Bài 59: Gia-Cốp Chúc Phước Cho Ép-Ra-Im Và Ma-Na-Se

2767

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

 

Sáng thế ký 48                                                   

 

            Đoạn Kinh Thánh Sáng thế ký 48 này nói cho chúng ta biết về cơn bệnh cuối cùng của Gia-cốp và sự chúc phước của ông ta cho hai đứa con trai của Giô-sép. Trong sách thư tín Hê-bê-rơ đoạn 11 câu 21 có chép rằng: “Bởi đức tin, Gia-cốp lúc gần chết, chúc phước cho hai con trai của Giô-sép và nương trên gậy mình mà thờ lạy.”        

 

            Đoạn Kinh Thánh này cũng cho chúng ta một cơ hội khác để thấy thêm nhiều bằng cớ về sự tăng trưởng thuộc linh của Gia-cốp. Ông đã đạt đến điều đó khi phải trải qua một chặng đường khá dài tính từ thuở thiếu thời của cuộc đời ông. Chúng ta cảm thấy thật đáng tiếc khi những ưu điểm của con người Gia-cốp chỉ xuất hiện vào những ngày cuối của cuộc đời mình, nhưng lại không có vào những ngày đầu lúc thiếu niên. Để có thể quan sát được điều này trong cuộc sống thuộc linh đang tăng trưởng và phát triển há chẳng phải là điều tuyệt diệu lắm sao? Nó chẳng phải là một từng trải đầy chấn động xảy ra trong một khoảnh khắc của thời gian, nhưng nó lại được mô tả như sự bước đi trong Thánh Linh. Gia-cốp có bản tính của con người cũ như khi còn ở tuổi thanh niên, và một bản tính mới đã không được bộc lộ rõ nét mãi cho đến lúc tuổi già.

 

            Có một cặp vợ chồng trẻ kia cứ hay tiến lên tòa giảng sau mỗi buổi lễ thờ phượng. Họ nói rằng họ muốn được Đức Chúa Trời chiếm hữu trọn vẹn. Họ cứ tiến lên như thế vào mỗi ngày Chúa nhật. Họ nghĩ rằng họ sẽ có được sự từng trải ngắn ngủi đầy chấn động và rất bất ngờ khiến họ sẽ trở nên những Cơ Đốc nhân trưởng thành trọn vẹn. Kinh Thánh bảo cho chúng ta biết rằng “chúng ta hãy lớn lên trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa Giê-xu Christ chúng ta” (II Phi-e-rơ 3:18). Từ bài học trong cuộc đời của Gia-cốp chúng ta nhận biết rằng chúng ta cần phải chờ đợi để trái Thánh Linh được phát triển. Nhưng chúng ta cũng hết sức cảm ơn Chúa về khả năng tăng trưởng thuộc linh trong đời sống chúng ta mà Ngài ban cho và về lòng kiên nhẫn của Ngài chờ đợi sự lớn lên đó. Lại nữa, chúng ta cũng hãy cảm ơn Ngài, vì Ngài không hề cố ép buộc sự tăng trưởng đó trong chúng ta, khi chưa có thể tăng trưởng được. Đức Chúa Trời đã rất kiên nhẫn để giao thông với Gia-cốp và Ngài vẫn đang rất kiên nhẫn giao thông với mỗi chúng ta ngày nay.

 

GIÔ-SÉP VIẾNG THĂM CHA MÌNH, GIA-CỐP LÚC BỆNH SẮP QUA ĐỜI.

 

Sáng thế ký 48:1-3, “Vả, khi các việc đó qua rồi, có người nói cùng Giô-sép rằng: Nầy cha người đau; Giô-sép bèn đem Ma-na-se và Ép-ra-im, hai đứa con trai mình, cùng đi đến. Họ cho Gia-cốp hay và nói rằng: Nầy Giô-sép, con trai ông, đến thăm ông đó; Y-sơ-ra-ên cố gượng ngồi dậy trên giường.  Gia-cốp nói cùng Giô-sép rằng: Đức Chúa Trời toàn năng đã hiện ra, và ban phước cho cha tại Lu-xơ, trong xứ Ca-na-an.”

