Tây Hồ, Quảng Nam: Chuyện Cũ Kể Lại

2262

Chúng tôi về thăm Tây Hồ vào một ngày nắng nóng chói chang của tiết trời miền Trung tháng 7. Cánh đồng hai bên đường đã qua mùa vụ, trơ trọi những gốc rạ giữa cái biển vàng của nắng, vừa oi bức, vừa khô khan. Các anh em ở đây cho biết, vì thiếu nước nên người dân chỉ làm mỗi năm một vụ lúa. Đa số các gia đình đều chỉ còn người lớn tuổi vì thanh niên trai tráng đã đi làm xa ở các thành phố.

Cánh đồng nắng cháy

Ngôi nhà thờ mới của Hội Thánh Tây Hồ, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam với mái ngói cao vút giữa cánh đồng, từ xa hàng cây số cũng đã nhìn thấy được. Giữa vùng nông thôn yên bình này, nó như một điểm nhấn trong cái nhìn của mọi người, vừa xa lạ vừa gần gũi; xa lạ vì nó mới xuất hiện trong thời gian gần đây, gần gũi vì cánh cổng nhà thờ luôn rộng mở đón tiếp những người đến thăm…

Nhà thờ mới của Hội Thánh Tây Hồ

Ngôi nhà thờ mới chính là kết quả của những nỗ lực từ con dân Chúa tại đây sau bao nhiêu năm hình thành và xây dựng Hội Thánh Chúa, những nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, vươn mình đứng dậy để xây dựng chính bản thân mình và Hội Thánh.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi là Mục sư Nhiệm chức Võ Hoàng Ân, Quản nhiệm Hội Thánh Tây Hồ, cùng các anh em nhân sự khác như: Nguyễn Diện, Nguyễn Quyền, Quách Hữu Sung, Hồ Thành Được, Phan Đức Ngữ… Những câu chuyện từ thuở “khai thiên lập địa” được nhắc đến, vui cũng có, buồn cũng có, nhưng tất cả đều đem lại cho chúng tôi những bài học thú vị về một đời sống vững vàng đức tin trong Chúa, dẫu đối diện với bao nan đề, nhưng Chúa vẫn bảo vệ, thêm sức, để rồi những người con Chúa có thể vượt qua một cách “trên cả tuyệt vời”.

Những khó khăn thời kỳ ban đầu hầu như không thể kể hết, biết bao câu chuyện xen lẫn giữa thời gian, con người… Một trong những người góp phần đem Tin Lành đến vùng đất này là ông Phan Thanh Việt[1], khi trở về quê hương Tây Hồ có làm chứng cho người thân trong gia đình. Qua lời chứng của ông Phan Thanh Việt thì ông Phan Thanh Tiệm đã bằng lòng cầu nguyện tin nhận Chúa, sau đó là ông bà Quách Hữu Sung (là con gái và con rễ của ông Phan Thanh Tiệm) cũng tin nhận Chúa.

Anh Hồ Thành Được, vốn là một cô nhi tại Cô nhi viện Thiên Ân, Tam Kỳ. Sau năm 1975, anh trở về quê nhà, tuy nhiên, do tuổi còn nhỏ nên không giữ được đức tin trước một cuộc sống bôn ba về vật chất, mà anh vốn là trưởng tộc nên luôn chịu ảnh hưởng của những người bà con chung quanh thường xuyên cúng bái. Tuy vậy, nếp sống đạo đức của một người con Chúa vẫn thấm nhuần trong con người anh, khiến cho anh được người dân thương mến khi được cử làm Đội trưởng Đội sản xuất. Những việc làm tốt đẹp của anh đã làm sáng danh Chúa giữa mọi người, nhất là thời gian sau này, khi tin nhận Chúa. Anh kể với chúng tôi về con đường trở lại với Chúa. Lúc đó anh đang bị áp lực bởi lối sống mê tín dị đoan của mọi người, không tìm được lối thoát tâm linh cho mình. May mắn là anh tình cờ nghe được Đài Nguồn Sống, và Lời Chúa đã sống lại trong anh. Từ đó, anh công khai xưng nhận đức tin của mình. Người dìu dắt anh lúc này là anh Phan Đức Ngữ, một tín hữu đang sinh hoạt tại Hội Thánh Bình Quế, người luôn có sẵn trong lòng tinh thần chứng đạo.

