Bài 136: Sách Ca Thương – Dầu Sao Chúa Vẫn Yêu

2535

Trong phần lược khảo về các sách tiên tri, chúng ta đã đến sách Giê-rê-mi và Ca Thương. Ca Thương là một tập thơ rất hay của tiên tri Giê-rê-mi. Qua những dòng thơ đầy nước mắt nầy, Giê-rê-mi đã thắp sáng lên tia hy vọng cho người Do Thái bị lưu đày đó là Đức Chúa Trời yêu thương họ bằng tình yêu đời đời. Ngài yêu họ cho dầu họ thế nào đi chăng nữa. Và tình yêu thương của Đức Chúa Trời chính là hy vọng dành cho họ giữa một tình thế hết sức đen tối.

Kinh Thánh thường nói đến tình yêu của Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta cần phân biệt tình yêu của Đức Chúa Trời với những loại tình yêu khác. Vì không phải bất cứ tình yêu nào cũng có cùng một bản chất với tình yêu của Đức Chúa Trời. Khi Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời là yêu thương thì không có nghĩa là bất cứ tình yêu nào cũng là một với tình yêu của Ngài. Chẳng hạn Lời Chúa dạy rằng Đức Chúa Trời là thần linh, nhưng rõ ràng không phải mọi thần linh đều thuộc về Đức Chúa Trời. Không phải mọi linh đều xuất phát từ Chúa mà chỉ có Thánh Linh mới đến từ Ngài. Cũng vậy, không phải mọi tình yêu đều là của Đức Chúa Trời, nhưng chỉ có một loại tình yêu thuộc về Ngài mà thôi. Đức Chúa Trời là yêu thương.

Qua I Cô-rinh-tô 13, Sứ đồ Phao-lô đã đề cập rất hay về loại tình yêu thương nầy. Khi đúc kết những gì nói về tình yêu thương của Đức Chúa Trời, Phao-lô cho biết, “Tôi không thể định nghĩa tình yêu thương đó là gì, nhưng tôi có thể cho biết tình yêu thương đó thể hiện như thế nào”. Chúa không phán với chúng ta tình yêu đó là gì, nên Ngài mô tả tình yêu đó qua một loạt các mỹ đức, và khẳng định rằng nếu chúng ta có tình yêu thương của Ngài, chúng ta sẽ sống theo cách được mô tả trong I Cô-rinh-tô 13. Khi kết hợp 15 mỹ đức lại với nhau, chúng ta sẽ có một bức tranh diễn tả bản chất của Đức Chúa Trời.

Trước tiên, Phao-lô muốn nói về tình yêu thương của Đức Chúa Trời không thể tàn phai. Nếu quí vị có tình yêu của Chúa dành cho một người nào đó, quí vị có thể nói với người đó rằng, “Không có điều gì làm cho tôi thôi yêu anh vì tôi yêu anh với tình yêu của Chúa.” Tình yêu của Chúa rất bền vững và không hề tàn phai.

Phao-lô cũng cho biết tình yêu thương của Đức Chúa Trời là vô điều kiện. Tình yêu của con người dễ tàn phai vì đây là một tình yêu có điều kiện. Xét theo phương diện con người, tình yêu của chúng ta thường xuất phát từ một động cơ nhất định. Chúng ta yêu một người nào dựa vào những gì người đó làm cho chúng ta. Nếu anh làm cho tôi việc nầy, việc kia thì tôi sẽ yêu anh. Đây là tình yêu thông thường của con người, có qua có lại. Chúng ta yêu một người vì người đó đã làm một điều gì cho chúng ta hay chúng ta muốn nhận một điều gì từ người đó. Nếu người đó không làm gì ích lợi cho chúng ta, nếu chúng ta sẽ không nhận được một điều gì từ người khác thì chúng ta không yêu họ. Một Mục sư đã thách thức như sau: Hãy làm một danh sách gồm những người chúng ta yêu thương. Có người nào chưa bao giờ làm một điều gì cho quí vị thậm chí họ còn nói xấu, nguyền rủa quí vị mà họ vẫn có mặt trong danh sách của những người quí vị yêu thương? Có bao nhiêu người như vậy trong danh sách của quí vị?

Chúng ta yêu những người yêu chúng ta. Tình yêu chúng ta dành cho họ dựa trên những gì họ làm cho chúng ta. Nói cách khác, chúng ta yêu có điều kiện, nhưng tình yêu của Đức Chúa Trời là một tình yêu vô điều kiện. Theo Phao-lô, tình yêu của Đức Chúa Trời là không phai tàn vì đó là tình yêu vô điều kiện.

Tình yêu vô điều kiện và tình yêu không phai tàn của Đức Chúa Trời cũng là tình yêu đem lại sự khích lệ cho người khác. Khi yêu ai đó bằng tình yêu của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ khích lệ họ, đem lại cho họ một nguồn hứng khởi để họ tin vào những điều tốt đẹp nơi họ. Đây là ý nghĩa của những gì mà Phao-lô đã nói, “Tình yêu thương trông cậy mọi sự, tin cậy mọi sự.” Đó là lý do vì sao tình yêu thương của Đức Chúa Trời “nín chịu mọi sự”. Tình yêu của Chúa luôn luôn trông mong những điều tốt nhất và tin những điều tốt nhất về người mình yêu. Khi yêu một người nào đó với tình yêu này, sau một thời gian thì chính người được yêu bắt đầu hy vọng và tin những điều tốt nhất về chính mình.

