Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới
Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời, cho nên chúng ta cần phải học Lời Chúa luôn luôn. Trong chương trình kỳ trước tôi có đề nghị quý vị đọc Kinh thánh, tôi tin rằng nhiều người đã đọc Kinh thánh, nhưng nếu quý vị chưa đọc Kinh thánh, hay chưa có Kinh thánh, tôi mong ước là quý vị hãy tìm mua một quyển Kinh thánh riêng cho mình và khởi sự đọc Kinh thánh mỗi ngày. Tôi tin rằng khi quý vị thường xuyên học Kinh thánh, quý vị sẽ tìm thấy những sự lạ lùng trong của Lời sự sống.
Có những hướng dẫn cần phải tuân thủ để chúng ta có thể học Lời Chúa. Tôi đảm bảo rằng, nếu quý vị theo những lời hướng dẫn này, phước hạnh sẽ đến trong lòng và trong đời sống của quý vị. Chúng ta cần có sự hướng dẫn để học hỏi Kinh thánh cách hiệu quả. Ngày nay khi quý vị mua một hộp thuốc, dầu lớn hay nhỏ, mắc hay rẻ đều có lời chỉ dẫn cách sử dụng. Đó là việc phải lẽ và cần thiết cho việc dùng thuốc. Chắc chắn rằng học và tìm hiểu Lời của Chúa còn quan trọng hơn rất nhiều, do đó chúng ta cần có sự hướng dẫn.
Tôi xin trình bày cho quý vị bảy điều căn bản, đơn giản để hướng dẫn học Lời Chúa, đó là:
1- Bắt đầu bằng lời cầu nguyện
2- Đọc Kinh thánh.
3- Học Kinh thánh.
4- Suy gẫm Kinh thánh.
5- Đọc các sách giải nghĩa Kinh thánh.
6- Vâng theo Lời Kinh thánh.
7- Truyền đạt Kinh thánh cho người khác.
Quý vị có thể thêm vào những lời hướng dẫn khác, nhưng tôi tin rằng đây là những hướng dẫn căn bản.
Một số người khác có cách đơn giản, cụ thể hơn để học Kinh thánh như sau: Biết Kinh thánh trong trí, chứa đựng trong lòng, thực hành trong đời sống, gieo trồng trong thế gian.
1- BẮT ĐẦU VỚI SỰ CẦU NGUYỆN
Chúng ta bắt đầu học Kinh thánh với sự cầu nguyện. Như quý vị đã nghe trước đây khi chúng ta đề cập đến sự soi sáng của Kinh thánh, vì Kinh thánh khác với những sách khác, chỉ có Đức Thánh Linh mới mở tâm trí chúng ta hiểu được. Các sách do con người viết ra, con người có thể hiểu được, nhưng Kinh thánh khác hẳn. Nếu không có sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, con người không thể cố gắng dùng trí óc của mình để hiểu được Kinh thánh. Ngài muốn dạy chúng ta hiểu, như Chúa Giê-xu nói trong sách Giăng 16:13, “Đức Thánh Linh sẽ dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật.”
Khi chúng ta mở Lời Chúa ra để đọc, để học chúng ta cần khởi đầu như lời cầu nguyện như tác giả Thi thiên, “Xin Chúa mở mắt tôi để tôi thấy sự lạ lùng trong luật pháp của Ngài.” Khi tác giả Thi thiên viết những lời này, ông xin Chúa giúp mình hiểu được các sách của Ngũ Kinh Môi-se. Nhưng chúng ta ngày nay có 66 sách trong toàn bộ Kinh thánh, nên chúng ta cầu nguyện: Xin Chúa mở mắt tôi để tôi thấy sự lạ lùng trong Lời của Ngài.
