Bài 21: Áp-Ra-Ham Và Lót Phân Rẽ Nhau

4825

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới


 

Sáng thế ký 13:1-18

 

Trong bài trước chúng ta đã tìm hiểu trong Sáng thế ký đoạn 12, bắt đầu đời sống của Áp-ram. Trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu đến đoạn 13 của sách Sáng thế ký. Trong đoạn này ký thuật việc Áp-ram rời khỏi Ai Cập và trở về đất hứa Ca-na-an. Điều gì xảy ra khi Áp-ram trở về? Chúng ta cùng theo dõi tiếp.

 

Sáng thế ký 13:1-4, “Áp-ram ở Ê-díp-tô dẫn vợ cùng các tài vật mình và Lót đồng trở lên Nam phương. Vả, Áp-ram rất giàu có súc vật, vàng và bạc. người vừa đi vừa đóng trại, từ Nam phương trở về Bê-tên và A-hi, là nơi đã lập một bàn thờ lúc trước. Ở đó Áp-ram cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va.

 

Khi Áp-ram trở về Ca-na-an, ông rất giàu có. Ông đi lên phía bắc Giê-ru-sa-lem, phía nam và các khu vực xung quanh.

 

Dẫu rằng Áp-ram có sự yếu đuối về đức tin khi ông đi xuống Ai Cập, nhưng sau đó ông trở về đất hứa và trở về cùng Đức Chúa Trời. Tại đó Áp-ram lập một bàn thờ cho Chúa, đó là cách mà ông quay về cùng Ngài. Ông muốn bày tỏ lòng ăn năn đã vấp ngã, đi xa chân lý, cũng như biết ơn Đức Chúa Trời đã che chở bảo vệ vợ chồng ông, mặc dầu ông không xứng đáng như vậy. Đồng thời hành động lập bàn thờ công khai tuyên bố Đức Chúa Trời là Đấng thành tín chân thật. Mỗi khi có ai xa cách Chúa, hay đi trong đường lầm lạc mà biết ăn năn quay trở lại, Chúa sẽ tiếp nhận. Chúa không bao giờ lấy nét mặt giận mà nhìn người ăn năn quay trở lại.          

 

Sáng thế ký 13:5-7, “Vả, Lót cùng đi với Áp-ram, cũng có chiên, bò, và trại. Xứ đó không đủ chỗ cho hai người ở chung, vì tài vật rất nhiều cho đến đỗi không ở chung nhau được. Trong khi dân Ca-na-an và dân Phê-rê-sít ở trong xứ, xảy có chuyện tranh giành của bọn chăn chiên Áp-ram cùng bọn chăn chiên Lót.”

 

Lời của Chúa rất kỳ diệu, nếu chúng ta để lời ấy nói với mình. Hãy để ý đến hai điều mà Áp-ram được khi ông trở về từ xứ Ai Cập, nó gây cho Áp-ram đau khổ vô cùng. Thứ nhất, Áp-ram có nhiều tài sản, thứ hai là Áp-ram có con đòi, hay người đầy tớ gái Ai Cập tên là A-ga. Chúng ta sẽ đề cập đến A-ga trong các đoạn sau. Nhưng trong đoạn này, cho thấy khi Áp-ram trở nên giàu có, gây nên sự tranh chấp của cải và cuối cùng Áp-ram và Lót là hai bác cháu phải tách biệt ra.

 

Dân Ca-na-an và dân Phê-rê-sít ở trong xứ, những người chăn chiên của Áp-ram và của Lót tranh giành nhau, và hai người cũng bất đồng với nhau nữa. Rất có thể là người Ca-na-an đã nói với người Phê-rê-sít: “Hãy nhìn xem họ đang tranh giành với nhau, khi họ mới tới đất này họ xây dựng bàn thờ để thờ phượng Đức Chúa Trời hằng sống, nay hãy nhìn xem Áp-ram! Khi ông mới đến đây, chúng ta nghĩ rằng ông là người trọn vẹn. Chúng ta biết Áp-ram là người thành thật và đáng tin cậy, nhưng bây giờ hãy nhìn xem ông thế nào? Họ đang tranh giành cùng nhau.” Do đó người Ca-na-an và Phê-rê-sít không còn cảm tình tốt với Áp-ram và Lót nữa.