 

Chúng ta có thể hình dung được niềm xúc động tuôn tràn trong trái tim của người cha già này.

 

Kìa Giô-sép, đứa con trai mà Gia-cốp yêu mến, đang đến cùng với 2 đứa con trai nhỏ của mình. Trước kia, Gia-cốp chưa bao giờ dám mơ ước là sẽ có một ngày gặp lại Giô-sép, bởi vì ông nghĩ rằng anh ta đã bị thú dữ giết rồi. Nhưng nay ông biết Giô-sép đã tiến lên đến chức vụ rất quan trọng tại xứ Ai-cập này, và Gia-cốp cũng có thể hình dung lại được đường lối mà Đức Chúa Trời đã vạch ra trên các công việc của đời ông. Đến bấy giờ thì Gia-cốp đã ở tại Ai-cập được 17 năm. Gia-cốp nay đã là một cụ già và sắp sửa qua đời nhưng ông ta đã cố thu hết sức lực đặng ngồi dậy ở cạnh giường. Xin hãy để ý rằng lúc đó, tư tưởng của ông lại quay về với dĩ vãng lúc mà Đức Chúa Trời hiện ra với ông tại xứ Lu-xơ, rồi ông nói cùng Giô-sép con mình rằng: “Đức Chúa Trời Toàn Năng đã hiện ra và ban phước cho cha tại Lu-xơ, trong xứ Ca-na-an.” Vâng, đúng là Gia-cốp đã đi trở lại một khoảng đường khá dài. Ở đây chúng ta thấy được lòng tin của Gia-cốp và bây giờ ông thật sự tin vào Đức Chúa Trời. Ông chẳng hề khoe khoang về chính bản thân mình. Khi còn là một thanh niên, Gia-cốp rất tài giỏi và có thể đạt được bất kỳ điều gì mà anh ta muốn. Có thể ông đã nghĩ rằng mình sẽ áp dụng mọi biện pháp nhằm đạt cho bằng được điều ấy. Nhưng giờ đây, Gia-cốp nhìn lại cuộc đời mình, ông nhớ lại lúc Đức Chúa Trời hiện ra với ông tại Bê-tên, cả hai lần khi ông rời bỏ xứ Ca-na-an và lúc quay về lại, thế rồi ông ta nói: “Ở đó, Đức Chúa Trời đã hiện ra với cha và ban phước cho cha.”

 

Như vậy chúng ta đã biết được niềm tin của Gia-cốp là thể nào!

 

Sáng thế ký 48:4, “mà phán rằng: Nầy ta sẽ làm cho ngươi sanh sản và thêm nhiều, làm thành một hội dân; ta sẽ cho dòng dõi ngươi xứ nầy làm cơ nghiệp đời đời.”

 

Chúng ta hãy chú ý về lời hứa của Đức Chúa Trời mà Gia-cốp đã đề cập đến, lời hứa này chạy xuyên suốt từ Kinh Thánh Cựu Ước và cả Tân Ước. Đức Chúa Trời đã lập lời hứa này với các tổ phụ đáng kính như Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Có 3 đặc điểm nổi bật của giao ước này:

 

1-                  Về dân tộc.

2-                  Về đất đai.

3-                  Về phước hạnh.

 

            Nhưng đối với Gia-cốp, hai sự kiện quan trọng hơn cả vào thời điểm này là: “Ta sẽ làm cho các ngươi sanh sản và thêm nhiều, làm thành một dân tộc đông đúc” và “Ta sẽ cho dòng dõi ngươi xứ này làm cơ nghiệp đời đời.”  Còn đặc điểm thứ ba lại quan trọng cho chính chúng ta: “Các chi tộc của thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước.”

