Bài 42: Nuôi Dạy Con Cái (tt)

1503

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

 

 

 

Tiến trình giáo dục mà Môi-se đề cập tại đây dựa trên sự mặc khải của Lời Đức Chúa Trời. Sự mặc khải của Lời Đức Chúa Trời là điều căn bản nhất trong việc giáo dục con cái.

 

Đọc những bản tuyên ngôn của một số các đại học nổi tiếng tại Âu Mỹ làm cho chúng ta phải kinh ngạc. Qua các bản tuyên ngôn nầy, những người sáng lập đã phát biểu mục đích thành lập của các đại học. Các bậc tiền bối đã cho biết rằng, họ muốn con cháu mai sau của họ được biết Đức Chúa Trời. Ngài là cội nguồn, là căn nguyên của tất cả mọi sự. Chúa là quyền lực và sức mạnh đằng sau mọi sự. Ngài là Đấng quan trọng nhất trên thế giới nầy. Và những lời đó được viết như sau, “Bởi vậy, tôi muốn con cháu tôi biết Đức Chúa Trời. Tôi muốn chúng biết lời của Ngài. Tôi muốn con cháu tôi có thể đọc được, chúng nó được giáo dục để biết lời Đức Chúa Trời và biết Ngài.” Những lời phát biểu như vậy vẫn còn đó. Nó vẫn còn nằm trong bản tuyên ngôn của những đại học nổi tiếng nhất, nhưng đáng buồn là một số các trường đại học đó đã không còn dạy Lời của Đức Chúa Trời và không còn chấp nhận những giá trị tuyệt đối nữa. Trở lại với Phục truyền luật lệ ký, nền tảng việc giáo dục được mô tả bởi Môi-se chính là Lời Đức Chúa Trời, Lời có giá  trị tuyệt đối của một Đức Chúa Trời tuyệt đối.

 

Nền tảng thứ hai của việc giáo dục là trách nhiệm. Ai có trách nhiệm dạy dỗ  con cái? Một số người nghĩ rằng, quốc gia chịu trách nhiệm về việc giáo dục con trẻ. Tại một số nước, việc đi học là điều bắt buộc đối với các em thiếu nhi hoặc thiếu niên. Nếu em nào không chịu đi học thì có các nhân viên của chính phủ đến tận nhà để buộc các em đó phải đi học. Bởi vậy, người ta có ấn tượng rằng, chính phủ phải chịu trách nhiệm dạy bảo con trẻ. Một số người sâu sắc hơn thì nói rằng: “Không phải vậy, đó là trách nhiệm của Hội thánh, Hội thánh có nhiệm vụ dạy dỗ con cái của tôi. Tôi đưa con đến trường Chúa nhật hoặc các lớp thiếu ấu nhi, chúng nó sẽ được học tại đó khoảng 45 phút. Trách nhiệm của Hội thánh là phải giáo dục con cái tôi yêu mến Chúa, hiểu biết lời Ngài và vâng giữ lời Ngài. Đó là việc của Hội thánh.” Thật buồn cười! Chúng ta làm bài toán nhỏ để thấy được rằng, mỗi năm có 8,760 giờ, nếu con cái chúng ta không vắng một buổi nhóm nào tại lớp trường Chúa nhật hay các lớp thiếu ấu nhi, chúng sẽ có mặt tại đó khoảng 49 giờ. Quí vị có cho rằng, chỉ 49 giờ trong một năm, đủ để dạy con chúng ta nên người không? Một số người khác nói rằng, “Tôi sẽ cho con tôi đi học trường đạo; như vậy, con cái của quí vị sẽ có được 1080 giờ tại đó. Trường đạo có nhiệm vụ phải dạy dỗ con tôi nên người. Hãy để cho họ dưỡng dục con tôi nên người yêu mến Chúa, hiểu biết lời Chúa và vâng giữ lời Ngài.” Cho dù có cộng thêm thì giờ con cái của quí vị học tại trường đạo, thì chúng nó vẫn dùng khoảng 7/8 thì giờ với quí vị. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Môi-se nói rằng, trách nhiệm giáo dục con trẻ là của cha mẹ. Ông khẳng định rằng, những người làm cha mẹ có trách nhiệm nầy. Đặc biệt Môi-se khuyến cáo những người làm cha là hãy để lời của Chúa trong lòng và dạy dỗ những lời đó cho con trai mình. Tôi cho rằng, Môi-se muốn nhấn mạnh cách rõ ràng, người cha phải làm công việc dạy dỗ con cái. Nếu con trẻ chỉ học về Đức Chúa Trời qua các bà mẹ, khi lớn lên nó dễ suy nghĩ rằng, chỉ có những người yếu đuối mới tin Chúa mà thôi. Đức Chúa Trời muốn những người cha dạy Kinh thánh cho con của mình. 

