ước mới là thế này: “Hãy tin Ta, Ta đã giải quyết tình trạng phân cách bởi vì Chúa Jêsus đã đến.” Đức Chúa Trời muốn chúng ta bước vào trong giao ước đức tin với Ngài.

 

Chương 11 mô tả câu chuyện rất lý thú. Con người hợp lại với nhau để xây dựng một công trình kiến trúc vĩ đại. Đức Chúa Trời nhìn xuống và phán rằng, “kìa những con người nhỏ bé này đang hợp lại với nhau, để sử dụng bàn tay và khối óc của chúng. Như vậy, không có gì mà chúng không làm được.” Bởi vậy Đức Chúa Trời phán rằng, “Ta sẽ chặn đứng việc này.” Và Ngài đã làm như vậy. Trong câu chuyện tháp Ba-bên, Đức Chúa Trời muốn nói điều gì? Ngài muốn chứng tỏ cho chúng ta một điều rất hệ trọng. Dường như  trải qua nhiều thế kỷ, Đức Chúa Trời ngăn cản con người hợp lại với nhau phát triển khoa học kỹ thuật. Ngài khiến mọi sự lộn xộn. Ngài làm cho mỗi người nói một thứ tiếng và họ không thể giao tiếp với nhau được. Nhưng điều ngạc nhiên, từ năm 1900 dường như Đức Chúa Trời cho phép con người ngồi lại với nhau. Liên lạc, giao thông, kỹ thuật đã đem thế giới lại với nhau. Nay, con người đứng trước nguy cơ tiêu diệt chính mình. Thật lý thú khi quay trở lại với sách Sáng thế ký lúc mà con người hợp lại với nhau, dường như Đức Chúa Trời phán rằng, “Không được, trước tiên Ta cần phải làm một số việc.” Rồi Ngài chọn Áp-ra-ham, và như thế chúng ta có hai ngàn năm lịch sử. Sau đó, Đức Chúa Trời không còn giới hạn nữa và nói rằng, “Được rồi, cứ ngồi lại với nhau để làm điều các ngươi dự tính.”

 

Đến chương 12, quí vị gặp 3 nhân vật: Áp-ra-ham, Gia-cốp và Giô-sép. Đức Chúa Trời đã phán dạy rất nhiều điều cho quí vị qua các nhân vật trong Kinh thánh. Ngài muốn quí vị hiểu về đức tin. Đức tin vô cùng quan trọng, bởi thế Đức Chúa Trời phán dạy quí vị qua một nhân vật tên là Áp-ra-ham. Để đối phó với những khủng hoảng, Chúa dạy quí vị qua cuộc đời của Gia-cốp. Để dạy quí vị biết rằng, Ngài đang cầm quyền tể trị và điều khiển cuộc đời của quí vị, Chúa cho phép ghi lại câu chuyện của Giô-sép.

 

Đó là vài nét khái quát về sách Sáng thế ký. Khi quí vị đọc sách Sáng thế ký hãy tìm kiếm những chi tiết như vậy. Mỗi lần thấy sách Sáng thế ký ghi lại một sự việc nào đó, quí vị hãy đặt những câu hỏi: Đức Chúa Trời muốn dạy tôi điều gì? Ngài muốn tôi học biết điều gì khi Ngài cho phép ghi lại những sự việc trong quá khứ như vậy.

 

quí vị đang bắt đầu loạt bài nghiên cứu về Kinh thánh, xin quí vị đừng bỏ qua bài học nào. Hãy mời bạn hữu, thân nhân cùng lắng nghe và đọc sách Sáng thế ký với các câu hỏi: Kinh thánh nói điều gì? Điều đó có nghĩa gì? Và điều đó có nghĩa gì cho tôi? 

 

Bài trướcBài 5: Cầu Nguyện Và Đọc Kinh Thánh
Bài tiếp theoTin Lành Cho Người Việt Nam