Bài 21: Môi-Se Người Giải Phóng Dân Y-Sơ-Ra-Ên

4094

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Trong phần lược khảo Kinh Thánh, chúng ta đã học đến sách Xuất Ê-díp-tô ký. Chúng ta chú ý đến tuyển dân của Đức Chúa Trời. Đó là một dân tộc rất đặc biệt đã được khai sinh và phát triển thành một quốc gia; qua dân tộc nầy, Chúa đã giáng thế làm người. Một vấn đề khác cũng đã được khảo sát, đó là hoàn cảnh nô lệ của người Y-sơ-ra-ên tại xứ Ai-cập. Người Y-sơ-ra-ên đã sinh sôi nẩy nở quá nhanh chóng; do đó, Pha-ra-ôn xem đây là một nguy cơ đe dọa đến sự an ninh và tồn vong của Aicập. Vì thế, ông áp đặt chính sách lao động khổ sai để biến họ thành những người nô lệ.

 

Chữ Xuất Ê-díp-tô ký có nghĩa là ‘con đường thoát khỏi Ê-díp-tô’. Do đó, sứ điệp của sách là trình bày con đường giải thoát ra khỏi cảnh nô lệ. Cảnh nô lệ của người Do Thái là có thật. Việc giải phóng họ ra khỏi kiếp nô lệ là một trong những phép lạ lớn lao trong Kinh Thánh. Khoảng từ hai cho đến ba triệu người đã được giải phóng. Sách Xuất Ê-díp-tô ký tường thuật lại biến cố đầy hào hứng nầy.

 

Bên cạnh yếu tố về mặt lịch sử, sách còn có ý nghĩa hình bóng. Theo nghĩa bóng, mỗi chúng ta cũng là những người ở dưới vòng nô lệ. Chúng ta không thể làm điều mình muốn làm nhưng lại làm điều mình không muốn làm. Đó chính là nô lệ: nô lệ cho tội lỗi. Không có sự tự do nên chúng ta cần được giải phóng ra khỏi tình trạng nô lệ cho tội lỗi. Trong Cựu ước, cứu rỗi là một từ rất quen thuộc với nhiều người. Từ nầy có cùng một nghĩa với từ giải phóng. Do đó, cứu rỗi có nghĩa là được giải phóng ra khỏi tội lỗi. Không chỉ là được giải phóng khỏi hình phạt của tội lỗi trong hiện tại và tương lai, mà còn được giải cứu khỏi quyền lực của tội lỗi.

 

Giăng đã nói về Chúa Giê-xu trong sách Khải huyền rằng, “Ngài là Đấng đã yêu chúng ta, giải cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi, lập chúng ta làm vua và thầy tế lễ.” Sự giải cứu xuất phát tình yêu của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Đức Chúa Trời quá yêu chúng ta; đến nỗi Ngài đã ban con một của Ngài cho chúng ta. Khi hiểu điều nầy, quí vị không những chỉ được giải cứu khỏi hình phạt của tội lỗi trong hiện tại và tương lai, mà còn được giải cứu ra khỏi quyền lực của tội lỗi. Sự giải phóng ra khỏi quyền lực của tội lỗi là sứ điệp thuộc linh của sách Xuất Ê-díp-tô ký.

 

Điều thứ ba chúng ta nên lưu tâm đến là tiên tri Môi-se. Môi-se là một nhân vật nổi bật nhất trong tất cả những người được Đức Chúa Trời dùng xuyên suốt Kinh Thánh. Chúng ta sẽ thấy tính chất vĩ đại của Môi-se khi xem xét về những gì ông đã cống hiến cho công việc của Đức Chúa Trời. Áp-ra-ham là người khai sinh tuyển dân của Đức Chúa Trời; Gia cốp đặt tên và Giô-sép giải cứu họ. Còn Môi-se, ông đã làm gì?