Sau này có thêm nhiều người tin Chúa qua sự làm chứng của Mục sư Bùi Phiên, Truyền đạo Trần Ngọc Lâm, ông Nguyễn Kiện, ông Phan Thanh Việt… Họ đã cùng anh Được đến sinh hoạt tại Hội Thánh Bình Quế.

Anh Nguyễn Diện và Nguyễn Quyền là hai anh em. Trong gia đình có người mẹ tin Chúa, nhưng cũng chưa sâu sắc lắm nên mỗi khi cha anh, vốn chưa tin Chúa, hỏi về lẽ đạo, thì bà không trả lời được. Chính vì vậy, mà hai anh quyết tâm tìm hiểu đạo Chúa tường tận với mong ước là giải thích cho cha mình hiểu về đạo, và cuối cùng, hai anh đã chịu đầu phục Chúa một cách thành tâm. Anh Quyền vẫn còn nhớ Mục sư Võ Văn Hiền, lúc đó đang chủ tọa Hội Thánh Cẩm Long, lên nhà anh, mời thêm một số tín hữu cũ, khích lệ họ giữ đức tin, đi ra chứng đạo mở mang Nước Chúa và giao cho anh Quyền lo cho điểm nhóm này. Khi có anh Diện đi bộ đội về, hai anh em nỗ lực làm chứng nên ngày càng có thêm nhiều người tin Chúa, nhóm lại càng thêm đông.

Sau này, do đường sá đi lại khó khăn, nên chi phái Tây Hồ xin tách về sinh hoạt chung với Hội Thánh Cẩm Long, lúc này do Mục sư Nguyễn Đức Cựu làm Quản nhiệm. Phục sinh năm 1996, lần đầu tiên họ tổ chức nhóm tại nhà anh Được, sau đó để thuận tiện cho bà con, họ chuyển về nhóm tại nhà bà Chinh, rồi nhà bà Khứ, nhà anh Phan Châu Vinh.

Nơi nhóm đầu tiên của Chi phái Tây Hồ

Nơi nhóm đầu tiên của Điểm Nhóm Tây Hồ

Cuối năm 2008, Chi phái Tây Hồ lâm vào bế tắc. Về mặt khách quan thì họ đang bị bắt bớ, về chủ quan thì số tín đồ vừa ít, vừa chưa vững vàng về đức tin. Vì thế, năm 2010, Mục sư Nguyễn Đức Cựu cùng Ban Trị sự Hội Thánh Cẩm Long quyết định cắt thêm Chi phái Đại Quí để nhập cùng Chi phái Tây Hồ thành lập Điểm Nhóm. Thời gian ban đầu, có nhiều người không đồng tình vì phải rời một nơi có sẵn nhà thờ, có đầy đủ cơ sở vật chất để về nhóm tại một chỗ chưa có gì hết. Nhưng dần dần, qua sự thuyết phục của tôi tớ Chúa và các nhân sự, những tín hữu tại Đại Quí đã bằng lòng dấn thân ra đi để xây dựng Hội Thánh mới cho Chúa. Anh em hào hứng kể về buổi nhóm đầu tiên tại Tây Hồ có chiếu phim Cuộc Đời Chúa Cứu Thế. Từ đó, trở thành thường xuyên, họ đem bộ phim này đi chiếu khắp nơi. Cứ mỗi chiều, họ chở bình ăcquy[2], chở tivi đi đến từng nhà, mời vài gia đình đến để chiếu phim. Sau vài ngày sau, họ trở lại thăm và làm chứng cho những gia đình đó. Nhờ vậy mà số người tin Chúa tăng lên rất nhiều, và thời kỳ này kéo dài đến 7-8 năm sau, cho đến khi phim đã cũ, máy móc đã hư…

Những câu chuyện vui được kể ra. Chẳng hạn hồi còn nhóm ở nhà bà cụ Khứ, lúc đó chính quyền không đồng ý. Bà cụ liền yêu cầu nếu không cho nhóm lại thì sáng Chúa nhật họ phải đến chở cụ xuống nhà thờ và chiều đón cụ về. Thấy vậy, nên họ phải đồng ý cho tổ chức nhóm tại đây.

