Bài 51: Giô-Sép Giải Mộng Cho Pha-ra-ôn

2240

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

 

Sáng thế ký 41:1-37

 

Đoạn Kinh thánh Sáng thế ký 41 này khác biệt với đoạn Kinh thánh trước biết bao! Trong đoạn Kinh thánh trước, Giô-sép đã phải ngồi lại trong tù nơi đất lạ, bị lãng quên trong cô đơn và thất vọng. Tuy nhiên điều xảy đến với Giô-sép cũng chính là mục đích của Đức Chúa Trời nhằm thực hiện kế hoạch lớn lao của Ngài qua đời sống của anh ta. Nếu ngày nay, chúng ta có thể nhận biết được bàn tay của Đức Chúa Trời đang thực thi trên đời sống của chúng ta thể nào thì ắt hẳn chúng ta sẽ có một nhãn quan khác hẳn về cuộc đời. Trong đoạn Kinh thánh này, chúng ta sẽ thấy rằng Giô-sép được phóng thích ra khỏi nhà tù khi anh ta giải đoán được điềm chiêm bao của Pha-ra-ôn. Giô-sép được cất nhắc lên làm người cai trị trên toàn cõi xứ Ai-cập, Ông cưới nàng Ách-nát, con gái của thầy cả thành Ôn, nàng sanh cho Giô-sép hai người con trai là Ma-na-se và Ép-ra-im.

 

Đây quả là câu chuyện của kẻ “khố rách áo ôm” trở nên người quyền quý. Chưa hề có một câu chuyện nào lại gây xúc động hơn hoạt cảnh này trong cuộc đời Giô-sép. Chỉ trong đoạn Kinh thánh này chúng ta hẳn có thể thấy được bàn tay của Đức Chúa Trời ấn chứng trên cuộc đời Giô-sép và Giô-sép cũng ý thức được về sự hiện diện của Đức Chúa Trời, ngay cả những tháng ngày sống trong nghịch cảnh. Chính ý thức này đã làm nảy sinh trong Giô-sép những phẩm hạnh tốt và những trái của Thánh Linh, mà một trong những trái đó là kiên nhẫn. Lẽ thật này được bày tỏ trong thư tín Rô-ma 5:3, sự hoạn nạn sinh ra lòng kiên nhẫn, điều này được minh hoạ một cách hùng hồn trong cuộc đời Giô-sép vậy.

 

Chúng ta cũng nhận thấy rằng chàng thiếu niên này được mang vào trước mặt Pha-ra-ôn, vị Vua dân ngoại, cũng giống như sau này Đa-ni-ên được mang vào trước mặt vua Nê-bu-cát-nét-xa. Cả hai đều nhằm để giúp giải đoán những điềm chiêm bao.

 

Sau đó, chúng ta sẽ xem xét về cơn đói kém được chép ở cuối đoạn này. Chúng ta tự hỏi rằng Đức Chúa Trời muốn thực hiện trọn vẹn kế hoạch đó là nhằm đến mục đích gì? Ấy là Ngài muốn đưa gia đình Gia-cốp ra khỏi xứ Ca-na-an đặng tránh xa khỏi tội lỗi của người Ca-na-an và đồng thời đưa họ đến kiều ngụ tại một nơi vắng vẻ tại xứ Gô-sen. Đấy là một trong những mục tiêu chính của Ngài. Đức Chúa Trời cũng có những mục tiêu khác nữa, nhưng trên đây là mục tiêu rõ ràng, dễ nhận thấy nhất.

 

Khi chúng ta theo dõi xuyên suốt đoạn Kinh thánh này, hy vọng sẽ còn ghi nhận được nhiều điều khác nữa mà qua đó thấy được Giô-sép giống với hình ảnh của Chúa Giê-xu Christ như thể nào và rồi sau đó chúng ta sẽ đưa ra những so sánh về sự tương đồng này, đó cũng là điều rất quan trọng đáng chú ý.                    