Khi sứ đồ Phao-lô cầu nguyện cho hội thánh tại Ê-phê-sô, ông không chú tâm cầu nguyện cho họ được khỏe mạnh, dẫu rằng ông có làm điều đó trước đây. Phao-lô cũng không cầu nguyện cho họ được giàu có, nhưng lời cầu nguyện đầu tiên của Phao-lô cho hội thánh Ê-phê-sô được ghi lại trong 1:15-18, “Vậy nên, sau khi tôi có nghe đức tin anh em hướng về Đức Chúa Giê-xu và tình yêu thương đối với các thánh đồ, thì tôi vì anh em cảm tạ không thôi, thường nhắc đến anh em trong khi cầu nguyện. Tôi cầu Đức Chúa Trời của Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, là Cha vinh hiển, ban thần trí của sự khôn sáng và của sự tỏ ra cho anh em, để nhận biết Ngài, lại soi sáng con mắt của lòng anh em, hầu cho biết điều trông cậy về sự kêu gọi của Ngài là thể nào, sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển Ngài cho các thánh đồ là làm sao…”
Trong lời cầu nguyện của Phao-lô, quý vị thấy là ông cầu nguyện cho các tín hữu hội thánh Ê-phê-sô có sự khôn ngoan và hiểu biết sự khải thị của Chúa, để họ có thể biết được Lời của Đức Chúa Trời, để cho mắt của lòng họ được soi sáng, được mở ra để họ biết được hy vọng về sự kêu gọi trong Đấng Christ.
Nếu quý vị nhớ đến tôi trong sự cầu nguyện, xin quý vị cầu nguyện cho mắt tôi, mắt tâm linh được mở ra. Điều cần thiết cho quý vị và tôi hôm nay là biết được ý muốn của Đức Chúa Trời. Ý muốn của Đức Chúa Trời ở trong Lời của Chúa. Chúng ta không thể nào biết được Lời của Đức Chúa Trời cho đến khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời trở thành giáo sư của chúng ta. Đó cũng là những gì Phao-lô nói trong I Cô-rinh-tô 2:12-14, “Về phần chúng ta, chúng ta chẳng nhận lấy thế gian, nhưng đã nhận lấy Thánh Linh từ Đức Chúa Trời đến, hầu được hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời; chúng ta nói về ơn đó, không cậy lời nói mà sự khôn ngoan loài người đã dạy đâu, song cậy sự khôn ngoan mà Đức Thánh Linh đã dạy, dùng tiếng thiêng liêng để giải bày sự thiêng liêng. Vả người có tánh xác thịt không nhận lãnh được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự dồ dại, và không thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng.”
Lý do mà nhiều người ngày hôm nay không hiểu được Lời của Chúa, chỉ đơn giản là vì họ không được Đức Thánh Linh dạy dỗ mình. Như quý vị đã thấy Lời của Chúa khác hơn những sách khác, bởi vì con người bình thường không thể hiểu được những điều này. Đức Chúa Trời ban Đức Thánh Linh đến để chúng ta có thể biết những sự ban cho của Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh là thầy chúng ta, chỉ có Thánh Linh mới có thể đem Lời của Đức Chúa Trời và làm nó trở nên hiện thực trong chúng ta.
Chúa muốn nói chuyện với chúng ta qua Lời của Ngài, đây là một quyển sách siêu nhiên, nó không thể truyền đạt với chúng ta cách tự nhiên, đơn giản, nhưng chỉ có Thánh Linh của Đức Chúa Trời có thể đem những điều trong Đấng Christ giải bày cho chúng ta. Hãy chú ý đến câu Kinh thánh rất hay, I Cô-rinh-tô 2:11, “Vả, nếu không phải là thần linh trong lòng người, thì ai biết sự trong lòng người? Cũng một lẽ ấy, nếu không phải là Thánh Linh của Đức Chúa Trời, thì chẳng ai biết sự trong Đức Chúa Trời.” Muốn hiểu được Lời của Chúa, Thánh Linh của Đức Chúa Trời phải trở thành giáo sư của chúng ta.
