Lần trước chúng ta đã học về tiên tri Giê-rê-mi, vị tiên tri than khóc. Chúng ta đã nghe bài giảng của Giê-rê-mi về chiếc bình đất trong tay người thợ gốm. Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau xem xét một bài giảng khác cũng mang tính chất biểu tượng. Ngày kia Chúa sai Giê-rê-mi đem cái vò thật lớn và đẹp vào trong đền thờ. Khi mọi người đang chú ý trong đó có các trưởng lão, các thầy thông giáo, các thầy tế lễ thì Giê-rê-mi lấy chiếc vò này và ném xuống sàn nhà vỡ tan tành. Thử tưởng tượng là tiếng kêu sẽ lớn thế nào và chắc chắn là thu hút được sự chú ý của mọi người.
Có vị Mục sư phản đối kịch liệt việc uống rượu. Trong dịp hội đồng của giới trẻ, Mục sư nói về những tác hại của rượu. Một điều mà không ai quên đó là ông dừng lại một chỗ trong bài giảng rồi lấy chai rượu đập mạnh xuống nền nhà làm cho rượu và mảnh chai văng tung ra. Người ta có thể quên những gì ông nói, nhưng không thể quên được những gì ông đã làm.
Giê-rê-mi tin rằng ông có thể tạo sự chú ý trên người khác bằng cách dùng vò thật lớn và đẹp rồi đập vỡ ra từng mảnh trên sàn nhà. Sau đó ông dùng hình ảnh nầy để giảng bài giảng trong đoạn 18 nói về chiếc bình trong tay người thợ gốm. Giê-rê-mi nói, “Đây là những gì xảy ra cho các ngươi, các ngươi sẽ bị chinh phục bởi người Ba-by-lôn, bị lưu đày. Nhưng sau 70 năm các ngươi sẽ được hồi hương và trở nên một chiếc bình mới.”
Khi đập vỡ tan tành chiếc vò trên sàn nhà, Giê-rê-mi nói rằng, “Những người như Sê-đê-kia chống lại Nê-bu-cát-nết-sa, không chịu đầu hàng sẽ giống như chiếc vò bị đập vỡ. Chỉ còn là những mảnh vụn, không được nắn trở lại. Các ngươi sẽ bị giết.” Người Giu-đa khi nghe những lời này thì họ căm ghét Giê-rê-mi.
Lần trước chúng ta đã rút ra các bài học thuộc linh từ hai bài giảng của Giê-rê-mi về chiếc bình được nắn lại và chiếc vò bị đập vỡ. Có những lúc trong cuộc sống chúng ta như “con chiên đi lạc, ai theo đường nầy.” Rồi chúng ta phải sống với hậu quả do những gì mình đã lựa chọn. Đức Chúa Trời dùng những hậu quả đó để dạy chúng ta. Đó là lý do vì sao chúng ta phải gặt lấy những điều đau lòng khi lựa chọn và hành động sai. Nhưng cũng từ những kinh nghiệm nầy chúng ta được trưởng thành. Có những vết sẹo hầu như không lành. Chúng ta cần trải qua nhiều giông bão trong cuộc đời để cuối cùng được trở nên một chiếc bình mới. Sau khi đã được trở nên chiếc bình mới, chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta không muốn trải qua quá trình đó một lần nữa và nhất định không chiu đánh đổi chiếc bình mới để lấy chiếc bình cũ với bất cứ giá nào.
Joni Eareckson là một cô gái bị liệt cả tay lẫn chân, phải sống trên chiếc xe lăn. Cô vẽ tranh bởi chiếc cọ được cắn chặt vào hàm răng vì cô không thể di chuyển bất cứ phần nào trong thân thể cô ngoại trừ cái đầu. Trong cuốn phim “Joni” cô nói, “Chẳng thà tôi ngồi trên chiếc xe lăn mà có Chúa còn hơn là chân tay lành lặn mà không có Ngài.” Cô muốn nói rằng đã từng một thời cô là người bình thường khỏe mạnh, nhưng cô không biết Đức Chúa Trời. Cho đến khi bị tai nạn trong môn nhào lộn, cô được tái tạo nên chiếc bình mới. Bây giờ cô nhất định không đánh đổi đời sống mới với bất cứ điều gì cả.
