Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới
Sáng thế ký 41:38-57
Trong bài trước chúng ta đã tìm hiểu phần đầu của Sáng thế ký đoạn 41, biết rằng đang khi Giô-sép ở trong tù, Pha-ra-ôn của Ai-cập thấy hai điềm chiêm bao, làm cho vua bối rối và không có ai giúp thông giải cho vua biết ý nghĩa của hai chiêm bao này. Quan tửu chánh của Pha-ra-ôn nhắc đến Giô-sép là người có linh ân giải mộng, cho nên Pha-ra-ôn mời Giô-sép vào yết kiến vua. Sau khi nghe Pha-ra-ôn thuật lại chiêm bao, Giô-sép nhờ sự soi sáng của Đức Chúa Trời mà giải rõ ý nghĩa của điềm chiêm bao, và sau đó có những đề nghị với Pha-ra-ôn cách chuẩn bị cho những năm được mùa và đói kém sắp đến cho xứ Ai-cập. Lời giải nghĩa đó làm đẹp ý Pha-ra-ôn và quần thần. Chuyện xảy ra kế tiếp như sau:
GIÔ-SÉP ĐƯỢC CẤT NHẮC LÊN ĐỂ CAI TRỊ TOÀN CÕI AI-CẬP
Sáng thế ký 41:38-41, “Pha-ra-ôn phán cùng quần thần rằng: Chúng ta há dễ tìm một người như người nầy, có thần minh của Đức Chúa Trời được sao? Pha-ra-ôn phán cùng Giô-sép rằng: Vì Đức Chúa Trời xui cho ngươi biết mọi việc nầy, thì chẳng còn ai được thông minh trí-huệ như ngươi nữa. Vậy, ngươi sẽ lên cai trị nhà trẫm; hết thảy dân sự của trẫm đều sẽ vâng lời ngươi. Trẫm lớn hơn ngươi chỉ vì ngự ngôi vua mà thôi. Pha-ra-ôn lại phán cùng Giô-sép rằng: Hãy xem! trẫm lập ngươi cầm quyền trên cả xứ Ê-díp-tô.”
Lưu ý đến điểm nổi bật của sự kiện này. Ban đầu cậu thanh niên này đứng ở vị thế thấp hèn nhất, ở trong tù ngục, bị lãng quên và thất vọng. Bây giờ chàng được tiến cử vào đứng vị trí then chốt của giới thượng lưu thông thái, bởi vì đã chẳng có một ai khác có thể giải đoán được điềm chiêm bao của Pha-ra-ôn. Không những chàng thông giải được nó mà chàng còn có cả tấm lòng nhiệt tình giúp đỡ, và cũng bởi chàng có khả năng nên đã đề nghị với Pha-ra-ôn về những gì mà vị vua này nên làm, nên dự trù. Dĩ nhiên, trong mọi điều ấy do Đức Chúa Trời luôn luôn hướng dẫn cho Giô-sép.
Chúng ta nhận thấy rằng, Giô-sép chẳng hề nghĩ mình có thể ứng tuyển làm tể tướng. Như trong câu 16 Giô-sép nói rằng chẳng phải chính chàng có thể làm được việc gì, nhưng chỉ nhờ Đức Chúa Trời ban cho mọi điều. Giô-sép không có ý xoay chuyển tình hình để thủ lợi riêng. Một người như chàng chưa bao giờ giữ trọng trách nào trong công việc nhà nước, lại là một ngoại kiều, vừa mới được đem ra khỏi khám tù, thì không bao giờ có tham vọng, hay ước mong tiến lên địa vị cao trọng. Chắc chắn Giô-sép mong ước được phóng thích ra khỏi tù là mừng lắm rồi.
