Sức Sống Phục Sinh

2050

Sự chết của Chúa Giê-xu là nền tảng của Cơ Đốc giáo, không có sự chết của Chúa thì cũng sẽ không có Cơ Đốc giáo. Tuy nhiên, nếu Chúa chỉ chết mà thôi thì cũng chẳng có gì đáng nói, các giáo chủ của các tôn giáo khác cũng đã chết. Điểm khác biệt là Chúa Giê-xu sau ba ngày trong lòng mộ, Ngài đã sống lại khải hoàn. Chính sự sống lại của Chúa chứng minh cách hùng hồn và vững chắc rằng Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời và sự chết của Chúa có giá trị chuộc tội cho nhân loại, vì ngoài Đức Chúa Trời ra không ai có thể bẻ gãy chìa khoá của tử thần.

 

Mọi tôn giáo đều nói về sự vĩnh cửu của linh hồn con người, nhưng chưa hề có tôn giáo nào bảo đảm có được sự phục sinh cả. Chính sự phục sinh của Chúa đã đem lại cho những người theo Ngài một sức sống mãnh liệt, diệu kỳ, một sức sống siêu nhiên từ Chúa Phục Sinh, từ Đức Chúa Trời quyền năng. Sức sống đó đã biến đổi nhiều cuộc đời một cách đặc biệt. Nhân mùa Phục Sinh năm nay, chúng ta thử nhìn về một số nhân vật đã được sức sống phục sinh của Chúa thay đổi cuộc đời như thế nào để rút ra những bài học cho chính mình.

 

Sức sống phục sinh phá đổ nỗi an phận

 

Ông Phi-e-rơ là một vị sứ đồ khá đặc biệt của Chúa Giê-xu. Khi đi theo Chúa, ông thật sôi nổi, nhanh nhạy, bộc trực, tự tin. Tuy nhiên, sau khi Chúa bị bắt, ông đã theo Chúa xa xa, chối Chúa ba lần, khóc lóc đắng cay rồi sau đó được tin Chúa sống lại, những người đàn bà đã gặp Chúa phục sinh nói lại với các môn đồ rằng Chúa dặn anh em hãy qua xứ Ga-li-lê, ở đó sẽ thấy Chúa (Ma-thi-ơ 28:10). Tin theo lời dặn của Chúa, ông cùng các sứ đồ trở về Ga-li-lê chờ đợi để gặp Ngài, nhưng tinh thần ông lúc ấy gần như đã nản lòng, có lẽ ông muốn sống an phận với nghề cũ của mình nên đã tuyên bố: Tôi đi đánh cá (Giăng 21:3).

 

Nhưng thật ngạc nhiên, sau khi gặp Chúa phục sinh với phép lạ được ghi lại ở Giăng 21, sứ đồ Phi-e-rơ đã trở nên một người hoàn toàn mới mẻ. Ông không còn an phận nữa, nhưng trở nên hăng hái, nhiệt thành ra đi truyền rao sự chết và sống lại của Chúa Giê-xu. Rồi khi Đức Thánh Linh giáng lâm, với quyền năng của Ngài trong một bài giảng, đã đưa hơn 3.000 người đến với Chúa Giê-xu. Điều gì đã phá đổ nỗi an phận của ông Phi-e-rơ như vậy? Chính sức sống phục sinh của Chúa.

 

Sức sống phục sinh phá đổ nỗi chán nản

 