Bài giảng của Giê-rê-mi về chiếc vò bị đập vỡ minh họa cho một điều khác. Đôi khi do những gì đã gieo ra, nay chúng ta gặt những hậu quả thật nghiêm trọng. Có những vết thương được chữa lành, nhưng có những vết thương để lại vết sẹo không xóa được. Đây là sứ điệp từ bài giảng về chiếc vò bị đập vỡ của Giê-rê-mi. Sứ diệp của Giê-rê-mi thật nghiêm trọng và đôi khi chúng ta không muốn nghe những bài giảng buồn thảm đó. Ngay cả chính Giê-rê-mi cũng không vui khi giảng những điều nầy.
Có vị Mục sư được mời nói chuyện nhân buổi lễ tốt nghiệp của một trường trung học. Khi dùng bữa trưa chung với các em học sinh tốt nghiệp, Mục sư hỏi rằng, “Đêm nay các em muốn tôi nói gì trong buổi lễ?” Sau một hồi yên lặng, có em học sinh nói, “Xin Mục sư nói một điều gì đó tốt đẹp.” Vì sao vậy? Các em đã quá chán ngán với những tin về chiến tranh, bạo động, trộm cướp . . .” Các em muốn nghe một điều gì tốt đẹp.
Giê-rê-mi muốn nói với người Giu-đa một điều gì đó tốt đẹp. Chính ông đã thưa với Chúa rằng, “Sao Chúa bảo con nói với họ toàn những gì là hoạn nạn, tai ương. Con muốn nói với họ những gì tốt đẹp.” Nhưng ông không thể nói với họ một tin vui nào vì không có một tin vui nào dành cho họ cả. Chỉ có một sứ điệp hy vọng mà ông muốn nhắn nhủ qua chiếc bình được làm mới đó là, “Nếu các ngươi đầu hàng và chịu lưu đày sang Ba-by-lôn thì sau đó, các ngươi sẽ được trở về cố quốc và thành chiếc bình mới.” Đó là hy vọng và tin vui từ sứ điệp của Giê-rê-mi.
Khi Giê-rê-mi công bố sứ điệp hy vọng, giống như tiên tri Esai, ông hòa nhập với lời tiên tri về Đấng Mê-si. Nhiều lần ông nhìn xuyên qua biến cố hồi hương từ Ba-by-lôn và nói về sự hiện đến của Đấng Mê-si như là hy vọng cuối cùng không những cho người Giu-đa mà còn cho cả thế giới.
Sứ điệp của Giê-rê-mi là, “nhược bằng dân sự ta, là dân gọi bằng danh ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt ta, và trở lại, bỏ con đường tà, thì ta ở trên trời sẽ nghe, tha thứ tội chúng nó, và cứu xứ họ khỏi tai vạ”.
Nhưng khi thấy dân chúng khước từ thì Giê-rê-mi phải công bố rằng tai họa sẽ giáng xuống. Một số bài giảng của Giê-rê-mi dành cho những người sẽ bị lưu đày sang Ba-by-lôn. Đối với người Giu-đa, đây là một thảm họa, họ không có chút hy vọng gì hết nếu không có sứ điệp của Giê-rê-mi.
Giê-rê-mi 29:11–14 là lời của Chúa phán với dân Giu-đa khi họ bắt đầu bị lưu đày sang Ba-by-lôn.
