Bài 51: Sở Hữu Các Lời Hứa

2012

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Giô-suê là một sách của đức tin, giải thích đức tin là gì và đức tin hành động như thế nào. Như chúng ta biết, Dân số ký là một sách nói về lòng vô tín; nhưng Giô-suê thì ngược lại, Giô-suê là sách của đức tin. Xuất Ê-díp-tô ký nói về việc đi ra khỏi Ai Cập, còn Giô-suê nói về việc đi vào đất hứa. Có ít nhất là 16 minh họa về đức tin trong sách Giô-suê. Khi gom chung các minh họa nầy lại với nhau, chúng ta có được ý niệm làm thế nào để sở hữu các phước hạnh thuộc linh, hoặc làm thế nào tiếp nhận ân sủng từ Chúa để làm mọi việc lành.

Điều đầu tiên sách Giô-suê nói đến là “Sự kế thừa của đức tin.” Vai trò lãnh đạo của Môi-se được chuyển sang Giô-suê. Kinh thánh ghi rằng:

 

Giô-suê, con trai của Nun, được đầy dẫy thần khôn ngoan, vì Môi-se đã đặt tay mình trên người; dân Y-sơ-ra-ên bèn vâng lời người và làm theo điều Đức Giê-hô-va đã phán dặn Môi-se. Đức Giê-hô-va phán cùng Giô-suê, con trai của Nun, tôi tớ của Môi-se, mà rằng: Môi-se, tôi tớ ta, đã chết; bây giờ ngươi và cả dân sự nầy hãy đứng dậy đi qua sông Giô-đanh, đặng vào xứ mà ta ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Chỉ hãy vững lòng bền chí, và cẩn thận làm theo hết thảy luật pháp mà Môi-se, tôi tớ ta, đã truyền cho ngươi; chớ xây qua bên hữu hoặc bên tả, để hễ ngươi đi đâu cũng đều được thạnh vượng. Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước. Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ, chớ kinh khủng; vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi.

 

Đây là một sự dạy dỗ quan trọng về vấn đề lãnh đạo trong Kinh thánh. Ý định của Đức Chúa Trời là mỗi người lãnh đạo phải huấn luyện người thừa kế mình. Mỗi một Phao-lô nên có một Ti-mô-thê. Nguyên tắc nầy đã được Môi-se áp dụng, kết quả là có sự chuyển tiếp quyền lãnh đạo từ Môi-se qua Giô-suê. Trước đây, Môi-se lãnh đạo còn Giô-suê phụ tá. Nhưng bây giờ, Giô-suê lãnh đạo và dân chúng đi theo ông. Điều nầy chứng tỏ rằng, việc chuyển quyền đã diễn ra một cách tốt đẹp. Trong chỉ thị cho Giô-suê khi ông trở nên người lãnh đạo, chúng ta tìm thấy một hình ảnh rất đẹp về đức tin. Hãy để ý đến chữ vâng lời. “Ngươi phải vâng lời, ngươi phải tiến vào đất hứa và lãnh đạo dân ta chiếm hữu Ca-na-an.” Vấn đề tại đây là sự vâng lời. Đức tin trong sách Giô-suê là đức tin của sự vâng lời.

 

Trong những chương đầu của sách Giô-suê , chúng ta đối diện với điều gọi là “Tính chất phức tạp của đức tin.” Khi loại trừ tất cả những vấn nạn về đức tin, thì chúng ta cũng vô tình loại bỏ chính đức tin. Do đó, khi học về đức tin chúng ta không bối rối nếu phải đối diện với những vấn nạn.

 

Nhân vật Ra-háp trong chương hai sách Giô-suê khiến nhiều người lúng túng. Giả như quý vị là một người sống tại Châu Âu trong Thế Chiến thứ hai, Chúa cảm động quý vị để giấu một số người Do Thái trong nhà hầm của mình chẳng hạn. Khi ấy, quý vị tin quyết rằng, hành động tận diệt người Do Thái là điều kinh hoàng và đáng ghê tởm trước mặt Đức Chúa Trời. Những người lùng bắt của Đức quốc xã đến gõ cửa và hỏi, “Có người Do Thái nào tại đây không?” Quý vị sẽ trả lời làm sao?

 

Câu chuyện của Ra-háp trong Giô-suê chương 2 trả lời câu hỏi nầy. Một số người Do Thái đến nhà nàng; và nàng dấu họ. Khi các viên chức thẩm quyền đi lùng soát người Do Thái, thì nàng đánh lạc hướng họ. Nàng được khen ngợi về hành động bảo vệ các thám tử. Trong Tân ước sách Hê-bơ-rơ chương 11 cho biết, kỵ nữ Ra-háp là một anh hùng của đức tin. Ra-háp đã cứu mạng mình vì nàng đã giấu những người Do Thái và đánh lạc hướng các viên chức thẩm quyền. Nhiều người gặp khó khăn lớn tại đây. Họ nói rằng, “Không được, hồi nào đến giờ tôi đã được dạy là phải trung thực 100% bất luận trong trường hợp nào. Tại đây là kỵ nữ nói láo, thế mà tên của nàng lại được liệt kê vào các bậc anh hùng của đức tin.” Họ không thể nào hiểu được điều đó. Nó trở thành nan đề cho nhiều người.

