Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới
Sáng thế ký 33
Trong Sáng thế ký 32 trước đây, chúng ta thấy cao điểm trong đời sống của Gia-cốp, vì ông đã gặp Đức Chúa Trời. Trong đêm đó “một người” đã vật lộn với ông, và không phải là Gia-cốp muốn vật lộn. Gia-cốp không muốn có sự tranh chiến. Ông có cậu La-ban ở phía sau và anh Ê-sau ở phía trước mặt của ông, lần cuối cùng ông thấy họ đều có lời nói thạnh nộ chống lại ông. Trong hoàn cảnh nầy Gia-cốp không muốn có thêm sự tranh chiến khác. Vì thế “người đàn ông” khởi sự vật lộn trước, Ngài là người đánh trước. Đấng chúng ta học trong Sáng thế ký 32 chính là Đấng Christ trước khi nhập thể. Gia-cốp nắm chặt Ngài cho đến khi Đức Chúa Trời đánh vào xương hông của ông. Sau đó, đến cuối cùng ông biết rằng Ngài là ai, Gia-cốp nắm lấy Ngài cho đến khi Ngài chúc phước cho ông. Từ điểm nầy trở đi chúng ta thấy đời sống của Gia-cốp bắt đầu có sự thay đổi. Như chúng ta đã theo dõi đời sống ông trong đoạn trước, chúng ta nghĩ rằng chúng ta gặp một con người mới. Thật sự ông là một người được đổi mới.
GIA-CỐP GẶP Ê-SAU
Sáng thế ký 33:1-3, “Gia-cốp nhướng mắt lên và nhìn, kìa, Ê-sau dẫn bốn trăm người đi đến. Người bèn chia các con cho Lê-a, Ra-chên, và cho hai tên đòi; sắp hai tên đòi và con cái họ ở trước; kế đến Lê-a và con cái nàng; Ra-chên cùng Giô-sép ở sau chót. Còn người, thì đi trước họ và sấp mình xuống đất bảy lần cho đến khi tới gần anh mình.”
Cuộc chuẩn bị mà chúng ta đề cập trong đoạn trước, hiển nhiên lắm mới vừa hoàn tất, vào lúc hừng đông, Gia-cốp vượt qua rạch và nhìn về phía trước, liền thấy Ê-sau đến. Chỉ nhìn qua là thấy ngay những kẻ tùy tùng bốn trăm người mà các đầy tớ của Gia-cốp về báo cáo. Cho nên Gia-cốp còn thi hành thêm biện pháp đề phòng sau chót. Nếu thật có nguy cơ thì Gia-cốp tự đặt mình ở hàng đầu trên đường ấy, do đó ông được thúc đẩy tiến lên phía trước, sắp đặt vợ con theo thứ tự, người vợ đẹp nhất và yêu mến nhất ở sau cùng, để bà sẽ có nhiều cơ hội thoát nạn nếu nguy hiểm xảy ra, Ra-chên và Giô-sép đứng sau chót.
Hình ảnh của Gia-cốp gặp anh của ông là Ê-sau thậtcảm động. Trong khi ông còn ở cách xa thì ông đã bắt đầu quì xuống. Ông đến bằng nón của ông trên tay, bởi vì Ê-sau có 400 người nam đi với ông, Gia-cốp không biết được rằng Ê-sau đến với tư cách là bạn hay kẻ thù. Hành động của Gia-cốp làm giống như tỏ lòng tôn kính một vị vua. Việc Gia-cốp lường gạt cha và anh mình trong vấn đề chúc phước đã làm cho ông không thể chào hỏi anh mình trong sự thân mật được. Giờ đây Gia-cốp tỏ lòng tôn trọng và kính nể anh mình. Ê-sau chẳng nghi ngờ lòng thành thật của Gia-cốp khi chàng tiếp xúc lễ độ như vậy.
Sáng thế ký 33:4, “Nhưng Ê-sau chạy đến trước mặt người, ôm choàng cổ mà hôn, rồi hai anh em đều khóc.”
Vâng, họ là anh em sanh đôi. Mọi chuyện cũ đã qua đi. Nó giống như Đức Chúa Trời đụng vào lòng của Ê-sau, bởi vì trước đây ông đã có lời thề là sẽ giết Gia-cốp. Cuộc gặp gỡ mà Gia-cốp khiếp sợ đã đổi thành cuộc họp mặt thân thiện, đúng như lòng ông mơ ước. Ê-sau với tánh xung động, nhưng khi thấy người em trai duy nhất, thì anh quên hết tất cả thù hằn cay đắng. Dầu lúc đầu, hình như tâm trí Ê-sau chưa quyết định rõ ràng có thái độ nào, xong lúc này mọi ý định trả thù đã tiêu tan. Đó là việc Đức Chúa Trời làm, Ê-sau hành động trước, anh chạy tới ôm choàng cổ em là Gia-cốp và hôn em.