 

NHỮNG ĐIỀM CHIÊM BAO CỦA PHA-RA-ÔN

 

Chúng ta hãy nhớ lại trong đoạn trước đây, hai quan tửu chánh và quan thượng thiện của Pha-ra-ôn đã bị tống giam cùng tù với Giô-sép. Tại đó, Giô-sép đã giúp giải mộng cho các vị quan này một cách chính xác, kết quả thật đúng như vậy. Quan thượng thiện đã bị treo cổ và quan tửu chánh lại được phục chức. Giô-sép đã xin quan tửu chánh nhớ tâu lại với Pha-ra-ôn hoàn cảnh lao lý của mình, nhưng người này đã không nhớ. Sau đó, Đức Chúa Trời cũng khiến cho Pha-ra-ôn có một điềm chiêm bao.

 

Sáng thế ký 41:1, “Cách hai năm sau, Pha-ra-ôn nằm chiêm bao thấy mình đứng bên bờ sông.”

Lưu ý rằng những diễn biến xảy ra trong phần cuối của đoạn Kinh thánh trước đây đến thời điểm mà Giô-sép đang ở trong tù đã được trọn 2 năm. Rồi Giô-sép phải chịu đựng thêm 2 năm nữa ở trong tù để chờ đợi một điều gì đó sẽ xảy đến cho mình. Sau đây là điềm chiêm bao của Pha-ra-ôn:

 

Sáng thế ký 41:2-4, “Nầy đâu dưới sông đi lên bảy con bò mập và tốt, ăn cỏ trong bung. Rồi nầy, bảy con bò khác, xấu dạng, gầy guộc, ở dưới sông đi theo lên sau, đến đứng gần các con bò trước trên bờ sông. Bảy con bò xấu dạng, gầy guộc nuốt bảy con bò mập tốt. Pha-ra-ôn bèn thức giấc.”

 

Pha-ra-ôn ‘nằm chiêm bao’, phân từ dùng ở đây tỏ ra rằng khi nằm mộng lan man một lúc, chiêm bao thình lình đến với hình thức rõ rệt. Tác giả dùng chữ ‘nầy’ để cho chúng ta chú ý đến hiện tượng vua nhận thấy cách rõ ràng. Chính vua đang đứng trên bờ sông Ni-lơ. 

 

Cụm từ “những con bò” ở đây chúng ta đang đề cập về đàn gia súc. Ông ta mơ thấy 7 con bò béo tốt, mập mạp. Sau đó ông ta mơ thấy 7 con bò khác gầy guộc và trông thật xấu xí.

 

Bò ăn nuốt bò là một điều kỳ lạ, dầu vậy trong chiêm bao đó hoàn toàn là một loại biến cố có thể xảy ra. Tuy nhiên chiêm bao này rất kỳ lạ, đến nỗi Pha-ra-ôn giật mình tỉnh dậy.

 

Pha-ra-ôn choàng thức giấc và tự hỏi điềm chiêm bao ấy có nghĩa gì? Pha-ra-ôn đã không thể giải đoán nổi nó, và lúc bấy giờ chẳng có một ai có thể giúp giải đoán được cho ông ta.

 

Sáng thế ký 41:5-8, “Vua nằm ngủ lại, chiêm bao lần thứ nhì, thấy bảy gié lúa chắc, tốt tươi, mọc chung trên một cộng rạ. Kế đó, bảy gié lúa khác lép và bị gió đông thổi háp, mọc theo bảy gié lúa kia. Bảy gié lúa lép nuốt bảy gié lúa chắc. Pha-ra-ôn bèn thức giấc; và nầy, thành ra một điềm chiêm bao.  Sáng mai, tâm thần người bất định, truyền đòi các pháp-sư và các tay bác sĩ xứ Ê-díp-tô đến, thuật lại điềm chiêm bao mình cho họ nghe; nhưng chẳng có ai bàn được điềm chiêm bao đó cho vua hết.”

