Bài 19: Con Cháu Nô-ê Và Tháp Ba-Bên

4742

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Sáng thế ký 10-11

 

Chúng ta là người Việt Nam và nói tiếng Việt Nam, trong khi những quốc gia khác nói tiếng của họ như tiếng Hoa, tiếng Khmer, tiếng Thái, tiếng Anh v.v.. Tại sao con người lại nói nhiều thứ tiếng khác nhau? Trong sách Sáng thế ký đoạn 10 và 11 cho chúng ta biết lý do tại sao.

 

          Trong đoạn 10 nói về gia phổ hay những gia đình, và những gia đình đầu tiên này trở thành những quốc gia của thế giới. Nếu muốn nghiên cứu về nhân chủng học và câu chuyện của nhân loại trên đất, phân đoạn này sẽ giúp chúng ta đào sâu hơn. Trong đoạn 10 này nói nhân loại được phân chia làm ba nhóm, từ ba người con của Nô-ê đó là Sem, Cham và Gia-phết.    

 

          Sáng thế ký 10:1, “Đây là dòng dõi của Sem, Cham và Gia-phết, ba con trai của Nô-ê; sau khi lụt, họ sanh con cái.”

 

          Trước hết, chúng ta thấy dòng dõi của Gia-phết (câu 2-5). Sau đó dến dòng dõi của Cham (câu 6-20), đây là dòng dõi nổi bật từ lúc ban đầu. Cuối cùng dòng dõi của Sem (câu 21-32). Hãy chú ý là Đức Chúa Trời dùng cùng một mô thức này xuyên suốt Kinh Thánh, đó là Ngài nói đến dòng dõi bị khước từ trước, và sau đó bỏ hẳn, không nhắc đến nữa. Cuối cùng Ngài nói đến dòng dõi được chấp nhận và qua dòng dõi này dẫn đến Chúa Giê-xu Christ.

 

          CÁC CON CỦA GIA-PHẾT

 

          Sáng thế ký 10:2-5, “Con trai của Gia-phết là Gô-me, Ma-gốc, Ma-đai, Gia-van, Tu-banh, Mê-siếc, và Ti-ra. Con trai của Gô-me là Ach-kê-na, Ri-phát, và Tô-ga-ma. Con trai của Gia-van là Ê-li-sa và Ta-rê-si, Kít-sim và Đô-đa-nim. Do họ mà có người ta ở tràn ra các cù lao của các dân, tùy theo xứ, tiếng nói, chi phái và dân tộc của họ mà chia ra.”

  

          CÁC CON CỦA CHAM

 

          Sáng thế ký 10:6-7, “Con trai của Cham là Cúc, Mích-ra-im, Phút và Ca-na-an. Con trai của Cúc là Sê-ba, Ha-vi-la, Sáp-ta, Ra-ê-ma và Sáp-tê-ca; con trai của Ra-ê-ma là Sê-la và Đê-đan.”

 

          Như chúng ta thấy, Cham có nhiều người con, nhưng sự rủa sả chỉ đến trên Ca-na-an. Tại sao sự rủa sả đến trên Ca-na-an mà không đến trên những người con khác, chúng ta không biết rõ. Từ dòng dõi Ca-na-an sanh ra dòng dõi Phô-e-nic, Hi-tít, Giê-bu-sít, A-mô-rít, Gi-ga-sít, Hi-vít .v.v..

 

          Từ con của Cham là Cúc sanh ra các dân tộc Phi châu. Chúng ta xem thêm chi tiết về dòng dõi của Cúc.

 

          Sáng thế ký 10:8-9, “Cúc sanh Nim-rốt, ấy là người bắt đầu làm anh hùng trên mặt đất. Người là một tay thợ săn can đảm trước mặt Đức Giê-hô-va. Bởi cớ đó, có tục ngữ rằng: Hệt như Nim-rốt, một tay thợ săn can đảm trước mặt Đức Giê-hô-va!

 

          “Người bắt đầu làm anh hùng trên mặt đất.” Nim-rốt muốn trở thành người cai trị, muốn làm bá chủ.

