Quế Phương: Ngôi Thánh Đường Miền Trung Du

2037

Tôi đến thăm Hội Thánh Quế Phương, xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam vào những ngày tháng ba.

Đường lên nhà thờ vẫn như xưa, vẫn bụi bay mờ mịt trên con đường bê-tông đang uốn mình qua từng vách núi, từng cánh rừng giữa những ngày đầu hạ, tuy có vắng vẻ hơn thường lệ do đang ở trong thời kỳ giãn cách, nhưng cái không khí của một miền trung du bao giờ cũng vậy, êm đềm và lặng lẽ …

Thời tiết thật nắng nóng, cái nóng như muốn đẩy lùi căn dịch bệnh đang hoành hành khắp nơi. Người không quen với thổ nhưỡng ở đây có lẽ sẽ không chịu nổi mười lăm phút dưới cái hanh khô, oi bức này, nó như muốn lấy đi hết sức lực của khách phương xa tìm về thăm miền đất cũ, dẫu nhiệt tình đến đâu thì cũng phải mệt nhoài, ngồi nghỉ từng chặng khi bước lên từng triền dốc thoai thoải. Dòng sông Quế Phương bắt nguồn từ Tam Lãnh chảy qua đây rồi đổ về Tiên Thọ, và cũng từ đấy đổi tên thành sông Tiên, rồi sông Khang, nhập vào dòng Thu Bồn, về Hội An hòa với Biển Đông. Ở Tiên Lập, sông mang nhiều đá sỏi, luôn khô cạn giữa mùa nắng nóng. Tuy vậy, đến mùa mưa lũ, nó nhanh chóng trở mình hung hãn, chỉ qua một đêm, đã thành dòng nước chảy siết và dâng cao, như muốn thể hiện sức mạnh vốn có của mình đã bị dồn nén bấy lâu.

Nằm ở vùng trung du, Quế Phương chìm trong một thung lũng mà chung quanh là núi đồi tuy thấp nhưng lại trùng điệp. Ngược dòng thời gian, từ những năm 1930, tại đây đã có những tín hữu đầu tiên, đa số là người dân tộc Cor (vì lúc này, tại Quế Phương còn rất hoang sơ, dù nằm trên trục đường từ Tam Kỳ lên miền ngược Tiên Phước, Trà Mi). Mãi cho đến năm 1937, Hội Nhánh tại Quế Phương được chính thức thành lập, ngôi nhà thờ bằng tranh tre được dựng lên để có nơi nhóm lại cho con dân Chúa. Rồi đến năm 1941, nhà thờ được cơi nới rộng hơn, nhưng cũng chỉ bằng tranh, điều này cho thấy đời sống con dân Chúa tại đây cũng vô cùng khó khăn. Đến năm 1956, mới có được một ngôi nhà thờ bằng gạch ngói.

Do nằm trong vùng khói lửa chiến tranh, đời sống con cái Chúa cũng như đồng bào luôn phải đối diện với bom đạn, nhưng ít nhất đến trước năm 1973, Hội Thánh vẫn còn duy trì sự sinh hoạt dù nhà thờ đã bị hư hoại từ năm 1967. Sau năm 1975, tuy vẫn còn một số con cái Chúa ở đây, nhưng vì không có nhà thờ, nên họ phải xuống nhà thờ Tiên Thọ (khoảng 10 km) để thờ phượng Chúa. Đến năm 2005, một chi phái được hình thành và đến năm 2008, Hội Thánh được tái lập. Tháng 10/2010, Truyền đạo Trần Việt Tuấn Anh được bổ về quản nhiệm Hội Thánh sau mấy mươi năm gián đoạn.

Nơi nhóm lại của Hội Thánh Quế Phương vào những ngày đầu tái lập

Những nỗ lực xây dựng Hội Thánh Chúa về thuộc linh cũng như thuộc thể bắt đầu vào giai đoạn mới: số tín hữu dần tăng lên, nhu cầu cơ sở nhà Chúa ngày càng cấp thiết. Sau nhiều năm cố gắng, xây dựng, cơi nới nhà nguyện tạm, để đáp ứng nhu cầu thờ phượng Chúa của con cái Chúa, tháng 09/2018, Hội Thánh Quế Phương bắt đầu khởi công xây dựng nhà thờ mới với tấm lòng trông cậy vào sự tiếp trợ từ Thiên Chúa, vì tài lực, nhân lực ở đây vô cùng hạn chế.

Phòng nhóm tạm hiện tại của Hội Thánh

Ngôi nhà thờ trong tương lai thật khang trang: phòng nhóm chính ở tầng trên có diện tích 8m x 18m = 144m2, phòng dành cho Ban Hát lễ 60m2, tầng dưới là phòng sinh hoạt diện tích 8m x 15m= 120m2 và một số phòng chức năng dành cho các ban ngành, thiếu ấu nhi, phòng kho …

Ngôi nhà thờ đang dần hoàn thiện

Khu vực phòng nhóm chính

Ngôi nhà thờ mới cách khu đất cũ khoảng 1 km, vốn là đất của một tín hữu để lại cho Hội Thánh. Trên mảnh đất khá nhỏ đang dựa lưng vào chân núi, dần mọc lên ngôi nhà thờ khang trang với tháp chuông cao vút như ngọn đuốc soi ánh sáng Tin Lành, đem lại sự phước hạnh cho nhiều người dân nơi đây.

Vị trí nhà thờ Tin Lành Quế Phương giữa núi rừng Tiên Lập

Hiện nay, những phần cơ bản của nhà thờ dần hoàn thiện, dù vẫn còn ảnh hưởng của mùa đại dịch, Hội Thánh vẫn cố gắng vượt qua nhiều khó khăn để có thể hoàn thành được phòng sinh hoạt làm nơi thờ phượng tạm cho con cái Chúa, vì mùa mưa đã sắp về, và những cơn mưa núi thì không hề dễ chịu một chút nào. Do nhiều yếu tố khách quan, việc xây dựng có lẽ cũng tạm dừng để chờ thêm nguồn tiếp trợ. Mỗi người con Chúa nơi đây đang nóng lòng muốn nhìn thấy ngày vui chung của toàn Hội Thánh, ngày khánh thành và cung hiến nhà thờ, nhưng lực bất tòng tâm, và họ chỉ biết dâng lời cầu nguyện và trông chờ vào sự tiếp trợ của Cha Thiên thượng thành tín.

Công trình đang dở dang

Và tôi cũng mong rằng, ngày ấy sẽ không xa, để những lời cảm tạ ngợi khen Chúa được cất cao giữa núi rừng trùng điệp Quế Phương, và ánh sáng Phúc Âm sẽ được rạng soi mỗi ngày qua chính nếp sống đạo của những người con Chúa nơi đây, để Danh Chúa ngày càng được nhiều người biết, Nước Chúa ngày càng được mở mang.

Mô hình nhà thờ Tin Lành Quế Phương

Vũ Hướng Dương

Bài trướcBông Trái Thánh Linh
Bài tiếp theoChuẩn Bị Nghênh Đón Chúa – 29/5/2020