Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới
Chúng ta đang lược khảo sách Lê vi ký. Qua hình ảnh của đền tạm, chúng ta biết làm thế nào để đến cùng Đức Chúa Trời. Tân ước cho biết rằng, “Nếu chúng ta là con cái thật của Chúa và bước theo Chúa Jêsus, thì thân thể của chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời.” Đây là một lẽ thật quí báu được Kinh thánh khẳng định (I Cô-rinh tô 3:16,17):
16 Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao?
17 Vì có ai phá hủy đền thờ của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời sẽ phá hủy họ; vì đền thờ của Đức Chúa Trời là thánh, mà chính anh em là đền thờ.
Khi xưa, Chúa ngự trong đền tạm. Hòm giao ước ở nơi chí thánh biểu tượng cho sự hiện diện thánh của Ngài. Chỉ một mình thầy tế lễ thượng phẩm, mỗi năm một lần mới được vào nơi chí thánh là nơi Chúa ngự. Do đó, việc đến cùng Đức Chúa Trời không phải chuyện đơn giản nhưng vô cùng hệ trọng. Từ đó, thử tưởng tượng một người Do Thái sẽ cảm thấy tuyệt vời như thế nào khi nghe nói rằng, “Anh chị là đền thờ của Đức Chúa Trời.”
Cũng vậy, ngày nay, chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời ngự trong chúng ta . Quả thật, Đức Chúa Trời đang ngự trị trong chúng ta . Sứ đồ Phao-lô cố gắng bày tỏ lẽ thật nầy cho các tín hữu tại Cô-rinh-tô, vì một số người trong vòng họ đang miệt mài trong dâm dục. Ông đã nói với họ rằng,
“Thân thể anh em không được tạo nên cho sự dâm dục, nhưng nó được tạo nên vì cớ Chúa. Anh em há không nhận thức rằng thân thể của anh em là đền thờ của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời đang ngự trong anh em sao?”
Đó là lẽ thật quí báu nếu chúng ta hiểu được ý nghĩa của việc đến cùng Đức Chúa Trời trong đền thờ tạm ở đồng vắng. Trong Cô-lô-se 1:27 Phao-lô giải thích việc Đấng Christ ngự trong chúng ta như sau:
“Vì Đức Chúa Trời muốn khiến họ biết sự giàu vinh hiển của sự mầu nhiệm đó ở giữa dân ngoại là thể nào, nghĩa là Đấng Christ ở trong anh em, là sự trông cậy về vinh hiển.”
Đấng Christ ở trong chúng ta không chỉ là phép lạ vì sự hiện diện Đức Chúa Trời; bên cạnh đó, nó còn có ý nghĩa là Chúa ngự trong chúng ta nên chúng ta có năng lực để sống cuộc đời theo ý muốn của Ngài. Đức Chúa Trời ban mọi ơn để chúng ta có đủ khả năng mà làm mọi việc thiện lành.
Một câu hỏi được đặt ra, “Có bài học áp dụng thuộc linh nào về đền tạm cho chúng ta là những người sống vào thế kỷ 21 nầy?” Đến với Đức Chúa Trời là việc vô cùng thiêng liêng. Cách Vua Đa vít đã mô tả trong Thi thiên 100 thật sống động. Đa vít là một người thờ phượng Chúa rất sốt sắng; và ông cũng là Vua. Đa vít nói rằng, đến cùng Đức Chúa Trời giống như yết kiến vị Vua. Nếu được vinh dự yết kiến nhà Vua, chúng ta sẽ làm thế nào? Đa vít nói rằng, chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách đi vào cổng của cung điện nhà vua. Sau đó, chúng ta còn phải đi qua tiếp những cổng khác nữa. Lính canh sẽ mở cửa cho vào, vì chúng ta được phép gặp nhà vua. Sau đó, chúng ta sẽ đi xuyên qua những hành lang dài. Đi hết hành lang nầy đến hành lang khác. Các cánh cửa lần lượt được mở ra, quân lính đứng gác hai bên. Vương quốc càng lớn càng mạnh thì hành lang càng dài, càng sâu; và binh lính càng nhiều và trang phục càng đẹp. Cho đến cuối cùng, khi cánh cửa được mở ra và được bước vào để yết kiến nhà Vua, chúng ta sẽ vô cùng cảm kích vì người mà chúng ta được gặp là một nhân vật hết sức quan trọng.
Dựa trên trí tưởng tượng nầy, Đa vít nói trong Thi thiên 100 rằng, ra mắt Đức Chúa Trời giống như yết kiến một vị Vua.
