Bài 26: Thiên Sứ Viếng Áp-Ra-Ham

2713

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới


 

 

Sáng thế ký 18:1-33        

 

Chương trình Tìm Hiểu Thánh Kinh của chúng ta đến đoạn 18 của sách Sáng thế ký, có thể chúng ta ngạc nhiên vì sao đoạn 18 và 19 này lại được đưa vào Kinh Thánh. Cho đến khi chúng ta học đến phần Kinh Thánh Tân ước thì chúng ta mới hiểu rõ lý do tại sao. Hai đoạn này giống như là câu chuyện phụ thêm của Áp-ra-ham, đề cập đến sự hủy diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ.

 

Trong đoạn 18 này là một đoạn dài, Đức Chúa Trời nói với Áp-ra-ham về sự hủy diệt của thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, và Áp-ra-ham cầu thay cho hai thành phố này. Đây là một thí dụ điển hình về đời sống Cơ Đốc nhân phước hạnh, một đời sống giao thông với Đức Chúa Trời. Nhưng tới đoạn 19, chúng ta thấy một đời sống hư hoại trong xứ Sô-đôm và Gô-mô-rơ, nơi Lót đang ở, và số phận của hai thành này đã được định rồi.     

        

Do đó chúng ta thấy có hai dạng Cơ Đốc nhân, đó là đời sống phước hạnh và những đời sống khô héo. Có những đời sống chìm vào thất bại, vì họ hoàn toàn đi ra ngoài ý chỉ của Đức Chúa Trời.

 

ĐỨC CHÚA TRỜI HIỆN RA CÙNG ÁP-RA-HAM VÀ TÁI XÁC HỨA VỀ MỘT CON TRAI.

 

Sáng thế ký 18:1-4, “Đức Giê-hô-va hiện ra cùng Áp-ra-ham nơi lùm cây dẻ bộp của Mam-rê, đương khi ngồi nơi cửa trại lúc trời nắng ban ngày. Áp-ra-ham nhướng mắt lên, thấy ba người đứng trước mặt. Vừa khi thấy, bèn bắt từ cửa trại chạy đến trước mặt ba người đó, sấp mình xuống đất, và thưa rằng: Lạy Chúa, nếu tôi được ơn trước mặt Chúa, xin hãy ghé lại nhà kẻ tôi tớ Chúa, đừng bỏ đi luôn. Xin các đấng hãy cho phép người ta lấy chút nước rửa chơn các đấng, và xin hãy nằm nghỉ mát dưới cội cây nầy.”

 

Áp-ra-ham lúc này rất già, đang sống nơi lùm cây dẻ bộp tại Mam-rê, cây dẻ bộp còn gọi là cây vân hương. Ông thấy có ba người khách đến chỗ ông ở, Áp-ra-ham liền mời họ vào. Chúng ta hãy chú ý đến sự hiếu khách nhiệt thành của Áp-ra-ham. Qua những sự việc xảy ra trong các đoạn trước, chúng ta thấy rằng Áp-ra-ham là người rất rộng lượng và hiếu khách.

 

Thật là rất lạ cho chúng ta khi mời người lạ vào nhà và rửa chơn cho họ. Chúng ta không làm như vậy trong thời nay, vì đó có thể là phong tục xa xưa. Xin hãy nhớ lại rằng tại trên phòng cao, Chúa Giê-xu của chúng ta rửa chơn cho các môn đệ, và có một bài học thuộc linh lớn cho chúng ta học hỏi qua việc đó. Trong câu chuyện này Áp-ra-ham nói với người khách, ‘hãy cho chúng tôi rửa chơn cho.’ Đây là một dấu hiệu hiếu khách thật sự, khi một người khách nào đó vào trong nhà, cổi giầy ra và rửa chân. Trong thời trước người ta không giở nón ra khi vào nhà, nhưng cổi giầy. Trong ngày hôm nay thì ngược lại, khi một người khách vào nhà thì không cổi giầy ra, nhưng giở nón xuống 

 

Đây là một phong tục tốt khi đến nhà ai, chúng ta cổi giầy ra và có cảm giác tự nhiên như nhà của mình, sau đó đi rửa chân và nghỉ ngơi. Áp-ra-ham làm như vậy cho những người khách đến nhà của ông, để cho những người khách cảm thấy dễ chịu, vui vẻ trong sự tiếp đãi.