Sáng thế ký 33:5-7, “Đoạn, Ê-sau nhướng mắt lên thấy mấy người đờn bà và con cái, thì hỏi rằng: Các người mà em có đó là ai? Đáp rằng: Ấy là con cái mà Đức Chúa Trời đã cho kẻ tôi tớ anh. Hai tên đòi và con cái họ lại gần người, sấp mình xuống. Lê-a và các con cái nàng cũng lại gần, sấp mình xuống; đoạn, Ra-chên và Giô-sép lại gần, và sấp mình xuống.”
Sau đó khi gặp anh, Gia-cốp giới thiệu những người trong gia đình cho Ê-sau. Và họ lần lượt sấp mình xuống chào Ê-sau.
Sáng thế ký 33:8, “Ê-sau hỏi: Toán quân anh đã gặp đi trước đó, em tính làm chi? Đáp rằng: Ấy để nhờ được ơn trước mặt chúa tôi.”
Gia-cốp tin tưởng về chiến thuật của ông đến với anh của ông sẽ có hiệu quả. Nhưng nó không cần thiết. Hãy lắng nghe lời của Ê-sau đã thay đổi thế nào!
Sáng thế ký 33:9, “Ê-sau nói: Hỡi em! anh đã được đủ rồi; vậy, hãy lấy lại vật chi của em đi.”
Ê-sau nói rằng, “Em không cần cho anh điều đó. Anh đã có nhiều rồi.” Ê-sau trở nên giàu có, chẳng muốn nhận vật chi của Gia-cốp.
Sáng thế ký 33:10-11, “Thưa rằng: Xin anh, không. Nếu em được ơn trước mặt anh, hãy nhậm lấy lễ vật bởi tay em làm ra đi; vì em thấy được mặt anh khác nào người ta thấy được mặt Đức Chúa Trời, và anh đã đẹp lòng tiếp rước em. Xin anh hãy nhậm lấy lễ vật em đã dâng cho anh, vì Đức Chúa Trời cho em đầy dẫy ân huệ, và em có đủ hết. Người nài xin Ê-sau quá đến đỗi phải chịu nhậm lấy.”
Đây là một bối cảnh rất là khôi hài. Trước thời điểm nầy, mỗi người tìm cách lấy điều gì đó từ nơi của người khác. Đây là trường hợp đặc biệt thật sự của Gia-cốp. Bây giờ chúng ta tìm thấy vai trò mới của Gia-cốp. Tại đây ông nài nỉ anh của ông lấy quà tặng. Ê-sau nói, “Em không cần cho anh điều đó, anh có nhiều rồi.” Nhưng Gia-cốp năn nỉ và Ê-sau phải nhận lấy. Có điều gì đó đã xảy ra cho Gia-cốp!
Khi Ê-sau chịu nhận quà, thì đó là dấu hiệu tỏ rằng, anh đã phục hòa với em trai mình. Với phong tục Đông phương thời xưa việc nhận lễ vật của kẻ tìm cầu sự phục hòa, chính là bằng cớ vững chắc mọi sự được tốt đẹp. Với những lời tôn kính của Gia-cốp đối với Ê-sau, và nài nỉ nhận quà, Gia-cốp muốn tìm thấy gương mặt thân thiện sáng lòa của Ê-sau, phản ảnh ân huệ của Đức Chúa Trời, vì ông biết rằng chính Ngài đã biến đổi lòng của Ê-sau.
Thật sự, có sự thay đổi xảy ra trong đời sống Gia-cốp. Trước đây ông đã đổi tô đậu đỏ để lấy quyền trưởng nam, nhưng bây giờ ông mong muốn tặng bầy súc vật tốt cho anh ông mà không cần điều gì cả! Thật sự, Gia-cốp đã nài nỉ Ê-sau lấy súc vật. Cuối cùng, Ê-sau đã chấp nhận quà đó. Trong thời đó và tại xứ đó nếu một người từ chối quà, thì đó là điều làm người cho bị hổ thẹn, vì điều nầy được suy xét. Cho nên Ê-sau nhận lấy quà của Gia-cốp, em mình.