 

Hãy suy nghĩ về hoàn cảnh nơi chúng ta đang sanh sống và thờ phượng Đức Chúa Trời. Dẫu hoàn cảnh như thế nào, nhưng nếu chúng ta không có mối quan hệ tốt đẹp với anh em mình và những người xung quanh, hay có sự tranh cạnh và xung đột trong Hội thánh. Những người chưa tin Chúa xung quanh chúng ta sẽ thấy ngay, điều ấy làm cho người chưa tin không muốn gia nhập vào Hội thánh của Chúa.

 

Chúa Giê-xu nói cùng các môn đồ khi xưa và cho mỗi chúng ta hôm nay: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta” (Giăng 13:35). Khi chúng ta là môn đồ của Chúa, phải thể hiện tình yêu thương trong cuộc sống của mình.     

 

Một thanh niên kể lại, anh có người dượng, và ông ta không bao giờ trở lại với Chúa. Dì của anh than thở và nói: “Dượng không chịu lắng nghe.” Thời gian sau anh để ý và tìm hiểu, biết được lý do tại sao. Thỉnh thoảng anh đến nhà dì của mình ăn cơm vào Chúa nhật sau khi đi nhà thờ về. Trong bữa ăn hai dì của anh luôn kể cho nhau nghe những chuyện xung đột trong Hội thánh, anh thấy dượng của anh lắng nghe, nhưng không nói tiếng nào. Đến chiều dượng anh đi xuống quán rượu chơi và uống với bạn bè. Dượng anh không tin Chúa hay đi nhà thờ, bởi vì Hội thánh của dì anh thường hay nói xấu lẫn nhau.                                                                 

 

Sáng thế ký 13:8-9, “Áp-ram nói cùng Lót rằng: Chúng ta là cốt nhục, xin ngươi cùng ta chẳng nên cãi lẫy nhau và bọn chăn chiên ta cùng bọn chăn chiên ngươi cũng đừng tranh giành nhau nữa. Toàn xứ há chẳng ở trước mặt ngươi sao? Vậy, hãy lìa khỏi ta; nếu ngươi lấy bên hữu, ta sẽ qua bên tả.”

 

Áp-ram biểu lộ đức tin của mình trong cách đối xử việc tranh chấp về đồng cỏ với Lót. Ông đến xứ này theo mạng lịnh và sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, Ngài ban xứ này cho dòng dõi Áp-ram. Nhưng ông chấp nhận sự thiệt thòi với tinh thần không ích kỷ, bởi đức tin vào Đức Chúa Trời, là Đấng thành tín. Ông hành động trước khi mối hòa hảo giữa ông và Lót bị gãy đổ. 

 

Áp-ram giải quyết vấn đề tranh giành, ông chủ động và lên tiếng trước, vì nghĩ đến tình cốt nhục bà con với nhau, ông muốn có sự hòa thuận hơn là quyền lợi riêng, ông để cho Lót cháu mình chọn phần tốt nhất mà Lót muốn, Áp-ram chọn phần còn lại, ông chịu thua thiệt, rồi sau đó hai bác cháu tách ra. Áp-ram là người rộng rãi và cao thượng trong sự đối xử với cháu mình.

 

Các Cơ Đốc nhân trong Hội thánh của Đức Chúa Trời ngày nay hãy tránh sự tranh chấp, xung đột cùng nhau vì hết thảy chúng ta đều thờ phượng một Cha trên trời, chúng ta được sự cứu chuộc chung trong huyết báu cứu rỗi của Chúa Giê-xu, chúng ta cùng được tái sanh và sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, chúng ta là anh em thuộc linh trong Chúa.

 

LÓT ĐI ĐẾN SÔ-ĐÔM

 

Sáng thế ký 13:10-12, “Lót bèn ngước mắt lên, thấy khắp cánh đồng bằng bên sông Giô-đanh, là nơi (trước khi Đức Giê-hô-va chưa phá hủy thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ) thảy đều có nước chảy tưới khắp đến Xoa; đồng đó cũng như vườn của Đức Giê-hô-va và như xứ Ê-díp-tô vậy. Lót bèn chọn lấy cho mình hết cánh đồng bằng bên sông Giô-đanh và đi qua phía Đông. Vậy, hai người chia rẽ nhau. Áp-ram ở trong xứ Ca-na-an, còn Lót ở trong thành của đồng bằng và dời trại mình đến Sô-đôm.”