Tôi tin rằng có sự cách biệt giữa các thế hệ trong sự truyền thông lẫn nhau, cho nên thật khó cho một người già và một người trẻ mặt đối mặt nói chuyện để hiểu nhau. Thật vậy, tôi không hiểu Đức Chúa Trời trừ khi Ngài tỏ bày cho tôi. Tôi hay nghĩ, Chúa có cảm xúc thế nào trước đám tang? Tôi đọc Kinh thánh và thấy rằng Chúa Giê-xu khóc trong đám tang của La-xa-rơ. Tôi cũng biết rằng Ngài cũng có cảm nghĩ như vậy hôm nay, cũng như các cảm nghĩ của Ngài về những việc khác, bởi vì Thánh Linh của Đức Chúa Trời qua Lời của Chúa tỏ bày cho tôi.
Khi tôi thấy một người trợt chân té, tôi có thể đoán biết được cảm xúc ngượng ngùng, đau đớn của người ấy, vì người té đó và tôi đều là con người, và tôi cũng đã té như vậy trước đây.
Renan, một người Pháp công kích Lời của Đức Chúa Trời, nhưng ông lại viết sách về đời sống của Chúa Giê-xu. Trong sách của ông chia làm hai phần, một phần nói về lịch sử, phần kia giải nghĩa về đời sống Đấng Christ. Trong phần đầu ông nói đời sống của Đấng Christ rất sáng chói, vượt trổi hơn mọi người khác. Nhưng phần giải nghĩa của ông về Đấng Christ thì rất cạn cợt, không có lý, vì sự giải nghĩa của ông không hơn một em bé tiểu học. Làm sao giải thích được điều này? Thánh Linh của Đức Chúa Trời không dạy chúng ta lịch sử hay các dữ kiện, quý vị có thể tự tìm ra những điều này. Nhưng khi giải thích Lời Chúa thì hoàn toàn khác hẳn, Thánh Linh của Đức Chúa Trời làm công việc thông giải, và chính Thánh Linh là người thầy dạy dỗ, hướng dẫn chúng ta vào mọi lẽ thật. Chúng ta cần Thánh Linh của Đức Chúa Trời mở mắt để thấy và hiểu. Cho nên chúng ta cần kêu cầu sự giúp đỡ của Ngài.
Trong sách Tin Lành Giăng 16:12-15 Chúa Giê-xu nói, “Ta còn có nhiều chuyện nói với các ngươi nữa, nhưng bây giờ những điều đó cao quá sức các ngươi. Lúc nào Thần Lẽ Thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến. Ấy chính Ngài sẽ làm sáng danh ta, vì Ngài lấy những điều thuộc về ta mà rao bảo cho các ngươi. Mọi việc Cha có, đều là của ta, nên ta nói rằng Ngài sẽ lấy điều thuộc về ta mà rao bảo cho các ngươi vậy.”
Chúa Giê-xu nói rằng, chúng ta cần phải cầu nguyện và Ngài sẽ ban cho. Ngài ban Thánh Linh làm thầy chúng ta. Lần nữa trong Giăng 14:26 Chúa nói rằng, “Nhưng Đấng Yên Ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhơn danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi.” Đức Thánh Linh là thầy, Ngài dạy dỗ, hướng dẫn chúng ta vào mọi lẽ thật.
Quý vị thân mến, nếu quý vị đọc hết chương trình Tìm Hiểu Thánh Kinh này, mà thiếu sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, quý vị sẽ không hiểu được bao nhiêu. Nhưng nếu quý vị nương cậy nơi Chúa Thánh Linh là thầy, Ngài sẽ mở Lời Chúa ra cho quý vị.
Đó là điều quan trọng đầu tiên khi chúng ta học Kinh thánh, chúng ta bắt đầu với sự cầu nguyện, xin ChúaThánh Linh làm thầy chúng ta.