Khi hồi tưởng lại quãng đời niên thiếu của mình, một Mục sư tâm tình như sau: “Tôi tin Chúa vào năm 19 tuổi, lúc đó hầu như tôi học hành quá tệ. Tôi là con số không, và tôi biết mình chỉ là con số không to tướng. Tôi cần có người yêu tôi và cám ơn Chúa vì vị Mục sư quản nhiệm là một trong những người đó. Họ yêu tôi dầu tôi chẳng ra gì cả. Họ yêu tôi bằng tình yêu của Chúa, một tình yêu không có điều kiện, không dựa vào con người của tôi hoặc những gì tôi có thể làm được, vì nếu vậy thì họ không thể yêu tôi được. Chính tình yêu không có điều kiện, tình yêu không phai nhạt đã tạo nên nguồn hứng khởi trong tôi. Vị Mục sư quản nhiệm thường nói với tôi, ‘Tôi tin vào tương lai của em.’ Lúc đó tôi tự hỏi tại sao ông lại tin như vậy, nhưng ít ra là tôi rất vui vì ông đã có thái độ nầy. Những người đó đặt lòng tin tưởng nơi tôi cho đến khi tôi bắt đầu tin vào chính mình. Đó là những gì mà tình yêu thương của Đức Chúa Trời đã hành động trong đời sống tôi. Tình yêu đó đã đem lại nguồn cảm hứng để tôi hướng về một tương lai tốt đẹp.

Phao-lô cũng cho biết tình yêu thương của Đức Chúa Trời là một tình yêu khiến đối tượng yêu thương không thể chống lại được. Cho đến cuối cùng thì tình yêu thương đó sẽ đem lại chinh phục họ. Đây là lý do vì sao tình yêu thương nầy không bao giờ bị thất bại.

Giê-rê-mi đã sống hằng nhiều thế kỷ trước sứ đồ Phao-lô. Giê-rê-mi đã ngồi tại hang động nơi mà Chúa Giê-xu sau đó chết vì tội lỗi của nhân loại, ông đau buồn than khóc và hoàn toàn tuyệt vọng. Nhưng rồi ông nhận được những lời mặc khải đầy ý nghĩa: “Đức Chúa Trời không hề ngừng yêu thương chúng tôi. Ngài vẫn thành tín cho dầu chúng tôi thất tín. Ngài là nguồn hy vọng của duy nhất của chúng tôi, chúng tôi tin vào đức yêu thương và thành tín của Ngài, chúng tôi tin rằng một ngày kia Chúa sẽ khôi phục chúng tôi.” Chính tại hang động Giê-rê-mi mà Chúa Giê-xu đã đến và chết thay vì tội lỗi của nhân loại để qua đó con người được phục hòa với Đức Chúa Trời. Sau đây là phần rất hay trong sách Ca Thương 3:

37 Nếu chẳng phải Chúa truyền lịnh, ai hay nói ra và sự ấy được thành?

38 Há chẳng phải từ miệng Đấng Rất Cao ra tai họa và phước lành?

39 Cớ sao người đang sống phàn nàn vì chịu hình phạt về tội lỗi mình?

40 Chúng ta hãy xét và thử đường mình, trở về cùng Đức Giê-hô-va.

41 Chúng ta hãy giơ lòng và tay lên đến Đức Chúa Trời trên trời.

55 Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi từ nơi ngục tối rất sâu kêu cầu danh Ngài.

56 Ngài chắc đã nghe tiếng tôi, xin đừng bịt tai khỏi hơi thở và lời kêu van tôi.

57 Ngày tôi cầu Ngài, Ngài đã đến gần tôi, đã phán cùng tôi: Chớ sợ hãi chi!

Những gì Giê-rê-mi nói tại đây giống như lẽ thật được khám phá từ sách Gióp. Giê-rê-mi nói rằng,

38 Há chẳng phải từ miệng Đấng Rất Cao ra tai họa và phước lành?

39 Cớ sao người đang sống phàn nàn vì chịu hình phạt về tội lỗi mình?

40 Chúng ta hãy xét và thử đường mình, trở về cùng Đức Giê-hô-va.

Đây là phần quan trọng trong sứ điệp của Giê-rê-mi. Tuyển dân của Chúa đã phạm tội thờ lạy thần tượng, hầu như không sao loại trừ tội nầy được. Tội lỗi của họ lan rộng trong mọi thành phần trong xã hội, ngay cả những người mang danh là thầy tế lễ và tiên tri cũng không hơn gì. Vào lúc khởi đầu chức vụ của Giê-rê-mi dưới thời Giô-si-a, họ hầu như không còn nhạy cảm thuộc linh vì chẳng biết gì cả về Lời Đức Chúa Trời. Trong khi sửa sang đền thờ, họ khám phá cuộn Kinh Thánh, tổ tiên của E-xơ-ra là người đã tìm ra cuộn Kinh Thánh nầy, sau đó E-xơ-ra đã cống hiến đời mình để học hỏi và rao giảng Lời Chúa khiến đem lại cuộc phấn hưng lớn lao.