 

          “Nim-rốt, một tay thợ săn can đảm trước mặt Đức Giê-hô-va!” Nim-rốt không chỉ là tay thợ săn thú rừng, nhưng là người thợ săn linh hồn con người.

 

          Sáng thế ký 10:10, “Nước người sơ-lập là Ba-bên, Ê-rết, A-cát và Ca-ne ở tại xứ Si-nê-a.”

 

          Nim-rốt là người sáng lập thành phố lớn trong xứ Si-nê-a, trong số này có thành phố Ba-bên. Ông đang có tham vọng kéo mọi người hiệp lại với nhau, sau cơn nước lụt thành một quốc gia, và ông trở thành người cai trị thế giới. Ông là người phản loạn, người thành lập thành Ba-bên, là người săn đuổi linh hồn con người. Ông ta là kẻ vô luật pháp, ông là hình bóng về người cai trị thế giới thời sau cùng, đó là kẻ chống lại Đấng Christ.

 

          Chúng ta nhìn nhận rằng có sự khai hóa lớn ra từ con cháu của Cham. Cho nên ngày nay, những người da đen muốn nghiên cứu thêm về dòng tộc của họ. Câu chuyện khởi đầu nguồn gốc của người da đen, đã dẫn đầu hai nền văn hóa lớn xuất hiện trên đất. Họ ra từ con cháu của Cham, mà Nim-rốt là một người con trai của Cham.

 

          Chúng ta sẽ không nói thêm về dòng dõi này. Vì dưới sự soi dẫn của Đức Thánh Linh, Kinh Thánh không đề cập nhiều đến dòng dõi bị chối bỏ.

 

          Bây giờ, Chúng ta chuyển sang dòng dõi dẫn đến Áp-ra-ham, và sau đó là dân tộc Y-sơ-ra-ên, hay dân Do Thái, cuối cùng đưa Đấng Christ vào thế gian. Đây là dòng dõi đi xuyên suốt Kinh Thánh Cựu ước.

 

          Có một phân đoạn trong sách Saphir chép rằng:

 

“Sáng thế ký đoạn 10 là đoạn đáng chú ý, bởi vì từ đây Đức Chúa Trời không đề cập đến những dân tộc khác, Chúa bắt đầu đề cập đến mối quan hệ với Y-sơ-ra-ên (dân Do Thái), tức là tuyển dân của Ngài từ Áp-ra-ham trở về sau. Chúa tạm biệt với các dân tộc này và nói rằng: ‘Ta tạm biệt ngươi một lúc, nhưng ta vẫn yêu các ngươi. Ta đã tạo dựng nên các ngươi, Ta sắp đặt tương lai cho các ngươi, và dòng dõi ngươi có sự khác biệt.”

 

          Trong Sáng thế ký đoạn 10 liệt kê 70 dân tộc. Mười bốn dân tộc đến từ dòng dõi Gia-phết. Ba mươi đến từ dòng dõi Cham. Và hai mươi sáu dân tộc đến từ dòng dõi Sem.

 

          CÁC CON CỦA SEM            

 

          Sáng thế ký 10:21-31, “Sem, tổ phụ của họ Hê-be và anh cả của Gia-phết, cũng có sanh con trai. Con trai của Sem là Ê-lam, A-sự-rơ, A-bác-sát, Lút và A-ram. Con trai của A-ram là U-xơ, Hu-lơ, Ghê-te và Mách. Còn A-bác-sát sanh Sê-lách; Sê-lách sanh Hê-be, Hê-be sanh được hai con trai; tên của một người là Bê-léc, vì đất trong đời người đó đã chia ra; trên của người em là Giốc-tan. Giốc-tan sanh A-mô-đát, Sê-lép, Ha-sa-ma-vết và Giê-rách, Ha-đô-ram, U-xa, Điếc-la, Ô-banh, A-bi-ma-ên, Sê-ba, Ô-phia, Ha-vi-la và Giô-báp. Hết thảy các người đó là con trai của Giốc-tan. Cõi đất của các người đó ở về phía Sê-pha, chạy từ Mê-sa cho đến núi Đông phương. Đó là con cháu của Sem, tùy theo họ hàng, tiếng nói, xứ và dân tộc của họ.”