 

Sô-đôm trong thời điểm Lót lựa chọn rất tốt đẹp. Ông nghĩ đây là sự lựa chọn khôn ngoan, chọn theo những gì mắt thấy. Rất có thể là trong thời gian dựng lều trại ở Ca-na-an, Lót thỉnh thoảng có đi qua khu vực Sô-đôm khi thấy đồng cỏ tại đó xanh tươi, rất là hấp dẫn. Ông có lòng mong muốn sẽ đến đó một ngày nào đó. Lòng của Lót đang hướng về Sô-đôm.

 

Qua việc lựa chọn của Lót thể hiện bản tánh của ông: đó là người tham lam và ích kỷ. Ông lựa chọn bằng mắt thấy. Khi nói, Lót nhìn bốn phía với con mắt hăng say thèm muốn. Lót lợi dụng ngay tánh rộng lượng của Áp-ram, bác mình. Lót đã chọn phần tốt hơn, đó không phải là hành động cao đẹp. Với cách lựa chọn như Lót dễ dẫn đến thất bại về sau.

 

Chúng ta biết rằng không phải trong phút chốc mà con người đi đến chỗ sa ngã, hay thất bại. Nó có thời gian nẩy nở. Thường là nó phát xuất từ lòng ham muốn vật chất giàu có, cộng với mắt chăm xem những gì đẹp, dễ bị lôi cuốn. Và cho đến khi một ngày cơ hội đến thì thực hiện ngay.

 

Lót hướng về Sô-đôm là một nhầm lẫn lớn của đời ông, bởi vì Lót không biết những gì đang xảy ra tại đó. Có thể Lót xây qua miền này vì tình trạng phẳng lặng về đời sống sùng kính của Áp-ram không đủ hấp dẫn ông. Lót thèm muốn những cuộc vui chơi và sôi động của đời sống thành thị.

 

Khi Môi-se nhắc cho chúng ta biết rằng miền này đẹp đẽ trước khi Giê-hô-va phá hủy thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, ông ngụ ý rằng vào thời của Môi se xứ này đã biến đổi cách thê thảm.  

 

Sáng thế ký 13:13, “Vả, dân Sô-đôm là độc ác và kẻ phạm tội trọng cùng Đức Giê-hô-va.”

 

Lót đến một nơi có đồng cỏ trù phú, nhưng dân chúng tại đó toàn là những người độc ác và phạm tội trọng cùng Đức Chúa Trời. Trước đây Lót hướng về thành Sô-đôm, nay ông ở trong thành đó, ông giao tiếp với thành Sô-đôm nổi tiếng độc ác. Nếu tâm tính đạo đức của dân chúng thành này xấu xa như vậy thì người tin kính Chúa đáng lẽ phải tránh giao du với chúng. Nhưng Lót lại chung đụng với dân thành Sô-đôm độc ác. 

 

Đừng bao giờ đùa giỡn với sự cám dỗ khi lựa chọn ở gần chúng. Chúng ta sẽ thấy những gì sẽ xảy đến cho Lót và gia đình trong đoạn Kinh Thánh kế tiếp.

 

Trong sách Thi thiên 1:1 nhắc nhở chúng ta: “Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, Chẳng đứng trong đường tội nhơn, Không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng.”

 

   Nếu thấy mình khó thắng sự cám dỗ của tội lỗi, thì tốt nhất là nên tránh xa nó trước. Phao-lô nhắc nhở:“Bất cứ việc gì tựa như điều ác, thì phải tránh đi” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:22) 

 

ĐỨC CHÚA TRỜI HIỆN RA CÙNG ÁP-RAM VÀ TÁI LẬP LỜI HỨA

 

Sáng thế ký 13:14, “Sau khi Lót lìa khỏi Áp-ram rồi, Đức Giê-hô-va phán cùng Áp-ram rằng: Hãy nhướng mắt lên, nhìn từ chỗ ngươi cho đến phương bắc, phương nam, phương đông và phương tây.”

 

Chúa nói chuyện với Áp-ram ngay sau khi Lót rời khỏi. Đây là lần thứ ba Đức Chúa Trời hiện ra cùng Áp-ram. Đức Giê-hô-va phán cùng Áp-ram rằng: Hãy nhướng mắt lên, nhìn từ chỗ ngươi cho đến phương bắc, phương nam, phương đông và phương tây. Đây là đất mà Đức Chúa Trời hứa ban cho Áp-ram. Đức Chúa Trời tiếp tục hiện ra cho các tổ phụ sau đó, Ngài tái xác quyết cùng họ rằng, đây là đất mà Chúa thề hứa ban cho Áp-ra-ham và con cháu của ông. Ngài định biên giới của đất hứa cách cụ thể.

