Bài 163: Sách NA-HUM – SỨ ĐIỆP CỦA SỰ AN ỦI

1395

Bài 163: Sách NA-HUM – SỨ ĐIỆP CỦA SỰ AN ỦI

Na-hum 1:1-15

Đây là phần mở đầu của sách tiên tri Na-hum. Sách của Na-hum được viết sau Giô-na khoảng 150 năm. Sách đề cập đến thành Ni-ni-ve, một thành phố mà trước đó tiên tri Giô-na đã được Chúa sai đến để công bố sứ điệp đoán phạt. Nhưng sáu mươi năm sau, người Ni-ni-ve xâm lăng vương quốc Y-sơ-ra-ên phía bắc. Sự tàn bạo, dã man của họ không thể tưởng được. Họ chinh phục và bắt mọi người trên thế giới lúc bấy giờ làm nô lệ, và trở nên đế quốc hùng mạnh nhất.

Một trăm năm mươi năm sau khi Giô-na công bố sứ điệp đoán phạt, hay 6 năm sau khi Sa-ma-ri thủ đô của nước phía bắc sụp đổ, Chúa ban cho Na-hum một khải tượng. Khải tượng nầy liên quan đến Ni-ni-ve. Lúc bấy giờ Ni-ni-ve là một thành phố rất lớn và được xem là hòn ngọc của thế giới. Chúa phán với Na-hum qua khải tượng rằng, “Ni-ni-ve sẽ bị sụp đổ.” Na-hum công bố sứ điệp mà Chúa đã ban cho ông. Sứ điệp nầy gồm 3 chương. Chương thứ nhất là lời tuyên bố về sự sụp đổ của Ni-ni-ve. Chương thứ hai mô tả về sự sụp đổ của Ni-ni-ve. Chương thứ ba là lời giải thích vì sao Ni-ni-ve bị sụp đổ.

Hai mươi ba năm sau khi Na-hum công bố khải tượng thì thành Ni-ni-ve bị sụp đổ. Nhưng nếu xét tại thời điểm của Na-hum thì nhiều người khi nghe sứ điệp nầy chỉ chế nhạo vì thật buồn cười khi cho rằng một thành phố lớn như Ni-ni-ve lại bị sụp đổ. Thành nầy được xây trên hai con sông. Chỉ có một cách để thành bị sụp đó là một trong hai con sông đó gây nên những trận lụt lớn. Lời tiên tri của Na-hum rất cụ thể. Ông cho biết một trận lụt sẽ xảy ra và làm vỡ tường thành. Quân thù sẽ xâm nhập theo vết đổ của tường thành và đánh chiếm. Hai mươi ba năm sau khi Na-hum rao giảng thì những lời tiên tri nầy đã thành sự thật.

Chúng ta không biết nhiều về Na-hum. Ông có đề cập đến sự sụp đổ của Thebes xảy ra vào năm 663. Ni-ni-ve sụp đổ vào năm 607 TC, do đó các học giả cho rằng ông hành chức vào khoảng giữa thời gian nầy là năm 630 TC. Như vậy Na-hum đồng thời với Ê-sai, người sống trước khi Ba-by-lôn xâm lăng  Giê-ru-sa-lem, Na-hum đã sống dưới thời của vị vua tốt là Ê-xê-chia. Có hai ý kiến về nơi sinh sống của Na-hum. Elkosk (Ên-cốt) là một địa danh được đề cập đến. Có một địa danh khác cùng tên ở gần Ni-ni-ve. Một số người cho rằng Elkosk là nhà của ông và cũng là nơi an táng ông.

Có một thành phố ở phía bắc của Ga-li-lê gọi là Ca-bê-na-um. Chúa Jêsus xem đây như là quê hương của Ngài. Dĩ nhiên Chúa xuất thân từ Na-xa-rét, nhưng vì lòng không tin của những người tại đây nên Chúa xem Ca-bê-na-um như là quê hương của Ngài. Theo Mác thì Chúa có ngôi nhà tại Ca-bê-na-um. Người ta tin rằng ngôi nhà mà dân chúng đã dỡ mái ngói để dòng người bịnh xuống đó là nhà của Ngài. Ca-bê-na-um được xem là tổng hành dinh của Chúa Jêsus khi Ngài khởi sự thi hành chức vụ. Tại Ga-li-lê phía bắc của Y-sơ-ra-ên là nơi mà Chúa Jêsus đã tuyển mộ những người theo Ngài. Tại đó Chúa dạy dỗ dân chúng, huấn luyện các sứ đồ, chữa bịnh trước khi Ngài đi xuống Giê-ru-sa-lem để chịu chết.

