Bài 33: Ý Nghĩa Các Của Lễ

3454

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Sách Lê vi ký được chia ra làm nhiều phần. Chương 1 đến chương 7 đề cập về các của lễ. Sách Lê vi ký không những hướng dẫn thầy tế lễ một cách chi tiết,  chi tiết những gì họ phải chuẩn bị cho của lễ; nhưng sách còn cung cấp cho chúng ta ý nghĩa về các của lễ. Mọi của lễ được ứng nghiệm trọn vẹn qua sự hy sinh của Chúa Jêsus là Chiên con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi thế gian đi. Do đó, Tin lành của Chúa Jêsus Christ được tìm thấy qua các chỉ thị dành cho thầy tế lễ trong 7 chương đầu của sách Lê vi ký.

 

 

Chương 8 đến chương 10 đề cập về các thầy tế lễ. Có  những chỉ thị quan trọng dành riêng cho các thầy tế lễ trong những chương này. Nó cho biết khái quát thầy tế lễ phải là người như thế nào, phải tuân thủ những điều gì. Đây là những bài học áp dụng rất quí báu.

 

Trọng tâm của sách nằm ở chương 11 đến chương 22. Phần này có tên gọi là “Sự thánh hóa.” Qua hình ảnh của đền thờ tạm và các thầy tế lễ phục vụ trong đền thờ, Đức Chúa Trời tuyên bố cho cả thế giới rằng, con dân của Đức Chúa Trời là những người thánh vì Đức Chúa Trời của họ là Đấng thánh. Các chương này nhấn mạnh rằng, tuyển dân của Đức Chúa Trời đã được Ngài chọn lựa để được biệt riêng ra. Họ được chọn để trở nên khác với những người khác. Chữ “thánh” chỉ những gì thuộc về Đức Chúa Trời. Những người này thuộc về Đức Chúa Trời. Kinh thánh nói rằng, họ là con cái của Đức Chúa Trời. Có bao giờ chúng ta nói với con cái của mình rằng, “Người ngoài sẽ đánh giá về gia đình chúng ta qua đời sống của các con, vậy hãy sống thế nào để người khác biết rằng con là con của ba mẹ.” Đây là những gì mà Cha Thiên Thượng nói trong sách Lê vi ký qua hình ảnh của đền tạm. Chúa phán với con dân của Ngài rằng, “Hãy nên thánh vì ta là thánh, hãy sống như thể con thuộc về Ta. Hãy chứng tỏ cho cả thế giới biết rằng, con thuộc về Ta.”

 

Các chương 11 đến 22 có những điều luật đặc biệt để khiến con dân của Đức Chúa Trời trở nên những người đặc biệt, những người có một không hai, những người thánh. Trong sách, có những luật lệ kiêng cữ về ăn uống và những điều luật khác, nhưng tất cả đều xuất phát từ một chữ là chữ “thánh.” Những người sống trong sự thánh khiết là những người thuộc về Đức Chúa Trời.

 

Chương 23 đến 25 được xem là phần hướng dẫn phục vụ trong sự thờ phượng. Người Do thái có nhiều ngày thánh. Năm sách đầu tiên chép về những ngày này. Vì nó là những nghi lễ rất thiêng liêng; do đó, thầy tế lễ là những người cử hành cần được hướng dẫn cụ thể.  Giống như một mục sư trẻ tuổi cần được hướng dẫn để cử hành lễ tiệc thánh ngày nay. Khi đến phần này, xin luôn luôn đặt câu hỏi, “Đức Chúa Trời muốn các thầy tế lễ nhớ điều gì khi Ngài thiết lập các lễ trọng chẳng hạn lễ vượt qua?” Và câu hỏi tiếp là, “Tại sao Ngài muốn thầy tế lễ nhớ những điều đó?” Sở dĩ, có những thánh lễ này vì Đức Chúa Trời muốn con dân Ngài nhớ một điều gì đó. Con cái Chúa thường hay quên và Đức Chúa Trời biết điều đó, nên Ngài thiết lập những ngày thánh và các nghi lễ thiêng liêng; qua đó, Chúa phán, “Hãy làm những điều này để ghi nhớ, đừng bao giờ quên.”

