Bài 52: Sở Hữu Các Lời Hứa (TT)

1394

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

 

Giô-suê đã nhận được kế hoạch tiến chiếm Giê-ri-cô  từ nơi Chúa vào một đêm trước đó. Kế hoạch nầy được ông thi hành từng li từng tí. Theo kế hoạch nầy, dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi trại quân và đi bộ chung quanh thành Giê-ri-cô. Dẫn đầu là lực lượng đông đảo có trang bị vũ khí; theo sau là 7 thầy tế lễ thổi kèn vang; tiếp đến các thầy tế lễ khiêng Hòm giao ước; sau cùng, có lẽ là toàn bộ dân sự. Họ đi bộ chung quanh thành một lần trong ngày thứ nhất, rồi trở về trại quân. Sáng hôm sau, họ cũng làm y hệt như vậy. Cứ thế họ đi cho đến ngày thứ bảy. Tuy nhiên, vào ngày thứ bảy họ đi chung quanh thành 7 lần. Họ được yêu cầu đi cả thảy 13 lần. Chiến thuật nầy trông thật buồn cười. Hãy tưởng tượng, một thành trì kiên cố, tường dày và cao, có thể làm nhà trên đó, thì quân thù có thể sẽ huy động đàn bà trẻ con ném than đỏ và đá xuống trên dân Y-sơ-ra-ên.

 

Thật vậy, một vị tướng sau nầy tên là A-bi-mê-léc đã bị thảm bại khi tiến đến gần bức tường để tấn công thành. Câu chuyện nầy được chép trong sách Các quan xét. Một phụ nữ đã dùng thớt cối thường dùng để xay bắp, đường kính vào khoảng gần 5 tấc và ném xuống đầu của A-bi-mê-léc. Thớt cối trúng đầu, nên ông bị chấn thương não. Lúc đó, A-bi-mê-léc nói với người hầu cận của mình rằng, “Hãy rút gươm ngươi ra giết ta đi, kẻo người ta nói: Một người đàn bà đã giết người!” Điều nầy trở nên một bài học cho binh sĩ Y-sơ-ra-ên: Đừng bao giờ đến gần tường thành vì sẽ có nguy cơ bị giết chết như A-bi-mê-léc bởi một người nữ.

 

Thế nhưng, Đức Chúa Trời đã nói gì với Giô-suê? Hãy dẫn dân sự đi vòng sát tường thành. Mọi người đều phải diễu hành chung quanh tường thành đó cả thảy 13 lần. Trong khi đi quanh thành, họ được căn dặn là không được nói một lời nào. Phải yên lặng tuyệt đối ngoại trừ tiếng kèn của 7 vị thầy tế lễ sau khi kết thúc vòng cuối cùng quanh thành. Thử tưởng tượng, nếu ở trên những bức tường thành Giê-ri-cô, bạn thấy đoàn quân đã từng gây kinh hoàng nầy đang tiến đến. Giống như Ra-háp, họ kinh sợ quân dân Y-sơ-ra-ên. Có thể họ tự nhủ: “Đoàn quân nầy đang tiến đến bức tường, cái thùng mà họ khiêng theo là gì vậy? Có phải đó là một loại vũ khí bí mật? Họ có định cho nổ tung bức tường thành nầy không? … Có lẽ họ đã thảo luận những điều nầy trên đỉnh của vách thành. Sau khi diễu hành chung quanh thành, dân Y-sơ-ra-ên  rút về cứ điểm của mình. Còn người Giê-ri-cô có lẽ đã chong đèn suốt đêm để họp tại Bộ tổng tham mưu. Họ cố gắng tìm xem những người kia sẽ làm gì?

 

Buổi sáng tiếp theo, mọi việc lại xảy ra tương tự. Người Giê-ri-cô hẳn phải đầy sự kinh hoàng vì họ không dám ném điều gì xuống người Y-sơ-ra-ên. Dân thành Giê-ri-cô tự hỏi, “Người Y-sơ-ra-ên đang làm trò chi đây?” Sau khi diễu hành quanh tường thành mỗi ngày một lần trong sáu ngày, đến ngày thứ bảy họ đi chung quanh 7 lần. Khi lần cuối vừa chấm dứt, Giô-suê ra lịnh cho mọi người “Hãy la lên.” Hằng triệu người đồng loạt la lên. Thử tưởng tượng khoảng 10,000 người la lên cùng một lúc không. Chắc chắn là lớn lắm. Thế mà tại đây, con số lên đến hằng triệu người, thì tưởng tượng tiếng la sẽ vang rền như thế nào.

 

Một số người không tin vào phép lạ siêu nhiên thì cho rằng tường thành Giê-ri-cô đã sập xuống vì những chấn động tạo ra bởi việc dân Y-sơ-ra-ên đi diễu hành quanh thành. Cũng như biến cố tại biển đỏ, chấp nhận lối giải thích nầy lại đòi hỏi một đức tin lớn hơn là đơn sơ tin cậy vào phép lạ của Đức Chúa Trời. Sách Hê-bơ-rơ giải quyết vấn đề nầy cho chúng ta bằng cách khẳng định rằng, thành Giê-ri-cô sập do đức tin.  Đó là lý do chính xác khiến Giê-ri-cô sập xuống. Do đức tin, nhất là đức tin của Giô-suê là người đang lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên. Bởi đức tin mà Giô-suê đã đem hết cả dân sự đi chung quanh tường thành.