Theo nguyên ngữ của sách Tin lành Mác thì Ca-bê-na-um nghĩa là “Ngôi làng của Na-hum.” Nhiều người tin rằng tiên tri Na-hum đã thành lập và đặt tên cho ngôi làng nhỏ trên gần bờ biển Ga-li-lê là Ca-bê-na-um.

Trong khi tập trung tìm hiểu sách Na-hum thì điều đầu tiên là chúng ta cần biết đó là thành Ni-ni-ve. Khảo cổ học phải thừa nhận rằng những lời tiên tri của Na-hum về thành Ni-ni-ve thật đáng kinh ngạc vì hai mươi ba năm sau khi Na-hum công bố sứ điệp của mình thì Ni-ni-ve đã sụp đổ. Những gì chúng ta đọc trong sách Na-hum giống như những chi tiết lịch sử.

Như chúng tôi đã trình bày, các tiên tri đề cập đến sự sụp đổ của bốn thành phố. Thành phố thứ nhất là Sa-ma-ri, thủ đô của nước phía bắc gồm 10 chi phái. Sa-ma-ri đã rơi vào tay người A-si-ry sáu mươi năm sau khi Giô-na giảng cho người Ni-ni-ve. Thành phố thứ hai là Giê-ru-sa-lem, đây là thủ đô của nước Giu-đa ở phía nam. Nhiều tiên tri đã cho biết Giê-ru-sa-lem sẽ bị rơi vào tay người Ba-by-lôn.

Đó là sứ điệp dành cho 2 thành phố của tuyển dân Đức Chúa Trời. Cũng theo lời tiên tri thì hai thành phố của kẻ thù là Ba-by-lôn và Ni-ni-ve rồi sẽ cùng chung số phận. Ba-by-lôn là thủ đô của đế quốc Ba-by-lôn, thành nầy đã rơi vào tay của người Mê-đi Ba Tư. Tiên tri Đa-ni-ên có nói đến sự sụp đổ của Ba-by-lôn. Tuy nhiên kẻ thù tàn bạo nhất của nước phía bắc và nước phía nam đó là đế quốc A-si-ry. Quân A-si-ry đánh chiếm nước phía bắc, ngay sau đó họ quay sang nước phía nam, kéo quân đến Giu-đa, đánh chiếm 46 thành phố, bắt 200.000 người làm nô lệ và tiến thẳng về Giê-ru-sa-lem. Chính tại đây mà tên tuổi của Ê-sai chói sáng. Chúa hành động qua ông nên người A-si-ry kéo quân khỏi thành Giê-ru-sa-lem. Nếu không có Ê-sai hẳn nước Giu-đa phía nam cũng đã rơi vào tay người A-si-ry. Do đó khi nhận thức rằng Ni-ni-ve là kẻ thù của người Do Thái thì việc tuyên bố rằng Ni-ni-ve sẽ bị sụp đổ là một điều rất có ý nghĩa.

Na-hum có nghĩa là “đầy tràn sự an ủi.” Tên của vị tiên tri nầy liên quan đến sự an ủi. Sứ điệp của Na-hum là một sứ điệp an ủi. Quý vị sẽ hỏi làm sao một sứ điệp bi thương đầy kinh hoàng như vậy lại được gọi là sứ điệp an ủi. Thật ra đây là sứ điệp kinh hoàng dành cho người Ni-ni-ve nhưng nó là sứ điệp an ủi dành cho người Do Thái. Chúng ta ít nhiều nghe nói về biến cố Hít-le giết hàng triệu người Do Thái.  Thử tưởng tượng, quý vị là người Do Thái sống vào những năm 1940, quý vị biết Hít-le sẽ lần lượt thôn tính cả châu Âu. Quý vị cũng biết rằng mỗi lần mà Hít-le chiếm thành phố nào thì y cũng lùa hết những người Do Thái vào các trại hơi ngạt và thiêu họ. Quý vị cũng biết rằng việc mà Hít-le tấn công vào thành phố mà quý vị đang sống chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Lúc đó tâm trạng của quý vị sẽ ra sao? Nếu quý vị được tin là quân đồng minh đẩy lui và tiêu diệt quân đức quốc xã thì hẳn đây là tin vui và an ủi quý vị. Xét theo một khía cạnh thì sứ điệp của Na-hum cũng giống như vậy, nó là sứ điệp an ủi dành cho người Giu-đa vì Ni-ni-ve, kẻ thù của họ sụp đổ giống như chế độ Đức quốc xã sụp đổ.