Khi ra mắt Chúa, chúng ta bắt đầu vào cổng của sự cảm tạ. Điều nầy có nghĩa là hãy bắt đầu bằng sự cảm tạ Chúa về mọi ơn lành của Ngài. Sau cổng cảm tạ là cổng ngợi khen. Chúng ta nên dừng lại tại cổng nầy trong giây phút.
Những người tin kính cho rằng, cánh cửa mở ra cho chúng ta bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời là cánh cửa ngợi khen. Hãy bước qua hành lang của ngợi khen. Đa vít nói tiếp rằng, cánh cửa cuối cùng dẫn chúng ta bước vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời là sự ca hát. Chúng ta đến ra mắt Ngài với sự ca hát. Cựu ước ghi lại trường hợp một vị tiên tri không thể nói tiên tri được, ông yêu cầu tìm cho ông một người ca hát. Sau khi có người khảy đàn ca hát, vị tiên tri bắt đầu nói tiên tri. Ông đã nói tiên tri khi âm nhạc được trổi lên. Vậy, âm nhạc là gì? Âm nhạc là một phép lạ vô cùng lớn lao mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta ; để qua đó, chúng ta có thể diễn tả được những điều mà bình thường không thể diễn tả được. Sự ca ngợi Đức Chúa Trời qua âm nhạc có thể dẫn chúng ta bước vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời.
Đa vít đã nói trong Thi thiên 100, một khi bước vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, chúng ta biết rằng, Chúa là Đức Chúa Trời; Ngài là Đấng thiện lành. Chúng ta cũng biết rằng, Chúa là Đấng chăn chiên mà chúng ta là chiên của Ngài. Chúng ta sẽ biết được nhiều điều khi thật sự thờ phượng trong sự hiện diện của Ngài. Sau khi biết những điều nầy, Chúa muốn lẽ thật của Ngài hiện hữu và lưu truyền từ thế hệ nầy đến thế hệ khác cho tất cả mọi dân trên đất. Chúa muốn chúng ta phục vụ Ngài với lòng hớn hở vui mừng. Đây quả là sự mô tả rất đẹp về cách mà chúng ta ra mắt Chúa, làm thế nào để ra mắt Ngài, và kết quả xảy ra trên đời sống của chúng ta .
Cũng trên tinh thần đó, tôi tin rằng, chúng ta có thể áp dụng hình ảnh của đền thờ tạm cho giờ tĩnh nguyện vào buổi sáng như là cách ra mắt Chúa. Khi xem xét luật Môi-se theo khía cạnh luật pháp, chúng ta nhận thức rằng, chữ nghĩa hay công thức luật làm cho chết. Ngày nay, chúng ta không sống dưới công thức của luật; Chúa Jêsus đã đến và chúng ta đang sống dưới ân điển của Ngài. Tinh thần của luật luôn luôn mang lại sự sống, có mục đích và ý nghĩa. Nếu đến với đền thờ tạm, chúng ta không còn phải bận tâm đến công thức của luật vì Chúa Jêsus đã làm trọn vẹn cả rồi. Công thức hoặc chữ nghĩa của đền tạm không còn ràng buộc nữa. Tuy nhiên, tinh thần của luật vẫn còn qua hình ảnh của đền tạm. Nói cách cụ thể hơn, nếu chúng ta thức dậy vào buổi sáng và có giờ tĩnh nguyện, tôn thờ Chúa, gặp mặt Ngài trước khi ra khỏi nhà và đi làm, xin hãy suy nghĩ con đường đi xuyên qua đền tạm. Tưởng tượng, chúng ta đang bước đến bàn thờ dâng của lễ thiêu với sinh tế sẽ dâng lên, điều nầy là biểu tượng cho sự chết của Chúa Jêsus Christ là Chiên con của Đức Chúa Trời đã chết trên thập tự giá vì tội của chúng ta và cả nhân loại. Nếu chưa bao giờ làm điều nầy, xin chúng ta hãy thực hiện ngay hôm nay. Hãy tin Chúa Jêsus để tội lỗi được tha. Rồi hãy cảm tạ Đức Chúa Trời về ơn tha thứ mà Chúa ban cho chúng ta tại thập tự giá, vì Chúa Jêsus là sinh tế toàn hảo.
