Bài 124 – Ê-sai: Vị Tiên Tri Được Kêu Gọi Và Sai Phái (tt)

4982

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Ê-sai là sách dài nhất trong các sách tiên tri, được chia làm hai phần chính giống như Kinh Thánh. Phần chính thứ nhất từ chương 1 đến 39 lại được chia làm hai phần. Ba mươi lăm chương đầu là lời công bố về cơn đoán phạt của Đức Chúa Trời. Từ chương 36 đến 39 là lời tiên báo đã trở thành hiện thực, đó là người A-si-ri thật sự xâm lăng Y-sơ-ra-ên. Phần chính thứ hai từ chương 40 đến 66, phần nầy cũng được chia ra những phần nhỏ. Từ chương 40 đến 48 là phần tiên tri lạ lùng về Si-ru đại đế. Chương 49 đến 57 là sự hiện đến lần thứ nhất và thập tự giá của Chúa Giê-xu. Chương 58 đến 66 tập trung vào biến cố tái lâm hay là lần hiện đến thứ hai của Chúa Giê-xu. Dẫu vậy có vài cách khác nhau để phân chia bố cục sách Ê-sai.

Khi đọc những sách dài như Ê-sai, chúng ta cần rút ra các bài học dưỡng linh từ một số đoạn nhất định, vì đây chỉ là chương trình lược khảo nên chúng ta không thể đi sâu vào chi tiết. Chúng ta sẽ tập trung vào các chương 5, 6, 11, 40, 53, 55 và 61. Đây là những chương thật sâu nhiệm của sách Ê-sai. Điều cần lưu ý là những bài giảng của Ê-sai không được sắp xếp theo thứ tự thời gian. Một số bài giảng trước được xếp vào phần cuối của sách và ngược lại một số bài giảng sau được xếp vào phần đầu của sách vì chúng không theo thứ tự thời gian.

Chúng ta sẽ cùng nhau xem hai phân đoạn để làm quen với con người Ê-sai cũng như với chức vụ và sứ điệp của ông. Phân đoạn thứ nhất là chương 6, đây là chương nói về việc Chúa kêu gọi và sai phái Ê-sai. Nó cũng cho biết kinh nghiệm ăn năn của ông như thế nào. Những người Chúa dùng trong Kinh Thánh đều có những kinh nghiệm thuộc linh cá nhân. Về chi tiết thì kinh nghiệm của mỗi người mỗi khác, nhưng kết quả thì luôn luôn giống nhau.

Trước khi làm công việc Chúa thì họ phải có kinh nghiệm với Chúa. Người thờ phượng Chúa nhiệt thành là người phục vụ Chúa kết quả. Chương 6 ghi lại kinh nghiệm gặp Chúa của Ê-sai.

1 Về năm vua Ô-xia băng, tôi thấy Chúa ngồi trên ngôi cao sang, vạt áo của Ngài đầy dẫy đền thờ. 2 Những sê-ra-phim đứng bên trên Ngài; mỗi sê-ra-phim có sáu cánh, hai cái che mặt, hai cái che chân và hai cái dùng để bay. 3 Các sê-ra-phim cùng nhau kêu lên rằng: Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn quân! Khắp đất đầy dẫy sự vinh hiển Ngài! 4 Nhân tiếng kêu đó, các nền ngạch cửa rúng động, và đền đầy những khói. 
5 Bấy giờ tôi nói: Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giê-hô-va vạn quân! 6 Bấy giờ một sê-ra-phim bay đến tôi, tay cầm than lửa đỏ mà đã dùng kềm gắp nơi bàn thờ, 7 để trên miệng ta, mà nói rằng:Nầy, cái nầy đã chạm đến môi ngươi; lỗi ngươi được bỏ rồi, tội ngươi được tha rồi.
8 Đoạn, tôi nghe tiếng Chúa phán rằng: Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta? Tôi thưa rằng:Có tôi đây; xin hãy sai tôi. 9 Ngài phán: Đi đi! nói với dân nầy rằng: Các ngươi hãy nghe, nhưng chẳng hiểu chi; hãy xem, nhưng chẳng thấy chi. 10 Hãy làm cho dân ấy béo lòng, nặng tai, nhắm mắt, e rằng mắt nó thấy được, tai nó nghe được, lòng nó hiểu được, nó trở lại và được chữa lành chăng!
11 Tôi lại nói: Lạy Chúa, cho đến chừng nào? Ngài đáp rằng: Cho đến chừng các thành bị hoang vu, không có dân ở, nhà không có người, và đất đã nên hoang vu cả; 12 cho đến chừng Đức Giê-hô-va dời dân đi xa, và trong xứ rất là tiêu điều. 13 Giả sử còn lại một phần mười dân cư tại đó, họ sẽ lại bị thiêu nuốt. Nhưng, như khi người ta hạ cây thông cây dẻ, chừa gốc nó lại, thì cũng vậy, giống thánh là gốc của nó.