 

          Chúng ta thấy từ lúc này thế gian bắt đầu có sự phân chia ra khu vực tùy theo dân tộc.

 

          Sáng thế ký 10:32, “Ấy là các họ hàng của ba con trai Nô-ê tùy theo đời và dân tộc của họ; lại cũng do nơi họ mà các dân chia ra trên mặt đất sau cơn nước lụt.”

 

          Đoạn 10 này là một trong những đoạn quan trọng của Kinh Thánh. Dẫu nó được viết ngắn, nhưng nó giúp cho chúng ta học biết rất nhiều, về sự mở đầu của những dân tộc từ những gia đình ban đầu này. Nhiều người dùng phân đoạn này để nghiên cứu về nhân loại học.

            

          XÂY DỰNG THÁP BA-BÊN

 

          Sáng thế ký 11:1, “Vả, cả thiên hạ đều có một giọng nói và một thứ tiếng.

 

          Chúng ta không biết rõ tiếng nói trong thời xây tháp Ba-bên là tiếng gì. Dầu ngôn ngữ được nói trong thời kỳ Ba-bên là gì đi nữa, nhưng có thể đó là ngôn ngữ sẽ được dùng trên thiên đàng, ngôn ngữ đó sẽ tốt hơn ngôn ngữ mà chúng ta nói hiện nay, với danh từ, động từ, tỉnh từ, trạng từ, lại có nhiều dấu, nhiều giọng khác nhau.

 

          Sáng thế ký 11:2, “Nhưng khi ở Đông phương dời đi, người ta gặp một đồng bằng trong xứ Si-nê-a, rồi ở tại đó.”

 

          Chúng ta lưu ý là con người từ hướng Đông dời đi. Nhân loại di chuyển đến phía Tây. Họ đến đồng bằng Si-nê-a thuộc về thung lũng Tigris-Euphrates.     

 

          Sáng thế ký 11:3, “Người nầy nói với người kia rằng: Hè! chúng ta hãy làm gạch và hầm trong lửa. Lúc đó, gạch thế cho đá, còn chai thế cho hồ.”

 

          Trong khu vực đó không có đá, vì thế họ xây dựng bằng gạch nung. Điều đó tỏ bày ý đồ trong việc xây dựng. Ngày nay gạch vẫn còn là vật liệu phổ thông để xây cất, bởi sự đặc biệt và cần thiết của nó.

 

          Sáng thế ký 11:4, “Lại nói rằng: Nào! chúng ta hãy xây một cái thành và dựng lên một cái tháp, chót cao đến tận trời; ta hãy lo làm cho rạng danh, e khi phải tản lạc khắp trên mặt đất.”

 

          Hãy chú ý điều họ nói “chúng ta hãy xây một cái thành… làm cho rạng danh, e khi phải lạc mất trên đất.” Họ có mục đích xấu, muốn làm nổi danh. Đó là mục tiêu chủ yếu của việc xây dựng tháp, để con người hiệp nhau lại tại một điểm.

 

          Tháp Ba-bên có đường chạy cong quẹo vòng quanh. Có nhiều tháp như vậy trong trũng Tigris Euphrates. Qua những hình chụp hiện nay, cho chúng ta thấy những tháp này đã hoang tàn. Chung quanh tháp có đường chạy vòng vòng lên đến tận trên cao. Trên ngọn tháp có một bàn thờ dâng tế lễ, và có dấu hiệu họ dâng trẻ em làm của lễ.

 

          Trong thời kỳ xây cất tháp Ba-bên, biểu tượng cho sự phản nghịch của con người chống lại Đức Chúa Trời toàn năng. Nim-rốt là người lãnh đạo phong trào này. Ông ta là người xây thành Ba-bên và tháp Ba-bên. Đây cũng là nơi làm bá chủ thế giới chống lại Đức Chúa Trời.