Thế rồi có một cơn đói kém rộng lớn xảy ra trên khắp khu vực lớn, một cơn đói kém rất nghiêm trọng mà thậm chí xứ Ai-cập cũng bị ảnh hưởng nặng. Vì Ai-cập là một vùng đất được dẫn thuỷ nhập điền, nên nó không lệ thuộc vào lượng nước mưa. Dòng sông Nile Thượng nguồn, dòng sông lớn chủ yếu từ Trung Phi chảy xuống, cung cấp nước cho mọi nhu cầu mà xứ Ai-cập cần đến. Ai-cập thường đạt được lượng mưa trung bình là 2-3 phân trên mỗi năm khi thời tiết thuận hoà. Thế nên khi có đói kém xảy ra, lượng nước mưa đó giảm thiểu quá xa so với nhu cầu mà xứ Ai-cập cần dùng. Nhưng thường thì dòng sông Nile mỗi năm vẫn chảy tràn bờ, đất đai khắp chốn. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời cảnh báo rằng sẽ có 7 năm đói kém và cơn đói kém đó cũng gây ảnh hưởng lớn lao trên xứ Ai-cập này.
Khi lắng nghe Giô-sép trình bày, Pha-ra-ôn hết sức đắn đo, suy nghĩ. Là nhà lãnh đạo của đất nước, phải là người nhận biết được đường lối mà Đức Chúa Trời sẽ tiến hành trong thời gian những năm kế tiếp. Và ở đây, trong Sáng thế ký, Pha-ra-ôn được Đức Chúa Trời phán cho biết trước điều sẽ xảy ra trong vòng 14 năm sắp tới.
Bây giờ chúng ta hãy trở lại với câu chuyện và thử hỏi lúc bấy giờ có người nào có tài cai trị giỏi hơn Giô-sép không? Pha-ra-ôn nhận biết rằng Giô-sép quả là người đủ khả năng cai trị đó.
Đến đây thì chúng ta đã hiểu được vì cớ gì mà Đức Chúa Trời đã từng huấn luyện cho Giô-sép ngay tại gia đình của Phô-ti-pha rồi phải không? Chúng ta cũng có thể tự hỏi thế gian này thiếu gì nơi mà tại sao Đức Chúa Trời lại đặt Giô-sép vào chính căn nhà oái ăm đó trước tiên? Hỏi tức là giải đáp, nay thì chúng ta hiểu ra rằng, tại chính căn nhà của Phô-ti-pha, Giô-sép đã từng học được khá nhiều điều, đặc biệt là việc quản trị mọi việc với tư cách là một chủ nhân, và rồi giờ đây Giô-sép lại sắp sửa đảm trách chức vụ cai trị mọi điều trên khắp các miền Ai-cập. Đây quả là một sự chuyển đổi trách vụ lớn lao trong cuộc đời Giô-sép, anh ta đã đi thẳng một mạch từ chốn lao tù đến ngai vinh quang kế cận với ngôi Pha-ra-ôn đại đế.
Sáng thế ký 41:42, “Vua liền cổi chiếc nhẫn trong tay mình, đeo vào tay Giô-sép, truyền mặc áo vải gai mịn, và đeo vòng vàng vào cổ người”
Nhân tiện đây chúng ta cũng nên biết rằng, chiếc nhẫn mà Pha-ra-ôn đã đeo cho Giô-sép có ấn tín của vua khắc trên đó. Khi chiếc nhẫn này được ấn trên sáp sẽ hiện lên chữ ký đúng như chữ ký của Pha-ra-ôn. Điều này chứng tỏ rằng nhà vua đã cất nhắc Giô-sép lên hàng thượng quan tín cẩn của mình và do đó Giô-sép có toàn quyền hành sử dụng chữ ký đó với tư cách của Pha-ra-ôn. Giô-sép được trang bị đúng cương vị của người có quyền và địa vị.
Sáng thế ký 41:43-44, “rồi, truyền cho lên ngồi sau xe vua, có người đi trước hô rằng: Hãy quì xuống! Ấy, Giô-sép được lập lên cầm quyền cả xứ Ê-díp-tô là vậy. Pha-ra-ôn phán cùng Giô-sép: Ta là Pha-ra-ôn, nhưng nếu chẳng có ngươi, thì trong cả xứ Ê-díp-tô không có ai giơ tay đưa chơn lên được.
