Nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng phạm tội ở giới trẻ!

3179

Một số Cơ Đốc nhân tự tin quả quyết: “con cái trong gia đình Cơ Đốc sẽ không bao giờ phạm tội”. Thực ra, đây chỉ là một quan điểm tích cực trên lý thuyết, nhưng thực trạng là điều chúng ta cần nhìn nhận, suy nghĩ và hành động ngay hôm nay. Vì theo thống kê, mỗi năm có hơn 10.000 trẻ em vị thành niên phạm tội, không loại trừ một số em là Cơ Đốc Nhân.

Không ai khác, nhưng chính phụ huynh là đối tượng đang trực tiếp vẽ lên bức tranh cuộc đời của con em mình trong tương lai. Hầu hết mọi người đều sẵn sàng hy sinh cả đời mình để gây dựng một tương lai tốt đẹp cho con cái. Không ít người cho rằng: “Tôi làm mọi thứ cũng chỉ tích góp để dành cho con”. Nhưng thứ gì là điều tốt nhất và cần thiết cho cuộc đời con em chúng ta? Tiền bạc, nhà cửa hay những mối quan hệ con ông cháu cha, …!

Theo các nhà tâm lý học hình sự thì một trong ba nhóm yếu tố tác động tới hành vi phạm tội ở trẻ vị thành niên chính là “Hoàn cảnh gia đình”.

1/ HOÀN CẢNH GIA ĐÌNH:

a. Xây dựng một gia đình có tình yêu thương:

            + Cha mẹ nên thiết lập mối quan hệ vợ chồng gắn bó, khăng khít trong Chúa, để cho con cái thấy được chúng đang sống trong một ngôi nhà hạnh phúc, tràn ngập tiếng cười. Đa phần các em phạm tội đều có một gia đình không hạnh phúc, thiếu sự quan tâm trọn vẹn của cha lẫn mẹ.

            + Khi “cơm không lành, canh không ngọt”, cha mẹ đừng thể hiện trước mặt con, mà có thể gặp nhau ở một không gian chỉ hai người để giải quyết. Nhưng cách tốt nhất là gia đình nên có những giờ cầu nguyện lễ bái vào mỗi tối để chia sẻ, khích lệ, cầu nguyện và tha thứ lẫn nhau. Ngược lại, khi cãi nhau trước mặt con cái, cha đánh mẹ thì trong ý thức của con trẻ nếu là con trai chúng sẽ tin rằng mình có quyền làm thế với người nữ. Nếu con gái thì sẽ ý thức mình là phái yếu luôn chịu thua thiệt trước người nam. Đây cũng là một trong những nguyên nhân của bạo lực gia đình, ly hôn, lối sống ích kỷ, tự kỷ, …

            + Phụ huynh cần tránh dùng ngôn ngữ “chợ búa” hoặc rủa sả con cái bằng những từ cay đắng. Vì những ngôn từ này sẽ khắc ghi sâu đậm vào tâm trí và trở thành nhân cách của các em sau này. Con cái là cơ nghiệp Chúa ban chứ không phải là kẻ thù không đội trời chung “Mão triều thiên của ông già, ấy là con cháu; Còn vinh hiển của con cái, ấy là ông cha” (Châm Ngôn 17:6).

            + Cần có thái độ công bằng khi cư xử trong gia đình. Tấm gương của gia đình ông Y-sác và bà Rê-bê-ca là một minh chứng: Ông Y-sác thì thương yêu con trai cả Ê-sau vì hay đi săn thú rừng về làm cho ông ăn, bà Rê-bê-ca thì thương Gia-cốp vì hay quấn quýt bên mẹ. Từ sự mất quân bình trong tình cảm gia đình đã nảy sinh những rạn nứt giữa hai anh em (Sáng Thế Ký 25:27:34).

            + Trong cách sử dụng tiền bạc, các em cần biết đó là do Chúa ban, nên tiết kiệm trong những việc không cần thiết, nhưng sẵn sàng dùng tiền bạc để dâng hiến và quan tâm, sẻ chia cho những người thiếu thốn. Phụ huynh làm gương để giúp các em biết nguyên tắc không được “mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ về sự yêu thương nhau mà thôi” (Rô-ma 13:8), vì nhiều em có thói quen mắc nợ dẫn đến những hành động phạm tội kinh hoàng như giết người cướp của, buôn bán ma túy, …

            + Các em cần biết và tin Chúa thật lòng chứ không phải chỉ là theo đạo. Điều đó sẽ được hình thành từ những giờ học Kinh Thánh cá nhân, gia đình lễ bái, lớp Trường Chúa Nhật, các kỳ trại hè, …Nên khuyến khích các em góp phần trong Hội Thánh, vì môi trường Cơ Đốc sẽ cho các em nhiều cơ hội nhận biết Chúa cá nhân. Đó chính là tấm khiên bảo vệ các em trước các suy nghĩ và hành động phạm tội.

b. Phát triển một mái ấm có kỷ luật:

            Kỷ luật trong gia đình và giúp các em nhận biết điều gì là tốt, điều gì là xấu phù hợp với lứa tuổi. Nhưng không phải là hành động giữa cảnh sát và tội nhân, cũng đừng quá nuông chiều xem các em là hoàng tử hay công chúa trong gia đình.