 

Khi xem kỹ câu chuyện, chúng ta thấy không phải vì nói dối mà Ra-háp được gọi là anh hùng đức tin. Chương 11 sách Hê-bơ-rơ nói rằng, “Bởi đức tin, kỵ nữ Ra-háp đã không bị hư mất với những người không tin…” Cuộc đối thoại của Ra-háp với các thám tử Do Thái chứng tỏ đức tin của nàng. Nàng nói:  “Tôi biết rằng, các ông là những người của Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật. Nhiều người tại đây run sợ các ông. Chúng tôi tin rằng Đức Chúa Trời đang ở với các ông. Vậy khi nào tiến vào lãnh thổ nầy, xin hứa là đừng giết tôi.”  Họ lập một giao ước với nàng. Họ nói: “Hãy buộc sợi dây màu đỏ sậm và dòng xuống từ cửa sổ. Do tường thành Giê-ri-cô rất dày nên người ta làm nhà trên đó. Nhà của kỵ nữ Ra-háp ở trên tường thành. Sợi dây màu đỏ sậm chỉ về sự cứu rỗi giống như con thuyền của Nô-ê trong Sáng thế ký. Họ nói với nàng rằng: “Hãy buộc sợi dây đỏ nầy vào cửa sổ, bất cứ ai ở trong nhà các ngươi đều sẽ được thoát. Mọi người khác ở Giê-ri-cô đều sẽ bị chết nhưng các ngươi sẽ được cứu.” Tại sao nàng được cứu? Có phải vì giấu các thám tử và nói dối không? Không, bởi vì nàng bày tỏ lòng tin nơi một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật. Đó chính là đức tin đã cứu nàng. Nàng còn có tên trong gia phả của Chúa Jêsus vì đức tin của mình. Ra-háp đã trở thành tổ mẫu của Chúa Jêsus. Tôi tin rằng, sợi dây đỏ treo ở cửa sổ nhà nàng là một hình ảnh của đức tin. Bởi vậy, trong những chương mở đầu của Giô-suê , chúng ta có “sự kế thừa của đức tin” qua việc chuyển tiếp từ Môi-se sang Giô-suê. Sau đó là “Tính phức tạp của đức tin.” Rồi đến bức tranh rất đẹp về đức tin. Khi học về Ra-háp, xin đừng quên điều quan trọng nhất về nàng đó là đức tin. Đức tin nàng đã cứu nàng. Mọi người đều được cứu bởi đức tin.

Chương 3 nói đến “Bằng chứng của đức tin.” Đức Chúa Trời ban đức tin cho chúng ta để chiếm hữu Ca-na-an thuộc linh. Ngài khích lệ chúng ta bằng cách thường xuyên xác quyết và khẳng định điều nầy để làm vững mạnh đức tin của chúng ta. Chúng ta sẽ thấy điều đó khi học về Ghê-đê-ôn với bộ lông cừu. Thi thiên 37:23 dạy rằng: “Các bước đi của người tin kính được Chúa định liệu.” Điều nầy có nghĩa là khi chúng ta bước đi trong đức tin, Đức Chúa Trời sẽ ban phước và xác quyết những bước đi đó; và Chúa khích lệ chúng ta biết rằng, mình đang bước đi trong sự dẫn dắt của Ngài. Tuy nhiên, Ngài đã sửa phạt nặng nề những người cứng lòng trong đồng vắng. Lý do là mười lần Chúa chứng tỏ quyền năng của Ngài qua các phép lạ, nhưng họ vẫn không tin. Bởi vậy, Đức Chúa Trời xác quyết các bước đi của chúng ta. Chúa làm điều nầy qua sách Giô-suê. Ngài xác nhận Giô-suê và cho dân sự của Ngài thấy được phước hạnh của Ngài trên Giô-suê giống như trên Môi-se. Chúa cũng thi hành các phép lạ cho dân sự của Ngài. Mục đích của các phép lạ nầy là để khẳng định cho dân sự biết rằng, Đức Chúa Trời ở với họ khi họ vượt sông Giô-đanh để đi vào đất hứa thì Ngài sẽ ban phước cho họ và ở với họ.

