Bài 151: Sách A-mốt, A-mốt Thấy Sư Tử Gầm Thét

2943

A-mốt là người được ưa chuộng trong số các tiên tri vì khi được Chúa kêu gọi thì ông là người xuất thân từ giới lao động bình thường. Trong khi Tiên tri Ê-sai thuộc tầng lớp quí tộc thì A-mốt chỉ là người hái trái vả và chăn cừu tại thị trấn Thê-cô-a cách Giê-ru-sa-lem 12 dặm về phía nam. A-mốt đã quan ngại vì có một số người mang danh hiệu tiên tri, những người được đào tạo từ trường lớp hẳn hoi lại không rao giảng Lời Chúa. Ông đã vâng theo tiếng kêu gọi của Chúa để bỏ nghề hái trái vả và chăn cừu, đi lên nước phía bắc là Y-sơ-ra-ên để rao giảng Lời Đức Chúa Trời. Đây cũng là một lý do khiến nhiều người thấy gần gũi với A-mốt hơn.

Có một người kia sau trở lại tin nhận Chúa thì bắt đầu học Kinh Thánh rất chăm chỉ. Khi vừa học Lời Chúa, vừa nghe giảng tại nhà thờ thì anh có nhận xét rằng: những người trong nhà thờ biết về Kinh Thánh lại không tin Kinh Thánh. Còn những người tin Kinh Thánh lại không biết Kinh Thánh. Thế rồi anh tâm niệm là không những tin Kinh Thánh mà còn phải biết Kinh Thánh. Anh bắt đầu nghiên cứu Lời Chúa sâu hơn. Khi xong chương trình học về Kinh Thánh, mặc dầu chỉ là một tín hữu bình thường không thuộc vào hàng chức sắc, nhưng Chúa đã kêu gọi anh rao giảng Lời Chúa tại Romani. Anh là người đã sáng lập ra một phong trào nhằm khuyến khích các tín hữu đứng lên hầu việc Chúa. Chức vụ rao giảng Lời Chúa của anh đã ảnh hưởng rất lớn đến nước Romani.

A-mốt đã lớn lên giữa một môi trường như vậy, những người biết về Lời Chúa lại không rao giảng Lời của Ngài. Ông đã cảm nhận được tiếng kêu gọi của Chúa để giảng Lời Đức Chúa Trời mặc dầu ông không phải là một tiên tri hay con của một tiên tri. A-mốt sống ở Giu-đa thuộc nước phía nam. Nhưng Chúa kêu gọi ông đi lên phía bắc để giảng cho người Y-sơ-ra-ên trước khi họ bị quân A-si-ry xâm lăng. Ông là một trong hai vị tiên tri đã được Chúa sai rao giảng Lời của Ngài cho nước Y-sơ-ra-ên, vị tiên tri thứ hai đó là Ô-sê. Tất cả các vị tiên tri khác đều giảng tại nước Giu-đa ở phía nam.

Sách của A-mốt có ghi lại những chi tiết lịch sử về thời điểm ông thi hành chức vụ. Khi khảo sát các tiên tri nầy, chúng ta cần xem họ đã sống vào thời của vua nào. Biết sứ điệp của họ được công bố khi nào và cho ai sẽ giúp chúng ta hiểu những gì họ đã giảng và tại sao họ đã công bố sứ điệp đó. Bởi sự soi dẫn của Thánh Linh mà nhiều sách tiên tri cung cấp các chi tiết lịch sử ngay trong những câu mở đầu. Hiểu được bối cảnh lịch sử sẽ giúp chúng ta dễ hiểu hơn nội dung của sách. Dẫu vậy điều quan trọng hơn cả vẫn là những áp dụng dưỡng linh từ sứ điệp của các sách đó.

Xin quí độc giả lưu ý rằng những gì chúng ta muốn rút tỉa từ các sách tiểu tiên tri đó là các bài học dưỡng linh từ sứ điệp của họ. Mỗi một sách trong Kinh Thánh đều có sứ điệp cho quí vị và tôi. Không có một cuốn sách nào là thừa thải và không có bài học dưỡng linh cho chúng ta. Chúng tôi sẽ giúp quí vị hiểu về cấu trúc của sách, những dữ kiện lịch sử và một số điểm nhằm giúp quí vị nắm được sứ điệp của Tiên tri A-mốt. Khi đến với sách nầy xin chúng ta hãy thầm nguyện rằng, “Lạy Chúa, Chúa muốn phán dạy con điều gì qua sách Tiên tri A-mốt?”