Pha-ra-ôn trình diện Giô-sép cho cả công chúng biết cách chánh thức. Chính Pha-ra-ôn quý trọng công lao dự phần phục vụ đất nước của Giô-sép.
GIÔ-SÉP CƯỚI NÀNG ÁCH-NÁT
Sáng thế ký 41:45, “Pha-ra-ôn đặt tên Giô-sép là Xa-phơ-nát-Pha-nê-ách, đưa nàng Ach-nát, con gái Phô-ti-phê-ra, thầy cả thành On, cho người làm vợ. Người thường tuần hành trong xứ Ê-díp-tô.”
Xa-phơ-nát Pha-nê-ách, tên này là theo ngôn ngữ bản địa của người Ai-cập cổ và nó có nghĩa là “người tiết lộ những điều bí mật.”
Sáng thế ký 41:46, “Vả, khi Giô-sép ra mắt Pha-ra-ôn, vua Ê-díp-tô, thì người đã ba mươi tuổi. Vậy, người từ tạ Pha-ra-ôn mà đi tuần khắp xứ Ê-díp-tô.”
Ở đây chúng ta được cho biết về tuổi của Giô-sép và như vậy biết được rằng Giô-sép đã ở tại xứ Ai-cập được 13 năm, trong đó có 2 năm bị cầm tù sau giai đoạn quan thượng thiện bị xử tử và quan tửu chánh được phục chức. Và cũng có thể trước thời kỳ ấy, Giô-sép đã bị cầm tù khoảng 1 năm trước đó. Như vậy Giô-sép đã ở tại nhà Phô-ti-pha gần đến 10 năm. Điều này cũng cho chúng ta biết tại sao mà cuộc đời của Giô-sép được chia thành 2 thời kỳ khi còn tại xứ Ai-cập.
Sau 13 năm sống tại Ai-cập, và rồi Giô-sép lại tiến lên đến chức vụ rất cao tương đương với chức vụ Thủ tướng chính phủ ngày nay. Giô-sép là người có chức vụ thứ nhì chỉ sau Pha-ra-ôn tại xứ Ai-cập mà thôi!
Có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng tại sao Pha-ra-ôn lại sẵn lòng chấp nhận Giô-sép một cách dễ dàng như vậy không?
Lý do trước hết, dĩ nhiên, ấy là vì Đức Chúa Trời ở cùng Giô-sép, xuyên suốt câu chuyện về Giô-sép, chúng ta luôn thấy rõ được điều này. Bàn tay của Đức Chúa Trời, qua những khải thị của Ngài, luôn hướng dẫn Giô-sép bước đi trên mọi nẻo đường sóng gió, khó khăn. Giô-sép tự nhủ với mình rằng, các anh em người chủ ý làm điều ác cho tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại chủ ý làm điều thiện. Thật tuyệt vời biết bao khi nhận biết được điều này.
