Sống cho Chúa Phục Sinh – 21/4/2019

3507

 

Rô-ma 6:4-11

4 Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp-têm trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy. 5 Vì nếu chúng ta làm một cùng Ngài bởi sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ làm một cùng Ngài bởi sự sống lại giống nhau: 6 Vì biết rõ rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài, hầu cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không phục dưới tội lỗi nữa. 7 Vì ai đã chết thì được thoát khỏi tội lỗi. 8 Vả, nếu chúng ta đã cùng chết với Đấng Christ, thì chúng ta tin rằng mình cũng sẽ cùng sống với Ngài, 9 bởi biết rằng Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, thì chẳng chết nữa; sự chết không còn cai trị trên Ngài. 10 Vì nếu Ngài đã chết, ấy là chết cho tội lỗi một lần đủ cả; nhưng hiện nay Ngài sống, ấy là sống cho Đức Chúa Trời. 11 Vậy anh em cũng hãy coi mình như chết về tội lỗi và như sống cho Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ. 

Câu gốc: “Vậy anh em cũng hãy coi mình như chết về tội lỗi và như sống cho Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ” (câu 11).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô giải thích việc một Cơ Đốc nhân đồng chết và đồng sống lại với Đấng Christ thế nào? Ông khẳng định sự phục sinh của Chúa ra sao? Ông khuyên chúng ta nên sống thế nào?

Mỗi Cơ Đốc nhân sau khi nhận biết rõ ý nghĩa của Thánh lễ Báp-têm thì đều muốn nhận thánh lễ ấy để tuyên xưng đức tin là mình đồng chết và đồng sống lại với Đấng Christ. Sứ đồ Phao-lô giải thích rất rõ ý nghĩa sự chết và sự sống lại của Đấng Christ, và cho biết chúng ta cũng phải đồng chết con người cũ và sống lại bằng con người mới với Ngài. Khi chúng ta tin vào sự chết chuộc tội của Chúa Giê-xu trên thập tự giá thì chúng ta cũng phải sẵn sàng “đóng đinh” con người cũ của mình, để cho “thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không phục dưới tội lỗi nữa” (câu 6). Và khi tin vào sự sống lại của Chúa Giê-xu thì chúng ta cũng phải cùng sống với Ngài bằng một đời sống mới, thuận phục sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh.

Chúa Giê-xu đã sống lại, đắc thắng sự chết như Sứ đồ Phao-lô khẳng định “sự chết không còn cai trị trên Ngài” (câu 9). Vậy khi chúng ta tin nhận Ngài thì chúng ta sẽ cùng sống với Ngài trong sự đắc thắng. Chúa đã sống lại để ban cho chúng ta sự sống và là một sự sống đắc thắng. Do đó, mỗi khi dự lễ kỷ niệm Chúa Giê-xu Phục Sinh, mỗi con dân Chúa phải nhớ rằng chúng ta đang sống với Đấng đắc thắng nên phải sống một cuộc đời đắc thắng cho Ngài. Chúng ta phải tin vào quyền năng của Chúa Phục Sinh để cuộc sống chúng ta công bố quyền năng đó.

Khi còn sống trong thân xác hay hư nát này thì chắc chắn chúng ta sẽ đối diện với bệnh tật, đau yếu, nhưng chúng ta có quyền năng của Chúa Phục sinh ở trong mình, cho nên chúng ta phải thể hiện một nếp sống đắc thắng. Điều đó có nghĩa là chúng ta không để những nan đề, bệnh tật, hay nghịch cảnh làm mình ngã quỵ, nản lòng, nhưng phải giữ tinh thần lạc quan và bình an của một người đang sống trong quyền năng đắc thắng của Chúa Phục Sinh. Cứu Chúa Giê-xu của chúng ta chỉ chết một lần đủ cả để chuộc tội cho toàn nhân loại, và Ngài đã phục sinh cách khải hoàn, hiện nay Ngài đang sống để ban năng quyền sự sống cho những ai tin nhận Ngài.

Nhớ lời khuyên dạy của Sứ đồ Phao-lô trong câu 11, “hãy coi mình như chết về tội lỗi và như sống cho Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ,” mỗi chúng ta phải mạnh mẽ tuyên bố như ông đã từng tuyên bố rằng: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi” (Ga-la-ti 2:20a).

Bạn có đang sống trong năng quyền phục sinh của Chúa Giê-xu không?

Lạy Chúa Giê-xu Phục Sinh, tạ ơn Chúa vì con đang sống với Đấng Sống. Xin giúp con kinh nghiệm được quyền năng phục sinh của Ngài để con sống một cuộc đời đắc thắng cho Chúa.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Các Vua 14.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

 

Bài trướcUy Quyền Chúa Phục Sinh
Bài tiếp theoẢnh hưởng triệt để của sự Phục sinh