Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới
Một vị lãnh đạo quốc gia đã nói rằng, “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được dạy dỗ trong gia đình cũng như tại lớp học trường Chúa nhật rằng, không nên thỏa thuận đối với ma quỉ.” Ngày nay, các ban trẻ cũng cần được nhắc lại bài học nầy, kế hoạch của Satan là đưa chúng ta đến chỗ thỏa hiệp với nó.
Nguyên tắc thứ nhất, đừng dấn thân vào con đường tội lỗi. Nhưng nếu đã lỡ bước vào, đâu là con đường để thoát ra? Đây chính là sứ điệp của sách Xuất Ê-díp-tô ký.
Nhiều phép lạ cần phải được thực hiện để vực chúng ta ra khỏi tội lỗi. Phép lạ đầu tiên dân Y-sơ-ra-ên đã kinh nghiệm là phép lạ vượt qua biển Đỏ. Đây là một trong những phép lạ lớn nhất trong Kinh thánh. Trong suốt những cuộc đối đầu giữa Môi-se và Pha-ra-ôn, chúng ta thấy rõ chủ tâm của Pha-ra-ôn là không để dân Y-sơ-ra-ên ra đi. Pha-ra-ôn liên tục thay đổi ý kiến. Khi Đức Chúa Trời giáng những tai họa nặng nề, Vua buộc lòng hứa cho đi; khi Đức Chúa Trời ngưng giáng tai họa, Pha-ra-ôn lại nuốt lời. Nhưng đứng trước tai vạ cuối cùng là các con đầu lòng đều bị giết chết, Pha-ra-ôn không còn sự lựa chọn nào khác là để dân Y-sơ-ra-ên ra đi. Tuy nhiên, khi người Y-sơ-ra-ên đến biển Đỏ thì một lần nữa, Pha-ra-ôn lại thay đổi ý định, đem binh hùng tướng mạnh để truy đuổi và tấn công người Y-sơ-ra-ên.
Khi thấy cát bụi mịt mù bởi những vó ngựa chiến của quân lính Ai-cập, Môi-se đã sấp mình xuống đất mà cầu nguyện. Người Y-sơ-ra-ên đã lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Trước mặt là trùng trùng biển khơi, phía sau là tiếng gào thét của quân thù. Môi-se kêu van cùng Đức Chúa Trời. Ngài phán với ông, “Tại sao ngươi kêu van cùng ta? Tại sao ngươi cầu nguyện?” Đây là một trường hợp mà Kinh thánh dạy rằng, không cần phải cầu nguyện. Điều Chúa muốn nói với Môi-se là thế nầy, “Ý muốn của ta rất rõ ràng, không cần thiết phải cầu nguyện trong lúc nầy. Các ngươi chỉ có một lựa chọn mà thôi đó là đi tới và đi trên mặt nước.” Rồi Ngài bảo Môi-se, “Hãy nói với dân sự là cứ đi tới,” Điều nầy có nghĩa là họ sẽ bắt đầu bước đi trên mặt nước. Môi-se là người có đức tin lớn, ông giơ gậy lên và tuyên bố với dân chúng rằng, “Hãy yên lặng và nhìn xem sự giải cứu vĩ đại của Đức Chúa Trời.” Khi cây gậy được giơ lên thể hiện đức tin và sẵn sàng bước đi trên nước thì nước bắt đầu tách ra làm đôi. Dân Y-sơ-ra-ên ung dung bước đi giữa lòng biển, còn nước thì bị ngăn lại hai bên. Quân lính Ai-cập hùng hổ đuổi theo; nhưng rồi nước đổ dồn trở lại và nhận chìm tất cả.
Khi gặp những câu chuyện như vậy trong sách Xuất Ê-díp-tô ký, quí vị phải quyết định một vấn đề rất quan trọng: Tin hay không tin vào sự siêu nhiên? Một số người cho rằng, đây không phải là biển Đỏ mà là đầm sậy và nước rất cạn. Một em bé trai khi được dạy như vậy trong trường Chúa nhật liền hỏi người hướng dẫn, “Ồ, nếu vậy thì đây thật là một phép lạ lớn lao vì tất cả mọi người lính Ai-cập đều bị chết đuối tại một nơi cạn nước.”
Khi đối diện với các phép lạ trong Cựu ước, quí vị sẽ chọn lựa hoặc là tin hoặc là không tin vào phép lạ siêu nhiên. Tôi tin phép lạ. Tôi tin rằng, sự việc xảy ra thế nào thì Kinh thánh ghi lại như thế ấy. Bên cạnh đó, câu chuyện nầy là một hình bóng cho sự cứu rỗi. Việc Chúa cứu chúng ta là một phép lạ. Những gì xảy ra tại biển Đỏ đã đánh dấu một bước ngoặc trong lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên; vì bắt đầu từ đó, họ được giải phóng hoàn toàn khỏi quyền lực của Pha-ra-ôn và người Ai-cập.