Có một lý do thực tiễn khác nữa đã khiến Pha-ra-ôn chấp thuận Giô-sép một cách rất nhiệt tình như vậy. Có nhiều học giả cho rằng, vào thời điểm đặc biệt đó trong lịch sử, một trong số các Pha-ra-ôn đó lại là người Hít-sốt. (Hít-sốt là giống dân Sê-mít ở phía Tây, bao gồm các dân được cho là hậu tự của Sem, con trai của Nô-ê tức là các dân Y-sơ-ra-ên, A-rập và dân Phô-nít, họ thân thiện với người ngoại quốc hơn là dân bản xứ Ai-cập). Các vua Hít-sốt đó không phải là người Ai-cập bản xứ mà là người Bê-đun, họ đến từ Sa mạc A-ra-bi. Họ là một nhóm người sống đời du mục và có thời kỳ họ đã đến chiếm lấy ngai vàng và nắm quyền cai trị trên xứ Ai-cập. Nếu giả thiết này là đúng, thì thật ra Pha-ra-ôn đó có quốc tịch gần gũi với Giô-sép hơn là với người Ai-cập. Chính sự kiện này đã khiến Pha-ra-ôn đặt niềm tin vào Giô-sép. Quả thật, các Pha-ra-ôn gốc dân Hi-sốt thấy khó có thể tìm được một người Ai-cập nào có lòng trung thành đối với họ. Lòng tin là một đức tính hiển nhiên của con người Giô-sép. Giô-sép tin rằng Đức Chúa Trời đang vận hành trong cuộc đời của mình để tạo ra cho ông một sự tin tưởng đối với bất kỳ ai mà ông được gắn liền, gần gũi. Giô-sép trung thành với công tác của mình, vì ông nhận biết rằng Đức Chúa Trời có hiện diện trong công tác đó. Mối liên hệ chủng tộc với Pha-ra-ôn có lẽ là lý do xác đáng nhất để nói lên được nguyên do tại sao Pha-ra-ôn sẵn lòng chấp thuận Giô-sép vào thời điểm ấy và Giô-sép qua đó cũng bày tỏ được lòng trung thành đối với Pha-ra-ôn đó như chúng ta được biết.
Nhân đây, cũng xin nhắc lại rằng, các vua thuộc dân Hít-sốt đó sau này đã bị trục xuất ra khỏi Ai-cập. Sự kiện này đã được ghi lại trong Xuất Ê-díp-tô ký 1:8 như sau: “Nhưng bấy giờ tại nước Ê-díp-tô, có một vị vua mới lên ngôi, chẳng quen biết Giô-sép.” Vị vua Pha-ra-ôn của thời kỳ áp bức này chắc chắn đã không có cảm tình gì với người Hê-bơ-rơ cả!
Cũng xin lưu ý đến việc Pha-ra-ôn đeo sợi dây chuyền lên cổ Giô-sép nói lên rằng vua bằng lòng ban cho Giô-sép thứ quyền hành mà Vua vốn có. Lại nữa, cũng chính Pha-ra-ôn đã đứng ra cưới con gái của thầy cả thành Ôn cho Giô-sép làm vợ. Bà tên là Ách-nát, người gốc Ai-cập.
Sự kiện này xảy ra trong cuộc đời Giô-sép tô điểm thêm cho nét tương đồng khác của Giô-sép đối với Chúa Giê-xu. Giô-sép đã cưới một nàng dâu dân ngoại. Cứu Chúa Giê-xu Christ ngày nay đang gọi mời một nàng dâu dân ngoại từ giữa vòng thế gian này. Nàng dâu đó được gọi là Hội thánh.
Và cũng trong câu Kinh Thánh này cũng có một điểm tương đồng khác nữa. Giô-sép được cất nhấc lên trước mặt Pha-ra-ôn, lúc này ông được 30 tuổi. Và cũng vậy, Chúa Giê-xu bắt đầu thi hành chức vụ của Ngài khi vào tuổi 30. Vào lúc tuổi 30, Giô-sép đã nhận trọng trách tại xứ Ai-cập, suốt trong thời kỳ của 7 năm được mùa sung túc này đặng chất chứa vào kho dự trữ những sản phẩm dư dật được làm ra từ đất.
Sáng thế ký 41:47-48, “Trong bảy năm được mùa dư dật, đất sanh sản ra đầy dẫy. Giô-sép bèn thâu góp hết thảy lương thực của bảy năm đó trong xứ Ê-díp-tô, và chứa lương thực nầy khắp các thành; trong mỗi thành, đều dành chứa hoa lợi của các ruộng ở chung quanh thành đó.”