 

Trước nhất, Môi-se đem lại cho họ sự tự do. Đây là điều mà người nô lệ cần hơn hết. Phần lớn chúng ta không kinh nghiệm thế nào là sống kiếp nô lệ, thế nào là mất quyền tự do. Thử đặt mình vào hoàn cảnh của những người bị nhốt trong tù, chúng ta cảm thông hoàn cảnh của những người bị mất tự do. Mong ước lớn nhất của họ là được ra khỏi tù, được tự do. Môi-se đem lại cho những người nô lệ sự tự do là điều mà họ cần hơn hết. Bên cạnh đó, Môi-se còn thiết lập cơ cấu chính quyền và một hệ thống luật pháp là điều vô cùng quí giá cho họ.

 

Về phương diện thuộc linh, Môi-se ban cho họ hai điều vô giá: thứ nhất là Lời của Đức Chúa Trời và thứ hai là sự thờ phượng Ngài. Năm sách đầu tiên trong Kinh Thánh gọi là sách luật pháp. Chúa đã ban cho Môi-se 5 sách nầy trên núi Sinai. Môi-se đã lên núi  nhiều lần. Khi ông kiêng ăn và cầu nguyện, Đức Chúa Trời đã tỏ cho Môi-se 5 sách đầu tiên: Sáng thế ký, Xuất Ê-díp-tô ký, Lê vi ký, Dân số ký và Phục truyền luật lệ ký. Có khoảng 500 điều luật cũng như nhiều dữ kiện lịch sử trong 5 sách nầy. Vì các sách nầy đề cập đến rất nhiều luật lệ nên còn gọi là sách luật pháp của Đức Chúa Trời, hoặc lời Đức Chúa Trời, hoặc sách luật pháp của Môi-se. Qua đó, Đức Chúa Trời chỉ dạy chúng ta phải sống như thế nào. “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh, nhưng còn nhờ lời Đức Chúa Trời.” Đây chính là mục đích của luật pháp. Năm sách của Môi-se là nền tảng cho cả Kinh Thánh vì nó chứa đựng những lời phán dạy trực tiếp của Đức Chúa Trời. Các vị tiên tri đã rao giảng nó. Dân sự của Đức Chúa Trời có khi vâng giữ, có khi bất tuân. Khi tuân giữ, họ trở nên gương tốt cho chúng ta; khi bất tuân, họ trở nên điều cảnh cáo cho chúng ta – những người sống vào thời kỳ cuối cùng. Tưởng cần nhắc lại một lần nữa rằng, những lời phán dạy trực tiếp của Đức Chúa Trời đã được truyền đạt cho Môi-se để được ghi chép thành 5 sách đó. Môi-se đã đóng góp cho dân sự của Đức Chúa Trời bằng cách ban cho họ lời trực tiếp của Ngài. Vậy có điều gì quan trọng hơn là cung cấp cho họ lời trực tiếp của Đức Chúa Trời.

 

Môi-se cũng dạy họ cách thờ phượng. Phần cuối của sách Xuất Ê-díp-tô ký trình bày những chi tiết kỹ thuật y như trong một bản vẽ. Nhiều người cảm thấy rất hào hứng khi đọc sách Sáng thế ký, nhất là những phần đề cập đến các nhân vật. Khi đến phần giải phóng dân Y-sơ-ra-ên cách đầy ngoạn mục ra khỏi xứ Ê-díp-tô, họ vẫn còn thấy hấp dẫn. Nhưng khi đến phần cuối của Xuất Ê-díp-tô ký, sự hào hứng đó không còn nữa vì phần nầy gồm những chi tiết thiết kế. Nếu một kiến trúc sư gởi cho quí vị một bản vẽ, mà quí vị lại không có chuyên môn trong lãnh vực kỹ thuật, thì bản vẽ đó hẳn là khô khan. Trên một phương diện, phần cuối của sách Xuất Ê-díp-tô ký giống như vậy.