            + Nguyên tắc ứng xử phải là điều bắt buộc đối với các em. Các em cần được dạy hai câu “Xin lỗi” và “Cảm ơn” ngay chính trong gia đình của chúng ta là Cơ Đốc nhân. Dưới đây là 5 chữ vàng mà cha mẹ cần nhớ của nguyên tắc thực hiện kỷ luật trong gia đình:

  1. Rõ Ràng: Phải giải thích rõ ràng những nguyên tắc trong thái độ bình tĩnh, tích cực, hạn chế quát mắng, giận dữ.
  2. Cụ Thể: Các quy tắc phải cụ thể, chi tiết, điều gì được phép, điều gì không. Cha mẹ phải cầm tay chỉ việc trong từng trường hợp cụ thể.
  3. Bất Biến: Cha mẹ phải hiệp một và không nên thay đổi các quy tắc theo tâm trạng. Nếu thay đổi một nguyên tắc nào đó thì cần phải giải thích lý do.
  4. Nhất Quán: Cha mẹ là tấm gương để các em noi theo, không ít các em đã nói: “Ba mẹ con không đi nhóm, nên con cũng ở nhà
  5. Nhân Quả: Kỷ luật gồm: “Nguyên tắc, hậu quả và khen thưởng”. Cha mẹ cần phối hợp với nhau để hướng dẫn các em, thông thường các em trai hay gần gũi với mẹ, em gái lại gần gũi với cha (vẫn có những trường hợp ngược lại). Cha mẹ nên tận dụng điều đó để thực hiện năm nguyên tắc trên với tinh thần và thái độ yêu thương, luôn nhắc các em nhớ mình là Cơ Đốc nhân.

2/ YẾU TỐ KHÁCH QUAN NGOẠI CẢNH:

a. Bạn bè:

            Bắt đầu từ 6-7 tuổi, mối quan hệ bạn bè đã dần hình thành và khá quan trọng vì là một trong những đối tượng ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy và hành động của con em chúng trong tương lai. Anh chị trong gia đình không phải là bạn bè, nên đừng ngăn cản tình bạn giữa các em với nhau. Chính các em sẽ tìm thấy những người bạn hợp với mình trong các môi trường tiếp xúc mỗi ngày. Bởi vậy, thời gian sinh hoạt mỗi tuần trong môi trường Cơ Đốc càng nhiều, càng giúp các em có những tình bạn đẹp trong Chúa. Với các bạn ngoài Hội Thánh, hãy khích lệ các em mời bạn đến nhà, và giúp con em mình trở thành người chia sẻ nếp sống Cơ Đốc cho bạn bè xung quanh. Với những bạn xấu, cha mẹ không nên la mắng, cấm tuyệt, nhưng cần giải thích cho các em cách cư xử ấy không phù hợp với nếp sống Cơ Đốc, “chớ mắc lừa: Bạn bè xấu làm hư thói nết tốt” I Cô-rinh-tô 15:33). Để chính các em tự giác trước những hành động sai trái, và tự lánh xa những bạn bè xấu. Hãy xem các em như những người trưởng thành qua thảo luận, trò chuyện nhẹ nhàng với trung tâm là nếp sống Cơ Đốc, thay vì quát mắng, chửi bới, rủa sả.

b. Môi trường văn hóa:

– Văn hóa khỏe: Phụ huynh cần khích lệ tinh thần học tập của các em, nhưng đừng tạo áp lực thành tích và so sánh với những em khác. Nên chăng, giúp các em phát triển tính kiên trì và phấn đấu. Điều này cần thực hiện từ khi các em lên 2-3 tuổi, nhưng vẫn không quá muộn nếu chúng ta bắt đầu thực hiện ngay hôm nay. Cần giải thích cho các em biết khi em làm việc gì cũng là đang làm cho Chúa chứ không phải làm cho người ta. Dù việc lớn hay việc nhỏ, cũng phải mô tả cho các em thấy bức tranh tốt đẹp khi kiên trì khắc phục trở ngại làm đến lúc hoàn thành, và dù có thất bại hay thành công thì cha mẹ vẫn luôn ở bên cạnh các em. Điều quan trọng các em cần nhớ là “Con mắt Đức Giê-hô-va ở khắp mọi nơi, và Ngài sẽ ban sự khôn ngoan cho em” (Châm Ngôn 15:3; Gia-cơ 1:5).