Qua việc của Gia-cốp nhắc chúng ta nhớ đến Xa-chê trong Tân ước. Khi Chúa Cứu Thế gọi ông xuống khỏi cây sung và đi đến nhà của ông, có điều gì xảy ra với Xa-chê. Ông không còn giống như người trước lúc leo lên cây nữa. Xa-chê nói, ông không còn là người thâu thuế đã ăn cắp tiền của người khác và dối gạt. Xa-chê muốn trả lại, không phải trả y những gì ông làm sai, nhưng ông muốn hoàn lại gấp bốn lần. Điều gì đã xảy ra làm cho ông thay đổi? Chúng ta có thể nói cách chắc chắn vì Chúa Giê-xu đã đến thăm viếng Xa-chê.
Sáng thế ký 33:12, “Ê-sau nói: Hè, ta hãy lên đường! Anh sẽ đi trước em.”
Ê-sau nói rằng, “Chúng ta hãy trở về quê, để anh sẽ đi trước em, dẫn đường cho em và bảo vệ em.” Có lẽ Ê-sau dự đoán rằng Gia-cốp sẽ lập tức tiếp tục hành trình về Hếp-rôn. Để bày tỏ tâm tình thân thiện, anh đề nghị hai đoàn cùng đi chung, tức là bốn trăm người của Ê-sau cùng đi song song với đoàn người và bầy chiên của Gia-cốp.
Sáng thế ký 33:13, “Gia-cốp đáp: Chúa biết rằng các đứa trẻ yếu lắm, và em lại mắc coi chừng chiên và bò cái đương có con bú; nếu ép đi mau chỉ trong một ngày, chắc cả bầy phải chết hết.”
Gia-cốp nói, “gia đình em, các đứa trẻ còn yếu lắm và các bò cái còn đương bú. Chúng em không thể đi nhanh được, dĩ nhiên, anh với quân đội 400 người sẽ có thể di chuyển nhanh hơn, vậy anh đi trước đi.”
Khi Gia-cốp bàn chẳng nên làm như vậy, không phải ông nghi ngờ lòng thành thật của Ê-sau, hoặc dự đoán thân thiện của anh chẳng còn đâu, song lý do thoái thác chánh là súc vật đã bị đùa đi mệt nhọc quá trong khi Gia-cốp trốn khỏi La-ban, vậy phải thận trọng kẻo chúng kiệt sức. Vả lại, các con của Gia-cốp cũng không chịu nổi cuộc hành trình, vì chúng còn rất nhỏ.
Gia-cốp dường như còn một lý do khác để chối từ không cho Ê-sau cùng đi với mình, mặc dầu tế nhị ông chẳng nói ra cho anh biết. Cũng như Áp-ra-ham, Gia-cốp cảm thấy là tất cả tài sản và thành công của mình do Đức Chúa Trời ban phước cho, vậy nên ông cảm thấy cần duy trì tình trạng độc lập của mình, kẻo lại dường như kẻ khác đã góp phần cho chàng được giàu có.
Sáng thế ký 33:14, “Xin chúa hãy đi trước kẻ tôi tớ chúa, còn tôi sẽ đi tới chậm chậm theo bước một của súc vật đi trước và của các trẻ, cho đến chừng nào tới nhà chúa tại xứ Sê-i-rơ.”
Gia-cốp đề nghị rằng mỗi người sẽ đi theo tốc độ thích hợp với tình trạng của mình, và Ê-sau hãy đi trước. Suốt cả những lời bàn luận này Gia-cốp vẫn duy trì cách xưng hô cung kính mà ông đã dùng khi mới gặp anh, ông gọi anh là “chúa tôi” và xưng mình là “kẻ tôi tớ chúa.” Gia-cốp minh xác rằng bằng cách đi thong thả từng chặng như vậy, rốt lại chàng cũng sẽ tới chỗ gặp Ê-sau. Rõ ràng lắm đó là ý định chân thành của Gia-cốp.
Sáng thế ký 33:15-16, “Ê-sau nói: Vậy, anh xin để lại cùng em một vài người tùy tùng của anh. Gia-cốp đáp rằng: Chi vậy? Miễn em được nhờ ơn trước mặt chúa thôi! Nội ngày đó, Ê-sau bắt đường trở về Sê-i-rơ.”
Ê-sau đang ở tại phía nam Ca-na-an trong Sê-ri-ơ, “đất của Ê-đôm,” trong thời kỳ đó. Sau khi cha họ qua đời, Ê-sau dời về núi Sê-i-rơ, cuối cùng thì Đức Chúa Trời ban cho Ê-sau núi đó làm sản nghiệp (Phục truyền 2:5).
