“Có Giê-xu Thì Hơn” – Ánh Sáng Đức Tin Nơi Thâm Sơn Cùng Cốc

3184

HTTLVN.ORG – Đến với mảnh đất đầy nắng và gió ở Tây Nguyên, nơi mà người ta chỉ biết đến “Vịnh Hạ Long” trên núi, với những con đường dát nhựa thẳng tắp chạy quanh đồi, ở đó vẫn có còn nơi hoang vu hẻo lánh, mà muốn đến được phải trải qua con đường mà có khi người ta thầm nghĩ “vẫn còn những con đường như vậy sao?” Và trên những con đường đó, đức tin nơi Đức Chúa Trời được thể hiện rõ nét nhất, không ồn ào, không khoe khoang, chỉ có đức tin đơn sơ và tấm lòng trung tín lặng lẽ của những con người H’Mông, “thà có Giê-xu thì hơn”.

TÂY SƠN – NƠI THÂM SƠN CÙNG CỐC

Trong 2 ngày 19-20/02/2022, Ban Thanh niên HTTL Tô Hiến Thành (TP. Hồ Chí Minh) đã có chuyến thăm và tặng quà cho các em thiếu nhi người H’Mông tại Điểm Nhóm Tây Sơn 1, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Sau hơn 6 tiếng đi từ Sài Gòn, chúng tôi đã đến được Thôn 1, xã Đắk Som nơi các anh em nhân sự ở Điểm Nhóm đã chờ từ đêm hôm trước để đón chúng tôi “vào làng” bằng một phương tiện duy nhất có thể đi được – xe máy. Chúng tôi đã được cảnh báo trước và gửi hình ảnh đường vào làng vô cùng nguy hiểm và khó đi, nhưng những thanh niên ở cái độ tuổi “tràn đầy năng lượng” không cho rằng chút bùn lầy đó có thể làm khó được mình. Cho đến khi chúng tôi đặt chân đến con đường ấy, con đường mòn đất đỏ trơn trượt dài hơn 20km với những đoạn dốc cao bên sườn đồi và bánh xe thì dường như chẳng bám được trên mặt đường được nữa. Đoạn đường nguy hiểm và khó đi hơn những gì chúng tôi hình dung nhiều lần. Chúng tôi chỉ còn biết bước đi và cầu nguyện xin Chúa giữ gìn. Sau hơn hai giờ đồng hồ “chiến đấu”, chúng tôi đã đến được làng với cơ thể rã rời và đầy bùn đất.

Đường vào Tây Sơn được người dân địa phương đánh giá là con đường khó đi nhất Đắk Nông

“ĐẶC SẢN” TÂY SƠN

Khi vừa vào đến làng, điều khiến chúng tôi chú ý nhất là những đứa trẻ ngây thơ, đang nô đùa với nhau trong bùn đất, chân tay lấm lem, nhưng bên trên là những gương mặt lộ rõ một nét cười trong trẻo. Ở cái nơi mà “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, các em “thiếu thốn” biết bao nhiêu điều, không có tivi (vì ở đây thậm chí còn chưa có điện), không có wifi để lướt (ngay cả sóng điện thoại cũng chưa), các em chọn cùng nhau đi chơi, cùng nhau khám phá cuộc sống, và chính chúng tôi cũng được cùng các em trải nghiệm cuộc sống đó.

Sinh hoạt trò chơi với các em

Buổi trưa, khi trời vẫn đang nắng gắt trong cái nắng Tây Nguyên cháy da cháy thịt, nhưng khi nghe nói “chiều nay sẽ được hát tôn vinh Chúa, được chơi với các anh chị”, các em đã háo hức chạy lên nhà thờ từ lúc trưa. Sự ngoan ngoãn và lòng nhiệt thành của các em khi được đến thờ phượng Chúa khiến chúng tôi quên đi những mệt mỏi của chặng đường khổ sở vừa rồi.

Sau giờ chơi, chúng tôi đã cùng nhau trao 180 phần quà cho các em, 5 thiết bị lọc nước cho Hội Thánh và một ít loại thuốc cơ bản. Nhìn những gương mặt đáng yêu của các em, chúng tôi cũng không biết người thiếu thốn là các em hay chính chúng tôi nữa!

Những phần quà được trao tặng đến các em

Trao 5 thiết bị lọc nước do UB. YTXH-TLH hỗ trợ. Vì chưa có điện nên không thể dùng giếng khoan, người dân nơi dây dẫn nước từ trên núi về để dùng, và hiện tại nguồn nước đang bị ô nhiễm.