Để bắt đầu lược khảo sách A-mốt, chúng ta tìm hiểu những chi tiết lịch sử nhằm xác định thời điểm ông thi hành chức vụ. Ông và một số các vị tiên tri khác hầu việc Chúa dưới triều của vua Ô-xia. Đây là vua của nước Giu-đa phía nam, nhiều tiên tri đã sống và thi hành chức vụ trong thời gian nầy. Ê-sai bắt đầu chức vụ khi vua Ô-xia chết. Ô-xia cai trị 52 năm, một thời gian khá dài, do đó việc các tiên tri rao giảng dưới thời Ô-xia không có nghĩa là họ hành chức cùng một thời điểm. A-mốt khởi sự chức vụ nhiều năm trước khi Ô-xia cai trị. Có những vua khác như Giê-rô-bô-am, cùng cai trị với Ô-xia. Vua Ô-xia đã bị bịnh phung vào những năm cuối của đời ông. A-háp vị vua gian ác cùng với Ê-xê-chia vị vua tốt, là những vua đã được đề cập đến trong thời gian A-mốt hành chức. A-mốt cũng cho biết ông khởi sự rao giảng hai năm trước cơn động đất. Đây là trận động đất khá nghiêm trọng đến nỗi hai trăm năm sau Xa-cha-ri lại đề cập đến một lần nữa. Dựa vào tên của các vị vua cũng như chi tiết về cơn động đất mà các học giả xác định cụ thể về thời điểm hành chức của A-mốt. A-mốt hẳn quen biết với Ô-sê, có lẽ ông cũng biết tiên tri Giô-na và Ê-li-sê. Vào những ngày cuối chức vụ của A-mốt thì Ê-sai, Mi-chê hãy còn nhỏ. Rất có thể họ đã nghe A-mốt rao giảng Lời Chúa. Thật là điều bổ ích khi hiểu được bối cảnh lịch sử của A-mốt để từ đó đối chiếu với các vị tiên tri khác.

A-mốt đã hành chức dưới thời của vua Ô-xia, đây là một thời kỳ mà Y-sơ-ra-ên rất hùng mạnh. Đất nước đã phát triển đến tột đỉnh vào thời của Ô-xia. Ông là vị vua tốt, có tài cai dân trị nước. Lực lượng quân sự rất hùng mạnh nên họ đánh đâu thắng đó. Họ tin rằng không có một kẻ thù nào dám đương đầu với Y-sơ-ra-ên. Đất nước vừa mạnh mẽ về quân sự, vừa giàu có về mặt kinh tế. A-mốt đề cập đến sự sung túc nầy qua việc mô tả những ngôi nhà mùa hè, nhà mùa đông, những vật dụng sang trọng, quần áo đắt tiền. Những gì A-mốt nói đến cũng đúng với tình trạng của một số người trên thế giới hoặc một ít người ngay tại Việt Nam. Sứ điệp của A-mốt rất thích hợp cho những người đương thời ông cũng như cho một số người giàu có ngày hôm nay.

Năm mươi năm sau khi A-mốt công bố Lời Chúa thì người A-si-ry đã thật sự đem quân đánh chiếm nước Y-sơ-ra-ên ở phía bắc. Mặc dầu vào thời điểm A-mốt rao giảng, nước phía bắc rất giàu có, thịnh vượng, nhưng tai họa không còn xa lắm. Những gì A-mốt nói đã thành sự thật. Tuy nhiên những người đương thời, chỉ lắc đầu chế nhạo khi nghe A-mốt rao giảng về tai họa sắp đến.

A-mốt là một người giảng đạo tài giỏi. Các vị tiên tri nầy đều là những người giảng cách xuất sắc. Những sứ điệp họ công bố chứng tỏ rằng họ là những người có tài. Họ rất thẳng thắn và bộc trực. Điều nầy được tìm thấy nơi Ô-sê và nhất là A-mốt vì A-mốt chỉ là người chăn cừu hái trái vả. Có sao ông nói vậy, thế nhưng trong chương 1 và 2 ông đã có lối trình bày rất khéo léo. Mở đầu ông nói những điều mà người Y-sơ-ra-ên muốn nghe rồi sau đó mới nói những điều họ không muốn nghe. A-mốt nói về tin vui trước rồi mới nói đến tin xấu sau.

Nếu để ý chúng ta thấy A-mốt luôn luôn đưa ra tin tốt trước rồi sau đó mới đến tin xấu. Ông muốn chuẩn bị độc giả để tiếp nhận tin xấu bằng cách gây sự chú ý của họ qua những tin tốt, sau khi họ chú ý, ông mới nói đến tin xấu. Trong suốt hai chương đầu, A-mốt nói tiên tri về kẻ thù của người Giu-đa. Họ sẽ bị Đức Chúa Trời phán xét. A-mốt liệt kê tên của từng quốc gia nầy. Ông khẳng định là cơn đoán phạt sẽ giáng trên họ. Khi nghe A-mốt chỉ đích danh từng nước và cho biết là những nước đó sẽ bị đoán phạt thì người Giu-đa rất hài lòng. Họ thích nghe những tin nói về tai họa giáng trên kẻ thù của họ. Tuy nhiên sau khi thu hút sự chú ý của họ thì A-mốt công bố rằng,

4 Đức Giê-hô-va phán như vầy: Bởi cớ tội ác của Giu-đa đến gấp ba gấp bốn lần, nên ta không xây bỏ án phạt khỏi nó; vì chúng nó đã bỏ luật pháp của Đức Giê-hô-va và không vâng theo lệ luật Ngài, những sự giả dối mà tổ phụ chúng nó đã theo, làm lầm lạc chúng nó.
5 Ta sẽ sai lửa đến trên Giu-đa, nó sẽ thiêu nuốt những đền đài của Giê-ru-sa-lem.