Mục sư Nguyễn Đức Cựu và Mục sư Phan Anh Trí, những người đặt nền móng và gây dựng Hội Thánh Tây Hồ

Mục sư Nhiệm chức Võ Hoàng Ân cho chúng tôi biết thêm, ngày 15/03/2017, Chủ tịch UBDN xã Tam Lộc đã ký quyết định số 12/ UBND, về việc thống nhất cho phép sinh hoạt Điểm Nhóm đạo Tin Lành cho Điểm Nhóm Tây Hồ tại nhà tạm của ông Phan Châu Vinh. Rồi ngày 31/07/2018, đồng ý cho chuyển sang sinh hoạt tại khu đất của ông Huỳnh Đức Hiệp. Điều đáng nói là địa bàn của Hội Thánh Tây Hồ được bao bọc bởi các Hội Thánh chung quanh. Cách 2km về phía nam là Chi Hội Cẩm Long, 3km về phía bắc là Điểm Nhóm Tam Thành của Chi Hội Bình Quế, về phía đông 5km là Điểm Nhóm Tam Phước của Chi Hội Phương Hòa và khoảng 10km về phía tây là Hội Nhánh Sơn Cẩm Hà của Chi Hội Tiên Phước. Tây Hồ tuy là một Hội Thánh nhỏ nhưng đã có 3 thanh niên dâng mình hầu việc Chúa: Truyền đạo Nguyễn Chung, Quản nhiệm Hội Thánh Đại Cường, Truyền đạo Huỳnh Đức Hậu, Phụ tá Hội Thánh Phương Hòa – Đặc trách Hội Nhánh An Hà và thầy Nguyễn Ngọc là sinh viên khóa 8 Viện Thánh Kinh Thần học. Hiện tại, Hội Thánh có 160 tín hữu, nhóm lại thường xuyên khoảng 80 người.

 

Mục sư Nhiệm chức Võ Hoàng Ân, Quản nhiệm Hội Thánh

Một số hình ảnh sinh hoạt cũ của Hội Thánh Tây Hồ

Giờ thờ phượng của Hội Thánh Tây Hồ

Ngồi trong căn nhà tạm gọi là “Tư thất Quản nhiệm”, nhỏ hẹp, nhưng những câu chuyện làm chúng tôi quên đi cái nóng bức của mùa hè đang đổ xuống. Những câu chuyện về phép lạ Chúa làm, cầu nguyện đuổi quỉ, về những đời sống được đổi thay nhờ năng quyền của Chúa, về những con người rượu chè be bét nay đã hoàn toàn từ bỏ… được kể lại. Có lẽ đối với các anh em ở Tây Hồ, đó là chuyện cũ, chuyện bình thường, nhưng với chúng tôi, mỗi câu chuyện là một phước hạnh mà Chúa ban cho con dân Ngài, để rồi trong sự khó khăn, chúng ta mới nhận biết được quyền năng cao cả của Cha Thiên thượng. Nhìn về quá khứ, nhìn về hiện tại, chúng tôi lại thấy được một tương lai đang rộng mở cho Hội Thánh Chúa tại đây. Cơ sở nhà Chúa rồi sẽ được xây dựng đầy đủ để phục vụ nhu cầu của con dân Chúa, Danh Chúa sẽ ngày càng được nhiều người biết đến, âu đó cũng là một qui luật khi những người con Chúa hết lòng sống cho Ngài, luôn vững vàng đức tin trong mọi hoàn cảnh. Rồi những câu chuyện về những người con Chúa nơi đây lại được tiếp tục nhiều thêm lên, tất cả sẽ là những nét chấm phá tuyệt vời cho một Hội Thánh vùng quê xa xôi này, để chúng ta có thể lớn tiếng cảm tạ Chúa về những ơn lành Ngài đã ban cho.

VHD
(tư liệu và một số hình ảnh do con cái Chúa và Hội Thánh Tây Hồ cung cấp)

Chú thích:

[1] Tây Hồ là quê hương của ông Phan Thanh Việt, nên sau này ông đã hỗ trợ cho Hội Thánh rất nhiều, hiện nay có hai người cháu của ông cũng tiếp tục công tác này.
[2] Lúc này, điện vẫn chưa kéo về đến các vùng sâu, vùng xa.

Bài trướcSóc Trăng: Chi Hội An Lạc Tây Công Bố Thành Lập Điểm Nhóm Mỹ Thạnh
Bài tiếp theoThợ Gốm Và Đất Sét – 21/7/2020