 

Chúng ta có thể tưởng tượng được cảm giác của Áp-ram thế nào, khi ông nhìn khu vực đất đai mà Chúa chỉ cho ông không? Đó là một vùng đất tốt đẹp. Nên nhớ là Chúa bảo Áp-ram nhìn đất mà Ngài hứa ban cho, với đức tin vào Đức Chúa Trời, chớ không phải do Áp-ram ham muốn hay tranh giành đất đó. Đất Chúa ban cho nhiều hơn bội phần. Điều gì được Chúa ban cho thì còn lại lâu dài và kết quả tốt đẹp. Đất hứa không chỉ cho chính riêng Áp-ram, mà còn cho luôn con cháu muôn đời về sau của ông.

 

Đất hứa mà Chúa hứa ban sẽ là nơi tốt đẹp không nơi nào đẹp bằng. Chúng ta cũng có một nơi tốt đẹp mà Chúa Giê-xu hứa ban cho những người tin Ngài. Đây là lời hứa của Chúa Giê-xu trước khi lìa môn đệ của Ngài: “Lòng các ngươi chớ hề bối rối; hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin ta nữa. Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở; bằng chẳng vậy, ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó.” (Giăng 14:1-3)

 

Con đường để đi đến đất hứa, hay thiên đàng là qua Chúa Giê-xu, Ngài nói tiếp: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.” (Giăng 14:6)

 

Chỗ sắm sẵn mà những người tin Chúa sẽ đến nhận, ấy là thiên đàng hay còn được gọi là Giê-ru-sa-lem mới được sách Khải huyền diễn tả như sau: “Đoạn, tôi thấy trời mới và đất mới; vì trời thứ nhứt và đất thứ nhứt đã biến đi mất, và biển cũng không còn nữa.Tôi cũng thấy thành thánh, là Giê-ru-sa-lem mới, từ trên trời, ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống, sửa soạn sẵn như một người vợ mới cưới trang sức cho chồng mình.Tôi nghe một tiếng lớn từ nơi ngai mà đến, nói rằng: nầy, đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người! Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng. Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhứt đã qua rồi. Đấng ngự trên tôi phán rằng: Nầy, ta làm mới lại hết thảy muôn vật. Đoạn, lại rằng: Hãy chép; vì những lời nầy đều trung tín và chơn thật. Ngài lại phán cùng tôi rằng: Xong rồi! Ta là An-pha và Ô-mê-ga, nghĩa là đầu tiên và cuối cùng. Kẻ nào khát, ta sẽ lấy nước suối sự sống mà ban cho nhưng không. Kẻ nào thắng sẽ được những sự ấy làm cơ nghiệp, ta sẽ làm Đức Chúa Trời người và người sẽ làm con ta. Còn những kẻ hèn nhát, kẻ chẳng tin, kẻ đáng gớm ghét, kẻ giết người, kẻ dâm loạn, kẻ phù phép, kẻ thờ thần tượng, và phàm kẻ nào nói dối, phần của chúng nó ở trong hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng: đó là sự chết thứ hai. (Khải huyền 21:1-8)

 

Chắc chắn ai trong chúng ta cũng đều thích nơi phước hạnh này, hãy đến cùng Chúa Giê-xu để nhận được nơi này.

 

Đức Chúa Trời lại tái xác nhận lời hứa của Ngài cho Áp-ram, Sáng thế ký 13:16, “Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi như bụi trên đất; thế thì, nếu kẻ nào đếm bụi trên đất, thì cũng đếm đặng dòng dõi ngươi vậy.”

 

Thật đây là một thách thức đức tin cho cặp vợ chồng già như ông bà Áp-ram và Sa-rai trong khi họ chưa có một đứa con nào. Nhưng đây là một lời hứa phước hạnh, đây là lần thứ ba Ngài hứa cùng ông, và mỗi lần Chúa phán hứa cùng ông đánh dấu một bước tiến rõ rệt so với lời phán hứa trước.

 

Chúa ban cho dòng dõi của Áp-ram đông vô số kể không đếm được. Chỉ từ một cặp vợ chồng và sau đó sanh ra muôn vàn con cháu, và trở thành một quốc gia.

