Tự Do Trong Ân Sủng – Kỷ Niệm Ngày Cải Chánh Giáo Hội

2209

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ George Bush, trong bài phát biểu trước Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2004, đã từng nói: “Khát vọng tự do thường trực trong trái tim của mỗi con người.” Chúng ta khao khát tự do vì luôn cảm thấy bị mắc kẹt trong những xiềng xích – những xiềng xích từ hoàn cảnh và người khác hoặc những xiềng xích xuất phát từ chính bản ngã của chúng ta. Do đó, chúng ta hoặc nỗ lực để chứng tỏ mình theo những điều mình hành động, hoặc thả trôi vào những khoái lạc của đời sống.

Giữa thế kỷ XVI, trong lòng xã hội Tây Âu, một chàng trai trẻ tên là Martin Luther cũng loay hoay với những trăn trở về tự do. Được trưởng dưỡng trong nền Thần học Trung Cổ, Luther nhận biết rằng con người vốn là những hữu thể tội lỗi và cần nhận ân sủng của Thiên Chúa để được tha thứ. Tuy nhiên, điều mà ông suy tư là làm thế nào người tin có thể tiếp tục được đứng trước mặt Đấng Thánh khiết khi tội lỗi vẫn luôn đeo bám mỗi phút giây trong cuộc đời. Thần học Trung Cổ nhấn mạnh trạng thái công chính của con người có thể được duy trì qua những thánh lễ. Nhưng Luther bị ám ảnh với tình trạng của mình, ông không biết mình đã có đủ sự tích cực để được Thiên Chúa ưng thuận hay chưa. Ông không tìm thấy bất kỳ sự bảo đảm nào cho thấy cơn thịnh nộ của Chúa sẽ nguôi ngoai bởi sự xưng tội nhiệt thành. Ông tự hỏi: “Tại sao Thiên Chúa lại chồng chất đau khổ thêm đau khổ qua Phúc Âm, và qua Phúc Âm lại đe doạ chúng con với sự công chính và sự thạnh nộ của Ngài?”[1] Giữa hoàn cảnh ấy, Luther đã quay về với Kinh Thánh. Ông tái khám phá rằng: Phúc Âm mà Chúa Cứu Thế rao giảng không trói buộc con người vào những xích xiềng của luật lệ, không tạo nên những con người công chính bằng những việc làm công chính. Phúc Âm của Chúa Cứu Thế là Phúc Âm mà Thiên Chúa đã quy kể sự công chính cho con người qua sự công chính của Con Ngài. Đây chính là hành động của ân sủng thiên thượng mà qua đó, con người được tự do để sống với và sống cho Thiên Chúa. Chính Lẽ Thật này thôi thúc Luther đóng bảng 95 luận đề nhấn mạnh sự xưng công chính bởi đức tin và nhờ ân sủng trên cổng nhà thờ Wittenberg vào ngày 31/10/1517, khởi xướng cho phong trào Cải Chính Giáo Hội. Cốt lõi của cuộc Cải Chính này là lời tuyên bố về sự tự do trong ân sủng của Chúa Cứu Thế, như sứ đồ Phao-lô đã nói: “Đấng Christ đã giải phóng để chúng ta được tự do. Vậy, hãy đứng vững vàng, đừng đặt mình dưới ách nô lệ một lần nữa” (Ga-la-ti 5:1).