 

Chiêm bao thứ hai này có đặc điểm Ai-cập, y như chiêm bao thứ nhất. Người Ai-cập rất quen thuộc với gió. Xứ Ai-cập nổi tiếng là vựa lúa của thế giới Trung cổ. Cây lúa có bảy gié chẳng phải là chuyện khác thường. Những gié lúa chắc (mập) được thấy trong chiêm bao trông rất thích mắt.  

 

Trong khi tất cả các pháp sư và những nhà thông thái được cho vời đến để nghe Pha-ra-ôn thuật lại điềm chiêm bao, lúc ấy quan tửu chánh cũng có mặt tại đó. Với chức vụ vốn có, quan tửu chánh cũng được đứng trước mặt Pha-ra-ôn và có thể làm bất cứ điều gì mà ông muốn. Khi mà không một nhà thông thái nào có thể giải đoán được điềm chiêm bao của vua thì quan tửu chánh lúc ấy bèn lên tiếng.

 

Chúng ta phải ngưỡng mộ lòng thành thật của những pháp sư, thuật sĩ Ai-cập. Vì nếu họ đưa ra một lời giải thích bất đắc dĩ, thì cũng có vẻ dễ lắm. Nhưng có lẽ họ hoàn toàn làm theo lương tâm. Khoa học của họ chẳng giúp họ tìm ra manh mối, và họ nhìn nhận như vậy. Tuy nhiên khi nhìn về một khía cạnh khác, chúng ta thấy bàn tay Đức Chúa Trời ngăn chặn bọn người giải mộng sai lệch, hầu cho sự khải thị phát xuất từ chính dụng cụ, chính người mà Ngài lựa chọn.

 

Sáng thế ký 41:9, “Quan tửu chánh bèn tâu cùng Pha-ra-ôn rằng: Bây giờ, tôi nhớ đến lỗi của tôi.”

 

Ở đây xin nói thêm một chút về chữ “lỗi lầm” (fault). Có lẽ phải nói là “tội lỗi” (sin). Nhưng tất cả điều này xảy ra chẳng qua là sự tiên liệu và sắp đặt của Đức Chúa Trời mà thôi! Chúng ta có thể gọi đó là “tình huống hết sức ngẫu nhiên.” Hoàn cảnh khốn khổ của Giô-sép vào lúc bấy giờ chẳng ai thấu hiểu được, nhưng Đức Chúa Trời khiến sự kiện này xảy ra là nhằm mục đích giải cứu cho Giô-sép. Bây giờ xin hãy trở lại với câu chuyện, quan tửu chánh tâu với vua rằng: “Muôn tâu bệ-hạ, thần vừa nhớ lại là thần đã có hứa với một gã trai trẻ đang bị giam trong ngục kia rằng, thần sẽ tâu với bệ-hạ về câu chuyện của anh ta. Tâu Pha-ra-ôn, gã trai trẻ kia có thể là người thông giải được điềm mộng cho bệ hạ cách chính xác!” Tiếp đó quan tửu chánh đã thuật lại cho Pha-ra-ôn về sự kiện và kinh nghiệm của chính bản thân mình:

 

Sáng thế ký 41:10-13, “Ngày trước, bệ hạ nổi giận cùng quần thần, có cầm ngục quan thượng thiện và tôi nơi dinh quan thị vệ. Trong lúc đó, cùng một đêm kia, chúng tôi có thấy điềm chiêm bao, chiêm bao mỗi người đều có ý nghĩa riêng rõ ràng. Tại đó, cùng chung ngục, có một người Hê-bơ-rơ, còn trẻ, kẻ gia-đinh của quan thị vệ; chúng tôi thuật lại cho chàng nghe điềm chiêm bao của mình; chàng bàn rõ ra cho ai mỗi chiêm bao nấy.  Rồi ra, công việc xảy đến y như lời chàng bàn: bệ hạ phục chức tôi lại, và xử treo quan kia.