Từ đây chúng ta để ý đến đời sống tâm linh của Ê-sau, ông có sự thay đổi khá nhiều, vì đã bỏ qua sự thù hận với Gia-cốp, đã nghe sự tỏ bày của Đức Chúa Trời mà làm hòa lại với em mình, nhưng ông chưa đạt đến mức đức tin chân chánh. Nếu đức tin của ông chịu nhận những gì Chúa truyền dạy, thì ông đã nắm theo như Gia-cốp là người hưởng được lời hứa của Đức Chúa Trời. Ông không làm như vậy, dường như tỏ rõ rằng anh chẳng nắm được hay hiểu được những giá trị thiêng liêng. Do đó, ông chẳng được liệt kê vào hạng người có đức tin, mặc dầu đến cuối cùng, chân lý thiêng liêng từ Y-sác truyền cho, đã khiến lòng ông quay về cùng Chúa.
HÀNH TRÌNH GIA-CỐP ĐI ĐẾN SI-CHEM
Sáng thế ký 33:17, “Gia-cốp đi đến Su-cốt; bèn cất một nhà cho mình ở, và mấy cái lều cho súc vật; cho nên họ đặt tên chốn nầy là Su-cốt.”
Su-cốt cách phía đông sông Giô-đanh và phía bắc rạch Gia-bốc một khoảng ngắn, tức là chỗ hai dòng sông này gặp nhau. Muốn đến chỗ ấy, cách tốt nhất là Gia-cốp phải đi qua chỗ cạn của con rạch Gia-bốc. Việc ông cất một ngôi nhà tỏ rõ là gia đình ông ở đó mấy năm, như sự việc tỏ bày trong đoạn 34 kế tiếp, khi ở đó con gái Gia-cốp là Đi-na bị Si-chem bắt cóc, bấy giờ nàng đã thành thiếu nữ. Sau khi Ê-sau ra đi có lẽ Gia-cốp nhận thấy rằng các súc vật cần được coi sóc nhiều hơn. Vì cớ đó mà ông trì hoãn hành trình đi đến Sê-i-rơ.
Bây giờ, chúng ta đừng nên đi quá nhanh và dễ dàng tại đây, chúng ta đừng bận tâm về những gì đã xảy ra. Có sự thay đổi lớn đã đến trên ông Gia-cốp. Tất cả sự tính toán khôn ngoan của Gia-cốp tặng quà cho anh ông là Ê-sau, tất cả chỉ là hư không. Đức Chúa Trời chuẩn bị tấm lòng của La-ban không làm tổn hại đến Gia-cốp, Đức Chúa Trời đã chuẩn bị tấm lòng của Ê-sau chấp nhận lại Gia-cốp. Bây giờ ông có sự bình an với cả hai người đó. Ê-sau không muốn nhận quà của Gia-cốp, bởi vì ông đã có quá nhiều rồi. Khi Gia-cốp nài nỉ, ông lấy quà vì phép lịch sự. Cả hai anh em hình như trở nên rộng lượng và thật sự làm hòa với nhau. Chúng ta không nghi ngờ điều đó. Từ khi Ê-sau trở nên giàu có, mặc dầu ông không coi trọng giá trị quyền trưởng nam, cho nên không có lý do gì ngăn cản ông làm hòa trở lại với người em sanh đôi với mình.
Bây giờ ánh nắng bắt đầu đến trong đời sống của Gia-cốp. Ông có lại mối quan hệ hòa dịu với cậu La-ban và sự phục hòa với anh Ê-sau. Đức Chúa Trời sắp đặt mọi điều này cho Gia-cốp. Gia-cốp từ bỏ tánh tham lam và sự khôn ngoan riêng của ông. Ông sẽ phải đối diện với sự chết nếu ông cứ tiếp tục phương cách bạo loạn này. Khi Gia-cốp nhìn lại xuyên qua đời sống mình, đều thấy rằng, khi ông làm gì hay đi đâu đều thấy bàn tay của Đức Chúa Trời hành động, vì thế Gia-cốp ngợi khen sự vinh hiển Chúa. Dầu vậy, những việc làm tội lỗi của Gia-cốp mà ông chưa có gặt đầy đủ, và sự khó khăn cho đời sống của Gia-cốp vẫn còn chờ đợi ông.