 

          Để làm cho lòng mong muốn thành sự thật, có hai điều Nim-rốt cần thực hiện. Thứ nhất ông cần một trung ương để liên kết, để làm đầu não, nó giống như một thủ đô để nhóm họp, một nơi để quan sát. Đó là lý do tại sao ông xây thành phố Ba-bên, để thực hiện ý định làm bá chủ thế giới của mình. Thứ hai, Nim-rốt cần một nơi để khởi động, không những về phương diện địa lý nhưng còn về mặt tâm lý nữa. Nơi đó để ra hiệu lịnh đánh trận, để phất cờ, để gây ảnh hưởng thế lực. Nim-rốt muốn làm nổi danh và phản nghịch cùng với Đức Chúa Trời. Đó là một tham vọng rất lớn.

 

          Tháp Ba-bên được xây dựng không phải để làm nơi ẩn náo dự phòng khi nước lụt, nó không xây dựng cao hơn mức nước lụt trước đây. Nó muốn bày tỏ ý định con người, chống nghịch lại ý muốn của Đức Chúa Trời, Ngài muốn họ sanh sản thêm nhiều và làm cho đầy dẫy mặt đất, tức là lan tràn ra mọi nơi để sinh sống, chớ không phải tập trung lại một chỗ.

 

          Tháp Ba-bên không phải là dấu hiệu của tôn giáo, hay niềm tin. Nó là đường cong quẹo vòng vòng. Đó là nơi mà con người thờ phượng tạo vật thay vì thờ phượng Đấng Tạo Hóa. Khi con người chạy vòng lên đỉnh tháp thấy mặt trời, mặt trăng, ngôi sao và rồi thờ phượng các tạo vật này. Họ nghĩ rằng như thế mình không bị hại bởi nước lụt.

 

          Bây giờ chúng ta thấy Đức Chúa Trời phản ứng với tháp Ba-bên ra sao?

 

          Sáng thế ký 11:5-6, “Đức Giê-hô-va bèn ngự xuống đặng xem cái thành và tháp của con cái loài người xây nên. Đức Giê-hô-va phán rằng: Nầy, chỉ có một thứ dân, cùng đồng một thứ tiếng; và kia kìa công việc chúng nó đương khởi làm; bây giờ chẳng còn chi ngăn chúng nó làm các điều đã quyết định được.”

 

          Đây là một lời xác chứng quan trọng. Khi tất cả mọi dân tộc nói một thứ tiếng. Họ không gặp khó khăn sự khác biệt ngôn ngữ. Họ hiệp chung nhau dùng mọi sự khôn ngoan và tài nguyên để xây tháp, “chẳng còn chi ngăn cản chúng nó làm điều đã quyết định.”

 

          Chúng ta thấy rằng con người với bản tánh sa ngã, dầu rằng qua cơn nước lụt, họ rất là hư hoại. Đức Chúa Trời không thể bỏ qua sự phản loạn của con người, khi con người chống nghịch với Ngài. Đức Chúa Trời lập bức tường bảo vệ, Ngài đặt sự ngăn cách. Đây là điều cần thiết, vì con người là một tạo vật rất có khả năng, có thể làm nhiều việc phi thường.

 

          Chúng ta thấy những gì con người làm khi họ có cùng một ngôn ngữ? Họ hiệp lại chống Chúa. Vì vậy, chúng ta thấy điều Đức Chúa Trời làm:

 

          Sáng thế ký 11:7-9, “Thôi! chúng ta, hãy xuống, làm lộn xộn tiếng nói của chúng nó, cho họ nghe không được tiếng nói của người nầy với người kia. Rồi, từ đó Đức Giê-hô-va làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất, và họ thôi công việc xây cất thành. Bởi cớ đó đặt tên thành là Ba-bên, vì nơi đó Đức Giê-hô-va làm lộn xộn tiếng nói của cả thế gian, và từ đây Ngài làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất.”

 

          Bây giờ con người tản lạc ra khắp mặt đất. Vì con người hiệp lại với nhau để phản nghịch Chúa, giờ đây Chúa làm cho con người không thể hiểu nhau nữa. Bức tường ngăn cách về ngôn ngữ còn cao hơn Vạn Lý Trường Thành của Trung hoa, hay là bức tường Bá-linh của Đức Quốc. Ngôn ngữ ngăn cách con người truyền thông lẫn nhau hơn cả ngăn cách biên giới quốc gia.