 

Hai chương sau cùng đề cập về việc tuân thủ lời Chúa. Có sự giống nhau trong cách kết thúc của 3 sách Lê vi ký, Phục truyền luật lệ ký và Giô-suê. Cả 3 đều kết thúc với lời khuyến cáo mạnh mẽ: con dân Chúa hãy tuân giữ các điều luật. Họ đã được giải phóng và được cứu để làm tuyển dân thánh. Những lời khuyến cáo ở cuối chương khiến nó trở thành sinh động. Khi được Chúa kêu gọi,  Môi-se nói rằng ông ăn nói ngập ngừng, không trôi chảy. Nhưng với tư cách là tác giả của bộ ngũ kinh, ở những phần cuối của Lê vi ký và Phục truyền luật lệ ký, Môi-se đã chứng tỏ ông là người có tài hùng biện. Ông đã giảng những bài giảng hùng hồn nhất. Trong sách Phục truyền luật lệ ký và cuối sách Lê vi ký, có phần giảng luận thật tuyệt vời nhằm khuyến cáo con dân của Đức Chúa Trời hãy có một đời sống thánh khiết. Đó là phần khái quát sách Lê vi ký. Tôi hy vọng nó sẽ giúp ích khi quí vị đọc sách này.

 

Cuốn cẩm nang của thầy tế lễ được chia làm hai phần. Khi xem các đề tựa của các phần trong sách, chúng ta cùng rút ra các bài học dưỡng linh. Ví dụ, phần thứ nhất nói về các của lễ. Bảy chương đầu, trình bày những lẽ thật quí báu qua việc thầy tế lễ được chỉ thị dâng các sinh tế cho Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, một tội nhân đến với đền tạm tìm kiếm sự tha thứ, người này gặp thầy tế lễ tại cổng. Thầy tế lễ sẽ hướng dẫn người này về ý nghĩa của sinh tế mà ông sắp dâng lên.

 

Tội nhân đặt tay lên đầu con sinh. Mọi hình phạt mà tội nhân lẽ  ra phải gánh chịu, thì nay được thanh thỏa bởi sự chết của con sinh. Thầy tế lễ sẽ giết con sinh trước mặt Chúa, rồi rưới huyết chung quanh bàn thờ tại cổng vào của đền tạm.

 

Tóm lại, tội nhân đến tại cổng của đền tạm. Trước khi họ đến bàn thờ dâng của lễ thiêu, thầy tế lễ chỉ dẫn họ về ý nghĩa của việc dâng sinh tế. Bên cạnh những trách nhiệm khác, thầy tế lễ còn là giáo sư. Khi dân sự có vấn đề gì thắc mắc, họ có thể hỏi thầy tế lễ. Thầy tế lễ sẽ dùng lời Đức Chúa Trời mà giải thích cho dân sự của Ngài. Khi tội nhân dâng súc vật làm sinh tế, thầy tế lễ sẽ bảo họ đặt tay lên đầu con vật. Khi làm như vậy, con sinh trở nên vật thay thế cho tội nhân. Mọi tội của họ được chuyển qua cho con vật. Đáng lẽ, tội nhân phải chịu chết thì nay con sinh chịu chết vì cớ tội của họ. Đó chính là ý nghĩa của việc dâng sinh tế.

 

Trong Tân ước, sứ đồ Phaolô diễn tả sự chết của Đấng Christ là sự chết đền tội thay cho chúng ta. II Cô-rinh-tô 5:21 chép rằng,

 

“Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời.”

 

Trong Tân ước, sứ đồ Phierơ đã viết:

“Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ.” (I Phierơ 2:24)

 

Kinh Thánh đã dạy rõ ràng về việc Chúa chết thay để chuộc tội cho chúng ta. Một số người ngày nay khước từ lẽ đạo này; và cho rằng, nó không xuất phát từ Kinh thánh. Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý vì lẽ đạo này có gốc rễ sâu xa trong lời Chúa. Nó đã được bắt đầu trong Cựu ước với lễ Vượt Qua. Rồi trong sách Lê vi ký, lẽ đạo này được tìm thấy qua hình ảnh của đền tạm. Nó là lẽ thật căn bản của Cựu ước. Tân ước áp dụng lẽ thật này cho Chúa Jêsus. Các tiên tri trong Cựu ước cũng áp dụng lẽ thật này cho Chúa Jêsus. Họ biết rằng Đấng Mê-si sẽ đến, và Đấng đó làm ứng nghiệm trọn vẹn về các sinh tế bằng súc vật trong Cựu ước. Tiên tri Ê-sai đã nói trong chương 53:6 như sau:

 

“Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.”