 

Sáng thế ký 13:17, “Hãy đứng dậy đi khắp trong xứ, bề dài và bề ngang; vì ta sẽ ban cho ngươi xứ nầy.”

 

Từ lúc ban đầu Áp-ram đặt lòng tin nơi Đức Chúa Trời và theo sự kêu gọi của Ngài, giờ đây Chúa chỉ cho ông thấy đất hứa. Áp-ram bày tỏ đức tin của mình đứng dậy và đi xem. Thật ra ông không có đi xem khắp xứ theo như ranh giới mà Chúa chỉ cho ông, nhưng ông có đứng dậy tiếp nhận lấy xứ mà Đức Chúa Trời tuyên bố ban cho ông.

 

Lưu ý, Áp-ram có đức tin trước rồi mới thấy việc xảy ra sau đó, theo như điều mình đặt đức tin vào Ngài. Nhưng ngày nay có nhiều người muốn thấy trước, rồi mới tin vào Chúa, đó là điều trái nghịch, chúng ta không thể làm như vậy được. Trong sách Hê-bơ-rơ 11:1 chép về đức tin như sau: “Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.”

 

Câu chót của Sáng thế ký 13:18 chép như sau: “Đoạn Áp-ram dời trại mình đến ở nơi lùm cây dẻ bộp tại Mam-rê, thuộc về Hếp-rôn, và lập tại đó một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va.”

 

Dường như trong trường hợp này, Áp-ram hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Chúa Trời “đi khắp trong xứ,” ông tiếp tục dời trại mình. Cho đến một thời gian quan sát xong đất hứa, ông định cư ở Hếp-rôn. Hếp-rôn giống một chỗ để ký giao ước. Ngày nay người ta vẫn còn xác định vị trí của thành này.

 

Áp-ram là người rất thường xuyên xây dựng bàn thờ, thờ phượng Chúa. Những nơi nào Áp-ram trải qua, ông đều để lại một lời làm chứng, đó là một bàn thờ cho Chúa. Con người thường hay để lại dấu chân của mình, hay những kỷ vật của mình hầu lưu danh riêng cho hậu thế. Nhưng Áp-ram để lại lời chứng tại những nơi mà Đức Chúa Trời đã hiện ra và ban phước cho ông. Đây là việc làm và gương tốt cho chúng ta cần noi theo. Ý nghĩa của chữ ‘Mam-rê’ là giàu có, ý nghĩa của chữ ‘Hếp-rôn’ là thông công. Đó là một nơi rất tốt đẹp để sinh sống. Ngày nay chúng ta có thể xác định vị trí của những nơi này, nhiều người có dịp tham quan xứ Do Thái thấy đó là vị trí rất tốt, một nơi giàu có, một nơi thông công với Đức Chúa Trời. Nơi ở vĩnh viễn này được nên thánh bởi một bàn thờ dâng tế lễ cho Đức Giê-hô-va, bàn thờ như là một phương tiện để thờ phượng Ngài và làm chứng cho mọi người. Áp-ram ở chung với người Ca-na-an, nhưng ông không thờ phượng thần tượng như họ. Khi Áp-ram qua đời cũng được chôn tại Hếp-rôn. 

 

Ngày nay trong hoàn cảnh của chúng ta là người tin nhận và thờ phượng Đức Chúa Trời, tại gia đình nơi chúng ta sống trở thành nơi thờ phượng, một điểm nhóm lại, và nơi nào có một số gia đình Cơ Đốc nhân thì nên hiệp nhau lại lập nhà nguyện, và tại những nơi hoàn cảnh thuận tiện, xin hãy cùng nhau thành lập nhà thờ để thờ phượng và làm chứng cho Chúa.  

 

Nếu đã có nhà thờ, xin tiếp tục xây dựng nơi thờ phượng và Hội thánh của mình. Còn nơi nào chưa có xin hãy tiếp tục cầu nguyện nhờ Chúa hướng dẫn mở đường để thực hiện trong tương lai. Nguyện xin Chúa ban phước cho mỗi chúng ta trong việc xây nơi nhóm hợp thờ phượng.

 

 

Bài trướcBài 21: Môi-Se Người Giải Phóng Dân Y-Sơ-Ra-Ên
Bài tiếp theoHội Đồng Bồi Linh Tỉnh Lâm Đồng.