11 Đức Giê-hô-va phán: Vì ta biết ý tưởng ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý tưởng bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy trong lúc cuối cùng của mình. 12 Bấy giờ các ngươi sẽ kêu cầu ta, sẽ đi và cầu nguyện ta, và ta sẽ nhậm lời. 13 Các ngươi sẽ tìm ta, và gặp được, khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng. 14 Đức Giê-hô-va phán: Ta sẽ cho các ngươi tìm được ta, và sẽ đem những phu tù các ngươi trở về. Đức Giê-hô-va phán: ta sẽ nhóm các ngươi lại từ mọi nước và mọi nơi mà ta đã đuổi các ngươi đến, và sẽ đem các ngươi về trong đất mà ta đã khiến các ngươi bị đày đi khỏi đó.
Thật là một sứ điệp đầy hy vọng và phước hạnh. Giê-rê-mi nói với họ vào những ngày đầu bị lưu đày rằng, “Đức Chúa Trời có một chương trình cho các ngươi, nó không nhằm hại ngươi. Vì như một người Cha yêu thương, Đức Chúa Trời sửa phạt ngươi, nhưng để đem lại điều tốt cho ngươi chớ không phải hại ngươi. Chúa muốn ban cho ngươi hy vọng và tương lai tươi sáng. Trong khi ở tại Ba-by-lôn, hãy kêu cầu Chúa, hãy tìm kiếm Chúa và tìm kiếm Ngài cách hết lòng. Và đây là điều Chúa hứa với các ngươi: Ngài sẽ nghe lời cầu nguyện của các ngươi và các ngươi sẽ tìm thấy mặt Ngài. Và điều hệ trọng là Ngài sẽ đem các ngươi về từ xứ lưu đày.”
Bài học dưỡng linh tại đây là gì? Có khi nào quí vị sống trong cảnh tù đày chưa? Chúng tôi không có ý nói đến ngục tù của chiến tranh nhưng là ngục tù theo ý nghĩa thuộc linh. Có lẽ chúng ta đã thực hiện những quyết định sai lầm. Vì những quyết định sai lầm nầy mà chúng ta gặt lấy hậu quả thật đau xót. Trong khi phải gánh chịu những thảm họa thì đây là vấn đề chúng ta cần phải suy nghĩ : Quí vị và tôi sẽ phản ứng như thế nào trước sự sửa phạt của Đức Chúa Trời? Có phải chúng ta giống như Đa-vít, biết đối phó cách khôn ngoan với những thất bại của mình không? Nhưng thế nào là đối phó cách khôn ngoan? Chúa Giê-xu dạy rằng, “Có hai ngôi nhà, bị mưa sa bão tố ập đến. Một cái thì bị sập, còn cái kia thì đứng vững. Ngôi nhà đứng vững là nhà có nền móng hẳn hoi. Còn ngôi nhà bị sập thì không có gì cả. Vậy nền móng ở đây là gì? Người nghe, hiểu Lời Chúa và áp dụng Lời Ngài vào đời sống giống như người chủ của ngôi nhà có nền móng. Khi mưa sa bão tố giáng xuống trên ngôi nhà người đó, họ chống trả bởi cái nền là Lời Đức Chúa Trời. Lời Chúa chỉ cho họ biết phải đối phó như thế nào. Lời Chúa chỉ cho họ biết phải đối phó như thế nào với bão tố.