 

Cái duyên cớ mà giờ đây, chúng ta cùng ngồi lại để cùng học hỏi, và lắng nghe Kinh Thánh, ấy bởi vì Đức Chúa Trời đã thực hiện tốt đẹp đến 2/3 lời hứa đó rồi! Lời hứa mà Ngài đã giao ước từ mấy ngàn năm về trước. Còn 1/3 của lời hứa kia vẫn chưa trọn vẹn. Người Do Thái vẫn chưa có đất đó. Ô, nhưng nay họ cũng đã có một xứ sở cùng một biên giới nhỏ, dẫu vậy nó lại chính là cốt lõi của lời hứa trong giao ước đời đời. Khi nào họ hoàn toàn nhận được đất mà Đức Chúa Trời đã hứa, thì lúc ấy họ sẽ được sống trong hòa bình. Mỗi người trong họ sẽ được hưởng vườn nho và cây vả lớn của mình. Họ cũng sẽ làm chủ tài sản của mình mà không phải đóng thuế gì. Điều này nghe giống như trong thời kỳ của “1000 năm bình an” phải không? Nhưng đó chính là điều tất yếu sẽ xảy đến.

 

GIA-CỐP CHÚC PHƯỚC CHO ÉP-RA-IM VÀ MA-NA-SE

 

Sáng thế ký 48:5-6, “Bây giờ, hai đứa con trai đã sanh cho con tại xứ Ê-díp-tô trước khi cha đến, là Ép-ra-im và Ma-na-se, cũng sẽ thuộc về cha như Ru-bên và Si-mê-ôn vậy. Còn mấy đứa mà con sanh kế đó, thì sẽ thuộc về con; về phần hưởng cơ nghiệp, chúng nó sẽ đồng một thể cùng anh em mình.”

 

Hai đứa cháu nội này của Gia-cốp, tức là các con trai của Giô-sép, mỗi người sau này sẽ trở thành một chi phái. Người nào đó có thể kết luận rằng, như vậy có 13 chi phái Y-sơ-ra-ên bởi Gia-cốp có 12 người con trai, thế thì làm sao lại 2 con trai của Giô-sép, mỗi người lại trở thành một chi phái riêng được? Chẳng hề có một chi phái nào của Giô-sép, nhưng quả có 2 chi phái thuộc Ép-ra-im và Ma-na-se và thế là tạo thành con số 13 trong phép toán học của bất kỳ người nào. Tuy nhiên Kinh Thánh lại kể là 12 chi phái. Như chúng ta đã biết, chi phái Lê-vi không được tính là một chi phái, họ đã trở thành một chi phái tế lễ, họ không được cấp đất hay lãnh thổ riêng, nhưng họ được tản mạn ra khắp tất cả các chi phái kia với tư cách là thầy tế lễ, bởi vậy họ không được tính là một chi phái. Lời Chúa đã tính toán theo cách đó, và đó cũng chính là phương cách mà Đức Chúa Trời muốn thành tựu, thế nên đó là phương cách mà Chúa đã thực hiện.

 

Ép-ra-im và Ma-na-se đã vượt quá tuổi 17, bởi vì họ đã được sinh ra trước khi Gia-cốp đến xứ Ai-cập và mỗi người trong họ trở thành một chi phái.

 

Hãy để ý rằng giờ đây tư tưởng của Gia-cốp lại quay về với Ra-chên, người vợ yêu quí của mình, là người mẹ của Giô-sép.

 

Sáng thế ký 48:7, “Khi cha ở Pha-đan trở về xứ Ca-na-an, thì Ra-chên chết dọc đường có mặt cha, gần Ê-phơ-rát; cha chôn người ở bên con đường đi về Ê-phơ-rát (tức là Bết-lê-hem).”

 

Mỗi khi chúng ta cất lên bài ca: “Ôi Bết-lê-hem tiểu thôn cô quạnh!” thì chúng ta lại nghĩ về ngày giáng sinh của Chúa Giê-xu, nhưng giá như Gia-cốp có thể nghe được bài hát này của chúng ta, chắc ông sẽ trước tiên nghĩ về cái chết của người vợ xinh đẹp, yêu quí của mình là Ra-chên. Giờ đây đang trên giường chờ chết, tư tưởng của ông lại quay về lại nơi mà ông đã chôn bà. Thật là điều khiến lòng ông đau đớn biết bao!