Martin Luther, nhà Cải chánh Giáo hội

Nhìn vào hiện tại, Lẽ Thật mà Martin Luther đã tái khám phá từ Kinh Thánh có còn là vấn đề quan trọng với người Cơ Đốc hôm nay? Thụ hưởng kết quả từ công cuộc Cải Chính, chúng ta đã quen thuộc với khái niệm tự do trong đời sống. Tuy nhiên, không phải vì thế mà điều ấy không còn ý nghĩa với chúng ta. Thế hệ đương đại vẫn đang tìm kiếm sự tự do theo ý muốn của mình. Điều này được nhấn mạnh nhiều hơn bởi sự ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh xuất hiện vào giữa thế kỷ XX. Triết gia Jean-Paul Sartre đã nói rằng: “Không có gì hạn chế chúng ta, chúng ta có quyền lựa chọn hành động để trở thành người mà chúng ta muốn trở thành và sống cuộc sống mà chúng ta muốn sống. Không có Chúa Trời nào hay thế lực siêu việt nào ra lệnh cho chúng ta phải làm gì với cuộc sống của mình.”[2] Có lẽ, là những người ở trong truyền thống Cơ Đốc giáo, chúng ta không phủ nhận một Thiên Chúa thực hữu như cách mà Sartre đã nói. Tuy nhiên, thứ chủ nghĩa tự-do-hiện-sinh ấy lại ảnh hưởng đến chúng ta một cách tinh vi và ẩn giấu.

Trước nhất, chúng ta lầm tưởng rằng căn tính của chúng ta phụ thuộc vào những gì mình hành động. Chúng ta lầm lẫn giữa “là” và “làm,” giữa bản chất và biểu hiện. Tại đây, chúng ta đối diện với những gì mà Luther đã gặp phải với Thần học Trung Cổ. Chúng ta mong muốn giữ mình công chính qua những việc làm công chính. Chúng ta, cộng đồng đức tin của chúng ta, Giáo Hội của chúng ta kêu gọi tinh thần ‘tích cực’, thái độ trung thành với những lễ nghi, với những quy định cùng hàng tá những việc phải làm. Chúng ta nhận thấy mình đang ‘ổn’ trong mối liên hệ với Chúa khi và chỉ khi chúng ta chu toàn những công việc như vậy hằng ngày. Nhưng sự thật trớ trêu là những ngày dài trong cuộc đời là những ngày mà chúng ta không bao giờ ‘ổn’. Chúng ta lo lắng không biết mình đã cầu nguyện đủ chưa? Xưng tội đủ chưa? Đã trung tín đi nhóm đủ chưa? Chúng ta mệt mỏi để làm vui lòng Thiên Chúa nhưng lại không chắc rằng Ngài có đang thật sự vui hay có còn yêu thương mình sau những vấp váp, những tội lỗi trong đời sống. Trước những điều ấy, Thần học Cải Chính nhắc nhở rằng: chúng ta hiệp nhất với Chúa Cứu Thế, căn tính của chúng ta là căn tính của Ngài như John Calvin bày tỏ trong tác phẩm Institutes: “…chúng ta mặc lấy Đấng Christ và được ghép vào thân của Ngài, Ngài hạ cố khiến chúng ta làm một với Ngài.”[3] Bởi đó, Thiên Chúa không còn nhìn thấy chúng ta như những gì chúng ta vốn là, nhưng nhìn chúng ta trong Chúa Cứu Thế. Sự bất chính của chúng ta được thay thế bằng sự công chính của Ngài, tội lỗi của chúng ta được thay thế bằng sự vô tội của Ngài, những nỗi lo lắng của chúng ta được thay thế bằng niềm vui mừng bền vững trong Ngài. Do đó, khi đã tiếp nhận những gì mà Chúa Cứu Thế đã làm, chúng ta hoàn toàn tự do để gọi Thiên Chúa là Cha và kinh nghiệm mối liên hệ đầy trọn, bất biến với Ngài mỗi ngày.