Bây giờ, hãy suy nghĩ về thùng rửa. Đó là nơi rửa sạch tay và chơn, là nơi mà chúng ta cần sự thanh tẩy liên tục. Giống như Chúa Jêsus nói với Phi-e-rơ, một khi chúng ta đã tắm thì không cần phải tắm lại. Khi chơn bị dơ bẩn, chúng ta chỉ cần rửa chơn mà thôi. Chúng ta cần sự thanh tẩy liên tục. Có điều nào trong đời sống của chúng ta đang bị ô nhơ không làm Chúa hài lòng, hãy thú nhận những điều nầy với Đức Chúa Trời, lìa bỏ nó và được thanh tẩy. Tiếp theo, hãy bước vào nơi thánh, đứng trước chơn đèn; hãy cảm tạ Đức Chúa Trời về sự mặc khải của Ngài, cảm tạ Chúa vì Ngài không để cho chúng ta quờ quạng trong bóng tối. Nhiều người trên thế giới ngày nay không biết phân biệt ‘đâu là tay trái, đâu là tay phải.’ Họ không có ánh sáng của Tin lành. Có nhiều người như vậy. Hãy cảm tạ Chúa vì chúng ta có ánh sáng, có lời của Đức Chúa Trời và có cơ hội để nghe sự giải bày lời của Ngài.
Hãy hình dung, bạn đang đứng trước bàn bánh thánh. Hãy cảm tạ Chúa về việc Ngài đã cung ứng mọi nhu cầu cho quí vị. Hãy nhận biết Ngài là Đấng ban cho từng chén cơm mà chúng ta dùng hằng ngày, cũng như mọi điều chúng ta đang có. Cám ơn Ngài về mọi phương cách mà Chúa dùng để đáp ứng các nhu cầu. Hãy nhận biết, Ngài là Đấng cung cấp mọi điều chúng ta cần với tấm lòng biết ơn sâu xa. Đến bàn thờ xông hương, chúng ta hãy suy nghĩ phép lạ của sự cầu nguyện. Hãy dành thì giờ để cầu nguyện, bắt đầu một ngày với sự cầu nguyện. Rồi tiến đến nơi chí thánh, xin nhớ rằng không chỉ là Thần Linh của Đức Chúa Trời, nhưng còn là chính sự hiện diện của Đức Chúa Trời ở trong chúng ta cho dù chúng ta đang ở bất cứ nơi đâu.
Chúng ta có kinh nghiệm ở trong sự hiện diện thánh của Đức Chúa Trời chưa? Gia cốp nói rằng, “Quả thật là có Đức Chúa Trời ở chốn nầy mà ta không biết.” Có khi nào chúng ta ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời mà không biết như Gia cốp không? Hay là chúng ta ý thức được sự hiện diện của Ngài. Chúng ta cần cầu nguyện để Đức Chúa Trời dẫn chúng ta đi qua những bước nầy mà thờ phượng Ngài. Khi dành nhiều thì giờ với Chúa, chúng ta sẽ bước vào trong sự hiện diện thánh của Ngài. Kinh thánh ghi lại việc Môi-se quay sang một bên để không nhìn thấy Đức Chúa Trời. Khi Chúa thấy điều đó, Ngài nói mặt đối mặt với Môi-se. Đây là cách một người nói chuyện với bạn của mình. Môi-se đã quay mặt đi trong 40 năm. Tôi tự hỏi, chúng ta có bao giờ quay mặt khỏi Đức Chúa Trời không?
Tiên tri Giê-rê-mi nói như sau,
“Đức Giê Hô Va phán, các ngươi sẽ tìm kiếm ta và gặp được là khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng.”
Chúa Jêsus nói rằng,
Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho.
Bởi vì, hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở.
Trong đời sống nếu không nhận được điều gì từ nơi Chúa, nếu thấy những cánh cửa của thiên đàng dường như đóng lại, chúng ta hãy nghiệm lại có điều gì sai trật trong những điều đang cầu xin , những điều đang tìm và những điều đang gõ. Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải quay sang để nhìn Đức Chúa Trời tại nơi chí thánh. Có nhiều bài học thuộc linh áp dụng từ đền thờ tạm. Nhưng đây là điều quan trọng nhất: Tội nhân không phân biệt nam nữ đều có thể đến cùng Đức Chúa Trời chí thánh thông qua con đường mới và sống mà Chúa Jêsus đã mở ra cho chúng ta .
Có bao giờ chúng ta đã bước vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời chí thánh chưa? Con đường để bước vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời là qua Chúa Jêsus vì Chúa Jêsus phán rằng, “Ta là đường đi, lẽ thật, sự sống, chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.” Đây là ý nghĩa thuộc linh của đền tạm. Đức Chúa Trời muốn gặp quí vị; và Ngài muốn biến cuộc đời của chúng ta trở nên đền tạm của Ngài.