Sau khi dân Y-sơ-ra-ên vượt biển Đỏ, họ cần một phép lạ khác. Họ cần sự hướng dẫn từ Chúa. Chúng ta cũng cần sự hướng dẫn thiên thượng vì Đức Chúa Trời cứu chúng ta cho một mục đích. Phao-lô gọi đây là “ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 12:2) Chúng ta được cứu để làm các việc thiện lành mà Chúa đã được định trước cho chúng. Khi cứu chúng ta, Ngài có mục đích cho chúng ta trong đời nầy cũng như trong cõi đời sau. Mục đích cho cuộc sống hiện tại, đó là hãy làm những việc mà Đức Chúa Trời đã đặt để trên mỗi chúng ta. Có những việc Ngài muốn bạn thực hiện; có những việc mà Ngài muốn tôi thực hiện. Việc Chúa cứu chúng ta ra khỏi Ai-cập thuộc linh chỉ là bước đầu. Chúa muốn hướng chúng ta đến những công việc mà Ngài đã dự định. Do đó, chúng ta cần sự dẫn dắt của Ngài. Điều nầy được rút ra từ hình ảnh của trụ mây và trụ lửa. Trên lộ trình hướng về đất hứa, dân Y-sơ-ra-ên đã được hướng dẫn ban ngày bằng trụ mây và ban đêm bằng trụ lửa. Phép lạ nầy đã dẫn dắt họ suốt những năm tháng trong đồng vắng. Đây là một biểu tượng tuyệt vời về sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời dành cho con dân của Ngài.
Một khi dân Y-sơ-ra-ên vượt qua biển Đỏ và lang thang trong đồng vắng, họ đối diện với một nan đề vô cùng lớn lao. Tìm đâu ra lương thực trong đồng vắng khô khan để nuôi đoàn dân đến hai hoặc ba triệu người? Thử tưởng tượng chỉ lo bữa tiệc thông công cho một hội thánh vài trăm người trong dịp lễ giáng sanh, chúng ta thấu hiểu sự khó khăn mà Môi-se đã đối diện ở mức độ nào. Dân Y-sơ-ra-ên sẽ lấy gì để ăn? Họ sẽ lấy gì để uống? Đây là một thách thức hết sức lớn lao đối với Môi-se. Khi mới cất bước lên đường, dân chúng hãy còn say sưa với niềm vui vừa được giải phóng ra khỏi cảnh đời nô lệ tại Ai-cập; cho nên, họ không bận tâm đến việc ăn uống; cho đến khi dong ruổi trong đồng vắng, họ mới khám phá rằng, đây quả là một nan đề vô cùng lớn lao. Chúng ta sẽ ăn gì và chúng ta sẽ uống gì?
Đức Chúa Trời đã can thiệp và đáp ứng nhu cầu của họ một cách diệu kỳ. Một buổi sáng khi thức dậy, họ thấy vật màu trắng che phủ trên đất. Họ hỏi với nhau rằng, đây là cái gì vậy? Và đây chính là căn nguyên của chữ mana. Chữ mana theo tiếng Hê-bơ-rơ nghĩa là “cái gì vậy”. (Xuất 16:31)
Mana là một loại lương thực cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho dân chúng. Đức Chúa Trời cũng bằng phép lạ đã ban chim cút và nước cho họ. Việc Đức Chúa Trời đã quan phòng và chu cấp các nhu cầu cho dân sự của Ngài, cho thấy chúng ta cần một phép lạ khác nữa. Chúa dùng phép lạ để cứu chúng ta, hướng dẫn chúng ta đi vào trong ý chỉ của Ngài, và Chúa cũng dùng phép lạ để bảo toàn chúng ta. Về những nhu cầu trong cuộc sống, ai hay điều gì là chỗ dựa cho quí vị? Nếu tin cậy vào sự đầu tư của nước ngoài hoặc sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia; và cho rằng, đây là nguồn bảo đảm cho cuộc sống của quí vị, tôi xin thưa rằng, nó thật là mong manh. Nguồn trông cậy của chúng ta phải chính là Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng ban vật thực cần dùng cho mọi người đúng kỳ đúng hạn. Đức Chúa Trời chỉ cần mở cửa kho lương của Ngài thì muôn loài vạn vật được no nê. Trước khi dùng bữa, chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa về thức ăn vì tin rằng, Ngài là Đấng ban cho chúng ta lương thực, là Đấng cung ứng mọi nhu cầu cho chúng ta. Việc Đức Chúa Trời đã quan phòng chăm sóc dân sự của Ngài 40 năm lang thang trong đồng vắng là một minh chứng về lẽ thật nầy.
