Bài 19: Đức Chúa Trời Là Đấng Đang Tể Trị

1995

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới


 

Chúng ta đang học về các nhân vật trong sách Sáng thế ký. Sách Sáng thế ký đã dành nhiều chương để ghi lại cuộc đời của các nhân vật nầy. Một số chương chép về cuộc đời của Áp-ra-ham để dạy chúng ta về đức tin. Một số chương khác kể lại cuộc đời của Gia-cốp để dạy chúng ta về ân điển của Đức Chúa Trời. Cuộc đời của Gia-cốp dạy chúng ta về những khủng hoảng trong đời sống, làm thế nào để thấy được ý chỉ của Chúa. Cuối cùng, đưa chúng ta đến chỗ nhận thức rằng, những gì chúng ta có  hoặc chúng ta hôm nay là người thể nào là do ân điển của Ngài. Bây giờ 14 chương còn lại của Sáng thế ký nói về cuộc đời của Giô-sép.

 

Giô-sép là một trong những người trong sạch nhất trong Kinh thánh. Hầu hết các nhân vật trong Kinh thánh đều có ưu điểm lẫn nhược điểm. Trước sau gì rồi những điểm mạnh hoặc những điểm yếu của họ cũng lộ  ra. Nhưng, Giô-sép và Đa-ni-ên được xem là ngoại lệ. Chúng ta không thể nào tìm thấy một khuyết điểm nào của họ trong Kinh thánh. Giô-sép là con đầu lòng của Ra-chên, người vợ mà Gia-cốp rất mực yêu thương. Gia-cốp yêu Ra-chên hơn hẳn Lê-a và các nàng hầu là những người đã sinh con cái cho ông. Sự ra đời của Giô-sép được xem như là một yếu tố khiến Gia-cốp quyết định lìa La-ban để có đời sống độc lập cho ông và gia đình.

 

Vì Giô-sép là con đầu lòng của Ra-chên, Gia-cốp yêu Giô-sép hơn hẳn các người con khác. Do đó, những người anh của Giô-sép ganh ghét và tìm cách giết ông. Nhưng sau đó, thay vì giết, họ bán ông cho những người buôn nô lệ đang trên đường xuống Ai-cập. Giô-sép bất lực trước hoàn cảnh, bị đẩy đưa xuống Ai-cập để làm nô lệ rồi sau đó làm một tù nhân. Nhưng bởi quyền tể trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời, Giô-sép đã giữ chức vụ thủ tướng của Ai-cập.

 

Không chút nghi ngờ, Đức Chúa Trời đã có kế hoạch để đưa Giô-sép đến Ai-cập. Chúa là Đấng biết trước và tể trị, Ngài thấy trước nạn đói sẽ xảy ra. Chúa biết nạn đói nầy sẽ tiêu diệt dân tuyển chọn của Ngài – dân tộc mà qua họ  Đức Chúa Trời sẽ đem đến cho nhân loại sự cứu rỗi.

 

Cuộc đời của Giô-sép nói lên sự quan phòng của Đức Chúa Trời. Mười bốn chương trong Kinh thánh đã dành riêng để nói về con người có một không hai nầy. Tại sao Kinh thánh lại dành đến 14 chương để nói với chúng ta về Giô-sép? Bài học qua cuộc đời Giô-sép được tóm tắt trong Rô-ma 8:28,

 

Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.

 

Câu Kinh thánh nầy đem lại niềm an ủi và phước hạnh cho vô số con cái Chúa trải qua các thời đại. Câu nầy có thể được diễn đạt theo một cách khác, “Và chúng ta biết rằng mọi sự xảy ra nhằm đem lại lợi ích cho chúng ta nếu chúng ta yêu mến Ngài và ở trong kế hoạch của Ngài.”  Đó chính là cuộc đời của Giô-sép vậy.

 

Một khía cạnh khác của bài học về cuộc đời của Giô-sép, đó là “ân điển.” Câu chuyện của Gia-cốp là một minh họa của ân điển. Ân điển là một ơn phước của Đức Chúa Trời dành cho kẻ không xứng đáng để nhận lãnh. Đức Chúa Trời ban cho cách nhưng không. Gia-cốp là một minh họa của ân điển bởi vì cuối cùng ông nhận ra rằng những gì ông có; hay rõ hơn, những phước lành ông có là do ân điển của Đức Chúa Trời. Đó là lý do vì sao ông được phước từ tâm linh cho đến vật chất. Suốt một thời gian dài, Gia-cốp nghĩ rằng, ông được phước là do thông minh, khôn khéo, biết dùng người và có kế hoạch.