 

Sáng thế ký 48:8-9, “Y-sơ-ra-ên thấy các con trai Giô-sép, bèn hỏi rằng: Những đứa nầy là ai? Giô-sép thưa rằng: Ấy là những con trai của con mà Đức Chúa Trời đã cho tại xứ nầy. Y-sơ-ra-ên lại nói: Xin hãy đem đến đây, đặng cha chúc phước cho chúng nó.”

 

Chúng ta thấy rằng cả Y-sác lẫn Gia-cốp đều bị chứng làn mắt khi trở về già không. Có lẽ ánh nắng chói chang của vùng sa mạc có thể đã gây cho họ chứng bịnh này. Thậm chí ngày nay tại các quốc gia ở Trung Đông cũng có rất nhiều người bị bệnh về mắt. Trước đây và hiện nay ở tại một số quốc gia Ả-rập, nhiều người già dường như gặp khó khăn trong việc đi lại. Họ không phải hoàn toàn bị mù, nhưng chắc chắn là họ không nhìn rõ lắm. Bởi thế chúng ta thấy rằng Gia-cốp lúc ấy đã không nhận biết các cháu trai kia của mình cách rõ ràng.

 

Sáng thế ký 48:10-14, “Vả, mắt của Y-sơ-ra-ên già nên làng, chẳng thấy chi nữa, bèn biểu chúng nó lại gần, ôm choàng và hôn. Y-sơ-ra-ên nói cùng Giô-sép rằng: Trước cha tưởng chẳng còn thấy được mặt con, nhưng bây giờ Đức Chúa Trời lại làm cho cha thấy được đến dòng dõi con nữa. Giô-sép dẫn hai đứa con trai ra khỏi hai đầu gối cha mình, rồi sấp mình xuống đất. Đoạn, người dẫn hai đứa trẻ lại gần cha; tay hữu thì dẫn Ép-ra-im sang qua phía tả của cha, còn tay tả dắt Ma-na-se sang qua phía hữu. Y-sơ-ra-ên đưa tay mặt ra, để trên đầu Ép-ra-im, là đứa nhỏ, còn tay trái lại để trên đầu Ma-na-se. Người có ý riêng để tay như vậy, vì Ma-na-se là đứa lớn.”

 

Có lẽ hai đứa trẻ cảm thấy hơi bối rối bởi ông nội chúng đã bày tỏ niềm cảm xúc mà ông dành cho chúng thật quá đổi nhiệt thành.

 

Dường như mấy cậu con trai này muốn trốn đi khỏi ông nội chúng khi Gia-cốp đã tuôn tràn niềm xúc cảm cho chúng rất nồng nàn.

 

Giô-sép đem các đứa trẻ đến với Gia-cốp để ông có thể chúc phước cho chúng. Cậu con trai đứng trước mặt ông bên tay phải thì sẽ là đứa được hưởng quyền ưu tiên trong sự chúc phước này.

 

Ép-ra-im sẽ trở thành người lãnh đạo trên Ma-na-se. Về sau nầy, chúng ta thấy rằng chi phái Ma-na-se sẽ tuần hành trong sa mạc dưới ngọn cờ của chi phái Ép-ra-im như đã được mô tả trong sách Dân số ký. Chính Giô-suê, vị tướng lãnh tài ba đã xuất thân từ chi phái Ép-ra-im, cũng xin nói thêm rằng, đã từng có rất nhiều con người lỗi lạc cũng xuất thân từ chi phái này. Ép-ra-im đã trở thành chi phái hưởng quyền ưu tiên. Vậy, chẳng hề có nghi vấn gì về vấn đề này cả!

 

Điều gì xảy ra tại buổi lễ chúc phước ấy ở đây? Mặc dầu Gia-cốp không thể nhìn thấy rõ, nhưng ông lại bảo cho Giô-sép điều gì nên làm. Giô-sép lúc đó đẩy đứa con trai lớn về phía vị trí bàn tay phải của Gia-cốp và đứa con trai nhỏ hơn về phía bên tay trái. Thế rồi, Gia-cốp đã làm gì? Vâng, ông đã trở tay thật lẹ, ông đưa chéo tay mình ra và đặt bàn tay phải lên đầu đứa nhỏ hơn.