Hãy xem hai môn đồ đang trên đường về quê mình tại làng Em-ma-út, họ đã chán nản đến cùng cực, Đấng mà họ hy vọng sẽ giải cứu Y-sơ-ra-ên thì nay đã bị đóng đinh chết trên cây thập tự rồi. Họ buồn bực đến độ đã cãi nhau trên đường đi (Lu-ca 24:13-35). Trong lúc họ đang cãi nhau, Chúa Giê-xu phục sinh đến gần và cùng đi với họ. Ngài đã trò chuyện, cắt nghĩa Kinh Thánh làm cho họ mở mắt ra, và đang khi Chúa ngồi ăn với họ, lúc Ngài chúc tạ rồi bẻ bánh ra, hai môn đồ này đã nhận ra người khách đồng hành với mình chính là Chúa phục sinh. Ngay lúc đó Chúa biến mất, nhưng chính họ đã không còn chán nản nữa mà cùng nhau đứng dậy mạnh mẽ trở về thành Giê-ru-sa-lem. Kinh Thánh ghi lại: “Hai người nói cùng nhau rằng: Khi nãy đi đường, Ngài nói cùng chúng ta và cắt nghĩa Kinh Thánh, lòng chúng ta há chẳng nóng nảy sao? Nội giờ đó, họ liền đứng dậy, trở về thành Giê-ru-sa-lem, gặp mười một sứ đồ cùng các môn đồ khác đương nhóm lại, nói với họ rằng: Chúa thật đã sống lại, và hiện ra với Si-môn. Rồi hai người thuật lại sự đã xảy đến khi đi đường, và nhìn biết Ngài lúc bẻ bánh ra là thể nào” (Lu-ca 24:32-35).

 

Gặp Chúa phục sinh đã làm cho hai môn đồ từ chán nản đến sốt sắng nóng cháy. Điều gì đã thay đổi cuộc đời họ? Chính sức sống phục sinh của Chúa Giê-xu.

 

Sức sống phục sinh phá đổ lòng ganh ghét

 

Trong những ngày đầu tiên của Hội Thánh Chúa tại Giê-ru-sa-lem, số tín hữu phát triển thật nhanh nhưng con cái Chúa cũng đã đối diện với sự bắt bớ dữ dội, người có công trạng lớn trong sự bắt bớ đạo Chúa là ông Sau-lơ, từ chỗ “ưng thuận về sự Ê-tiên bị giết” (Công Vụ 8:1), đến “hằng ngăm đe và chém giết môn đồ của Chúa không thôi” (Công Vụ 9:1), ông Sau-lơ vẫn thấy chưa đủ, ông đã “đến cùng thầy cả thượng phẩm, xin người những bức thư để gởi cho các nhà hội thành Đa-mách, hầu cho hễ gặp người nào thuộc về đạo (Chúa) bất kỳ đàn ông đàn bà, thì trói giải về thành Giê-ru-sa-lem” (Công Vụ 9:2). Lòng ganh ghét và thù hận của ông Sau-lơ đã lên đến cùng cực, ông quyết tâm tận diệt những người theo Chúa và chỉ muốn triệt hạ đạo Chúa mà thôi.

 

Nhưng rồi một biến cố xảy ra trong cuộc đời ông Sau-lơ, khi ông đang trên đường đi gần tới Đa-mách, ông đã gặp Chúa phục sinh. Cuộc đời ông đã thay đổi hẳn, từ chỗ Sau-lơ ganh ghét, tị hiềm, trở thành Phao-lô yêu thương, rao truyền tình yêu của Chúa cho khắp thế giới. Điều gì đã làm thay đổi cuộc đời của ông Phao-lô một cách kỳ diệu như vậy? Chính sức sống phục sinh của Chúa Giê-xu.


Sức sống phục sinh phá đổ tinh thần bỏ cuộc nửa chừng

 

Chúng ta biết ông Martin Luther là nhà cải chánh giáo hội. Ông là một Linh mục Công giáo rất sốt sắng và mộ đạo, nhưng một ngày kia ông được Chúa mở mắt cho thấy những sai lầm lớn của giáo hội thời đó, ông được soi sáng cho biết “người công chính sống bởi đức tin” chứ không phải bởi những việc làm công đức như ông đang gắng sức thực hành lâu nay, nên ông đã mạnh dạn đứng ra làm một cuộc cách mạng cải chánh giáo hội. Ông đã gặp phải những sự chống đối rất dữ dội đến độ có lúc phải nản lòng.