 

Đây là một câu rất hay, nó đã bắt đầu và kết thúc bằng cách đề cập đến mỗi chúng ta.

 

Quí vị có tin rằng, chữ chúng ta trong phần đầu bao gồm cả quí vị không? Tất cả chúng ta đều như chiên đi lạc ai theo đường nấy không? Quí vị có nhận thức rằng, “Tôi cũng là một trong những người đó. Tôi đã đi theo đường riêng của tôi. Tôi là một tội nhân.” Đây là phần quan trọng để xác nhận niềm tin nơi Tin lành của Chúa Jêsus Christ. Câu Kinh thánh trên cũng kết thúc với chữ “chúng ta”. Quí vị có tin rằng, chữ chúng ta ở phần sau bao gồm luôn quí vị không? Chữ chúng ta ở phần đầu là một tin buồn, nhưng chữ chúng ta ở phần sau là một tin vui. Tin buồn vì mỗi chúng ta đều là tội nhân. Nhưng tin vui, đó là Đấng Mesi đã gánh thay mọi tội cho chúng ta. Quí vị có tin rằng, quí vị là một trong những người đó không? Nếu quí vị kể mình là một tội nhân, nhưng đồng thời cũng xem mình là người đã được Chúa chết đền tội, thì quí vị nhận được ơn cứu rỗi, được sanh ra trong gia đình của Đức Chúa Trời. Đó là sự kiện căn bản của Tin lành được minh họa cho chúng ta qua sách Lê vi ký.

 

Sách Lê vi ký cũng đề cập đến của lễ nhưng trên bình diện cả quốc gia thay vì cá nhân. Có lúc toàn dân Y-sơ-ra-ên phạm tội và do đó cần có sự xưng tội trên phạm vi quốc gia. Thầy tế lễ đã được chỉ thị rằng, nếu toàn dân Y-sơ-ra-ên phạm tội vì không nhận biết mà làm những điều Chúa không cho phép làm, thì họ phải dân con  bò con làm của lễ chuộc tội. Họ mang nó đến đền tạm. Tại đó, các nhà lãnh đạo quốc gia đặt tay lên đầu con vật và giết nó trước mặt Đức Giê Hô Va. Sau đó, họ tiến hành theo một trình tự như trường hợp dâng sinh tế bình thường. Bằng cách đó, thầy tế lễ thực hiện sự chuộc tội cho toàn dân và mọi người dân đều được tha thứ. Quí vị có cho rằng, thật là một hình ảnh cảm động khi cả quốc gia ăn năn về tội lỗi của mình không? Đây chính là khía cạnh thực tế được mô tả trong sách Lê vi ký.

 

Trước khi kết thúc, có một câu hỏi cho bạn: bạn có nhận thức một cách cá nhân rằng, bạn được bao gồm trong chữ chúng ta được chép ở Êsai 53:6 không? Khi Ê-sai  nói rằng, “chúng ta thảy đều như chiên đi lạc,” bạn có tin rằng bạn là một trong những con chiên đi lạc không? Khi Ê-sai nói về tin tức tốt lành, đó là Đức Giê-Hô-Va đã đặt mọi tội của chúng ta trên con Ngài thì bạn có  tin rằng trong đó có bạn không? Mong ước bạn trả lời hai câu hỏi trên và xác nhận niềm tin của mình.

 

Ê-sai 53:6 chép rằng:

“Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.”

 

Quí vị có công nhận rằng, mình như chiên đi lạc, ai theo đường nấy không  hay mình là một tội nhân trước mặt Đức Chúa Trời không? Nhưng Chúa Jêsus đã gánh thay tội cho chúng ta, quí vị có tin rằng Ngài đã chết đền tội cho quí vị không?

 

 

 

Bài trướcHuấn Luyện Truyền Giáo Tại Tỉnh Tiền Giang.
Bài tiếp theoHiệp nguyện Mục sư, Truyền đạo và Chấp sự tỉnh Sóc Trăng.