 

Thông thường, khi đến sách Lê-vi-ký, nhiều người bỏ cuộc. Họ không thể tiếp tục đọc xuyên sách đó. Vì sao chúng ta lại bị sa lầy khi đến phần cuối sách Xuất Ê-díp-tô ký và sách Lê vi ký? Đó là vì chúng ta không hiểu được sự mặc khải của Đức Chúa Trời cho Môi-se bằng lời phán dạy trực tiếp của Ngài. Ngài muốn chỉ dạy cho Môi-se biết làm thế nào để con người tội lỗi có thể đến với Đức Chúa Trời chí thánh, tìm kiếm ơn cứu độ, sự hướng dẫn Thiên Thượng và biết cách hầu chuyện với Ngài. Qua sách Xuất Ê-díp-tô ký, Đức Chúa Trời chỉ dạy cho chúng ta, Ngài đã cứu chúng ta ra khỏi xiềng xích và sự thống trị của tội lỗi như thế nào. Cũng qua sách Xuất Ê-díp-tô ký, nhất là phần cuối,  Chúa dạy chúng ta cách thờ phượng Ngài; và đây là một trong những mục đích của sự cứu chuộc. Đức Chúa Trời biết chúng ta và Ngài muốn chúng ta biết Ngài. Chúa mời gọi chúng ta đến với Ngài để có mối liên hệ với Chúa và thờ lạy Ngài.

 

Chúng ta cần được hướng dẫn trong sự thờ phượng vì chúng ta không biết phải thờ phượng như thế nào cho đúng cách. Các vị sứ đồ đã từng đến với Chúa Giê-xu và thưa với Ngài rằng, “Lạy Chúa xin dạy chúng con cầu nguyện.” Họ không biết phải cầu nguyện như thế nào. Nhiều người không biết phải cầu nguyện và cũng không biết phải thờ phượng Chúa như thế nào. Trong cách thờ phượng tại một số các hội thánh ngày nay, vị Mục sư  quay lưng về hội chúng và hướng mặt về phía bàn thờ hay bục giảng. Các hội thánh nầy cũng như các nhà hội của người Do thái đã hành lễ như vậy, vì họ theo sự chỉ dẫn về cách thờ phượng trong đền tạm mà Chúa đã chỉ thị cho Môi-se. Chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn về vấn đề thờ phượng trong đền tạm khi đến sách Lê vi ký. Đền tạm trông như cái lều nhỏ được trang hoàng với nhiều màu sắc. Có lẽ, nó không gây ấn tượng nhiều đối với quí vị.

 

Mỗi một chi tiết trong đền tạm đều có ý nghĩa sâu sắc và có hình bóng về  Chúa Giê-xu Christ. Mọi điều nầy nói lên sự cống hiến vô cùng lớn lao của Môi-se cho con dân Chúa. Ông đã cung cấp cho chúng ta Lời của Đức Chúa Trời; chỉ dạy chúng ta cách sống, và cách thờ phượng như thế nào.

 

Bây giờ, chúng ta cùng nghiên cứu đời sống của Môi-se theo một khía cạnh khác. Như chúng ta biết, nan đề của tuyển dân Đức Chúa Trời trong sách Xuất Ê-díp-tô ký là kiếp sống nô lệ. Họ cần sự giải cứu. Làm sao họ có thể được giải cứu? Họ cần một người giải cứu. Và Đức Chúa Trời đã kêu gọi Môi-se làm người giải cứu. Thật là điều thích thú khi học về Môi-se trong vai trò là một người giải cứu. Do đó, sách Xuất Ê-díp-tô ký là một hình ảnh của sự giải cứu; và đời sống của Môi-se là hình ảnh về người giải cứu. Được giải cứu ra khỏi quyền lực của tội lỗi là một kinh nghiệm rất đặc biệt nhất cho mỗi chúng ta.