Pha-ra-ôn liền đáp rằng: “Trẫm cũng đã nghe mọi người khác quanh đây nói về điều đó. Vì gã trai trẻ kia đã thông giải được điềm chiêm bao của ngươi và của quan thượng thiện. Vậy, hãy cho vời anh ta đến đây bởi vì trẫm có cảm tưởng rằng những điềm chiêm bao của trẫm thật hết sức quan trọng!”

 

GIÔ-SÉP THÔNG GIẢI CÁC ĐIỀM CHIÊM BAO CỦA PHA-RA- ÔN

 

Sáng thế ký 41:14, “Pha-ra-ôn bèn sai đi đòi Giô-sép; họ lập tức tha người ra khỏi ngục, cạo mặt mày cho, biểu thay đổi áo xống, rồi vào chầu Pha-ra-ôn.”

 

Nhu cầu của Pha-ra-ôn rất là cấp bách, ông cần người giải thích điềm chiêm bao cho ông, dầu người ấy là tù nhân cũng không làm vua ái ngại. Dầu vậy các quan của vua giúp Giô-sép chuẩn bị gặp vua.

 

Ở đây chúng ta nhận thấy rằng Giô-sép tự cạo râu cho mình. Chúng ta có thể nhớ rằng vào thời đó người Hê-bơ-rơ không bao giờ cạo râu. Nhưng chúng ta cũng từng thấy những bức tượng và những bức tranh về những người đàn ông Ai-cập mày râu nhẵn nhụi chưa. Có một số nhà cai trị đùa cợt để một chòm râu nhỏ ở dưới cằm nhằm làm tăng thêm vẻ cao quý của mình – nếu râu không thể mọc được thì họ đeo râu giả – nhưng nói chung thì người Ai-cập không hề để râu trên gương mặt.

 

Qua sự việc này chúng ta lại có thêm một sứ điệp quan trọng ở đây. Chàng thanh niên này đã được đem ra khỏi nhà tù, cạo râu, rửa mặt sạch sẽ, cởi bỏ quần áo tù nhân, mặc trang phục nghiêm chỉnh của chốn cung đình. Đây cũng chính là hình ảnh về cuộc đời mới mà anh ta có trước mặt anh. Nó giống như là sự phục sinh, vì anh ta như được sống lại. Bây giờ chúng ta hãy xem đến những dân ngoại bang. Thật là một bức tranh lớn biết bao về Đấng Christ, mà bức tranh này sẽ cho ta thấy được ở đây!

 

Sáng thế ký 41:15-16, “Pha-ra-ôn phán cùng Giô-sép rằng: Trẫm có thấy một điềm chiêm bao mà chẳng ai bàn ra. Vậy, trẫm nghe rằng khi người ta thuật điềm chiêm bao lại cho, thì ngươi bàn được. Giô-sép tâu rằng: Đó chẳng phải tôi, nhưng ấy là Đức Chúa Trời đem sự bình an đáp cho bệ hạ vậy.”

 

Chúng ta hãy lưu ý cách mà Giô-sép đã tôn vinh Đức Chúa Trời như thể nào!

 

Với cung cách tôn vinh này của Giô-sép, chắc hẳn Đức Chúa Trời chấp nhận lời tôn vinh đó. Là con cái Chúa, chúng ta phải cẩn trọng nhớ rằng Đức Chúa Trời sẽ đón nhận lấy tất cả vinh quang về những gì mà người ấy thành tựu được. Nếu như chúng ta làm một điều phước hạnh thì ấy là chính Đức Chúa Trời đã làm điều đó qua chúng ta. Và Giô-sép cũng rất cẩn trọng khi nói rằng: “Ấy chẳng phải bởi chính tôi – Tôi không thể tự mình thông giải được giấc mộng đó của bệ hạ, nhưng ấy là Đức Chúa Trời đem sự bình an đáp cho bệ hạ vậy.”