 

Sáng thế ký 18:5-8, “Tôi sẽ đi đem một miếng bánh cho các đấng ăn vững lòng, rồi sẽ dời gót lên đường; vì cớ ấy, nên mới quá bộ lại nhà kẻ tôi tớ các đấng vậy. Các đấng phán rằng: Hãy cứ việc làm như ngươi đã nói. Đoạn, Áp-ra-ham lật đật vào trại đến cùng Sa-ra mà rằng: Hãy mau mau lấy ba đấu bột lọc nhồi đi, rồi làm bánh nhỏ. Áp-ra-ham bèn chạy lại bầy, bắt một con bò con ngon, giao cho đầy tớ mau mau nấu dọn; rồi lấy mỡ-sữa và sữa cùng con bò con đã nấu xong, dọn ngay trước mặt các đấng; còn người thì đứng hầu trước mặt, dưới cội cây. Vậy các đấng đó bèn ăn.”

 

Đây là cách tiếp đãi hết sức là nồng hậu. Áp-ra-ham chuẩn bị buổi ăn thịnh soạn. Ông bắt bò con và bảo đầy tớ nấu những món ngon, tiếp đãi ba thượng khách này. Nhưng Áp-ra-ham nói, xin các vị khách nán lại dùng một miếng bánh thôi, Áp-ra-ham nói cách nhiệt thành khiêm tốn. Cũng giống như người Việt của chúng ta, mời khách nán lại nhà để ăn một chén cơm, nhưng hàm ý dùng một bữa ăn đầy đủ.

 

Chúng ta thấy ba người khách này là những người cao trọng, và Áp-ra-ham cũng không biết rõ họ là ai. Trong Hê-bơ-rơ 13:2 viết như vầy: “Chớ quên sự tiếp khách; có khi kẻ làm điều đó, đã tiếp đãi thiên sứ mà không biết.”

 

Đức Chúa Trời tiếp xúc với con người qua thiên sứ của Ngài, một cách gần gũi thân mật, đến nỗi Áp-ra-ham có cảm giác là tiếp người khách.

 

Sáng thế ký 18:9, “Các đấng hỏi Áp-ra-ham rằng: Sa-ra, vợ ngươi, ở đâu? Đáp rằng: Kìa, nàng ở trong trại kia.”

 

Thật là không phải lẽ trong thời xưa và ngay cả trong thời nay, cho một người vợ ra tiếp khách, lại nữa là ba người khách này là đàn ông. Có lẽ trong thời ấy phép lịch sự Đông phương đã cấm mọi người, trừ ra bạn thân hỏi han về vợ của người khác. Khi các vị khách nầy hỏi về Sa-ra vợ của Áp-ra-ham, họ bày tỏ uy quyền của mình. Vả lại các vị ấy ghé thăm có liên quan chặt chẽ một việc rất lạ lùng sắp xảy ra cho Sa-ra. Vậy đức tin của bà cũng cần được nâng lên mới thích hợp xứng đáng với từng trải đó. Áp-ra-ham chắc cảm nhận được uy quyền của các vị khách, khi họ nói chuyện với ông.  

 

Sáng thế ký 18:10, “Một đấng nói rằng: Trong độ một năm nữa, ta sẽ trở lại đây với ngươi không sai, và chừng đó, Sa-ra, vợ ngươi, sẽ có một con trai. Sa-ra ở nơi cửa trại sau lưng đấng đó, nghe các lời nầy.”

 

Có thể rằng Sa-ra để lỗ tai mình vào kẹt cửa lắng nghe. Bây giờ cả Áp-ra-ham và Sa-ra khám phá rằng, họ đang tiếp đón thiên sứ mà không biết.