 

Trong chương 4, họ xây dựng điều chúng ta gọi là “Cây trụ của đức tin.” Khi họ vượt sông Giô-đanh ngay lúc thủy triều lên tràn lan, nhưng phép lạ đã xảy ra, nước bị phân chia và họ đi qua trên đất khô. Việc nầy xảy ra giống như biến cố biển đỏ 40 năm trước đó. Khi băng qua sông Giô-đanh trên đất khô, họ được truyền lịnh xây một cột trụ bằng đá. Đây là một công trình kỷ niệm để ghi nhớ lại phép lạ vĩ đại nầy. Tại đây, chúng ta có cùng một sứ điệp giống như trong Phục truyền luật lệ ký, mục đích là để thế hệ con cháu biết về phép lạ đó. Một ngày kia khi con cháu hỏi rằng, “Trụ đá kia là gì vậy?”, thì nhân đó mà giải thích cho chúng. Đây là một nguyên tắc rất hay trong việc giáo dục con cái: trả lời các câu hỏi của chúng. Abraham Lincoln đã nói rằng, nếu bạn có tính hiếu kỳ và một trí nhớ thì bạn sẽ học hỏi được nhiều điều. Trẻ con có tính hiếu kỳ rất lành mạnh. Chúng ta nên chấp nhận tính hiếu kỳ nầy bằng cách trả lời các câu hỏi của chúng. Mục đích của công trình kỷ niệm nầy là để những người trưởng thành có thể nhớ và trẻ con có thể biết.

 

Chương 5 chép về điều được gọi là “Điều kiện tiên quyết của đức tin.” Họ đã tiến gần đến giai đoạn tiến chiếm Ca-na-an. Trước khi tiến chiếm Ca-na-an, họ được yêu cầu làm phép cắt bì cho toàn thể những người nam. Lý do là thế hệ thứ hai chưa bao giờ làm phép cắt bì. Thế hệ thứ nhất đã chết trong đồng vắng và những người còn lại thuộc về thế hệ thứ hai chưa làm phép cắt bì. Tại đây, chúng ta có minh họa và sự soi sáng rất hay về đức tin. Trước khi tiến vào đất hứa để nhận lãnh phước hạnh của Đức Chúa Trời, có còn tội lỗi nào trong đời sống của chúng ta không? Có điều gì chúng ta cần phải ăn năn và từ bỏ không? Bàn thờ ăn năn là một bàn thờ Á-ra-ham đã xây, thì ngày nay nhiều Cơ đốc nhân bỏ qua. Họ tự hỏi vì sao mình lại kết thúc trong sự thất vọng. Câu trả lời là họ chưa đoạn tuyệt cách dứt khoát với tội lỗi. Họ không để Đức Chúa Trời đối xử với tội lỗi trong đời sống của họ. Chúng ta phải ăn năn tội lỗi của mình trước khi mong ước nhận được phước hạnh của Đức Chúa Trời và được làm một với Ngài. Đó là ý nghĩa của việc làm phép cắt bì cho những người nam trong dân Y-sơ-ra-ên. Nó là một dấu hiệu bên ngoài chỉ về sự quyết tâm bên trong, giống như phép báp tem trong Tân ước.

Cũng trong chương 5, chúng ta tìm được điều gọi là “Mệnh lệnh của đức tin.” Giô-suê ra lịnh không ai được rút gươm khỏi vỏ. Trời rất tối vào lúc ban đêm tại đó. Dân Y-sơ-ra-ên dễ bị phục kích nên Giô-suê ra lịnh không ai được tuốt gươm. Nếu họ thấy một ai rút gươm thì biết đó là quân thù. Thế rồi trong đêm Giô-suê bước ra và gặp một người tuốt gươm trần. Giô-suê liền hỏi, “Ngươi là bạn hay thù?” Người đó trả lời, “Ta đến để làm tướng của đạo binh Đức Giê-hô-va!” Giô-suê sấp mình xuống và thờ lạy. Ông nói: “Xin hãy truyền lịnh cho tôi.” Vị tướng của đạo binh liền nói, “Hãy cổi giày của ngươi ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.” Giô-suê liền làm theo.

 

Khi lược khảo Cựu ước, chúng ta thấy mọi người của Đức Chúa Trời đều có những kinh nghiệm cá nhân với Chúa. Kinh nghiệm của Giô-suê là Đức Chúa Trời hiện ra theo hình dạng của loài người. Chúng ta không biết điều gì đã khiến Giô-suê biết đó là Đức Giê-hô-va, nhưng ông biết và cúi đầu thờ lạy, thưa rằng, “Xin hãy truyền lịnh cho tôi.” Lịnh truyền cho Giô-suê là một thách thức lớn cho ông. Sau nầy trong trận chiến A-hi, Giô-suê đã chứng tỏ là một người có tài điều binh khiển tướng. Đây là cuộc hành quân đầu tiên của Giô-suê với tư cách là người lãnh đạo dân sự Đức Chúa Trời; và dĩ nhiên, ông muốn chứng tỏ khả năng quân sự của mình. Dầu vậy, trong trường hợp nầy, tướng của đạo binh Đức Giê-hô-va lại bảo ông thi hành một chiến thuật rất lạ kỳ. Thật là một thách thức lớn cho Giô-suê để áp dụng chiến thuật nầy.

 

Bài trướcLễ Bổ Nhiệm Quản Nhiệm Hội Thánh Tin Lành Ấp Bắc – Tiền Giang
Bài tiếp theoBài 51: Giô-Sép Giải Mộng Cho Pha-ra-ôn