2- ĐỌC KINH THÁNH
Khi có người hỏi bạn câu hỏi là “Làm sao quý vị biết được truyện Kiều?” Có thể câu trả lời của quý vị ngắn gọn là “Đọc truyện Kiều.” Quý vị muốn biết Kinh thánh nói gì không? Hãy đọc Kinh thánh. Vượt trổi hơn những gì mà thầy cô giáo dạy quý vị, điều quan trọng là nếu quý vị muốn biết Kinh thánh chính quý vị cần phải đọc Kinh thánh để tìm những gì Kinh thánh muốn nói.
Tôi nghe một người nói rằng, tôi biết Kinh thánh, nhưng khi tôi hỏi anh ta về Kinh thánh, anh ta nói không đúng với những gì Kinh thánh dạy. Nên tôi hỏi thêm, “Anh biết Kinh thánh bằng cách nào?” Anh trả lời, “Tôi biết Kinh thánh qua một người khác nói lại.” “Nhưng chính anh có bao giờ đọc Kinh thánh chưa?” Khi tôi hỏi thế, anh ta trả lời, “Tôi chưa hề đọc Kinh thánh.” Đó là lý do tại sao anh bạn hiểu sai.
Điều thứ hai trong các hướng dẫn học Kinh thánh là đọc KinhThánh. Đọc Kinh thánh không có nghĩa là đọc thuộc lòng một số đoạn Kinh thánh nào đó nhiều lần, nhưng đọc Kinh thánh với mục đích để học và tìm hiểu, và nếu chúng ta có thể đọc nhiều lần để nhớ, thì càng tốt.
Có nhiều lúc chúng ta để nhiều thì giờ đọc những sách khác, hoặc đọc những sách nói về Kinh thánh, nhưng điều quan trọng hơn là đọc chính Kinh thánh. Tôi đã đọc Kinh thánh qua nhiều lần, và tôi thấy có ảnh hưởng rất tốt cho việc học và nghiên cứu Lời Chúa. Tôi không mệt mỏi khi đọc Lời của Chúa. Xin quý vị hãy đọc Lời của Chúa. Nếu quý vị đọc Lời của Chúa lần thứ nhất mà không hiểu, xin đọc lại lần thứ hai, rồi đọc lại lần thứ ba và tiếp tục đọc. Chúng ta chắc chắn sẽ nhận được lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời. Tôi nhớ rằng hơn 30 năm trước đây, khi tôi trở lại đạo Tin lành, có người cho tôi quyển Kinh thánh Tân ước và khuyên tôi đọc. Khi tôi đọc xuyên Kinh thánh lần thứ nhất, tôi chỉ hiểu được chút ít, nhưng tiếp tục đọc và tiếp tục học thì càng ngày càng hiểu thêm Lời Chúa, và hiện nay tôi vẫn còn tiếp tục đọc Kinh thánh. Vì Lời giống như ánh sáng hướng dẫn lối đi của tôi, như là tấm gương soi để tôi nhìn vào mỗi ngày.
Có trường hợp rất thích thú khi chúng ta xem trong sách Nê-hê-mi 8:1-3 chép rằng:
“Bây giờ, dân sự đều nhóm hiệp như thể một người, tại phố ở trước cửa Nước. Chúng nói với E-xơ-ra là thầy thông giáo, xin người đem quyển sách luật pháp của Môi-se mà Đức Giê-hô-va đã truyền dạy cho Y-sơ-ra-ên. Ngày mồng một tháng bảy, thầy tế lễ E-xơ-ra đem luật pháp đến trước mặt hội chúng, người nam và người nữ, cùng những người có thông sáng nghe hiểu được. Người đứng tại phố ở trước cửa Nước, đọc quyển sách ấy từ rạng đông cho đến trưa, có mặt các người nam và nữ, cùng những kẻ có thể hiểu đuợc. Cả dân sự lắng nghe đọc sách luật pháp.”