Ở một phương diện khác trong sự ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh, chúng ta – những người Cơ Đốc, lại sống theo cách mà dường như Đấng Cơ Đốc chẳng còn liên quan gì đến chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng phần của Ngài đã xong rồi, ân sủng đã được ban cho đủ rồi và giờ đây, việc còn lại là sự tự do của chúng ta. Chúng ta có toàn quyền quyết định trong cuộc đời. Chúng ta có thể yêu bất kỳ ai mà mình cảm thấy rung động, dù là khác phái hay cùng phái, cùng niềm tin hay khác niềm tin. Chúng ta làm mọi việc, đeo đuổi mọi mục đích miễn là có được lợi ích lớn nhất. Chúng ta ưa thích trải nghiệm cá nhân hơn bất kỳ tín lý hay giáo điều nào khác. Điều gì khiến mình thích, khiến mình vui, khiến mình không hao tốn năng lượng để suy nghĩ thì mình có thể dễ dàng đón nhận. Chính vì hiểu được tâm trạng đó của các tín hữu tại Rô-ma, sứ đồ Phao-lô chất vấn họ liệu ân sủng cứu chuộc họ đã nhận được có khuyến khích họ tiếp tục “sống trong tội lỗi” không. Câu trả lời chắc chắn là không. Một mặt, chúng ta được tự do khỏi luật pháp và các việc làm của luật pháp. Không có lề luật nào ngăn cản tình yêu thương và ân sủng của Thiên Chúa đối với chúng ta thông qua sự chết đền tội của Chúa Cứu Thế. Chúng ta hoàn toàn được xưng công chính nhờ huyết của Đấng công chính bao phủ chúng ta. Mặt khác, chúng ta được tự do khỏi tội lỗi để không sống dưới sự chi phối của bản ngã với những tư dục của nó nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta chúng ta  (II Cô-rinh-tô 5:15b). Chính sự phục sinh của Đấng Christ đã ban cho chúng ta hi vọng và năng lực để vượt qua những thất bại và sự bê tha của bản thân. Tác giả của cuốn  Cuộc Cải Chính Giáo Hội vẫn còn quan trọng nhắc lại điều này như sau: “Sự sống đời đời mà người tin nhận được một cách miễn phí bởi duy đức tin là sự sống của Thánh Linh, Đấng biến đổi chúng ta ngày càng nên thánh hơn và giống Đấng Christ hơn.[4]” Thật vậy, đời sống Cơ Đốc không phải là nhìn về chúng ta nhưng là chăm xem duy Chúa Cứu Thế cùng những gì Ngài đã làm, để dựng xây một cuộc đời giá trị vì sự vinh hiển của Đấng đáng nhận lấy mọi sự vinh quang và tôn thờ.

505 năm đã trôi qua kể từ khi ‘phát súng’ đầu tiên của cuộc Cải Chính nổ ra nhưng ảnh hưởng của phong trào ấy vẫn còn quan trọng. Tư tưởng Cải Chính nhắc chúng ta về sự tự do thật. Sự tự do ấy không phải là một bản án buộc chúng ta phải hành động theo những gì mình muốn trở thành, cũng không phải là một sự phóng khoáng rồ dại cho phép chúng ta phí hoài món quà cuộc sống của mình trong tội lỗi. Sự tự do trong ân sủng đem chúng ta đến một lối sống bày tỏ vinh quang Thiên Chúa và vui hưởng Ngài đời đời – ấy chính là khát vọng đáng phải có và cũng là mục đích tối hậu của đời người.

KHỐI THANH NIÊN
UB. TTN TỔNG LIÊN HỘI

[1]Martin Luther (1545), Preface to the Complete Edition of Luther’s Latin Work, bản dịch tiếng Anh bởi Andrew Thornton, bản dịch tiếng Việt từ Cuộc Cải Chính Giáo Hội vẫn còn quan trọng.
[2]Nigel Warbuton (2011), A Little History of Philosophy, Yale University Press
[3]Calvin, Institutes, 3.1.1 – bản dịch tiếng Việt từ Cuộc Cải Chính Giáo Hội vẫn còn quan trọng
[4] Michael Reeves & Tim Chester, Cuộc Cải Chính Giáo Hội vẫn còn quan trọng, bản dịch tiếng Việt năm 2017.

Bài trướcBổ Nhiệm Quản Nhiệm Chi Hội Gò Vấp – TP. Hồ Chí Minh
Bài tiếp theoGia Lai: Ra Mắt Điểm Nhóm Tin Lành Kon Dơng