 

Chuyện kể rằng, một ngày nọ ông quá chán nản muốn bỏ cuộc nửa chừng. Vợ ông thấy vậy bèn bận một bộ đồ tang bước vào phòng làm việc của ông. Khi thấy vậy, ông giật mình hỏi vợ để tang cho ai vậy, thì vợ ông trả lời bà để tang cho Đức Chúa Trời! Hết sức ngạc nhiên và giận dữ, ông giải thích cho bà biết Đức Chúa Trời là Đấng Hằng Sống, chính Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời cũng đã sống lại thì làm sao Đức Chúa Trời có thể chết được. Đến lúc ấy vợ của ông Martin Luther mới ôn tồn nói, nếu Đức Chúa Trời là Đấng Sống thì sao ông lại nản lòng muốn bỏ cuộc như thể Đức Chúa Trời đã chết rồi vậy? Hành động của vợ làm cho ông Martin Luther thức tỉnh, ông mạnh mẽ tiếp tục cuộc cải chánh và đã đi đến thành công.

 

Điều gì thêm sức mạnh cho ông Martin Luther khiến ông không bỏ cuộc nửa chừng? Chính sức sống phục sinh của Chúa Giê-xu.

 

Sức sống phục sinh đã tác động gì đến chúng ta?

 

Có khi nào chúng ta cứ nghĩ rằng mình đi nhà thờ là đủ rồi! Dâng hiến bao nhiêu đó là được rồi! Góp phần với ban hát lễ và Hội Thánh như vậy là được rồi!…  và cứ thế, sống cuộc đời làm một tín đồ an phận. Hãy nhớ lại sức sống phục sinh của Chúa Giê-xu đã phá đổ nỗi an phận của sứ đồ Phi-e-rơ để ông hăng hái hơn, nhiệt thành hơn trong công việc của Chúa.

 

Có khi nào chúng ta cứ sống than thân trách phận, cứ chán nản buồn phiền, cứ bất mãn chán chường? Hãy nhớ lại sức sống phục sinh của Chúa Giê-xu đã phá đổ nỗi chán nản của hai môn đồ Em-ma-út ngày xưa để họ sốt sắng, nóng cháy, sống vui vẻ thoả lòng với Chúa phục sinh.

 

Có khi nào chúng ta sống với nhau mà thường cứ tị hiềm vì nhiều bất đồng trong cuộc sống hay trong sự hầu việc Chúa? Hãy nhớ lại sức sống phục sinh của Chúa Giê-xu đã phá đổ lòng ganh ghét tị hiềm của ông Phao-lô để có thể sống yêu thương hoà thuận với nhau trong tình yêu của Chúa là Đấng Sống.

 

Có khi nào chúng ta phát động phong trào thì rầm rộ nhưng không nuôi dưỡng phong trào làm cho công việc Chúa cứ ngày một lụi tàn? Hãy nhớ lại sức sống phục sinh của Chúa Giê-xu đã phá đổ sự bỏ cuộc giữa chừng của nhà cải chánh Martin Luther để chúng ta có thể bền lòng trung tín với Chúa trong từng công việc dù thuận lợi hay khó khăn, cho đến ngày gặp Ngài.

 

Hãy sống với Chúa mỗi ngày, tương giao với Chúa mật thiết để nhận được quyền năng của sức sống phục sinh. Cầu xin Chúa cho mỗi chúng ta trong mùa Phục Sinh năm nay luôn nhận được sức mạnh thiêng liêng từ Đấng đã sống lại và đang sống trong chúng ta để mạnh mẽ, sốt sắng phục vụ Chúa và mở mang Vương quốc Ngài trên đất.

 

Quyền năng của sức sống phục sinh Chúa Giê-xu vẫn không hề thay đổi, vấn đề là bạn và tôi có bằng lòng để sức sống phục sinh của Chúa đánh đổ nỗi an phận trong ta, cất đi nỗi chán nản, đập tan lòng ganh ghét, tị hiềm, để quyền năng của sức sống phục sinh tràn ngập trong cuộc sống mỗi ngày hay không.

 

 

Ánh Dương

 

 

Bài trướcGiới Thiệu Sách
Bài tiếp theoHuấn Luyện Thánh Kinh Hè Năm 2012 Khu vực Bù Đăng Tỉnh Bình Phước.