Đó là một phần của sứ điệp dành cho người Giu-đa ở phía nam. Sau đó A-mốt công bố sứ điệp dài hơn cho người Y-sơ-ra-ên ở phía bắc:

6 Đức Giê-hô-va phán như vầy: Bởi cớ tội ác của Y-sơ-ra-ên đến gấp ba gấp bốn lần, nên ta không xây bỏ án phạt khỏi nó; vì chúng nó đã bán người công bình lấy bạc, bán kẻ nghèo lấy một đôi dép.
7 Chúng nó cũng tham cả đến bụi đất trên đầu người nghèo khó, và làm cong đường của kẻ nhu mì. Con và cha cùng đến chung một đứa gái, như vậy làm cho ô danh thánh ta.
8 Chúng nó nằm gần mỗi bàn thờ, trên những áo xống đã nhận làm của tin, và uống rượu của kẻ phải phạt trong miếu thần chúng nó.
9 Dầu vậy, chính ta đã tuyệt diệt người A-mô-rít trước mặt chúng nó, là thứ người cao bằng cây bách và mạnh như cây dẻ bộp. Ta đã diệt những trái nó ở trên và những rễ nó ở dưới.
10 Ta cũng đã đem các ngươi lên khỏi đất Ê-díp-tô, và dắt các ngươi trong đồng vắng trải bốn mươi năm, hầu cho các ngươi được đất của người A-mô-rít làm sản nghiệp.
11 Ta đã dấy mấy kẻ tiên tri lên trong vòng con trai các ngươi, và dấy mấy người Na-xi-rê lên trong vòng bọn trai trẻ các ngươi. Đức Giê-hô-va phán: Hỡi con cái Y-sơ-ra-ên, chẳng phải vậy sao?
12 Nhưng các ngươi đã cho các người Na-xi-rê uống rượu, và cấm các kẻ tiên tri rằng: Chớ nói tiên tri!
13 Nầy, ta sẽ chận ép các ngươi trong nơi các ngươi cũng như cái xe đầy những lúa bó chận ép.
14 Người lẹ làng sẽ không thể trốn được; người mạnh mẽ sẽ không bổ sức cho mình nữa, và người bạo dạn sẽ chẳng cứu được mạng sống mình.
15 Kẻ giương cung sẽ chẳng đứng vững được; kẻ có chơn lẹ làng sẽ chẳng lánh khỏi được; người cỡi ngựa sẽ khí huyết cứu mình; 16 và kẻ bạo gan trong những người mạnh mẽ sẽ ở trần mà trốn trong ngày đó, Đức Giê-hô-va phán vậy.

Khi A-mốt công bố sứ điệp nầy cho người Y-sơ-ra-ên ở phía bắc thì họ hẳn đã chế nhạo ông về việc cho rằng Y-sơ-ra-ên sẽ bị đánh bại bởi người A-si-ry. A-mốt nói đến khả năng quân sự rất nổi tiếng của Ô-xia như kỵ binh, cung tên. Vào thời điểm nầy khi nghe sứ điệp của A-mốt thì dân chúng chỉ lắc đầu, cười nhạo mà thôi. Nhưng 50 năm sau, những gì ông nói đã thành sự thật. Vương quốc phía bắc đã bị đánh bại bởi đoàn quân tinh nhuệ A-si-ry.

Các vị tiên tri, những người đã viết các sách tiên tri trong Cựu Ước vẫn sống với chúng ta qua các tác phẩm của họ. Sở dĩ họ đã và đang được kính trọng vì những gì họ nói ra được nghiệm đúng sau đó. Điều nầy chứng tỏ tính chất siêu nhiên trong các sách họ viết ra. Đời sống của họ đầy hào hứng và là một thách thức cho chúng ta. Giống như Chúa Giê-xu các vị tiên tri cũng lập luận dựa vào những hậu quả. Các vị tiên tri nhắc nhở dân sự của Ngài những gì họ học được từ các thầy tế lễ là người đã dạy họ về Lời Chúa. Một vị Mục sư hơn 50 năm trong chức vụ nói rằng, con cái Chúa cần được nhắc nhở lại những điều họ đã học được hơn là chỉ dẫn thêm nhiều điều mới khác.

Thực hành những gì chúng ta biết quan trọng hơn nhiều cứ học hỏi những điều mới. Từ sứ điệp của các vị tiên tri nầy, xin chúng ta xem xét lại chính mình: chúng ta có áp dụng những điều chúng ta đã biết về Lời Chúa hay chúng ta đã rơi vào bẫy của Sa-tan để nghĩ rằng kiến thức là phẩm chất của người Cơ Đốc. Xin thưa không phải như vậy, nhưng thực hành những gì chúng ta đã biết mới tạo nên phẩm chất của người tin Chúa. Cầu Chúa giúp quí vị và tôi sống theo những gì chúng ta đã biết được qua Lời Ngài.

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Bài trướcBài 11: NGÀY VUI MỪNG LỚN
Bài tiếp theoLong An: Bồi Dưỡng Mục Vụ Chấp Sự