Lời Chúa phán rằng, “Tội lỗi ngươi đã được tha, ngươi được kể là vô tội.” Nhưng kinh nghiệm gặp Chúa của Ê-sai không giới hạn ở chỗ ăn năn và được tha tội, mà còn là sự kêu gọi vào chức vụ hầu việc Chúa. Những người đã gặp Chúa thì cũng được Chúa sai đi. Nói cách khác những người thật lòng đến với Chúa thì cũng sẵn sàng ra đi cho Chúa. Đây là kinh nghiệm của Ê-sai, ông đã đến với Chúa, được gặp Chúa thì Ngài đã phán rằng “Ta sẽ sai ai đi, ai sẽ đi cho chúng ta?” Ê-sai đáp ứng bằng quyết tâm, “Có con đây, xin hãy sai con.” Đây là nguyên tắc rất phổ thông trong Kinh Thánh, những người thật lòng đến với Chúa đều sẵn sàng ra đi vì Chúa.

Một trong những tiên tri trung thực với chính mình là Giô-na. Chúa sai ông đến Ni-ni-ve là thủ đô của A-si-ri. Nhưng A-si-ri là kẻ thù của người Y-sơ-ra-ên nên Giô-na căm ghét và không chịu đến thành Ni-ni-ve. Dẫu vậy Giô-na trung thực với chính mình, ông thưa với Chúa rằng, “Con không đến đó đâu,” rồi ông chạy trốn Chúa vì ông lý luận rằng, “Nếu đến với Chúa thì Ngài sẽ sai ta đi rao giảng tại Ni-ni-ve, do đó trốn khỏi mặt Chúa để không phải bận tâm đến Ni-ni-ve nữa.”

Khi đọc Cựu ước chúng ta sẽ thấy những người gặp Chúa cũng là những người ra đi cho Chúa. Vấn đề quan trọng là kết quả của kinh nghiệm họ gặp Chúa chớ không phải chi tiết của những kinh nghiệm đó. Các chi tiết của kinh nghiệm thường thay đổi, chẳng hạn Gia-cốp vật lộn với thiên sứ, Môi-se nói chuyện với Đức Chúa Trời tại bụi gai cháy, Gióp gặp Đức Chúa Trời trong cơn gió lốc. Các chi tiết nầy đều khác nhau. Riêng Ê-sai thì ông gặp Chúa trong khi đang thờ phượng Ngài tại đền thờ. Có cơn chấn động tại đền thờ, đền đầy những khói, Ê-sai đã thấy Đức Chúa Trời và ông nói, “Mắt tôi đã thấy Vua.” Kinh nghiệm của Ê-sai khác với kinh nghiệm của những người khác, nhưng kết quả rất giống nhau. Khi những người nầy nhận được khải tượng từ Đức Chúa Trời thì họ nói rằng, “Tôi đã thấy Chúa.” Họ không đủ lời để diễn tả sự thánh khiết và oai nghi của Ngài. Và họ cũng không đủ lời để nói lên tình trạng tội lỗi của mình. Chúa đã phán với họ rằng, “Hãy nhìn vào chính đời sống của con.” sau đó Ngài phán là “Hãy nhìn lên Ta,” rồi cuối cùng Chúa bảo họ, “Hãy nhìn đến những người chung quanh và đi ra.” Những người gặp Chúa đều trải qua những bước như vậy. Cho dầu kinh nghiệm gặp Chúa có khác nhau về chi tiết, nhưng kết quả là họ nhìn vào mình, nhìn lên Chúa và nhìn ra người khác. Họ có cái nhìn mới về chính mình, có khải tượng về Đức Chúa Trời và khải tượng từ Đức Chúa Trời về thế giới chung quanh.