 

Sáng thế ký 18:11-12, “Vả, Áp-ra-ham cùng Sa-ra đã già, tuổi tác đã cao; Sa-ra không còn chi nữa như thế thường người đờn bà. Sa-ra cười thầm mà rằng: Già như tôi thế nầy, dễ còn được điều vui đó sao? Còn chúa tôi cũng đã già rồi!”

 

Sa-ra có sự nghi vấn, già như bà thì làm sao còn sanh con được, cho nên bà cười. Bà cười về điều gì? Có lẽ bà cười vì đây là một điều tốt mà nó khó thành sự thật, vì hy vọng sanh sản của Sa-ra không còn gì nữa, không còn như thể bình thường nữa. Chúng ta có thễ cũng từng có những kinh nghiệm tương tự như vậy. Có những điều tốt, mà khi nó thành sự thật sẽ đem đến sự vui mừng, cho nên Sa-ra cười. Bà nghĩ là điều đó khó có thể xảy ra cho bà. 

 

Sáng thế ký 18:13-15, “Đức Giê-hô-va phán hỏi Áp-ra-ham rằng: Cớ sao Sa-ra cười như vậy mà rằng: Có quả thật rằng tôi già đến thế nầy lại còn sanh sản chăng? Há điều chi Đức Giê-hô-va làm không được chăng? Đến kỳ đã định, trong một năm nữa, ta sẽ trở lại cùng ngươi, và Sa-ra sẽ có một con trai. Vì Sa-ra sợ, nên chối mà thưa rằng: Tôi có cười đâu! Nhưng Ngài phán rằng: Thật ngươi có cười đó!”

 

Sa-ra kinh sợ trước câu hỏi của Chúa và tìm cách lảng tránh, nhưng bà không giấu được sự thật. Đức Chúa Trời xác nhận và nhắc ông bà Áp-ra-ham và Sa-ra, Ngài là Đấng toàn năng, không việc gì là khó quá cho Ngài. Chúng ta thường bị rơi vào suy nghĩ như vậy, tức là khi nghĩ mình không làm được, thì Chúa chắc cũng không làm được.

 

Đức Chúa Trời là Đấng biết mọi ý nghĩ và tư tưởng trong lòng người, cho nên khi đối diện với Chúa, chúng ta phải bày tỏ lòng thành thật của mình.

 

Một vị thiên sứ báo tin, trong hạn một năm nữa bà Sa-ra sẽ sanh một con trai, Ngài lặp lại lời hứa của Đức Chúa Trời cùng với ông bà Áp-ra-ham trước đây, là lời theo đúng kỳ sẽ được ứng nghiệm. Chắc chắn trong lúc này ông bà Áp-ra-ham nhận biết ba vị khách đến viếng nhà của mình là thiên sứ do nơi Đức Chúa Trời sai đến.

 

Sáng thế ký 18:16, “Các đấng đều đứng dậy mà đi, ngó về phía Sô-đôm. Áp-ra-ham cũng theo để tiễn bước các đấng.”

 

Có thể là nơi Áp-ra-ham ở không có cổng rào, nên ông cùng đi ra một đoạn đường để tiễn đưa ba vị khách. Khi họ đi ra khỏi chỗ Áp-ra-ham ở, họ nhìn về phía Sô-đôm và Gô-mô-rơ, lúc bấy giờ còn là nơi xanh tươi và đẹp đẽ.

 

ĐỨC CHÚA TRỜI CÔNG BỐ SỰ HỦY DIỆT CỦA SÔ-ĐÔM VÀ GÔ-MÔ-RƠ

 

Sáng thế ký 18:17-18, “Đức Giê-hô-va phán rằng: Lẽ nào ta giấu Áp-ra-ham điều chi ta sẽ làm sao? vì Áp-ra-ham chắc sẽ được trở nên một dân lớn và cường thạnh; các dân tộc trên thế gian đều sẽ nhờ người mà được phước.”