 

Tiên tri Ê-sai đã nói rằng, “Cả cha lẫn con nên biết lẽ thật của Ta.” Như vậy, trách nhiệm thật sự được giao cho người cha trong gia đình. Giống như vị giám đốc của một cơ quan không bao giờ phân chia trách nhiệm nhưng chỉ phân chia thẩm quyền, thì những người làm cha làm mẹ cũng không bao giờ phân chia trách nhiệm giáo dục cho bất cứ một ai cả. Họ có thể phân chia thẩm quyền cho người khác để giúp họ hoàn thành trách nhiệm nầy; nhưng họ không phân chia trách nhiệm cho một ai. Ví dụ, một ông giám đốc phân chia thẩm quyền cho người nầy lo việc tiếp tân, người nọ lo việc sổ sách, người kia kiểm soát việc sản xuất của công ty… Nếu có điều gì sai trật, thì những người nầy phải gặp và trình bày với giám đốc vì ông không bao giờ phân chia trách nhiệm, chỉ phân chia thẩm quyền. Cũng theo một cách đó, cha mẹ có thể phân chia thẩm quyền với Hội thánh hoặc trường học hoặc với một tổ chức, một cá nhân nào đó để giúp họ trong việc dạy dỗ con cái, nhưng không bao giờ họ phân chia trách nhiệm cho bất cứ một ai; vì theo Môi-se, Đức Chúa Trời đã ủy thác trách nhiệm nầy cho họ .

 

Nền tảng thứ ba trong việc giáo dục con cái được dựa trên mối liên hệ. Môi-se nói với những người làm cha rằng, “Hoặc khi ngươi thức dậy với chúng, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà với chúng, hoặc khi ngươi trên đường đi với chúng, hoặc khi ngươi nằm ngủ với chúng, hãy dạy chúng đường lối của Đức Chúa Trời.” Có vị Mục sư nói rằng, khi chia sẻ những điều nầy với những người làm cha thì ông thường nghe họ nói như sau, “Việc đó không thực tế. Khi con cái chúng tôi thức dậy thì tôi đã đi làm, còn khi tôi đi làm về thì chúng đã ngủ. Tôi không có thì giờ để ngồi chơi hoặc đi ra ngoài với chúng.” Mục sư trả lời rằng, “Ông đã phạm cái lỗi mà nhiều người vấp, đã làm điều mà nhiều người làm. Ông đặt văn hóa hay lối sống của mình lên trên Kinh thánh” Nhiều người diễn dịch Kinh thánh dựa theo văn hóa của họ. Họ nói rằng, “Ồ! theo sinh hoạt của chúng tôi thì tôi phải rời nhà trước khi chúng thức dậy; và khi tôi về nhà thì chúng đã ngủ rồi. Tôi không có thì giờ để ngồi chung hoặc đi ra ngoài với con cái.” Lời của Chúa phải làm căn bản cho văn hóa hay cách sinh hoạt của chúng ta. Văn hóa không được dùng để diễn dịch lời Chúa. Lời Đức Chúa Trời dạy rằng, “Ngươi phải có mối liên hệ với con cái ngươi”

 