Sứ điệp của tiên tri Giê-rê-mi và những tiên tri trong thời kỳ lưu đày là: Đức Chúa Trời yêu thương các ngươi rất nhiều đến nỗi Ngài không để cho các ngươi bị hư mất. Ngài không thể nào để điều đó xảy ra vì các ngươi là dân sự của Ngài. Khi xem lại ba mươi lý do được trích dẫn từ Kinh Thánh nhằm giải thích vì sao Đức Chúa Trời cho phép con dân Ngài chịu khổ thì lý do Chúa sửa phạt con cái Chúa được lặp đi lặp lại. Hê-bơ-rơ 12 cho biết vì cớ tội lỗi của chúng ta mà Đức Chúa Trời sửa phạt khiến chúng ta chịu đau khổ, sự đau khổ là một dấu hiệu cho biết chúng ta là con cái của Ngài. Nếu quí vị ở trong cương vị cha mẹ, quí vị sẽ kỷ luật con cái khi thấy nó làm điều sai quấy, nhưng quí vị sẽ không áp dụng kỷ luật với con cái của người hàng xóm vì chúng không phải là con của quí vị. Tác giả sách Hê-bơ-rơ cho biết các sự sửa phạt là dấu hiệu khẳng định rằng Chúa là Cha thiên thượng của chúng ta.

Qua phân đoạn trên Giê-rê-mi rao giảng lẻ thật được nhắc đi nhắc lại trong Kinh Thánh. Truyền đạo 7:14, Sa-lô-môn nói rằng, “Trong ngày thới thạnh hãy vui mừng, trong ngày tai nạn hay coi chừng; vì Đức Chúa Trời đặt ngày nầy đối với ngày kia, hầu cho người đời chẳng thấy trước đặng điều xảy ra sau mình”.

Đây là lý do vì sao Sa-lô-môn nói rằng, “Đến nhà tang chế hơn là đến nơi yến tiệc.” Vì tại nơi mộ phần chúng ta mới suy nghĩ chín chắn. Chúng ta nghĩ về những giá trị trong cõi đời đời, về Đức Chúa Trời về mục đích và ý nghĩa của cuộc sống. Nhưng khi đến nơi tiệc tùng, chúng ta không nghĩ đến những điều có giá trị thuộc linh. Vậy theo Sa-lô-môn đến nhà tang chế tốt hơn là đến nơi tiệc tùng.

Giê-rê-mi nói trong Ca Thương rằng khi ngày hoạn nạn đến, hãy nhìn thấy bàn tay của Đức Chúa Trời trong những hoạn nạn đó. Sứ điệp nầy chạy xuyên suốt 52 chương của sách Giê-rê-mi và qua đến Ca Thương. Giê-rê-mi thấy bàn tay của Đức Chúa Trời sửa phạt dân sự của Ngài, Chúa nhào nặn họ thành chiếc bình mới. Theo ý định của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua Lời của Ngài thì sự xâm lăng của người Ba-by-lôn và kiếp sống lưu đày là biện pháp sửa phạt của Đức Chúa Trời vì cớ tội lỗi của họ, nhờ sự sửa phạt nầy mà họ trở nên những người tốt hơn. Nếu sách Giê-rê-mi là những lời rao giảng về chiếc bình được nắn đúc trở lại thì sách Ca Thương mô tả chiếc bình đó. Chủ đề nầy được Giê-rê-mi nói như sau, “Đức Chúa Trời đã cứu chuộc tôi.” Giê-rê-mi muốn nói rằng qua quá trình sửa phạt mà họ được nhào nặn trở thành chiếc bình mới.

Bạn đã kinh nghiệm về tình yêu vô điều kiện, tình yêu không phai tàn, tình yêu có sức mạnh chinh phục của Đức Chúa Trời chưa? Nếu chưa, xin đến với Chúa và thưa với Ngài rằng, “Chúa ơi, xin cứu con bởi tình yêu của Ngài.” Chỉ có một Đức Chúa Trời duy nhất, Ngài là Đấng yêu thương trọn vẹn, Ngài muốn biến đổi bạn thành con người mới. Hãy xưng tội của mình với Chúa và chấp nhận tình yêu vô điều kiện của Ngài. Chúa là Đấng thành tín Ngài sẽ tha thứ và ban ơn cứu rỗi cho bạn. Đó là sứ điệp của tiên tri Giê-rê-mi.

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Bài trướcĐắk Nông: Ra Mắt Điểm Nhóm Tin Lành Bon Chín
Bài tiếp theoUa Kom Muaj Kev Sib Koom – Feem 2 – 8/6/2022