 

Từ điểm này Chúa không giấu với Áp-ra-ham, những gì mà Ngài sẽ làm cho Sô-đôm và Gô-mô-rơ, đó là Ngài sẽ tiêu diệt hai thành này.

 

Hãy chú ý đến lý do tại sao Đức Chúa Trời không giấu với Áp-ra-ham, vì ông là một người có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều dân tộc và bao gồm những thế hệ tiếp theo sau. Điều này vẫn còn ứng nghiệm trong ngày hôm nay, như việc chúng ta cùng nhau tìm hiểu về đời sống của Áp-ra-ham qua các đoạn Kinh Thánh này.

 

Sáng thế ký 18:19-21, “Ta đã chọn người đặng người khiến dạy các con cùng nội nhà người giữ theo đạo Đức Giê-hô-va, làm các điều công bình và ngay thẳng; thế thì, Đức Giê-hô-va sẽ làm cho ứng nghiệm lời Ngài đã hứa cùng Áp-ra-ham. Đức Giê-hô-va phán rằng: Tiếng kêu oan về Sô-đôm và Gô-mô-rơ thật là quá, tội lỗi các thành đó thật là trọng. Ta muốn ngự xuống, để xem xét chúng nó ăn ở có thật như tiếng đã kêu thấu đến ta chăng; nếu chẳng thật, thì ta sẽ biết.”

 

Nói cách khác, Đức Chúa Trời nói cùng Áp-ra-ham rằng, Ngài biết hiện trạng đang xảy ra tại đó, và Chúa ngự xuống để xem xét. Đức Chúa Trời không bao giờ làm việc trong hối hả. Đó là điều tốt khi Chúa nói cho Áp-ra-ham biết là Ngài sẽ hủy diệt hai thành phố này, nếu không thì Áp-ra-ham có thể hiểu sai về Chúa. Ông có thể nghĩ là Đức Chúa Trời là Đấng độc tài và hay trả thù, và không có lòng nhơn từ, không thương xót con dân của Ngài. Áp-ra-ham đã có những ý nghĩ sai về Đức Chúa Trời, vì thế Chúa cho ông biết những gì Ngài sẽ làm. Bây giờ là lúc mà Áp-ra-ham phải thay đổi suy nghĩ của ông. Thật là điều tốt, khi ông có những ý sai về Chúa đối với thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, vì Áp-ra-ham đã nghĩ về Chúa nhiều lần trước, và Đức Chúa Trời giúp ông hiểu cho đúng.

 

Đây là một trong những lý do, Đức Chúa Trời nói chuyện với chúng ta nhiều lần Ngài là ai. Có nhiều việc Chúa không nói hết với chúng ta, nhưng Ngài nói với chúng ta vừa đủ, để kéo chúng ta khỏi những ý nghĩ sai lệch về Đức Chúa Trời.

 

Sáng thế ký 18:22, “Vậy, các đấng bèn từ đó đi qua hướng Sô-đôm; nhưng Áp-ra-ham hãy còn đứng chầu trước mặt Đức Giê-hô-va.”

 

Giờ đây Áp-ra-ham đứng chờ trước mặt Chúa. Có thể là từ lúc này Áp-ra-ham hướng về Sô-đôm và Gô-mô-rơ để cầu thay cho họ. Ông cầu thay cho ngay khi họ chưa nhờ ông cầu thay.

 

ÁP-RA-HAM ĐẾN VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI ĐỂ CẦU THAY

 

Sáng thế ký 18:23, “Áp-ra-ham lại gần và thưa rằng: Chúa sẽ diệt người công bình luôn với người độc ác sao?”

 

Áp-ra-ham lại gần, diễn tả hành động chuẩn bị cầu nguyện, vì thậm chí ông không được phép đến gần Đức Chúa Trời, nhưng ông là người dạn dĩ đến gần Chúa để cầu thay.