Thông thường, khi một thanh niên mới lớn và bước vào tuổi trưởng thành, thì cha con gặp phải một nan đề được gọi là “khoảng cách giữa hai thế hệ.” Nhiều người làm cha đã nói, “Có một khoảng cách giữa tôi và con trai của tôi. Không làm sao mà tôi hiểu nó được.” Thật ra, đây không phải là khoảng cách giữa hai thế hệ mà là khoảng cách trong mối quan hệ. Không bao giờ chúng ta có thể áp dụng việc giáo dục con cái mà Môi-se trình bày tại đây, nếu chúng ta không có mối quan hệ với con cái của mình. Mối quan hệ  là phần quan trọng trong tiến trình nầy.

 

Tôi cho rằng, những người làm cha chưa nhận thấy hết tầm quan trọng của thì giờ chúng ta dành cho con của mình. Một vị Mục sư kể lại kinh nghiệm trong gia đình của ông như sau, “Gia đình tôi có thì giờ cầu nguyện vào buổi sáng với các con. Chúng tôi hỏi chúng những điều cần cầu nguyện cho ngày hôm đó và bảo chúng nó cầu nguyện cho nhau. Vào buổi tối, chúng tôi ngồi chung lại với nhau trong bàn tròn và hỏi các con, “Sao, ngày hôm nay thế nào? có vui buồn gì không? Điều gì là tốt nhất và điều gì là xấu nhất xảy ra hôm nay?” và “Con có điều gì muốn hỏi, muốn chia sẻ hoặc muốn trình bày không?”

 

            Một tối kia, cậu con trai út của tôi để bức hình dưới ghế. Chúng tôi đã nói với nhau rằng, nếu mấy con muốn đưa xem bất cứ cái gì thì phải mang đến bàn. Do đó, cậu trai út có bức hình mà cậu đã vẽ ở trường ngày hôm đó. Vợ tôi là một giáo viên, đã nhắc tôi không nên hỏi “Cái gì đó?”, nhưng phải nói “Hãy nói cho ba mẹ biết về bức tranh đó.” Cậu út trả lời, “Ô! Cô giáo bảo chúng con vẽ điều gì quan trọng nhất đã xảy ra trong cuộc đời. Và đây là tranh vẽ của con.” Quí vị có biết cháu vẽ cái gì không?

 

            Nhiều tháng trước đó, tôi rời nhà đến một câu lạc bộ thể thao để chạy bộ. Lần nầy, tôi chở theo cậu con út và chị của nó. Sau khi bảo chúng ngồi trên các bậc tam cấp của câu lạc bộ thể thao, tôi nói “Ba sẽ chạy quanh khuôn viên nầy, các con ngồi đây và đếm xem ba chạy được mấy vòng.” Sau đó, tôi chạy còn chúng ngồi đó mà đếm. Hai tháng rưỡi sau, khi cô giáo bảo học sinh vẽ bức tranh nói về một kỷ niệm đẹp nhất trong đời, thì cậu con trai út của tôi đã vẽ ba đang chạy bộ còn nó và chị ngồi xem ba chạy được bao xa. Thưa quí vị, đó chính là điều quan trọng nhất đã xảy ra trong suốt cuộc đời của con trai tôi. Tôi cho rằng, chúng ta là những người làm cha không ý thức hết tầm quan trọng mà con cái cảm nhận khi chúng ta dành thì giờ cho chúng. Nếu hiểu vấn đề giáo dục mà Môi-se mô tả khái quát thì mối liên hệ giữa chúng ta và con cái là một nền tảng rất quan trọng trong việc dưỡng dục trẻ con.