Bên cạnh bài học về sự chăm sóc của Đức Chúa Trời, sách Xuất Ê-díp-tô ký cũng dạy chúng ta về sự thờ phượng Chúa. Sự thờ phượng Chúa của người Do Thái dựa trên chương 12. Chương thứ 12 đề cập về tai vạ sau cùng mà Đức Chúa Trời giáng trên người Ai-cập. Thiên sứ của Chúa đi khắp cả xứ Ai-cập và giết chết những đứa con đầu lòng của họ. Trong khi đó, muốn tránh khỏi tai vạ nầy, người Y-sơ-ra-ên phải giết con chiên và dùng huyết của nó bôi lên phía trên cũng như hai bên cửa nhà. Mọi người đều phải ở trong nhà, ăn thịt chiên được nấu nướng theo sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời. Huyết được bôi trên cửa ám chỉ về thập tự giá. Vì chính huyết nầy đã cứu người Y-sơ-ra-ên thoát khỏi tai vạ hủy diệt. Còn ngày nay, chúng ta được cứu khỏi sự chết nhờ vào thập tự giá mà Chúa Jêsus đã đổ huyết ra.
Có ý nghĩa hình bóng về Chúa Jêsus qua câu chuyện nầy. Chúa Jêsus đã nói trong Tân ước rằng, “Môi-se viết về Ta.” Chính nhận thức nầy là ánh sáng giúp các môn đồ hiểu Kinh thánh. Cả Kinh thánh nói về Chúa Jêsus. Chúng ta sẽ thấy điều nầy qua sách Xuất Ê-díp-tô ký,sách Lê vi ký cũng như sách Sáng thế ký. Thánh lễ Vượt Qua của người Do Thái được tuân giữ hằng năm từ thế hệ nầy đến thế hệ khác. Thánh lễ nầy được gọi là vượt qua vì thiên sứ của Đức Chúa Trời vượt qua những ngôi nhà của người Y-sơ-ra-ên khi nhìn thấy huyết chiên con bôi trên mày cửa, còn con trai đầu lòng của người Ai-cập thì bị giết chết.
Nhiều năm sau đó, Chúa Jêsus cùng dự lễ Vượt Qua với với các vị sứ đồ. Ngài đã phán với họ rằng, “Ta sẽ không ăn lễ Vượt Qua nầy nữa cho đến khi mọi sự được trọn trong nước của Đức Chúa Trời.” Vài giờ sau, Ngài chịu chết trên thập tự giá. Chúa có ý gì khi Ngài nói điều nầy? Ngài muốn nói rằng, “Ta mong đợi dự lễ Vượt Qua nầy, vì ta sẽ không dự nữa cho đến khi mọi sự được trọn trong nước của Đức Chúa Trời.” Giăng Báp tít đã giới thiệu về Chúa Jêsus như thế nầy, “Kìa Chiên con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi thế gian đi.” (Giăng 1:29) Từ “Chiên con” xuất phát từ hình ảnh chiên con trong lễ Vượt Qua cũng như trong các sinh tế của người Do thái, và được ứng nghiệm khi Chúa Jêsus chết trên thập tự giá. Chúa Jêsus là Chiên con của Đức Chúa Trời. Hình ảnh của chiên con trong lễ Vượt Qua chỉ về Đấng đã chịu chết để cất tội của thế gian.
Khi Chúa Jêsus dự lễ Vượt Qua với các môn đồ của Ngài, Chúa biết rằng, một số người trong vòng họ sẽ tưởng nhớ đến Ngài. Họ sẽ dùng các hình ảnh về Chúa để ghi lại cuộc đời của Ngài trong các sách Phúc âm. Các vị sứ đồ đã mô tả Chúa theo nhiều cách khác nhau. Nhưng khi dự lễ Vượt Qua với các môn đồ của Ngài, Chúa đã nhắn nhủ với họ rằng, hình ảnh mà họ nên tưởng nhớ đến đó là Ngài đã chết trên thập tự giá như là chiên con của lễ Vượt Qua.
Đây là cách mà Chúa muốn chúng ta nhớ đến Ngài. Sự thờ phượng của người Do Thái đặt căn bản trên lễ Vượt Qua. Còn sự thờ phượng của Cơ đốc giáo đặt căn bản trên lễ Tiệc thánh. Quí vị có biết vì sao lễ Vượt Qua là trọng tâm của Do thái giáo; và lễ tiệc thánh là trọng tâm của Cơ đốc giáo không? Lý do là vì người Y-sơ-ra-ên cần phép lạ từ thiên thượng để giải cứu họ ra khỏi vòng nô lệ tại Ai-cập; và chúng ta cần phép lạ để cứu chúng ta ra khỏi vòng nô lệ của tội lỗi. Không nghi ngờ gì cả, chỉ có một phép lạ duy nhất cứu quí vị và tôi, đó chính là phép lạ được hình bóng bởi chiên con bị giết trong lễ Vượt Qua và ứng nghiệm bởi sự chết của Chúa Jêsus trên thập tự giá. Ngài đã chết vì tội của nhân loại nói chung; và vì tội của mỗi chúng ta nói riêng.
Nguyện Chúa cho chúng ta khi học sách Xuất Ê-díp-tô ký thấy được những phép lạ đã giải cứu dân Y-sơ-ra-ên; và những phép lạ đã cứu quí vị và tôi.