 

          Đức Chúa Trời làm lộn xộn ngôn ngữ ngay khi họ đang xây cất tháp Ba-bên, họ không còn hiểu nhau nữa, công trình xây cất phải dừng lại và con người rời khỏi tháp Ba-bên, tản lạc khắp mọi hướng.

 

          Đó là lý do tại sao con người ngày nay có nhiều ngôn ngữ khác nhau, gây sự khó khăn khi nói chuyện với nhau.                     

 

          Có một điều lớn lao xảy ra, đó là việc “nói tiếng lạ” khi con người không thể hiểu nhau. Nói tiếng lạ là phép lạ cho người nói lẫn người nghe. Họ nói một ngôn ngữ khác, và người nghe có thể hiểu họ.

 

          Nói tiếng lạ là một phước hạnh, hay là sự rủa sả đến với con người? Nếu là cho mục đích của Đức Chúa Trời, thì ấy là phước hạnh. Còn nếu, do ước muốn con người để làm xa cách Đức Chúa Trời, thì ấy là một sự đoán phạt.             Bây giờ, chúng ta cùng quay lại việc xảy ra trong ngày Ngũ Tuần (Công vụ các sứ đồ 2). Đó là một thời kỳ biến động lớn lao, lúc ấy Tin lành được rao giảng cho mọi ngôn ngữ, mà dân chúng thời đó hiểu được. Trong kỳ ban đầu này, không phải các sứ đồ nói một ngôn ngữ không biết. Trong ngày Ngũ tuần, Đức Chúa Trời trả lời cho tháp Ba-bên. Đức Chúa Trời nói chuyện với toàn thể nhân loại, Ngài có một sứ điệp trong Tin Lành cứu rỗi đến con người, trong ngôn ngữ mà con người có thể hiểu đuợc.

 

          Đây là điều Đức Chúa Trời đã làm, ngày nay Kinh Thánh được phát hành trong mọi ngôn ngữ, nhiều hơn bất cứ sách nào khác. Kinh Thánh được phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ, thổ ngữ, và cả tiếng nói của những bộ lạc. Kinh Thánh được phổ biến cho mọi người trên khắp thế giới. Tin lành được ban cho toàn thể nhân loại, đó là lý do và mục đích của việc nói tiếng lạ, để nhân loại biết rằng Đức Chúa Trời trả lời cho tháp Ba-bên. Nói tiếng lạ là nói ngôn ngữ của một nước khác. Giờ đây Đức Chúa Trời có sự cứu rỗi cho con người. Công tác cứu rỗi đã thực hiện cách hoàn tất. Cho nên con người không cần phải cố gắng để tự cứu mình. Con người chỉ cần lắng nghe lời Chúa và quay trở lại cùng Ngài thì sẽ được cứu. Tin lành dành cho chính mỗi chúng ta, không phân biệt bất kỳ ngôn ngữ nào, vì Tin lành của Đức Chúa Trời đến cho toàn thể nhân loại. Trong sách cuối cùng của Kinh Thánh, sách Khải huyền nói muôn dân sẽ nhóm hiệp trước mặt Chúa: “Sự ấy đoạn, tôi nhìn xem, thấy vô số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng mà ra; chúng đứng trước ngôi và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng, tay cầm nhành chà là, cất tiếng lớn kêu rằng: Sự cứu rỗi thuộc về Đức Chúa Trời ta, là Đấng ngự trên ngôi, và thuộc về Chiên Con.” (Khải huyền 7:9-10)

  

          TỪ SEM ĐẾN ÁP-RA-HAM

 

          Bây giờ chúng ta tìm hiểu đến dòng dõi của Sem, dòng dõi này theo suốt Kinh Thánh Cựu ước.

 

          Sáng thế ký 11:10, 24-26, “Đây là dòng dõi của Sem: Cách hai năm, sau cơn nước lụt, Sem được một trăm tuổi, sanh A-bác-sát… Na-cô được hai mươi chín tuổi, sanh Tha-rê. Sau khi Na-cô sanh Tha-rê rồi, còn sống được một trăm mười chín năm, sanh con trai con gái. Còn Tha-rê được bảy mươi tuổi, sanh Áp-ram, Na-cô và Ha-ran.”