 

Tại sao ông lại làm như vậy? Chẳng nghi ngờ gì, ông đã dành cho cả hai cậu bé một thứ tình cảm nồng nàn. Chúng là các con trai của Giô-sép, người con mà ông yêu quí. Gia-cốp biết là ông đang chúc phước cho đứa nhỏ hơn. Có lẽ lý do của sự việc ấy là chính vì trước kia Gia-cốp cũng là đứa em nhỏ hơn Ê-sau và đã nhận được sự chúc phước từ Y-sác, cha mình. Thế nên ở đây ông chuyển sự chúc phước lên cho đứa nhỏ hơn, tức là Ép-ra-im vậy.

 

Đây đúng là một nguyên tắc rất thú vị xuyên suốt trong Kinh Thánh. Chẳng hạn như trong sự chọn lựa Đa-vít, Đa-vít là con trai nhỏ nhất trong số các con trai của Y-sai. Tại sao Đức Chúa Trời lại chọn Đa-vít? Đức Chúa Trời minh họa cho chúng ta thấy rõ về một lẽ thật thuộc linh lớn lao khác. Đức Chúa Trời không hề chú ý gì đến truyền thống hay phong tục của loài người. Nhưng Ngài chấp nhận một sự sinh mới trong thuộc linh. Chúng ta nói rằng người con trai trưởng có trách nhiệm lớn trong gia đình. Vâng, nhưng không phải lúc nào Đức Chúa Trời cũng chọn người con trai trưởng. Ấy vì Đức Chúa Trời không chọn con người theo xác thịt hay theo tài năng tự nhiên mà anh ta có được. Trong thời đại ngày nay chúng ta cần phải học hỏi về ý nghĩa sâu sắc của chân lý này biết bao! Đức Chúa Trời có thể sử dụng tài năng của mỗi chúng ta, nhưng với điều kiện là tài năng đó phải được dâng hiến cho Ngài. Sự phục hưng của hội thánh không thể nào dựa vào tài năng cá nhân, nhưng do quyền năng hành động của Thánh Linh.

 

Chúng ta thấy có nhiều Cơ Đốc nhân tài ba ở khắp mọi nơi, nhưng chúng ta lại không có được sự phục hưng. Tại sao vậy? Bởi vì tài năng đó đã không hiến dâng cho Đức Chúa Trời. Tài năng đó phải được sanh hoa kết quả cho Chúa và phải được Ngài sử dụng.

 

Gia-cốp đã đặt chéo tay mình lên đầu của hai đứa cháu nội, để rồi ban quyền ưu tiên cho đứa nhỏ tuổi hơn.

 

Sáng thế ký 48:15, “Rồi người chúc phước cho Giô-sép rằng: Cầu xin Đức Chúa Trời mà tổ phụ tôi là Áp-ra-ham và Y-sác đã thờ phượng; là Đức Chúa Trời đã chăn nuôi tôi từ khi mới lọt lòng cho đến ngày nay.”

 

“Đức Chúa Trời là Đấng đã nuôi nấng tôi từ khi mới lọt lòng mẹ cho mãi đến ngày nay.” Câu nói này ở đây chứng tỏ rằng Gia-cốp đã đạt đến đỉnh cao trong đời sống thuộc linh và tin kính!

 

Sáng thế ký 48:16, “Thiên sứ đã cứu tôi ra ngoài vòng hoạn nạn, hãy ban phước cho hai đứa trẻ nầy; nối danh tôi và tổ phụ tôi là Áp-ra-ham và Y-sác, và cho chúng nó thêm lên nhiều vô số trên mặt đất!”

“Nguyền thiên sứ đã cứu tôi ra khỏi vòng hoạn nạn, hãy ban phước cho hai đứa trẻ này.” Thật ông chẳng khoe khoang về điều gì ngoại trừ việc ngợi khen về Đấng Cứu Chuộc tuyệt vời kia! Và liền sau đó ông cầu nguyện: “Xin cho chúng nó thêm lên nhiều vô số trên đất.”