 

Điều gì đến với tâm trí Áp-ra-ham trước nhất? Dĩ nhiên là Lót. Ông đã cứu thoát Lót một lần trước đây, bây giờ Lót đang ở trong nơi nguy hiểm nữa. Áp-ra-ham hỏi Đức Chúa Trời vì ông nghĩ rằng vẫn còn có người công bình ở Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Ông tin Đức Chúa Trời sẽ không hủy diệt người công bình luôn với người độc ác. Bối cảnh mà chúng ta có tại đây là gì?

 

Sáng thế ký 18:24, “Ngộ trong thành có năm mươi người công bình, Chúa cũng sẽ diệt họ hết sao? Há chẳng tha thứ cho thành đó vì cớ năm mươi người công bình ở trong sao?”

 

Áp-ra-ham khởi sự với số 50 người. Ông nói với Chúa rằng: “Ngộ trong thành có năm mươi người công bình, Chúa cũng sẽ diệt họ hết sao?” Ai là người công bình trong trường hợp này? Chúng ta phải nói là những ai đã tích cực sử dụng chân lý mà họ có, và để chân lý đó hành động trong lòng mình, phục tùng nó bởi chính ảnh hưởng của nó, chớ không phải nhờ năng lực riêng của mình. Họ cư xử công bình, lương thiện tùy theo mức độ chân lý mà mình đứng trên đó. Khi Áp-ra-ham mở đầu hỏi Đức Chúa Trời rằng: Chúa diệt người công bình luôn với người gian ác sao? Cho thấy lời cầu nguyện của ông giống như một cuộc vật lộn với Đức Chúa Trời. Ngày nay người nào đã được ơn thương xót, thì cũng tìm cách cho kẻ khác cùng được thương xót.   

 
Sáng thế ký 18:25, “Không lẽ nào Chúa làm điều như vậy, diệt người công bình luôn với kẻ độc ác; đến đỗi kể người công bình cũng như người độc ác. Không, Chúa chẳng làm điều như vậy bao giờ! Đấng đoán xét toàn thế gian, há lại không làm sự công bình sao?”

 

Đó là câu hỏi của nhiều người vẫn còn hỏi: Đấng phán xét thế gian có làm đúng không? Có câu trả lời cho câu hỏi này. Phần còn lại của Kinh Thánh làm chứng sự thật rằng Đấng đoán xét toàn thế gian luôn luôn làm điều đúng. Những gì Đức Chúa Trời làm đều đúng. Nếu chúng ta không nghĩ Chúa làm đúng, thì vấn đề không phải là với Chúa, mà vấn đề là chính chúng ta và suy nghĩ của chúng ta, vì chúng ta không biết hết tất cả mọi chi tiết. Chúng ta biết Đấng phán xét thế gian làm đúng. Chúng ta thì sai.

 

Sáng thế ký 18:26-28, “Đức Giê-hô-va phán rằng: Nếu ta tìm được trong Sô-đôm năm mươi người công bình, vì tình thương bấy nhiêu người đó ta sẽ tha hết cả thành. Áp-ra-ham lại thưa rằng: mặc dầu tôi đây vốn là tro bụi, song tôi cũng dám cả gan thưa lại cùng Chúa. Hãy trong năm mươi người công bình rủi thiếu hết năm; vì cớ năm người thiếu Chúa sẽ diệt hết cả thành chăng? Ngài trả lời rằng: Nếu ta tìm được có bốn mươi lăm người, ta chẳng diệt thành đâu.”

 

Nói cách khác, Áp-ra-ham hỏi là: Nếu chỉ tìm được có 45 người trong thành thì Đức Chúa Trời có hủy diệt thành không? Và Đức Chúa Trời trả lời là nếu có 45 người thì Đức Chúa Trời sẽ không hủy diệt thành. Điều này làm cho Áp-ra-ham mạnh mẽ hơn. Ông hỏi Chúa thêm, nếu trong thành có 40 người công bình thì Chúa có hủy diệt thành không? Và sau đó Áp-ra-ham sụt số lượng xuống còn 30 người. Đức Chúa Trời nói là nếu có 30 người thì Ngài sẽ không hủy diệt thành. Áp-ra-ham lại hỏi, giả sử chỉ có 20 người thì Chúa có thương xót mà không hủy diệt thành. Đức Chúa Trời nói, nếu có 20 người công bình thì Chúa sẽ không hủy diệt thành. Sau cùng Áp-ra-ham hỏi thêm, giả sử chỉ có 10 người thì Đức Chúa Trời có hủy diệt thành không? Và Đức Chúa Trời trả lời, nếu có 10 người công bình thì Chúa sẽ không hủy diệt thành.