 

Tường thành Giê-ri-cô rất dày. Nếu có dịp đến Giê-ri-cô, chúng ta sẽ thấy được những bức tường thành. Tưởng như bức tường đang dựng đứng, nhưng thật sự thì chúng đang nằm. Điều nầy cho biết tường dày đến độ nào. Một số người cho rằng, đây là hậu quả của một trận động đất, nhưng hãy để ý đến thời điểm của cơn động đất. Khi Giô-suê vâng lời Đức Chúa Trời từng li từng tí thì động đất đã xảy ra. Cơn động đất nầy đã làm sụp đổ các bức tường. Đất đã mở ra và tường thành sập xuống; vì Kinh thánh ghi rằng, dân sự tiến lên ngay chỗ trước mặt mình. Điều nầy nghĩa là đất đã nuốt trọn những bức tường thành. Cơn động đất nầy được xem là một phép lạ giống như trường hợp một cơn động đất xảy ra tại Phi-lip, khiến người cai ngục tưởng mọi tù nhân đều đã trốn thoát.

 

Bài học áp dụng cho chúng ta qua câu chuyện Giô-suê và trận chiến Giê-ri-cô là gì? Đó là khi dẫn dân sự đi quanh Giê-ri-cô 13 lần, Giô-suê đã có một kế hoạch. Xét về  mặt quân sự, kế hoạch đó thật là buồn cười. Giô-suê là người có tài điều binh khiển tướng. Thế nhưng, tại sao Giô-suê làm theo kế hoạch đó từng chi tiết một? Ông làm theo kế hoạch nầy vì ông biết chắc một điều, đây là kế hoạch của Đức Chúa Trời. Ông biết Đức Chúa Trời đã phán dạy ông làm điều nầy. Bởi vậy, cho dầu nó trông buồn cười đối với con người, nhưng Giô-suê vẫn thi hành một cách tuyệt đối. Chương 6 của sách Giô-suê cũng như cả sách nói cho chúng ta biết, đức tin là gì và đức tin linh nghiệm như thế nào. Trận chiến tại Giê-ri-cô được xem là một loại đức tin khiến chúng ta khả dĩ tiến vào vùng đất hứa thuộc linh để nhận lãnh ân sủng hầu sống một cuộc đời tin kính.

 

Đây là một đức tin thực hành. Một đức tin năng động chớ không phải thụ động. Một loại đức tin bước đi, giống như Giô-suê và cả dân sự đã bước đi quanh Giê-ri-cô 13 lần. Đức tin không phải là một điều gì thần bí chủ  quan. Khái niệm về đức tin không phải là một điều gì khó hiểu. Đức tin là vâng lời; hay nói cách khác, vâng lời là một biểu hiện của đức tin. Theo chương 6, đức tin là bước đi vì Giô-suê và dân sự bởi đức tin mà bước đi quanh thành 13 lần. Đức tin bước đi là một đức tin linh nghiệm, vì bởi đức tin nầy mà dân Y-sơ-ra-ên đã chiến thắng. Tóm lại, bởi đức tin mà người Y-sơ-ra-ên bước đi quanh thành Giê-ri-cô. Khi họ vâng lời bước đi thì thành đã sập xuống. Đức tin phải bày tỏ qua sự vâng lời bằng hành động, và hành động sẽ đem lại kết quả để minh chứng đức tin.

 

Mỗi người chúng ta đặt câu hỏi, có phải đó là loại đức tin mà tôi đang có không? Có phải đức tin là một cái gì trừu tượng thuộc về lý trí không? Chúa Jêsus nói trong Tân ước rằng lời của Ngài không giống như các Ra-bi khác. Chúa phán: “Những lời Ta dạy các ngươi là Lời của Đức Chúa Trời.” Người ta chất vấn Chúa và nói: “Làm thế nào chúng tôi biết được điều đó?” Chúa Jêsus nói: “Nếu ai làm theo ý muốn của Cha ta thì người đó sẽ biết những lời dạy dỗ của ta đến từ Đức Chúa Trời hay đến từ loài người.” Điều Chúa muốn nói tại đây là nếu chúng ta thật lòng muốn biết thì chúng ta phải thực hành. Điều nầy đi ngược lại với lý lẽ thường tình. Những người khôn ngoan theo đời nầy sẽ nói rằng: “Nếu anh chinh phục trí óc tôi thì tôi sẽ theo anh.” Nhưng Chúa Jêsus lại nói: “Không phải vậy mà ngược lại. Ngươi hãy quyết định thực hành rồi ngươi sẽ thấy điều ta nói là đúng.” Trước tiên là hãy cam kết, hãy bước đi quanh Giê-ri-cô rồi chúng ta sẽ khám phá là đức tin linh nghiệm như thế nào. Nhưng trước nhất, hãy quyết định bước đi. Những người trí thức khi nào cũng nói rằng: “Thấy rồi mới tin.” Nhưng Thi thiên 27:13, Đa-vít đã nói rằng: “Nếu tôi không tin chắc rằng sẽ thấy ơn của Đức Giê-hô-va tại đất kẻ sống, thì tôi hẳn đã ngã lòng rồi!” Những người trí thức thì nói: “Thấy rồi mới tin.” Nhưng Đức Chúa Trời luôn luôn nói rằng, “Tin rồi sẽ thấy.” Đó là những gì chúng ta học hỏi được qua trận chiến Giê-ri-cô. Khi dân Y-sơ-ra-ên cam kết bởi đức tin đi bộ quanh thành Giê-ri-cô 13 lần, họ đã xác nhận lòng tin nơi Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời đã ban thưởng cho họ.