Khi họ nhìn vào chính mình, họ đều có một nhận định giống nhau. Trước khi thấy con người thật của mình Gióp đã nói rằng, “Tôi là người công bình” Nhưng đến khi Chúa bảo ông hãy nhìn vào con người của ông thì Gióp thú nhận rằng, “Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, Nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài: Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi, Và ăn năn trong tro bụi.”

Điều lý thú là Ê-sai cũng nói giống vậy, “Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giê-hô-va vạn quân!”

Gióp và Ê-sai đều có nhận định giống nhau về chính mình. Tại sao họ đều nhận thấy tình trạng tội lỗi ghê tởm của mình? Tại sao họ nhận thấy Đức Chúa Trời vô cùng thánh khiết đến nỗi không đủ lời để mô tả?

Kinh nghiệm gặp Chúa của Ê-sai gồm các bước như sau. Khi thấy Chúa vinh hiển thì ông đã thú tội rằng, “Tôi là người có môi dơ dáy.” Rồi ông nhận được sự thanh tẩy. Chúa phán với ông rằng, “Tội lỗi ngươi đã được tha.” Đây là kết quả của việc xưng nhận tội lỗi. Khi tội lỗi đã được tha thì ông nghe được tiếng kêu gọi, “Ta sẽ sai ai đi, ai sẽ đi cho chúng ta?” Trước sự kêu gọi của Chúa thì Ê-sai đã đáp ứng, “Lạy Chúa, có con đây, xin hãy sai con.” Chúa bèn sai phái ông rằng, “Hãy đi nói với dân ta.” Mặc dầu là một người rao truyền Lời Chúa đầy ơn, nhưng Chúa giải thích cho Ê-sai rằng, “Ê-sai, sứ điệp của con sẽ không được hoan nghinh. Dân chúng sẽ không nghe lời con nói. Mục đích của con khi ra đi không phải là để họ được biến cải. Họ sẽ không chịu thay đổi vì họ có quyền tự do lựa chọn, và họ lựa chọn để lìa bỏ ta. Nhưng dầu vậy, Ta vẫn sai con đi vì ta muốn họ nghe sứ điệp của ta.” Chức vụ rao giảng Lời Chúa thật khó khăn, và nếu rao giảng mà không có người nghe thì sẽ khó đến mức nào. Đây chính là thách thức trong chức vụ của Ê-sai.

