Ảnh hưởng triệt để của sự Phục sinh

1746
Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Đấng Christ về đời nầy mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết… Lại sao chính mình chúng tôi giờ nào cũng ở trong sự nguy hiểm? Hỡi anh em, tôi chết hằng ngày, thật cũng như anh em là sự vinh hiển cho tôi trong Đức Chúa Giê-xu Christ, là Chúa chúng ta. Nếu tôi theo cách loài người mà đã đánh cùng các loài thú ở thành Ê-phê-sô, thì có ích gì cho tôi? Nếu kẻ chết chẳng sống lại, thì hãy ăn, hãy uống, vì ngày mai chúng ta sẽ chết!… Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ.” (1 Cô-rinh-tô 15:19, 30-32, 20).

Phao-lô suy nghĩ liệu ông sẽ đánh giá cuộc đời mình như thế nào nếu không có sự Phục sinh. Ông nói rằng khi đó tình cảnh thật sự lố bịch, đáng kinh. Sự Phục sinh hướng dẫn và ban năng lực để Phao-lô có thể làm những việc mà nếu không có hy vọng Phục sinh thì đó sẽ là những điều ngớ ngẫn.

Chẳng hạn, Phao-lô nhìn vào tất cả những nguy hiểm mà ông sẵn sàng đối mặt. Ông có thể liệt kê chúng trong hàng giờ liền:

Lại nhiều lần tôi đi đường, nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với anh em giả dối” (2 Cô-rinh-tô 11:26)

Sau đó, ông xem xét đến mức độ của sự từ bỏ chính mình và nói: “tôi chết hằng ngày“. Kinh nghiệm này của Phao-lô chính là những gì mà Chúa Giê-xu phán dạy trong Lu-ca 9:23 “Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta.” Tức là có những thú vui mà Phao-lô phải làm chết đi mỗi ngày. Không có ngày nào mà ông không làm chết đi những tham dục nào đó.

Tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn, tù rạc nhiều hơn, đòn vọt quá chừng. Đòi phen tôi gần phải bị chết; năm lần bị người Giu-đa đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm. . . chịu khó chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói khát, thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ. Còn chưa kể mọi sự khác, là mỗi ngày tôi phải lo lắng về hết thảy các Hội Thánh. (2 Cô-rinh-tô 11: 23b-25, 27-28)


Sau đó, ông nhớ lại rằng ông “
đã đánh cùng các loài thú ở thành Ê-phê-sô“. Chúng ta không biết Phao-lô đang nói đến điều gì ở đây. Có một vài người chống đối Phúc Âm được gọi là con thú trong 2 Phi-e-rơ 2:12 và Giu-đe 10. Cho dù là gì đi nữa thì Phao-lô cũng rất phiền lòng.

Vả, hỡi anh em, chúng tôi không muốn để anh em chẳng biết sự khốn nạn đã xảy đến cho chúng tôi trong xứ A-si, và chúng tôi đã bị đè nén quá chừng, quá sức mình, đến nỗi mất lòng trông cậy giữ sự sống” (2 Cô-rinh-tô 1:8)

Vì vậy, Phao-lô kết luận từ sự nguy hiểm liên tục, sự chết đi mỗi ngày và sự chiến đấu của ông với những con thú rằng: một người chọn đi theo Chúa sẽ là ngu dại và đáng thương nếu người đó sẽ không sống lại từ cõi chết. “Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Đấng Christ về đời nầy mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết”. Nói cách khác, chỉ có sự Phục sinh, được sống lại với Chúa Giê-xu và niềm vui của cõi đời đời mới có thể giải thích cho những đau khổ mà người theo Chúa chấp nhận.

Phao-lô nói rằng nếu chết là hết thì, “hãy ăn, hãy uống, vì ngày mai chúng ta sẽ chết!” (1 Cô-rinh-tô 15:32b). Không phải Phao-lô nói là tất cả hãy trở thành những kẻ tham ăn, mê uống vì những kẻ đó thật đáng thương cho dù có hay không có sự sống lại. Nhưng ý của ông muốn nói là nếu không có sự sống lại, thì điều dễ hiểu là hãy tận hưởng tối đa những thú vui của trần gian này.

Nhưng đó không phải là những gì Phao-lô chọn. Ông chọn chịu khổi bởi vì ông chọn vâng lời. Khi ông quy đạo, A-na-nia đem đến Lời Chúa cho Phao-lô rằng, “Ta lại sẽ cho người ấy biết phải chịu khổ vì danh Ta đến mực nào.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:16 – TTHĐ). Ông chấp nhận điều này như là một phần trong sự kêu gọi của mình. Ông biết chắc chắn mình phải chịu khổ.

Làm thế nào Phao-lô có thể làm điều đó? Nguồn gốc của sự vâng lời triệt để này là gì? Câu trả lời được đưa ra trong 1 Cô-rinh-tô 15:20: “Nhưng bây giờ, Ðấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ“. Nói cách khác, Đấng Christ đã sống lại và tôi cũng sẽ sống lại với Ngài. Vì vậy, “công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu” (1 Cô-rinh-tô 15:58b).

Niềm hy vọng Phục sinh hoàn toàn thay đổi cách sống của Phao-lô. Nó giải phóng ông khỏi chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa hưởng thụ. Nó cho ông năng quyền để bước đi mà không màng đến những thứ nhiều người cảm thấy họ buộc phải có trong cuộc sống này. Chẳng hạn, mặc dù ông có quyền kết hôn (1 Cô-rinh-tô 9:5), ông đã từ bỏ niềm vui đó bởi vì ông được kêu gọi để chịu nhiều đau khổ. Ông làm điều này vì cớ sự Phục sinh.

Đây là cách mà Chúa Giê-xu nói về hy vọng sống lại thay đổi hành vi của chúng ta. Chẳng hạn, Ngài nói chúng ta hãy mời những người không thể trả lại cho chúng ta trong đời này, hãy mời họ vào nhà. Điều gì cảm thúc chúng ta làm điều này? “Đến kỳ kẻ công bình sống lại, ngươi sẽ được trả.” (Lu-ca 14:14).

Đây là một lời kêu gọi căn bản để chúng ta nhìn kỹ vào cuộc sống hiện tại, xem thử chúng ta có đang sống đúng theo nhận thức của hy vọng Phục sinh hay không. Chúng ta có đưa ra những quyết định dựa trên căn bản về những gì chúng ta sẽ đạt được trong đời này hay trong đời sau? Chúng ta có chấp nhận rủi ro vì cớ tình yêu mà chỉ có sự Phục sinh mới có thể giải thích được.

Chúng ta có buồn phiền khi thân thể chúng ta trở nên già cỗi theo tuổi tác, khi chúng ta phải đối diện với thực tế là có những thứ chúng ta không bao giờ có thể làm được nữa. Hay là chúng ta nhìn vào sự Phục sinh và vững lòng.

Vậy nên chúng ta chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn” (2 Cô-rinh-tô 4:16)

Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ tái kết ước đời sống tận hiến trong mùa Phục sinh này, để cho sự Phục sinh bày tỏ những tác động triệt để của nó trên cả cuộc đời chúng ta.

Mục sư John Piper
Hồng Nhung dịch
Nguồn: Desiring God Foundation

Bài trướcSống cho Chúa Phục Sinh – 21/4/2019
Bài tiếp theoTôi Biện Luận Cùng Ngài – 22/4/2019