 

            Nền tảng thứ tư trong việc giáo dục được gọi là Sống thực. Xin để ý, Môi-se nói rằng, “Hãy để những lời nầy trong lòng ngươi. Yêu mến Chúa hết lòng và dạy dỗ những lời nầy cách chuyên cần cho con cái các ngươi.” Xin đừng quên điều đó. Chúng ta không lên lớp hoặc thuyết giảng cho con cái về những tiêu chuẩn giá trị trong cuộc sống. Nhưng hãy truyền đạt những tiêu chuẩn giá trị mà chúng ta đang thật sự sống với nó. Chúa Jêsus phán rằng, “Những điều gì chúng ta xem là quí báu trong đời sống mình nói lên các tiêu chuẩn giá trị của chúng ta. Chính những tiêu chuẩn giá trị nầy phản ánh tấm lòng của chúng ta.” Nói theo ngôn ngữ bình dân, điều nầy có nghĩa là : Nếu bạn cho tôi biết bạn đã tiêu tiền như thế nào trong năm năm qua, nếu bạn cho tôi biết bạn đã dùng thì giờ như thế nào trong năm năm qua, nếu bạn cho tôi biết bạn đã sử dụng tiền bạc, thì giờ và sức lực như thế nào thì tôi sẽ biết được bạn xem điều gì là có giá  trị trong cuộc sống; và từ đó, tôi cũng biết được tấm lòng của bạn là thế nào. Thưa quí vị, chúng ta truyền đạt cho con cái không phải nói về những giá trị sẽ ảnh hưởng đến chúng, nhưng là những giá trị thật mà chúng ta đang đeo đuổi sẽ tác động đến chúng. Một Mục sư kể lại kinh nghiệm của mình như sau: Tôi có một cô con gái hết sức siêng năng. Khi cháu còn rất nhỏ, tôi phải đầu tắt mặt tối, hầu như phải làm việc đến 18 giờ mỗi ngày. Nhiều năm sau đó, cháu là một học sinh rất năng động tại trường và có một thời khóa biểu rất bận rộn. Cháu bị chứng đau đầu thường xuyên. Vợ tôi đề nghị rằng, tôi nên chuyện trò thăm hỏi cháu về thời khóa biểu. Trong khi chạy bộ, tôi đem vấn đề thời khóa biểu của cháu ra và nói, “Con có một thời khóa biểu rất bận rộn phải không?” Cháu trả lời, “Ba ơi, con học điều nầy từ nơi ba. Con đã nhìn ba trong suốt 20 năm. Ba thức dậy vào lúc 5 giờ sáng rồi bù đầu với công việc suốt ngày,” và Mục sư kết luận, “Quí vị thấy đó, những bài thuyết giảng của tôi đã hoàn toàn vô nghĩa; hay nói rõ hơn, những gì tôi khuyên bảo phải nghỉ ngơi, phải quân bình trong sự làm việc đã không ảnh hưởng gì đến cháu, nhưng chính cách sống cách làm việc của tôi đã tác động đến cháu.” Mục sư kể tiếp một câu chuyện khác xảy ra với người con trai đầu của ông. “Cũng có lần tôi chạy bộ với cậu con trai cả , cháu đề cập đến những người mà cả hai chúng tôi đều biết. Cháu nhắc đến một người và nói rằng, “Những gì mà bác ấy đang làm thật là quan trọng, hết sức quan trọng.” Tôi không đưa ra một lời bình phẩm nào cả. Sau khi đề cập đến hàng chục người quen biết, cháu kết luận, “Nhưng con chưa thấy ai đang làm điều gì quan trọng hơn ba đang làm. Con tin rằng, Đức Chúa Trời muốn con dùng cuộc đời mình để làm những gì mà ba đang làm.” Và như vậy, cháu đã vào trường Kinh thánh để chuẩn bị cho chức vụ tương lai và sẽ tốt nghiệp vào năm nay.

 

Quí vị thấy đó, cả ưu điểm lẫn khuyết điểm, những gì con cái hấp thụ nơi chúng ta không phải là những bài nói về giá trị trong cuộc sống nhưng là những giá trị thật mà chúng ta đang đeo đuổi. Những gì chúng nhìn thấy nơi chúng ta tác động sâu sắc trên đời sống chúng.

 

 

Bài trướcBài 18: Cầu Nguyện Với Chúa Là Đấng Chủ Tể
Bài tiếp theoBài 42: Gia-Cốp Và Ê-Sau Phục Hòa Với Nhau