 

Minh họa rõ ràng nhất là câu chuyện giữa Gia-cốp và ông cậu La-ban. La-ban quyết định trả công giá cho Gia-cốp dựa theo các lứa đẻ của các bầy súc vật. Họ đã lập một giao ước thế nầy, mọi con chiên hay mọi con vật sinh ra có đốm hoặc có vằn thì thuộc về Gia cốp. Những con khác thuộc về La-ban. Một khi đã thỏa thuận như vậy, Gia-cốp lột các vỏ cây để cho các súc vật nhìn trong quá trình thụ thai và sinh nở. Gia-cốp tin rằng, sáng kiến của ông sẽ  khiến chiên con và dê con có đốm, có vằn, có sọc. Gia-cốp chưa hề học qua một trường kỹ thuật hay tham gia khóa huấn luyện về nông nghiệp. Đó chính đặc điểm của con người Gia cốp. Gia-cốp tin rằng “bàn tay ta đã làm nên tất cả.” Nhưng cuối cùng, Chúa đã dạy Gia-cốp rằng, “Gia cốp, những gì con có là do ân điển của ta chớ không phải do tài sức của con.”

 

Trước khi chạm trán với Êsau, ông nói rằng: Đức Chúa Trời đã lấy ân điển mà đãi ngộ tôi; vì lúc trước khi qua sông Giô-đanh chỉ có cây gậy tôi, mà ngày nay tôi lại trở nên hai đội quân nầy.

 

Đối với Gia cốp, vợ con, tôi tớ, giàu có không phải do ông tài khéo hoặc khôn lanh, nhưng những điều nầy là kết quả của ân điển; hay có nghĩa là Đức Chúa Trời đã ban cho mọi sự.

 

Giô-sép cũng minh họa chân lý nầy nhưng theo một cách khác. Trường hợp của Giô-sép là thế nầy: Chàng đã ở trong những hoàn cảnh rất khó khăn. Giô-sép là một nô lệ, rồi bị tống giam trong tù. Giô-sép đã không làm điều gì nên tội để gánh chịu những điều nầy, song mọi  sự xảy ra để Đức Chúa Trời được tôn vinh.  Bởi ân điển của Đức Chúa Trời, Chúa ban phước cho Gia cốp. Cũng bởi chính ân điển đó, Ngài kêu gọi Giô-sép bước vào nhiều nỗi truân chuyên. Vì Đức Chúa Trời có chương trình đưa Giô-sép xuống Ai-cập, Chúa dùng mọi hoàn cảnh để chuẩn bị và huấn luyện ông trở thành vị cứu tinh cho dân tộc của mình ra khỏi cơn đói kém có nguy cơ dẫn đến sự tuyệt chủng. Ông đã được chuẩn bị và sẵn sàng để được Đức Chúa Trời dùng. Vào phần cuối của câu chuyện, chính Giô-sép đã  bày tỏ nhận thức nầy.

 

Bây giờ, chúng ta cùng nhau rút ra các bài học áp dụng qua cuộc đời của Giô-sép. Hãy xem xét mối liên hệ giữa Giô-sép với cha và với anh của mình. Gia-cốp đã thiên vị trong cách đối xử với các con của mình. Sự đối xử như vậy là không công bằng cho các anh của Giô-sép, cũng không công bằng đối với Giô-sép. Hãy suy nghĩ về sự căm ghét và bao nỗi gian nan mà Giô-sép phải gánh chịu vì cớ điều nầy.  Gia-cốp không phải là người cha toàn hảo. Bài học rút ra tại đây: không có bậc cha mẹ nào là toàn hảo. Chúng ta bước vào đời với những bậc cha mẹ không do chúng ta lựa chọn. Các bậc cha mẹ và anh chị em trong gia đình có ảnh hưởng sâu đậm trên chúng ta. Họ uốn nắn đời sống chúng ta. Nhiều người trong chúng ta đã lâm vào khó khăn và đau khổ vì lỗi lầm của cha mẹ hoặc anh em; nhưng trên hết là Đức Chúa Trời vẫn tể trị mọi sự.

 

Ngay khi cha mẹ chúng ta không toàn hảo, phạm những lỗi lầm hoặc vì vô tình hoặc vì cố ý, chúng ta phải cầu nguyện như Chúa Jêsus đã cầu nguyện, “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết  mình làm điều gì.” Bên cạnh đó cũng nên nhớ rằng, Đức Chúa Trời tể trị trên mọi cảnh ngộ trong cuộc đời chúng ta, trong đó có cha mẹ, anh chị em chúng ta. Chúa có thể dùng ảnh hưởng của họ để uốn nắn chúng ta dù rằng họ bất toàn. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ khám phá chương trình của Đức Chúa Trời cho chúng ta trong thế giới nầy. Tôi tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng tể trị mọi cảnh ngộ trong cuộc đời.

 

Nếu ta đáp ứng lại những hoàn cảnh chung quanh bởi ân điển của Ngài và bởi sự giúp sức của Ngài, Chúa sẽ dùng những hoàn cảnh nầy để uốn nắn chúng ta cho công việc tương lai mà Ngài đã sắm sẵn cho chúng ta.