 

Câu nói vắn tắt và lễ độ của Giô-sép cho rằng Đức Chúa Trời sẽ dùng chàng làm môi giới cho sự khải thị của Ngài. Chúng ta rất có thể ngạc nhiên trước sự thẳng thắn và thành thật của chàng, không thủ lợi ngay trong lúc cấp bách bằng cách bóp méo sự thật đôi chút. Về phần Giô-sép thì tuyệt đối thành thực bảo vệ danh của Đức Chúa Trời còn quan trọng hơn lợi lộc cá nhân của mình bội phần. Sau mười mấy năm với nhiều nổi bất công, mối suy tư đầu tiên của mình chẳng phải là sự giải thoát, mà luôn làm sao cho mối quan hệ giữa mình với Đức Chúa Trời hoàn toàn được thẳng thắn.

 

Rồi Pha-ra-ôn thuật lại điềm chiêm bao cho Giô-sép. Sáng thế ký 41:17-24, “Pha-ra-ôn phán rằng: Nầy, trong điềm chiêm bao trẫm đương đứng bên bờ sông. Nầy đâu bảy con bò mập và tốt dưới sông đi lên, đến ăn cỏ trong bưng. 19  Rồi bảy con bò khác xấu dạng gầy guộc đi theo lên sau; thật trẫm chẳng thấy trong xứ Ê-díp-tô nầy có bò xấu dạng như vậy bao giờ. Bảy con bò xấu dạng gầy guộc đó nuốt bảy con bò mập tốt trước kia, nuốt vào bụng, mà dường như không có nuốt, vì các con bò đó vẫn xấu dạng như xưa. Trẫm bèn thức giấc; rồi lại thấy điềm chiêm bao khác, là bảy gié lúa chắc tốt tươi mọc chung trên một cộng rạ. Kế đó, bảy gié lúa khác, khô, lép, bị gió đông thổi háp, mọc theo bảy gié lúa kia; và bảy gié lúa lép đó lại nuốt bảy gié lúa chắc. Trẫm đã thuật điềm chiêm bao nầy cho các pháp-sư, nhưng không ai giải nghĩa ra được.”

 

Sau khi lắng nghe lời tường thuật của vua, Giô-sép nói: Sáng thế ký 41:25, “Giô-sép tâu cùng Pha-ra-ôn rằng: Hai điềm chiêm bao của bệ hạ thấy đó đồng một nghĩa mà thôi; Đức Chúa Trời mách cho bệ hạ biết trước những việc Ngài sẽ làm.”

 

Giô-sép thưa rằng điềm chiêm bao này chỉ là một, cả hai cũng chỉ đề cập đến một vấn đề. Sự kiện được lập lại để báo cho Pha-ra-ôn đến hai lần là nhằm nói lên tầm quan trọng của vấn đề đó mà thôi. Đức Chúa Trời muốn bảo cho Pha-ra-ôn biết sẽ phải làm gì. Và sau đây là lời thông giải:

 

Sáng thế ký 41:26-31, “Bảy con bò mập tốt đó, tức là bảy năm; bảy gié lúa chắc đó cũng là bảy năm. Ấy chỉ đồng một điềm chiêm bao vậy.  Bảy con bò xấu dạng gầy guộc lên theo sau bảy con bò kia, tức là bảy năm; và bảy gié lúa lép bị gió đông thổi háp đó, tức là bảy năm đói kém. Ấy là điều tôi đã tâu cùng bệ hạ rồi: Đức Chúa Trời có cho bệ hạ thấy những việc Ngài sẽ làm. Nầy, trong khắp xứ Ê-díp-tô sẽ có bảy năm được mùa dư dật. Nhưng bảy năm đó lại liền tiếp bảy năm đói kém; dân bổn xứ đều sẽ quên sự dư dật đó, và ách đói kém sẽ làm cho toàn xứ hao mòn. Và vì sự đói kém liên tiếp nầy lớn quá, nên thiên hạ chẳng còn thấy chi về sự dư dật đó nữa.”

