- DẪN NHẬP:
Trong giai đoạn Hậu Lưu đày, Kinh Thánh có những sách ngắn nhưng thật ý nghĩa và rất khích lệ, không chỉ cho dân tộc Israel trong một giai đoạn của lịch sử hồi hương, nhưng cũng thật ý nghĩa cho tất cả con dân Chúa trong đời sống đức tin và sự hầu việc Đức Chúa Trời trong Hội Thánh ngày nay.
Kính mời quý độc giả cùng tôi nghiên cứu sách Ê-xơ-tê, dù xuyên suốt sách không một lần đề cập đến danh của Đức Giê-hô-va, nhưng chúng ta sẽ thấy rất rõ bàn tay của Chúa hằng giơ ra để bảo vệ dân sự của Ngài dù trong hoàn cảnh cấp thiết và khốc liệt nhất.
- KHÁI LƯỢC LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN HẬU LƯU ĐÀY:
Dựa trên sơ đồ thời gian ở trên, chúng ta sẽ khái lược lại lịch sử giai đoạn Hậu Lưu đày:
- Sau khi Bên-xát-xa lên ngôi, ông ta đã đem những khí cụ của đền thờ Giê-ru-sa-lem mà vua cha là Nê-bu-cát-nết-sa đã chiếm dụng để làm đồ uống rượu và xúc phạm đến Đức Chúa Trời của dân Giu-đa, nên chính bàn tay của Chúa đã viết dòng chữ MÊ-NÊ, MÊ-NÊ, TÊ-KEN, U-PHÁC-SIN, nghĩa là: Đức Chúa Trời đã đếm, đã cân nước của Bên-xát-xa, thấy nó kém thiếu, và Ba-by-lôn phải đi đến điểm cuối cùng. Thật vậy, ngay đêm hôm đó, Bên-xát-xa bị giết, và Ba-by-lôn rơi vào tay người Mê-đi_ Ba-tư (Đa-ni-ên 5:25-31)
- Hai dân tộc Mê-đi và Ba-tư (Phe-rơ-rơ) do Đa-ri-út và Si-ru lãnh đạo đã sáp nhập, và Đa-ri-út đồng cai trị với Vua Si-ru năm 539 TC. Cả hai vị vua này đã có một cảm tình đặc biệt với người Do Thái, và chính Kinh Thánh đã gọi Si-ru là tôi tớ của Đức Giê-hô-va (Ê-sai 45:1). Chính Đa-ri-út đã giải cứu Đa-ni-ên trong hang sư tử, và Si-ru đã ra chiếu chỉ cho dân Giu-đa được trở về để xây dựng lại đền thờ.
- Người Giu-đa dưới sự lãnh đạo của Xô-rô-ba-bên đã trở về xây dựng lại đền thờ Giê-ru-sa-lem sau 70 năm lưu đày. Tuy nhiên, khi họ trở về, họ lại không thật sự rắp lòng để xây dựng nhà của Chúa, cho nên công việc đã bị đình trên 16 năm. Giai đoạn này, Đức Chúa Trời đã dấy A-ghê và Xa-cha-ri lên để nói tiên tri, khích lệ và kêu goi dân Chúa hãy hết lòng xây dựng đền thờ, và cuối cùng dân Chúa đã đáp ứng tích cực, họ hoàn tất đền thờ Giê-ru-sa-lem và khánh thành vào năm 516 TC.
- Khoảng 60 năm sau, dưới đời vua Ạt-ta-xét-xe (465-425 TC), ông đã cho phép thầy dạy luật E-xơ-ra trở về để dạy đạo và chấn chỉnh lại nền đạo đức và niềm tin tôn giáo Giu-đa (456 TC), và hơn mươi năm sau, Nê-hê-mi được Ạt-ta-xét-xe ban chiếu chỉ để trở về trùng tu lại vách tường thành Giê-ru-sa-lem (444 TC).
- Câu chuyện của hoàng hậu Ê-xơ-tê xảy ra dưới triều đại của A-suê-ru hay còn có danh hiệu Xẹt-xe (486-465 TC). Như vậy, câu chuyện về Ê-xơ-tê đứng trước những biến cố của E-xơ-ra và Nê-hê-mi.
- Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau nghiên cứu những bài học ngắn trong sách Ê-xơ-tê, để chúng ta hiểu được một phần đời sống dân sự của Chúa trong bối cảnh Hậu Lưu đày, và chúng ta càng thêm tin cậy vào quyền năng của Đức Chúa Trời, Đấng cầm nắm cả lịch sử trong tay Ngài. Thật như Ngài phán: “Lòng của vua ở trong tay Đức Giê-hô-va khác nào dòng nước chảy; Ngài làm nghiêng lệch nó bề nào tùy ý Ngài muốn” (Châm Ngôn 21:1).
MS Nguyễn Tấn Lộ