 

Có bao giờ trong những năm tháng trưởng thành, quí vị bước vào một công việc do Chúa dẫn dắt với niềm tin quyết rằng, Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho quí vị công việc nầy từ khi quí vị vừa mới sinh ra. Nhiều người đã có kinh nghiệm về điều nầy. Đây là bài học về cuộc đời Giô-sép. Một ngày nào đó, khi những khổ đau hoạn nạn trở nên quá sức nặng nề khiến chúng ta tự hỏi, “Tại sao điều nầy xảy ra cho tôi?” Qua cuộc đời Giô-sép, lời Chúa dạy chúng ta rằng: Đức Chúa Trời tể trị trên tất cả những điều nầy. Ngài ban ân điển cho bạn để đối phó với những hoàn cảnh theo cách Chúa muốn. Bạn sẽ khám phá rằng, từ những khó khăn cho đến những con người đã tạo nên khổ đau trong đời sống của bạn là phương tiện Chúa dùng để uốn nắn, giúp bạn hoàn thành mục tiêu và chương trình của Ngài dành cho bạn.

 

Giô-sép đã bày tỏ lòng tin quyết như vậy. Các anh lo ngại là Giô-sép sẽ trả thù khi Gia-cốp qua đời. Nhưng Giô-sép nói rằng,

 

“Các anh đừng sợ chi, vì tôi há thay mặt Đức Chúa Trời sao?

 

Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi, hầu cho cứu sự sống cho nhiều người, y như đã xảy đến ngày nay, và giữ gìn sự sống của dân sự đông đảo."[1]

 

Đối với Giô-sép, cho dầu các anh đã ganh ghét và hại mình, nhưng bàn tay của Đức Chúa Trời vẫn tể trị trên mọi biến cố. Ngài đã có một chương trình tốt đẹp cho ông, và Chúa dùng chính sự hãm hại của những người chung quanh mà hoàn thành kế hoạch của Ngài.

 

Các em bé thường hỏi câu nầy: “Đức Chúa Trời làm gì suốt cả ngày?” Có nhiều câu trả lời, mà một trong những câu trả lời có thể là thế nầy: Đức Chúa Trời biến đổi những điều xấu thành những điều tốt. Đây là niềm an ủi lớn lao.

 

Một Mục sư kể lại kinh nghiệm trong chức vụ của ông như sau: “Tôi đã dành một năm để viếng thăm khu nhà tập thể của những thiếu nữ hoang thai. Khi tôi chia sẻ lời Chúa, câu Kinh thánh trên có ý nghĩa thật lớn lao cho các cô. Họ đã bắt đầu với điều mà Kinh thánh gọi là tội lỗi, nhưng Đức Chúa Trời có thể chuyển đổi thành những điều tốt. Tôi khám phá rằng, có nhiều em bé không có cha mẹ và ngược lại có nhiều cha mẹ không có con cái. Ngay các bác sĩ cũng không sao giải thích vì sao họ lại không có con cái. Họ thường là những người ưu tú. Phải chăng giải pháp của Đức Chúa Trời rất rõ ràng ở đây. Hãy kết hợp những đứa bé không có cha mẹ và những cặp vợ chồng không có con cái lại với nhau. Chúng tôi đã thực hiện điều đó. Tôi kể cho các thiếu nữ nghe về những gia đình, mà qua đó các em bé  đã lớn lên và tìm được niềm vui trong cuộc sống. Tôi có thể nói với họ rằng, “Sự việc đã khởi đầu là xấu song Đức Chúa Trời có quyền khiến nó thành tốt.” Việc xấu và tội lỗi không nằm trong chương trình và ý định của Đức Chúa Trời, nhưng Ngài có quyền biến nó thành những điều tốt. Chúa có quyền biến những yếu đuối, lỗi lầm và thất bại của chúng ta thành những điều tốt.

 

Tôi mong quí vị tìm được sự an ủi khi biết rằng, dẫu chúng ta sa ngã hay thất bại, Cha yêu thương ở trên trời vẫn không từ bỏ chúng ta. Chúa yêu chúng ta cách vô điều kiện, bởi vậy Ngài biến những thất bại thành những điều tốt cho chúng ta. Chúng ta học về đức tin nơi đời sống của Áp-ra-ham, học về ân điển nơi đời sống của Gia-cốp. Và đối với Giô-sép, chúng ta cũng học về ân điển, ân điển dẫn đến ơn cứu rỗi. Chúa yêu bạn cho dù bạn sa ngã. Ngài ước muốn trải rộng ân điển của Ngài đến bạn.

 

Bài đến, chúng ta sẽ kết thúc phần tổng quan sách Sáng thế ký và bước qua sách Xuất Ê-díp-tô ký.

 




[1] Sáng thế ký 50:19-20

 

Bài trướcHội Thánh An Lạc Tây, Sóc Trăng Tổ Chức Buổi Lễ Khai Giảng Thánh Kinh Hè.
Bài tiếp theoBài 19: Con Cháu Nô-ê Và Tháp Ba-Bên