Chúng ta hãy để ý đến điều này, Giô-sép đã cho chất chứa lương thực trong các thành. Vậy thì ông ta rõ ràng đã lập ra trước kế hoạch cho việc phân phối chúng cách dễ dàng trong tương lai. Ở đây chúng ta thấy Giô-sép đang tiến hành một công việc hết sức thực tiễn, là chất chứa lương thực trong các thành. Ông cho thu góp những sản phẩm thặng dư, đặt chúng trong các thành, sẵn sàng cho việc phân phối chúng sau này.
Sáng thế ký 41:49, “Vậy, Giô-sép thâu góp lúa mì rất nhiều, như cát nơi bờ biển, cho đến đỗi người ta đếm không được, vì đầy dẫy vô số.”
Ai-cập lúc bấy giờ chính là một kho lương thực lớn của thế giới dưới sự điều hành, cai quản của Giô-sép.
HAI CON TRAI CỦA GIÔ-SÉP: MA-NA-SE VÀ ÉP-RA-IM
Đến đây chúng ta hãy tạm ngừng một lát để nhìn đến gia đình nhỏ bé này.
Sáng thế ký 41:50-52, “Trước khi đến năm đói kém, thì Ach-nát, con gái Phô-ti-phê-ra, thầy cả thành On, sanh cho Giô-sép hai con trai. Giô-sép đặt tên đứa đầu lòng là Ma-na-se, vì nói rằng: Đức Chúa Trời đã làm cho ta quên điều cực nhọc, và cả nhà cha ta. Người đặt tên đứa thứ nhì là Ep-ra-im, vì nói rằng: Đức Chúa Trời làm cho ta được hưng vượng trong xứ mà ta bị khốn khổ.”
Tác giả sách Sáng thế ký ghi chép lại việc sanh hai con trai Giô-sép, tỏ rõ tổ phụ của hai chi phái tương lai đó đã ra đời thế nào và khi nào, và để cho chúng ta thấy Giô-sép là con người có đức tin, có quan điểm về các dấu hiệu ân huệ của Đức Chúa Trời. Giô-sép chỉ có một vợ là Ách-nát, ông trung thành với tiêu chuẩn độc thê của tộc trưởng.
Các người con trai này đã được sinh ra trước thời kỳ của nạn đói kém. Người con trai đầu lòng tên là Ma-na-se. Có thể nói rằng cái tên đẹp đẽ đó của cậu bé có thể được gọi là Amnesia (chứng hay quên) bởi nó có hàm ý rằng Đức Chúa Trời đã khiến cho Giô-sép quên lãng. Giô-sép đã bận bịu nhiều việc quá đến nỗi đã quên nghĩ về gia đình mình. Trước đây, Giô-sép đã từng là cậu thanh niên rất đỗi nhớ nhà, nhưng rồi nỗi nhớ cũng nguôi ngoai.
Trong phần thứ nhất của giai đoạn này, chúng ta thấy rằng Giô-sép khi được phóng thích khỏi nhà tù, ông thay quần áo, rồi tự mình cạo râu sạch sẽ trước khi trình diện Pha-ra-ôn. Đối với chúng ta, có lẽ việc cạo râu thì chẳng có gì là quan trọng, chỉ có công ty Gillette là được hưởng lợi trong sự kiện này mà thôi (công ty Gillette là công ty chuyên sản xuất và kinh doanh các loại lưỡi dao cạo râu nổi tiếng trên thế ngày nay). Tuy vậy hành động kia đối với chúng ta nó cũng có một ý nghĩa rất biểu tượng. Lúc bấy giờ người Hê-bê-rơ thường hay để râu, nhưng ở đây Giô-sép lại tự mình cạo nó đi, điều đó hàm ý chỉ về sự sống lại, bởi vì Giô-sép đã đặt đời sống cũ qua một bên và bắt đầu một đời sống mới. Chính từ quan điểm đó mà Giô-sép đã ăn mặc giống như người Ai-cập, nói năng giống như người Ai-cập và cũng sống giống như người Ai-cập. Giô-sép nói rằng “Đức Chúa Trời đã khiến cho tôi quên.” Bởi vậy, Giô-sép đặt tên con trai mình là Ma-na-se, nhưng nếu thích, chúng ta cũng có thể gọi cậu bé là Am-nít-dia cũng được.