 

Kinh nghiệm đặc biệt thứ nhì là trở nên người giải cứu những người khác, trở nên tác nhân hay công cụ mà qua đó người khác được giải cứu. Nhà truyền giáo Moody nhận định về cuộc đời của Môi-se như thế nầy, “Môi-se đã sống 120 năm, khoảng thời gian nầy được chia làm 3 giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn là 40 năm. Suốt 40 năm đầu tiên Đức Chúa Trời đã dạy Môi-se rằng, “Môi-se ngươi chẳng là gì cả.” Ông phải tốn 40 năm để học bài học “Môi-se, ngươi chẳng là gì cả”. Ngay từ thuở nhỏ, Môi-se đã được trưởng dưỡng trong cung điện Pha-ra-ôn. Điều nầy dễ khiến ông tự phụ tự mãn. Cho đến năm khoảng 40 tuổi, Đức Chúa Trời đã đưa ông đến chỗ nhận thức rằng “mình chẳng là gì cả.”; và ông phải thuộc bài học nầy trước khi trở nên người giải cứu.

 

Bài học thứ hai mà Đức Chúa Trời đã dạy Môi-se, đó là “Môi-se, con là một người đáng kể.” Đức Chúa Trời đã dùng 40 năm trong đồng vắng để dạy Môi-se bài học thứ hai, “Môi-se, con là người đáng kể vì ta đã chọn con.”

 

Vào khoảng năm 40 tuổi, Môi-se đi ra ngoài cung điện, nhìn thấy sự khổ cực của người nô lệ Hê-bơ-rơ; cũng từ đó, ông nhận biết mình cũng chỉ là người nô lệ Hê-bơ-rơ mà thôi. Điều nầy khiến ông thương xót họ cách sâu xa về những nỗi đắng cay mà họ đang chịu.

 

Charles Colson là người đứng đầu của một tổ chức quan tâm đến tù nhân. Ông nói rằng, nếu đã không ngồi tù thì ông không thể nào có lòng thương xót đối với các tù nhân. Vì ngồi tù nên kinh nghiệm thế nào là đau khổ và nhân cách bị chà đạp, ông thương xót những người đang sống đằng sau những song sắt của nhà tù.

 

Điều nầy tương tự đối với Môi-se. Có lẽ, nhiều lần ông nhìn những người nô lệ Hê-bơ-rơ mà lòng vẫn lạnh lùng; cho đến khi ông khám phá rằng, ông cũng là một người như họ. Điều nầy tạo nên một sự thay đổi sâu xa. Đó chính là lý do  khiến ông giết người Ai-cập để binh vực cho đồng bào mình. Hãy hình dung rằng, sau khi giết người Ai-cập và bị bại lộ thì Đức Chúa Trời đến với Môi-se và phán rằng, “Không, Môi-se. Đây không phải là cách giải quyết vấn đề. Con sẽ bị truy nã gắt gao, sẽ trở thành kẻ thù số một của người Ai-cập. Bằng cách đó, con không giải phóng ai được. Bây giờ, con hãy vào ‘chủng viện’ với ta trong 40 năm để suy nghĩ chín chắn về vấn đề nầy.” Bởi vậy, Đức Chúa Trời đã đem Môi-se vào nơi đồng vắng để đào tạo ông trong ‘chủng viện’ của Ngài. Ròng rã 40 năm trường, Đức Chúa Trời đã nung nấu tâm cang của Môi-se với một vấn đề: kiếp nô lệ của tuyển dân Đức Chúa Trời và làm sao để  giải phóng họ.

 

Trong bài học đến, chúng ta sẽ học hỏi về kinh nghiệm khác thường của Môi-se tại bụi gai cháy. Tất cả các bậc vĩ nhân của Đức Chúa Trời đều có những kinh nghiệm riêng tư với Ngài. Nó tạo thành bước ngoặc trong đời sống tin kính và phục vụ Chúa của họ.

 

Bài trướcTrại Hè Thiếu Niên Thành Phố Đà Nẵng.
Bài tiếp theoBài 21: Áp-Ra-Ham Và Lót Phân Rẽ Nhau