Quý vị có nhớ hay biết đến bối cảnh của phân đoạn Kinh thánh này không? Dân Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn 70 năm, mới được hồi hương, nhiều người trong số này chưa nghe Lời của Đức Chúa Trời. Các bản Kinh thánh viết tay thời ấy không có nhiều, có thể E-xơ-ra có được một vài bản viết tay còn được lưu truyền. E-xơ-ra đứng trước cổng và đọc rõ ràng trong sách luật pháp của Đức Chúa Trời, rồi giải nghĩa nó ra, làm cho nhiều người hiểu được lời ông đọc. (E-xơ-ra 8:8)
Có thể từ lúc đó, nhiều người nam trong chi phái Lê vi đến những nơi đó đông người mà dựng nên những chỗ đọc lời của Đức Chúa Trời cho dân chúng nghe và giải đáp những câu hỏi của họ. Qua sự đọc Kinh thánh và giải thích Kinh thánh của người Lê-vi, dân chúng đã hiểu được Lời Chúa. Cho nên ngày nay chúng ta cần phải đọc Lời Chúa cách thường xuyên.
Có thể quý vị bị lôi cuốn đọc các sách báo về khoa học, xã hội, văn chương, truyện cổ, chính trị, kỷ thuật, chuyên môn v.v… Những sách này rất cần thiết cho sự hiểu biết, hay công việc làm, nhưng nếu quý vị chưa đọc Kinh thánh là Lời sự sống của Đức Chúa Trời, quý vị còn thiếu sót một điều rất quan trọng. Tôi mong ước quý vị để thì giờ nào đó thuận tiện trong ngày và giữ giờ đó để đọc Kinh thánh.
Nếu quý vị là những người thuộc về hội thánh của Đức Chúa Trời, quý vị cần phải để thì giờ ưu tiên đọc và học Kinh thánh. Quý vị đừng để các sinh hoạt khác của hội thánh lôi cuốn người theo Chúa bỏ qua hay xem nhẹ việc đọc Kinh thánh, đừng quá chú tâm nhiều trong sinh hoạt vui chơi, thể thao, âm nhạc, hoạt động xã hội, ăn uống v.v…
Nếu quý vị là người giảng dạy Lời Chúa hay người lãnh đạo trong hội thánh của Đức Chúa Trời, tôi mong ước chính quý vị cần để thêm giờ ưu tiên đọc Lời Kinh thánh, và khuyến khích anh em mình trong hội thánh cùng đọc. Rất tiếc là có những hội thánh hay giáo hội bỏ qua việc đọc Lời Chúa, điều đó làm cho con dân Chúa đói khát Lời sự sống và kết quả là đời sống đạo sa sút.
Quý vị thân mến, nếu quý vị muốn biết thêm Lời của Đức Chúa Trời, xin mời quý vị đọc Lời của Ngài, không phải chỉ đọc thuộc lòng một số câu mình thích, hay đọc trong lúc gặp khó khó khăn, nguy hiểm, sợ hãi. Nhưng xin quý vị thường xuyên đọc Lời Chúa cách xuyên suốt. Đó là cách quý vị và tôi biết được Lời của Chúa, và đó là phương cách mà Chúa muốn chúng ta thực hiện.
Trước khi kết thúc bài hôm nay, xin quý vị đọc mục lục Kinh thánh (trong phần đầu của Kinh thánh).
Kinh thánh được chia hai phần chính: Cựu ước có 39 sách, Tân ước có 27 sách. Tổng cộng có 66 sách trong toàn bộ Kinh thánh.
Nếu quý vị đang có mục lục Kinh thánh, tôi mong ước quý vị đọc lại vài lần để biết mỗi sách nằm ở phần nào, nó sẽ giúp quý vị tìm ra các sách này khi cần.
Mỗi sách trong Kinh thánh được phân chia ra từng đoạn và câu. Thí dụ như sách Tin lành Giăng đoạn 3 câu 16, quý vị tìm ra câu này, viết rằng, “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất, mà được sự sống đời đời.”
Kỳ sau tôi sẽ trình bày cùng quý vị cách học và suy gẫm Kinh thánh.