– Văn hóa sạch: Văn hóa đọc sách, truyện, xem phim là những nhu cầu không thể thiếu để phát triển tư duy, kỹ năng sống của các em. Nhưng không ít truyện tranh, clip có nội dung bẩn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành ý thức, ngôn ngữ và nếp sống Cơ Đốc của các em. Điển hình là bài viết “Giật mình với ngôn ngữ “chợ búa” trong truyện tranh Tý Quậy của NXB Kim Đồng” (http://phanthi.vn), hay những clip đăng trên Youtube đi sàn nhảy, quán bar, đánh nhau, …Phụ huynh cần quan tâm, nhắc nhở và kỷ luật đúng lúc.

Tin vui cho quý phụ huynh là Hội Thánh Tin Lành Việt Nam có xuất bản và đăng khá nhiều văn phẩm Cơ Đốc phong phú như: Sách bồi linh, truyện ngắn Cơ Đốc, bản tin Mục Vụ, Kinh Thánh Hàng Ngày Cho Thiếu Nhi, …Quý phụ huynh có thể tìm thấy nguồn văn phẩm này tại phòng sách Cơ Đốc ở các tỉnh và trang web: https://httlvn.org.

3/ĐẶC ĐIỂM TÂM LÝ CÁ NHÂN

a. Trạng thái cảm xúc: Thanh thiếu niên là người đang trong quá trình phát triển sinh lý, tâm lý và ý thức. Đây là giai đoạn mất cân bằng tạm thời trong cảm xúc của các em. Nên có không ít trường hợp, xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ, nhưng không kiềm chế được sự nóng giận quá khích mà một số em đã phạm phải hành động sai lầm, thậm chí là thực hiện hành vi phạm tội. Quý phụ huynh cần quan tâm đến cảm xúc của các em, và tạo một thói quen bình tĩnh trong gia đình khi đối diện với bất cứ việc gì với nguyên tắc “người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (Gia-cơ 1:9).

 b. Nhận thức pháp luật:

Thanh thiếu niên là lứa tuổi thiếu cân đối về trí tuệ, với kinh nghiệm sống còn quá ít ỏi và khả năng nhận thức pháp luật cũng hạn chế. Một số em thực hiện hành vi phạm tội chỉ để thỏa mãn nhu cầu, hứng thú không đúng đắn của cá nhân mà không quan tâm đến hậu quả. Chỉ khi được giải thích, phân tích thì các em mới hiểu rằng hành vi của mình là phạm tội.

Những hành vi bị luật pháp ngăn cấm, thì đối với luật Chúa là điều không thể chấp nhận được. Một em thanh thiếu niên luôn nhận thức mình là Cơ Đốc nhân thì khó để phạm tội. Quý phụ huynh có 90.000 giờ trong 15 năm đầu đời để dạy cho các em nếp sống đẹp lòng Chúa.

c. Nhu cầu độc lập: Ở mỗi lứa tuổi các em có nhu cầu tự quyết định, tự hành động theo ý kiến riêng mà không muốn bị ảnh hưởng của người khác. Điều này giúp có em hình thành nếp sống tự lập. Nhưng cần phải quan tâm và dùng biện pháp kỷ luật đối với những nhu cầu độc lập thái quá thể hiện dưới những hành động như ngang bướng, cố chấp, dễ tự ái, gây gổ, phô trương. Tất cả những hành vi này của người chưa thành niên đều mang tính chất của hành vi lệch chuẩn, dễ dẫn tới các hành vi phạm tội.

d. Nhu cầu khám phá cái mới: Đây là một trong những đặc điểm tâm lý của các em thanh thiếu niên. Quý phụ huynh cần quan tâm đến nội dung những điều con em mình đang chơi, xem, nghiên cứu để ngăn chặn và giúp các em dừng lại đúng lúc. Tuy nhiên, cần tế nhị để không ảnh hưởng đến quyền tự do cá nhân của các em.

            Sẽ không còn cơ hội để cứu con em chúng ta, nếu quý phụ huynh không bắt đầu hành động ngay hôm nay. Vì con cái chính là bầy chiên mà Chúa đang giao phó cho quý phụ huynh “hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm” (I Phi-e-rơ 5:2).

                                                                                                                             Paul Tạ

Tài liệu tham khảo:

Bí kíp dạy con từ 6-9 tuổi (Suzanne Vallières, Đỗ Đình Tấn dịch, NXB Trẻ, 2017);
Bí kíp dạy con từ 9-12 tuổi (Suzanne Vallières, Đỗ Đình Tấn dịch, NXB Trẻ, 2017);
Bí quyết Teen thành công (Adam Khoo & Gary Lee, Trần Đăng Khoa & Uông Xuân Vy dịch, NXB Phụ Nữ, 2018);
Tâm lý học (Trung Tâm Giáo Dục Thường Xuyên – Đại Học Luật Đà Nẵng, 2017).

Bài trướcCần Thơ: 80 Học Viên Tham Gia Khóa Thánh Kinh Căn Bản Dài Hạn 2019
Bài tiếp theoAi Bắt Ai? – 19/2/2019