Khi Na-hum nói tiên tri thì không có dấu hiệu nào là Ni-ni-ve sẽ bị sụp đổ, do đó sứ điệp của Na-hum cần phải được tiếp nhận bởi đức tin. Tuy nhiên sứ điệp nầy là một tin mừng cho người Do Thái và họ đặt trọn lòng tin vào lời tiên tri nầy. Điều mà Na-hum muốn nhắn nhủ cho đồng bào mình đó là, “Anh em không cần phải lo gì về người A-sy-ri nữa. Họ sẽ không còn bao giờ trở lại để đe dọa Giê-ru-sa-lem. Người A-si-ry sẽ không bao giờ còn đến xâm lăng lãnh thổ của chúng ta. Họ sẽ bị sụp đổ và tiêu diệt.”

Na-hum mô tả hết sức rõ ràng về sự sụp đổ của Ni-ni-ve trong chương 2. Khi đọc chương hai của sách Na-hum, quý vị có thể hình dung được về cảnh tượng nầy. Ông nói đến cả màu sắc của những bộ quân phục, và thế nào ánh sáng phản chiếu trên vũ khí của họ. Ông đã khéo diễn tả về cảnh tượng sụp đổ đến nỗi chúng ta tưởng chừng nghe được tiếng hò hét và náo động của chiến trường. Sứ điệp về sự sụp đổ của người Ni-ni-ve là tin vui đối với người Giu-đa. Đây cũng là ý nghĩa tên của ông Na-hum hay an ủi.

Lần đến kính mời quý độc giả cùng lắng nghe những bài giảng sống động của Na-hum. Một khi hiểu được bối cảnh lịch sử và hiểu về thành phố Ni-ni-ve thì sách Na-hum không còn là sách khô khan nữa nhưng là sách rất thú vị, vì đây là một trong những sách có giá trị của tiên tri Cựu Ước.

Sứ điệp dưỡng linh của bài học hôm nay là gì? Thứ nhất là tính chất đáng tin cậy của Lời Đức Chúa Trời. Những lời tiên tri của của Na-hum chứng tỏ rằng Lời Chúa đáng tin vì nó đã được nghiệm đúng. Chúa đã hứa như sau, “Nếu chúng ta xưng tội thì Ngài là Đấng thành tín để tha thứ và làm sạch mọi tội chúng ta.” Người A-si-ry đã ăn năn khi nghe lời giảng của Giô-na, nên thế hệ đó đã được cứu khỏi cơn đoán phạt. Nhưng một thế hệ mới lớn lên, bước theo con đường tội lỗi và Na-hum đã tuyên bố sứ điệp phán xét đối với họ.

Điều nầy dẫn đến áp dụng thứ hai. Kinh Thánh dạy rằng, “Kết quả của tội lỗi là sự chết.” Nếu quý vị đang sống trong tội lỗi, xin đừng nghĩ rằng Đức Chúa Trời không thấy hoặc Đức Chúa Trời không thèm để ý đến. Kinh Thánh dạy “Tiền công của tội lỗi hay hậu quả của tội lỗi là sự chết.” Chúng ta thấy điều nầy qua sách Na-hum. Dẫu vậy trong Tân Ước thì Lời Chúa còn đi xa hơn khi nói về “ân điển” của Đức Chúa Trời. Rôm 6:23 cho biết, “Tiền công của tội lỗi là sự chết – đây là một tin buồn –  nhưng tin vui đó là: sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời qua Chúa Jêsus Christ.” Ngài đã trả xong giá để chuộc tội chúng ta, bởi đó chúng ta có thể nhận được quà tặng của Đức Chúa Trời hôm nay.

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Bài trướcKơmĭl Adrin Krao Khan Apinh – 1/6/2025
Bài tiếp theoVim Licas Yuav Tsum Thov Vajtswv? – 2/6/2025