Đây là những lời mà Giê-rê-mi viết cho những người Giu-đa khi họ bắt đầu bị lưu đày. Ông nói, “Các ngươi sẽ bị lưu đày, đây là điều không tránh khỏi được. Các ngươi không thể thay đổi được điều gì cả.” Khi nói tiên tri về sự lưu đày, Giê-rê-mi sẵn sàng chịu mọi bắt bớ, khổ nạn vì sứ điệp mình công bố. Ông tin nơi những gì ông nói ra vì những gì Chúa phán dạy ông là chân thật. Mọi lời Giê-rê-mi nói đều đã ứng nghiệm. Ông cũng mang cái ách vào lưng như người ta dùng ách để buộc vào con bò đi cày. Rồi Giê-rê-mi nói, “Theo chương trình của Đức Chúa Trời thì các ngươi sẽ phục vụ Nê-bu-cát-nết-sa trong 70 năm. Ba-by-lôn là một thế lực mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, và mọi quốc gia phải thuận phục Ba-by-lôn khi nó nắm quyền cai trị.” Các tiên tri giả không chịu được lời giảng của Giê-rê-mi, họ căm ghét ông. Một trong những người đó là Ha-na-nia, mang trong mình chiếc ách bị gãy, khi gặp Giê-rê-mi thì Ha-na-nia bẻ gãy hẳn cái ách mà nói rằng, “Chúa không có phán như vậy đâu. Cuộc lưu đày sẽ không kéo dài đến 70 năm. Đức Chúa Trời sẽ bẻ gãy cái ách của Nê-bu-cát-nết-sa trong hai năm, rồi các ngươi được trở về xứ mình.” Nghe những lời đó, Giê-rê-mi nói rằng, “Ha-na-nia, những gì ngươi nói không đến từ Chúa, nhưng đây là Lời của Ngài, “Ngươi sẽ bị chết trong năm nay” Hai tháng sau, Ha-na-nia qua đời. Bằng chứng của một tiên tri thật, như Giê-rê-mi chẳng hạn, là mọi điều họ nói đều được nghiệm đúng từng chi tiết.
Khi Giê-ru-sa-lem bị thất thủ, vua Sê-đê-kia sai người đến với Giê-rê-mi hai lần. Đây là một trong những phần thật lý thú. Giê-rê-mi đã chịu cảnh ngục tù vì những gì ông đã giảng ra. Nhưng ông là một tiên tri trung thực nên vua muốn nói chuyện với ông. Nhà vua sắp xếp để được gặp riêng vị tiên tri ngay thẳng, vua hỏi. “Chúa có phán với ngươi những điều gì nữa không?” Giê-rê-mi trả lời, “Tôi đã nói với vua Lời Đức Chúa Trời, hãy buông vũ khí và đầu hàng.” Giê-rê-mi không hề thay đổi sứ điệp của ông để làm vừa lòng người nghe. Giê-rê-mi hỏi Sê-đê-kia, “Các tiên tri giả, những người nói rằng Nê-bu-cát-nết-sa sẽ không trở lại, bây giờ họ đi đâu cả rồi? Các tiên tri giả, những người cho rằng tôi nói điều xằng bậy, bây giờ họ đi đâu rồi? Những gì Giê-rê-mi nói trước đã được nghiệm đúng. Vì lý do đó mà chúng ta có sách Giê-rê-mi trong Kinh thánh. Vì lý do đó mà Giê-rê-mi được xem là tiên tri chân chính. Mặc dầu ông phải chịu đau khổ không sao xiết tả vì những gì ông đã công bố, nhưng cuối cùng mọi điều đó đã trở thành hiện thực.
Khi đọc sách tiên tri Giê-rê-mi, xin chúng ta hãy suy gẫm về sứ điệp của cơn đoán phạt giáng trên người Giu-đa. Nhưng đừng bỏ qua sứ điệp hy vọng. Hãy áp dụng cả hai sứ điệp nầy vào đời sống chúng ta. Khi Đức Chúa Trời sửa phạt chúng ta, Ngài biết Ngài đang làm gì, Ngài có một chương trình cho chúng ta, đây không phải là một chương trình làm hại chúng ta nhưng làm lợi cho chúng ta về phương diện thuộc linh. Ngài muốn ban cho chúng ta hy vọng và tương lai tốt đẹp. Điều quan trọng là chúng ta sẽ phản ứng như thế nào trước cơn đoán phạt của Đức Chúa Trời? Thái độ đáp ứng đúng đắn sẽ mở đường để Đức Chúa Trời đem chúng ta ra khỏi biện pháp sửa phạt và làm mới lại chúng ta. Hãy đầu hàng Chúa hôm nay trong khi còn thời gian. Chúa có chương trình cho quí vị, đó là một chương trình tốt đẹp và tươi sáng.