 

Có một người đã được Chúa kêu gọi để xây một trạm phát sóng tại Quito Ecuado. Ông là một người sống gần gũi với Đức Chúa Trời. Người nầy chính là Tiến sĩ Clarence Jones. Một ngày kia, Chúa đặt vào lòng ông một gánh nặng là hãy xây một trung tâm phát sóng tại đỉnh của một ngọn núi kia.  Ông nói với những người khác rằng, Đức Chúa Trời đã phán dạy ông hết sức rõ ràng là cái tháp phải được xây trên ngọn núi đó. Tiến sĩ Jones gọi đây là “Trạm phát sóng thiên thượng.” Chúa bày tỏ cho ông một cách chi tiết nơi nào để dựng những cây anten. Các kỹ sư nói với ông rằng, “Clarence, dự án của ông là một sự sai lầm. Vì có nhiều quặng mỏ tại núi, nó sẽ hấp thụ và triệt tiêu các tín hiệu của trạm phát, nên tín hiệu không đi xa được.” Tiến sĩ Jones trở về và cầu nguyện khẩn thiết với Chúa. Một lần nữa, Chúa phán dạy rằng, “Chính ngọn núi đó là nơi con phải xây trạm phát sóng.”

 

Tiến sĩ Jones đã có đức tin để đi ngược lại với ý kiến của các kỹ sư cũng như lời khuyên của các chuyên gia. Ông nói, “Hãy xây trạm phát tại ngọn núi đó.” Quý vị biết điều gì xảy ra không? Những quặng mỏ mà các kỹ sư nói rằng sẽ hút và làm triệt tiêu các tín hiệu thì nó lại tác dụng ngược lại. Chúng lại đẩy các tín hiệu ra và truyền đi khắp thế giới. Tiến sĩ Jones đã dạy một bài học cho cả thế giới về phép lạ nầy khi xây trạm phát sóng tại ngọn núi đó.

 

Chúng ta cám ơn Chúa về những người vẫn còn tin vào “Trạm phát sóng thiên thượng.” Đức Chúa Trời vẫn còn phán dạy cho chúng ta. Chúa vẫn muốn bày tỏ chương trình của Ngài cho chúng ta và phán dạy chúng ta những điều Ngài muốn chúng ta làm. Đôi khi, Chúa cố ý thử đức tin của chúng ta về chương trình của Ngài giống như trong trường hợp Giô-suê tiến chiếm Giê-ri-cô. Về mặt quân sự, kế hoạch đó chỉ là một trò cười. Đức Chúa Trời có thể ban cho chúng ta một kế hoạch như vậy để thách thức đức tin của chúng ta. Nếu gần gũi và quen biết Chúa, chúng ta có thể tin vào “Trạm phát sóng thiên thượng” và nhận thức được Chúa muốn chúng ta làm điều gì. Trong một buổi tiệc cưới, Ma-ri là mẹ của Chúa Jêsus đã nói rằng: “Người nói gì, hãy vâng theo cả.” Nếu chúng ta biết rằng, Đức Chúa Trời phán dạy chúng ta phải làm một điều gì đó, cách tốt nhất, an toàn nhất là hãy làm đúng như vậy. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời không phải luôn luôn hành động theo cách nầy. Chúng ta sẽ khám phá khi đến trận chiến thứ hai, một cơ hội mà Giô-suê đã chứng tỏ thiên tài quân sự của mình. Đức Chúa Trời là Đấng ưa chuộng trật tự và Ngài cũng là Đấng thiết kế. Chúa đã hoàn thành một chương trình rất tuyệt vời nhưng cũng đầy thách thức, nhiều khi khiến chúng ta phải run sợ. Sẽ có những lúc Ngài sẽ thử đức tin chúng ta như Ngài đã làm với Giô-suê.

 

 

Bài trướcTỉnh Quảng Nam: Lễ Khởi Công Xây Dựng Nhà Thờ TL Kỳ Hòa Và Hiệp Nguyện
Bài tiếp theoBài 52: Giô-Sép Được Thăng Quan