 

Với sự khéo léo kỳ diệu và vẻ chắc chắn của một người hiểu biết, Giô-sép đã giải thích điềm chiêm bao theo như điều khải thị cho chàng. Dầu tác giả sách Sáng thế ký không chép gì dưới mục này, song dường như quá minh bạch, không cần phải đặc biệt kể lại, Giô-sép xưng nhận Đức Chúa Trời là Đấng ban mọi tài năng, với sự hết lòng thầm nguyện của chàng xin Ngài giúp đỡ. Rồi chàng mau lẹ gỡ mối chỉ rối. Thứ nhất là hai điềm chiêm bao được giải thích cùng một cách. Thứ hai, Đức Chúa Trời khải thị cho Pha-ra-ôn những việc Ngài sắp làm.

 

Một điểm chúng ta cần lưu ý đặc biệt là đời sống và tư tưởng của Giô-sép lấy Đức Chúa Trời làm trọng tâm. Các chiêm bao này lấy lòng từ ái, thương xót của Chúa làm trọng tâm, do đó làm cho Pha-ra-ôn cảm kích trước sự thật ấy. 

 

Đây chính là điềm báo trước. Sẽ có bảy năm được mùa dư dật và tiếp theo là bảy năm mất mùa đói kém.

 

Chúng ta ngạc nhiên về cách Giô-sép được Đức Chúa Trời hà hơi, đã gỡ được mọi rắc rối. Đến nỗi các pháp sư Ai-cập phải tin quyết lời giải thích ấy là đúng, vì họ chẳng tìm ra đâu giải thích minh bạch dường ấy. Điều này nêu rõ sự tương phản giữa chân lý chắc chắn do Đức Chúa Trời ban cho và tư tưởng của loài người.

 

Giô-sép nói tiếp, Sáng thế ký 41:32, “Nếu điềm chiêm bao đến hai lần cho bệ hạ, ấy bởi Đức Chúa Trời đã quyết định điều đó rồi, và Ngài mau mau lo làm cho thành vậy.”

 

Cơn đói kém đã được Đức Chúa Trời quyết định rồi và Ngài muốn Pha-ra-ôn nên biết về điều đó. Sau đây là lời khuyên của Giô-sép dành cho Pha-ra-ôn:

 

Sáng thế ký 41:33-37, “Bây giờ bệ hạ khá chọn một người thông minh trí-huệ, lập người lên làm đầu trong xứ Ê-díp-tô, cùng lập các ủy viên trong xứ, để góp một phần năm của số thâu vào trong bảy năm được mùa dư dật đó. Họ hãy thâu góp hết thảy mùa màng trong bảy năm được mùa dư dật sẽ đến sau nầy, cùng thâu thập lúa mì sẵn dành cho Pha-ra-ôn, dùng làm lương để dành trong các thành, và họ hãy giữ gìn lấy. Các lương thực nầy phải để dành cho bảy năm đói kém sẽ đến trong xứ Ê-díp-tô, hầu cho xứ nầy khỏi bị diệt bởi sự đói kém đó. Các lời nầy đẹp ý Pha-ra-ôn và quần thần.”

 

Giô-sép khuyên Pha-ra-ôn hãy thu góp tất cả các nông sản thặng dư suốt những năm được mùa dư dật để tồn trữ trong kho dành cho những năm mất mùa đói kém. Chúng ta có thể tưởng tượng được cảm giác của Pha-ra-ôn khi lắng nghe lời giải thích chiêm bao và lời góp ý nhiệt thành của Giô-sép. Lời thông giải của Giô-sép làm đẹp ý Pha-ra-ôn và quần thần của vua.

 

Chúng ta tạm ngưng câu chuyện của Giô-sép và tiếp tục trong kỳ sau. Chắc chắn có nhiều điều để chúng ta suy nghĩ và học hỏi theo gương sống của Giô-sép, dầu trong thuận hay nghịch cảnh của cuộc đời, Giô-sép vẫn luôn tôn cao Đức Chúa Trời.

 

 

 

Bài trướcBài 51: Sở Hữu Các Lời Hứa
Bài tiếp theoBồi Linh – Thông Công Phụ Nữ Tin Lành Tỉnh Đồng Tháp