TỪ NHỮNG KẺ BỊ BỎ RƠI ĐẾN NHỮNG NGƯỜI KHÍCH LỆ ĐỨC TIN

Buổi tối, khi có cơ hội được ngồi cùng thầy Giàng A Bi và anh Hầu Seo Lờ–một nhân sự ở Điểm Nhóm, chúng tôi được nghe những câu chuyện đức tin mà qua đó chúng tôi thấy mình nhỏ bé trong đức tin đến lạ.

Thì giờ tâm tình với những con cái Chúa tại Hội Thánh

Cách đó vài tiếng, chúng tôi còn “tập làm người tốt” khi suy nghĩ về việc lên một dự án mới để góp phần giúp các em nhỏ ở đây khi lớn lên sẽ thoát khỏi cái nơi “hang cùng, ngõ hẹp” này. Nhưng nào biết việc họ tới đây là một chọn lựa của người dân trong bản. Đặc biệt hơn khi họ chấp nhận từ bỏ nhiều thứ mình từng có như sự tiện nghi bên cạnh phố thị, từ bỏ những con đường bê-tông để vào đây–một nơi dường như bị thế giới lãng quên. Vậy lý do nào khiến họ đưa ra một sự đánh đổi lớn đến thế? Chỉ đơn giản một điều là “có Giê-xu thì hơn.”

Nhìn lại đời sống mình, chúng tôi thấy mình có cơ hội học lời Chúa nhiều lần mỗi tuần, với đủ các phương tiện hỗ trợ, còn người dân ở đây biết đến và tin Chúa chỉ qua một kênh radio, nhưng về việc thực hành những gì được nghe, được biết thì họ bỏ chúng tôi một khoảng khá xa. Hồi chưa có Kinh Thánh thì họ nghe giảng trên đài rồi nhẩm lại, đến khi có Kinh Thánh thì…họ không biết chữ. Vậy mà mỗi lần nghe giảng qua đài họ vẫn mở Kinh Thánh ra rồi đoán, đầu tiên là đoán chữ nào là danh Chúa Giê-xu, rồi suy ra cái chữ bên cạnh sẽ là chữ xyz mà mình vừa nghe. Bằng sự trung tín và ơn của Chúa, những cụ già trong Hội Thánh đã đọc Kinh Thánh và hát Thánh Ca “răm rắp.”

Khi ở thành phố, đôi khi Hội Thánh mở máy lạnh hơi lạnh chút xíu là chúng tôi bĩu môi, tỏ thái độ, còn Hội Thánh ở đây không dùng máy lạnh, họ dùng máy nổ. Vì không có điện nên các nhân sự của Điểm Nhóm phải chạy hơn 20km để trữ xăng chạy máy phát điện. Dàn âm thanh của Hội Thánh thì võn vẹn hai chiếc loa cũ, lâu lâu lại hú lên từng đợt. Dầu điều kiện thiếu thốn như vậy nhưng cũng không thể ngăn cản các tín hữu đến với Chúa. Mọi người có mặt sớm hơn 30 phút trước giờ nhóm, họ ăn mặc chỉnh tề để ra mắt Chúa, có khi đó chính là bộ đồ đẹp nhất mà họ có, họ dành điều tốt đẹp nhất cho Chúa. Và mỗi khi họ cất tiếng hát thờ phượng Chúa thì tiếng ồn ào của máy nổ hay tiếng hú của loa đều nép qua một bên.

Chúng tôi hay tự hỏi bản thân: “Hôm nay trời mưa, có nên đi nhóm không?” Nhưng khi tới đây chúng tôi thấy xấu hổ vì đã đặt câu hỏi đó.

Mục tiêu chúng tôi đến Tây Sơn là để trao tặng cho các em những món quà nhỏ nhằm chia sẻ yêu thương với các em. Nhưng sau tất cả, chúng tôi nhận ra mình đã được giúp đỡ và khích lệ hơn cả những điều mà chúng tôi có thể làm.

Nhân sự trong Hội Thánh giúp đưa chúng tôi ra ngoài

Chuyến đi này là bước khởi đầu cho dự án xây dựng các sân chơi cho trẻ em vùng cao mà nhóm Công Tác Xã Hội của Ban Thanh niên HTTL Tô Hiến Thành đang cưu mang.

Ban Thanh niên HTTL Tô Hiến Thành
Nhóm Công Tác Xã Hội

Bài trướcThơ: Cuộc Đời Thay Đổi Khi Gặp Chúa
Bài tiếp theoKevcai Tsa Povthawj (Feem 1) – 25/2/2022