 

Hãy quan sát phản ứng của Gia-cốp.

 

Sáng thế ký 48:17-19, “Nhưng Giô-sép thấy cha mình để tay hữu trên đầu Ép-ra-im, thì có ý bất bình, liền nắm lấy tay cha đã để lên đầu Ép-ra-im mà tráo đổi qua đầu Ma-na-se, rồi thưa rằng: Chẳng phải vậy, cha. Đứa nầy đầu lòng, để tay hữu cha trên đầu nó mới phải chớ. Nhưng cha người không chịu và cãi rằng: Cha biết, con, cha biết. Nó sẽ trở nên một dân; nó cũng sẽ lớn vậy, con; song thể nào em nó cũng sẽ lớn hơn và dòng dõi nó sẽ thành ra vô số nước.”

 

            “Dòng dõi nó sẽ thành ra vô số nước,” đấy chính là điều quan trọng mà chúng ta cần xem xét.

 

            Tốt hơn Giô-sép nên chấp nhận sự kiện này vì chính cá nhân Giô-sép cũng chẳng phải là người lớn nhất, không là con trai trưởng của trong gia đình và dẫu sao thì các con của mình cũng nhận được sự chúc phước cao quí này rồi!

 

Sáng thế ký 48:20-22, “Trong ngày đó, người chúc phước cho hai đứa con trai nầy mà nói rằng: Ấy vì ngươi mà dân Y-sơ-ra-ên sẽ chúc phước nhau rằng: Cầu xin Đức Chúa Trời làm cho ngươi được giống như Ép-ra-im và Ma-na-se. Vậy, Gia-cốp đặt Ép-ra-im trước Ma-na-se. Y-sơ-ra-ên lại nói cùng Giô-sép rằng: Nầy, cha sẽ thác, nhưng Đức Chúa Trời sẽ phù hộ và đem các con trở về xứ tổ phụ.”

 

Hãy để ý đến niềm tin của Gia-cốp ở đây.

 

“Còn cha sẽ cho con một phần đất trổi hơn các anh em, là phần đất của cha đã dùng cung-kiếm đoạt lấy của dân A-mô-rít đó.”

 

Thế là nhân cơ hội buổi chúc phước này của Gia-cốp cho hai đứa bé, Giô-sép cũng được hứa sẽ nhận được sự thừa kế sản nghiệp to lớn hơn các anh em của mình.

 

Hiển nhiên, đây quả là một món quà mà Gia-cốp tặng cho Giô-sép (xem Giăng 4:5). Đó chính là dãy đất gần Sy-rơ nơi mà Giô-sép đã được chôn.                     

 

Đây cũng chính là sự đền đáp cho sự kiện đã có hai chi phái Y-sơ-ra-ên ra từ Giô-sép và cũng bởi họ cần có thêm lãnh thổ. Đó là phần đất mà lúc đầu Gia-cốp đã mua từ tay người A-mô-rít, sau đó họ đã dùng sức mạnh để lấy lại đất này. Gia-cốp bèn giành lại uy danh và cũng bằng sức mạnh, ông đã chiếm lại và khai phá nó. Đây cũng là khu vực đã từng được bàn cãi về tính chủ quyền của nó mãi cho đến ngày nay. Cũng chính tại nơi đây, một quốc gia mới Y-sơ-ra-ên muốn xây dựng trên đó, ở vùng bờ Tây sông Giô-đanh.

 

Thật vui và được khích lệ về hình ảnh Gia-cốp chúc phước cho con cháu, những phước hạnh thiêng liêng và phước hạnh vật chất. Đức Chúa Trời làm thành lời chúc phước này. Mong ước mỗi chúng ta đều biệt quan tâm đến phước hạnh của con cháu mình.

           

 

 

Bài trướcLễ Bổ Nhiệm Quản Nhiệm HTTL Tam Kỳ – Tỉnh Quảng Nam
Bài tiếp theoBồi Linh – Thông Công Các Ban Phụ Nữ Tại Nhà Thờ Tiên Quả, Quảng Nam.