 

          Từ dòng dõi của Sem dẫn đến dòng dõi Áp-ram, về sau được Chúa đổi tên là Áp-ra-ham.

 

          Dòng dõi của Sem chạy xuyên suốt Kinh Thánh. Lời của Chúa theo trực tiếp dòng dõi này đến Thập tự giá của Đấng Christ. Đức Chúa Trời cho ký thuật dòng dõi này từ lúc ban đầu. Đức Chúa Trời chỉ cho con người biết rằng, con người ở trong tội lỗi như trường hợp của Ca-in và A-bên, con người có sự kiêu ngạo. Trong cơn nước lụt, chúng ta thấy tội lỗi của xác thịt. Họ hành động cách hung bạo, và suy nghĩ những điều ác. Họ bị đui mù không cần đến Đức Chúa Trời. Họ bịt tai với Lời của Chúa và họ chết trong tội lỗi mình. Đức Chúa Trời mời gọi con người qua lời giảng của Nô-ê, nhưng họ cự tuyệt, khước từ lời mời đó và tiếp tục sống trong tội lỗi xác thịt. Rồi tại tháp Ba-bên, chúng ta thấy tội lỗi của ý tưởng chống nghịch lại với Đức Chúa Trời, qua việc xây tháp Ba-bên.

 

          Bạn có đang xây tháp Ba-bên nào riêng cho chính mình không? Bạn có đang chống nghịch lại với Đức Chúa Trời không? Bản tánh tự nhiên của con người luôn chống nghịch Đức Chúa Trời.

 

          Hiện nay có nhiều người đang chất chứa nhiều ý định, kế hoạch chống nghịch với Đức Chúa Trời, họ đang xây dựng một tháp Ba-bên. Hãy từ bỏ đều đó đi, vì không ai có thể đứng vững khi chống nghịch với Đức Chúa Trời.       

 

          Tiếp theo là dòng dõi hay gia đình của Tha-rê.  Sáng thế ký 11:27-32, “Đây là dòng dõi của Tha-rê: Tha-rê sanh Áp-ram, Na-cô và Ha-ran; Ha-ran sanh Lót. Ha-ran qua đời tại quê hương mình, tức là U-rơ, thuộc về xứ Canh-đê, khi cha người là Tha-rê hãy còn sống. Áp-ram và Na-cô cưới vợ; vợ Áp-ram tên là Sa-rai, còn vợ Na-cô tên là Minh-ca; Minh-ca và Dích-ca tức là con gái của Ha-ran. Vả, Sa-rai son sẻ, nên người không có con. Tha-rê dẫn Áp-ram, con trai mình, Lót, con trai Ha-ran, cháu mình, và Sa-rai, vợ Áp-ram, tức dâu mình, đồng ra khỏi U-rơ, thuộc về xứ Canh-đê, đặng qua xứ Ca-na-an. Khi đến Cha-ran thì lập gia cư tại đó. Tha-rê hưởng thọ được hai trăm năm tuổi, rồi qua đời tại Cha-ran.”

 

          Trong đoạn ký thuật ngắn này, chúng ta biết đến gia đình của Áp-ra-ham và chúng ta sẽ học câu chuyện của ông trong đoạn kế tiếp.

 

          Khi chúng ta kết thúc đoạn 11 của sách Sáng thế ký, chúng ta đến một điểm chuyển hướng của sách. Vì 11 đoạn đầu của sách là một phía và 39 đoạn sau là phía khác. Mười một đoạn đầu của Sáng thế ký bao gồm khoảng thời gian kéo dài 2000 năm, bằng với khoảng thời gian của cả phần còn lại của Kinh Thánh. Có sự tương phản giữa thời gian của 11 đoạn đầu của Sáng thế ký là 2000 và 39 đoạn sau chỉ có 350 năm.

 

          Trong 11 đoạn đầu của Sáng thế ký chúng ta biết về bốn việc lớn như: tạo dựng trời đất, loài người sa ngã, nước lụt và tháp Ba-bên. 

 

 

 

Bài trướcBài 19: Đức Chúa Trời Là Đấng Đang Tể Trị
Bài tiếp theoBài thứ 161: Vinh Quang