Sau cuộc gặp gỡ Gia-cốp, Ê-sau từ giã em mình trở về Sê-i-rơ và hẹn sẽ gặp lại, dầu vậy, cho đến khi lễ an táng của cha mình là Y-sác thì hai anh em mới gặp nhau, như chúng ta sẽ thấy đề cập trong đoạn 35.
Sáng thế ký 33:18-19, “Gia-cốp ở xứ Pha-ran-A-ram đến thành Si-chem thuộc về xứ Ca-na-an, được bình an. Người đóng tại trước thành, bèn mua miếng đất chỗ người đóng trại, giá một trăm miếng bạc của con Hê-mô, cha Si-chem.”
Có khi Gia-cốp bị chỉ trích, bởi vì ông dừng lại tại Su-cốt, ở Si-chem và không tiếp tục đi thẳng về Bê-tên. Thật ra, chúng ta không mong mỏi nhiều quá vào Gia-cốp trong thời điểm này. Ông vẫn còn là người bị xít-xụi và mới bắt đầu bước đi những bước thiêng liêng.
Sáng thế ký 33:20, “Nơi đó người lập một bàn thờ, đặt trên là Ên-Ên-ô-hê -Y-sơ-ra-ên.”
Tại đây Gia-cốp xây một bàn thờ, cũng giống như ông nội của ông là Áp-ra-ham, thường có phong tục xây dựng bàn thờ tại những nơi mà ông đi đến. Tại đây ông gọi một tên mới cho Chúa, đó là “Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên.” Điều này thật sự bày tỏ sự tăng trưởng trong bước đi của Gia-cốp với Chúa, mà ông cố gắng truyền lại cho thế hệ sau đó, Đức Chúa Trời là một Đấng hùng mạnh, hoặc là một Đấng Quyền năng. Gia-cốp nhớ lời Chúa hứa, và Ngài đã chứng tỏ cho Gia-cốp biết rằng Ngài có quyền năng giữ đúng lời đã hứa.
Bằng cách dùng chính tên mới của mình, Gia-cốp tỏ rõ rằng ông là con người được khôi phục mới mẻ, và ông hiểu biết thêm chân lý mới về Đức Chúa Trời.
Mong ướ mỗi chúng ta có được những kinh nghiệm tương tự như Gia-cốp đã có, tức là trong hành trình tìm hiểu Kinh Thánh, sẽ giúp cho chúng ta mỗi ngày hiểu thêm về Đức Chúa Trời, để chúng ta kinh nghiệm được quyền năng của Đức Chúa Trời thực hiện trên đời sống mình.
Trong Sáng thế ký 33 chúng ta thấy hình ảnh tốt lành, đó là sự phục hòa của hai anh em sanh đôi sau 20 năm xa cách, khi hai anh gặp lại nhau, Gia-cốp thuận phục và tôn kính anh mình, còn Ê-sau đổi lòng giận dữ, bỏ thù nghịch, bỏ qua những lỗi lầm của em mình. Đó là điều tốt, nhưng có khi chúng ta không phải dễ dàng bỏ qua bao nhiêu những thù nghịch chồng chất trong đời sống của mình, nhưng nếu chúng ta cố gắng bỏ qua sự thù nghịch với một người thân yêu gần nhất của mình, như cha mẹ, vợ con, anh em, bà con hay bạn thân của mình trong lầm lỗi mà họ đã làm với chúng ta, tin chắc rằng lúc đó chúng ta tìm thấy được nguồn vui và bình an trong lòng của chính mình, và sự phục hòa sẽ đem lại nguồn vui cho người thân mà chúng ta tha thứ. Khi nào mà chúng ta tha thứ, làm hòa được với người thân của mình thì lúc ấy chúng ta mới có năng lực mà tha thứ và phục hòa với nhiều người khác.
Nguyện xin ơn sức của Đức Chúa Trời gia ơn trên mỗi chúng ta để có phục hòa lại với anh em mình.
Còn sự phục hòa mà mỗi người trong chúng ta cần phải làm đó là sự phục hòa với Đức Chúa Trời, vì hết thảy chúng ta điều đã phạm tội cùng với Đức Chúa Trời qua hành động, lời nói và suy nghĩ của mình. Một trong những tội lỗi lớn hơn hết là không thờ phượng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa của chúng ta. Đức Chúa Trời sẵn sàng tha thứ và chờ đợi con người tội lỗi quay trở để phục hòa với Ngài. Nếu chưa có sự hòa với Đức Chúa Trời, hãy thực hiện càng sớm, càng tốt.