 

Trước con mắt ngạc nhiên của chúng ta, phô bày những chi tiết về lời cầu xin, không có ví sánh với bất kỳ lời cầu xin nào trong lịch sử, vì chưa hề có ai cầu nguyện như Áp-ra-ham. Áp-ra-ham nhận mình không xứng đáng, nên ông cầu xin một cách thận trọng. Nhưng với sự khôn ngoan và nhờ đức tin, ông nhận biết rằng nếu xin qua mức cầu khẩn cuối cùng thì chẳng còn cầu khẩn theo ý chỉ Đức Chúa Trời nữa, vì chỉ là hẹp hòi khi cầu nguyện cho những người thân của mình mà thôi.

 

Sáng thế ký 18:33, “Khi Đức Giê-hô-va phán xong cùng Áp-ra-ham, thì Ngài ngự đi; còn Áp-ra-ham trở về trại mình.”

 

Giờ đây câu hỏi được nêu lên: Tại sao Áp-ra-ham không cầu xin xuống dưới số 10 người? Câu trả lời có thể là do Áp-ra-ham lo sợ Lót là người bị hư mất, và điều này làm cho sự cầu xin của Áp-ra-ham bị ngưng lại. Ông ta không cầu xin với số người sụt xuống nữa. Nhưng nếu ông có thể xuống đến số một người, và ông đến xin với Đức Chúa Trời là nếu chỉ có một người công bình trong thành, Lạy Chúa Ngài có hủy diệt thành Sô-đôm không? Chúng ta thử Ngài sẽ nói gì? Nếu có một người công bình trong thành phố đó, Chúa sẽ đem người ấy ra khỏi thành, bởi vì Chúa sẽ không hủy diệt người công bình với thành phố. Đó là những gì đã xảy ra. Có một người công bình ở trong thành. Chúa biết người đó là ai, đó là ông Lót. Đức Chúa Trời đem Lót ra khỏi thành Sô-đôm trước khi Ngài hủy diệt thành.

 

Chúng ta biết rằng cơn đại nạn mà lời tiên tri trong sách Khải huyền đã chép, sẽ không đến với thế gian này khi nào Hội thánh còn ở trong thế gian này. Cơn đại nạn là một phần đoán phạt sẽ đến. Đây là lý do hội thánh không đi qua đại Nạn. Đây là bức tranh vinh hiển của lẽ thật.

 

Chúng ta thấy bức tranh của Sô-đôm và Gô-mô-rơ là hình ảnh của thế gian hiện nay. Điều đó không có nghĩa là Chúa Giê-xu sẽ tái lâm ngày mai. Không ai biết là khi nào Chúa Giê-xu sẽ trở lại. Nhưng chắc chắn là Chúa Giê-xu sẽ trở lại. Vì thế gian hiện nay đang suy đồi giống như hình ảnh Sô-đôm và Gô-mô-rơ trong sách Sáng thế ký.          

 

Chúng ta đang sống trong thế gian với bao nhiêu người tội lỗi, và chính mình cũng làm những điều tội lỗi như bao nhiêu người khác, nhưng tin chắc rằng không ai trong chúng ta muốn bị sự đoán phạt của Đức Chúa Trời như họ, hãy ăn năn tội lỗi của mình và quay về với Chúa Giê-xu để được tha thứ, cứu chuộc.

 

 

 

Bài trướcBài 26: Những Nguyên Tắc Của Sự Giải Cứu (tt)
Bài tiếp theoGiới Thiệu Sách Biếu Tặng Cho Các Em Thiếu Nhi Trong Mùa Giáng Sinh 2012