Về người con trai kế, Giô-sép đặt tên là Ép-ra-im, bởi vì nó có nghĩa là đầy kết quả! Chúng ta cũng có thể gọi tên cậu bé đó là Am-bố-dia (Ambrosia, Thuốc Trường Sanh) nếu muốn. Vâng, những người con trai đó là Amnesia (Lãng Quên) và Ambrosia (Trường Sanh). Giô-sép đã đặt tên chúng như thế bởi vì Đức Chúa Trời khiến cho ông quên đi những nhọc nhằn trong cuộc đời mình và Ngài cũng đã khiến ông thành công đầy kết quả, như linh dược trường sanh tại Ai-cập vậy.
Sáng thế ký 41:53, “Bảy năm được mùa dư dật trong xứ Ê-díp-tô bèn qua.”
Bấy giờ thời kỳ của 7 năm được mùa dư dật đang trải ra khắp mọi nơi và thế là cũng đến thời kỳ của 7 năm đói kém. Đây cũng là lúc Giô-sép đạt đến tuổi 37.
Sáng thế ký 41:54-55, “thì bảy năm đói kém khởi đến, y như lời Giô-sép đã bàn trước. Khắp các xứ khác cũng đều bị đói, nhưng trong cả xứ Ê-díp-tô lại có bánh. Đoạn, cả xứ Ê-díp-tô đều bị đói, dân chúng đến kêu cầu Pha-ra-ôn xin lương. Pha-ra-ôn phán cùng bổn dân rằng: Hãy đi đến Giô-sép, rồi làm theo lời người sẽ chỉ bảo cho.”
Lời dự ngôn của Giô-sép, không phải tương đối đúng, nhưng mọi chuyện xảy ra “đúng y như lời bàn trước,” vì thế vua và dân chúng tin cậy vào sự lãnh đạo của Giô-sép.
Xin lưu ý điểm này: Giô-sép là người có dư dật bánh (hay lương thực) mà chẳng một ai bì kịp và Đức Chúa Giê-xu cũng đã phán rằng: “Ta là bánh của sự sống” như vậy chúng ta lại thấy thêm một điểm tương đồng
Sáng thế ký 41:56-57, “Khi khắp xứ bị đói kém, thì Giô-sép mở mọi kho lúa mà bán cho dân Ê-díp-tô. Xứ càng đói nhiều nữa; vả, vì khắp thế gian đều bị đói quá, nên đâu đâu cũng đổ đến Ê-díp-tô mùa lúa nơi Giô-sép bán.”
Nạn đói kém này xảy ra có ảnh hưởng cả một vùng rộng lớn của nhiều quốc gia đương thời.
Khi nạn đói này bắt đầu trầm trọng, thì dân chúng tự nhiên kêu nài Pha-ra-ôn trước nhất. Vua hoàn toàn tin cậy Giô-sép, nên bảo họ tới cùng Giô-sép, và truyền lịnh phải làm theo bất cứ kế hoạch nào mà Giô-sép bảo làm. Pha-ra-ôn nhìn thấy khả năng, lòng trung thành và sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời đang thực hiện trên đời sống của Giô-sép.
Thật lạ lùng khi chúng ta tìm hiểu đời sống của Giô-sép. Đức Chúa Trời có chương trình tốt đẹp trên đời sống của Giô-sép để làm những việc lớn lao, nhưng trước đó Chúa có chương trình rèn luyện Giô-sép để làm công việc của Ngài, Giô-sép là người lạc quan tin cậy và thuận phục sự dẫn dắt từng bước của Đức Chúa Trời.
Cầu xin Đức Chúa Trời nhơn từ dẫn dắt mỗi bước đường trong cuộc đời chúng ta.