Có một số các bác sĩ làm giáo sĩ tại Pakistan. Họ đã hầu việc Chúa tại đó suốt 25 năm mà không thấy một người nào đến với Chúa. Họ khám và chữa bệnh miễn phí cho những người hồi giáo tại đây. Mỗi sáng họ mở cửa đón nhận hàng trăm bệnh nhân. Các bác sĩ cho biết những gì họ làm là vì tình yêu của Chúa. Dẫu vậy suốt 25 năm, không một người ăn năn. Trong khi dùng trà với nhau một người trong họ hỏi vị Mục sư, “Thưa Mục sư, ông nghĩ rằng chúng tôi có nên giũ bụi và đi một nơi khác không? Khi nào thì chúng tôi có thể làm như vậy.” Vị Mục sư trả lời, “Tôi không có thẩm quyền trả lời cho câu hỏi nầy. Chỉ có một người có quyền trả lời đó là Đấng đã sai phái anh em đến đây.” Chúng ta không thể dựa vào điều được gọi là “kết quả” hay “thành công” để thẩm định về việc Chúa sai phái chúng ta.” Phần nhiều những tiên tri vĩ đại của Đức Chúa Trời đều không được lắng nghe. Họ bị nhạo cười, bị bỏ tù thậm chí bị giết chết. Chúng ta rất xúc động về những gì xảy ra cho tiên tri Giê-rê-mi.

Khi nghe nói rằng dân chúng sẽ không nghe sứ điệp của ông thì Ê-sai đã hỏi Chúa rằng, “Thưa Chúa, bao lâu? Họ sẽ không nghe cho đến bao lâu?” Ê-sai không nói rằng, “Nếu họ không nghe thì Chúa sai con đi làm gì?” Chắc đây là điều mà chúng ta sẽ thưa với Chúa hôm nay. Nhưng Ê-sai chỉ hỏi Chúa rằng, “Bao lâu thì họ mới mở lòng để nghe sứ điệp của Ngài.” Chúa trả lời, “Cho đến khi họ bị tiêu diệt hoặc bị đày đi làm nô lệ và quốc gia họ bị phá hủy điêu tàn.”

Thái độ thuận phục của Ê-sai đáng làm gương cho chúng ta. Thái độ tận hiến của họ là bài giảng hùng hồn nhất. Họ lập một giao ước với Đức Chúa Trời. Chúa sai họ đi và họ vâng lời ra đi. Khi ra đi, điều quan trọng là họ trung thành đối với Đức Chúa Trời và làm những gì Chúa bảo họ làm.

Điều chúng ta gọi là kết quả thuộc về phần của Đức Chúa Trời. Phần của chúng ta là làm những gì Chúa kêu gọi và ủy nhiệm chúng ta. Kết quả của những gì chúng ta làm thuộc về Chúa. Khi rao giảng Tin lành và chia sẻ Lời Chúa thì xin nhớ rằng chỉ có Thánh linh của Đức Chúa Trời mới đem lại kết quả. Chúng ta không thể làm được gì hết. Kết quả đến từ Chúa. Trách nhiệm của chúng ta là làm những gì Chúa bảo chúng ta làm. Nếu Chúa kêu gọi và ủy nhiệm chúng ta làm một điều gì đó, chúng ta nên tận tụy với sự kêu gọi của Ngài. Kết quả của những gì chúng ta làm thuộc về Chúa. Nó ở trong tay của Ngài. Trung tín là việc của chúng ta, kết quả là việc của Đức Chúa Trời.

Chúng ta đã khảo sát về vị tiên tri đầu tiên là Ê-sai cùng với kinh nghiệm gặp Chúa và được biến cải của ông. Ê-sai đã được Chúa kêu gọi và sai phái để làm tiên tri cho Ngài. Ông đã đáp ứng với cả tấm lòng thuận phục. Đó là khởi điểm của vị tiên tri vĩ đại nầy. Ê-sai đã có một chức vụ thật vĩ đại trong suốt 50 hay có lẽ 60 năm. Ông là người đã được Chúa đại dụng. Ê-sai đã công bố những lời tiên tri vô cùng quan trọng, và nó được ghi lại qua cuốn sách mang tên ông. Cuộc đời của Chúa Giê-xu có thể được nhìn thấy qua những lời tiên tri về Đấng Mê-si trong sách của ông. Chúng ta sẽ được phước nhiều khi đọc sách tiên tri nầy.

 

Bài trước Sống Cùng Sự Sáng
Bài tiếp theoChúa Đáng Kính Sợ – 29/9/2020