Ngày 4/11/2015: Hội Thánh và Các Công Việc Trần Gian

785

Giăng 18:29-40

 

“Đức Chúa Giê-xu đáp lại rằng: Nước của Ta chẳng phải thuộc về thế gian này. Ví bằng Nước Ta thuộc về thế gian này, thì đầy tớ của Ta sẽ đánh trận, đặng Ta khỏi phải nộp cho dân Giu-đa; nhưng hiện nay Nước Ta chẳng thuộc về hạ giới” (Giăng 18:36).

 


Câu hỏi suy ngẫm: Trong lịch sử, con dân Chúa đã có những thái độ nào đối với các vấn đề chính trị, văn hóa xã hội? Chúa Giê-xu dạy điều gì về thái độ của Hội Thánh đối với các vấn đề trên qua câu trả lời của Ngài cho Phi-lát? Cá nhân con cái Chúa và tập thể Hội Thánh Chúa nên có những đóng góp nào cho sự lành mạnh của xã hội?

 

Trong thời Cựu Ước, nước Do Thái ở dưới chế độ thần trị. Chúa là Vua chí cao của đất nước này, và luật lệ của Ngài là luật pháp của quốc gia. Chính trị và tôn giáo đi đôi với nhau. Nhiều vị vua khởi xướng phong trào phấn hưng tôn giáo, và cũng có những thầy tế lễ dự phần vào việc phế vua hay lập vua. Trong thời Tân Ước, đạo Chúa lan tràn trên khắp thế giới. Nhiều nơi, chính quyền và đa số dân chúng theo các tôn giáo khác. Hội Thánh chỉ là một nhóm thiểu số, thường bị kỳ thị, ngược đãi. Trong hoàn cảnh đó, Hội Thánh thường không can thiệp vào việc cai trị hay vào các sinh hoạt văn hóa, xã hội. Về sau, Hội Thánh lan rộng và trở thành quốc giáo của nhiều nước ở Âu châu. Các vua chúa Âu châu phải được các giáo hoàng tấn phong. Tôn giáo và chính trị, văn hóa, xã hội trong giai đoạn này liên kết chặt chẽ với nhau. Hội Thánh vì vậy đã can thiệp mạnh mẽ vào chính trị, văn hóa, xã hội.

 

Ngày nay, theo lời dạy của Chúa, chúng ta nên có thái độ nào? Trước hết, chúng ta thấy rằng Chúa dạy Nước Ngài không thuộc về trần gian này. Trong hiện tại, Nước Ngài là nước tiềm ẩn, vô hình, không có biên giới, không có lãnh thổ. Ấy là vương quốc của những người tin Ngài và tôn Ngài làm Vua của đời mình. Tương lai, Nước Ngài sẽ là nước hiển lộ vinh quang. Trọng tâm của Ngài là cứu vớt những người từ trong trần gian để đưa họ vào Nước của Ngài. Sứ mệnh của Hội Thánh là bởi ơn Chúa mà đem đến sự thay đổi con người từ bên trong chứ không phải thay đổi những điều kiện hay luật lệ bên ngoài. Chính Chúa, dù Ngài có đủ khả năng để thay đổi chính quyền, hay trực tiếp nắm chính quyền, nhưng Ngài đã từ chối con đường chính trị khi Ngài bị ma quỷ cám dỗ trong bốn mươi ngày, khi người ta muốn tôn Ngài lên làm vua, và cả khi Ngài bị nạn. Ngài cũng từ chối giải pháp cứu người bằng kinh tế khi Ngài không chịu hóa đá thành bánh, và Ngài quở trách người ta theo Ngài chỉ vì muốn được bánh ăn.

 

Tuy nhiên, Chúa là Đấng yêu thương, Ngài vui thấy con người sống trong bình an, trật tự, công bằng, và đầy đủ, dù là sống tạm trên trần gian này. Hơn nữa, con dân Chúa đóng góp vào việc xây dựng một xã hội tươi đẹp hơn cũng sẽ là một cách soi rọi ánh sáng vào trần gian, để người ta thấy việc lành của chúng ta mà ngợi khen Cha của chúng ta ở trên trời (Ma-thi-ơ 5:16). Cho nên, đóng góp vào việc xây dựng một xã hội tốt lành là điều con dân Chúa nên làm. Điều này xảy ra khi Hội Thánh giảng đạo cứu người và những người được cứu sẽ được Chúa thay đổi đời sống. Việc thay đổi này tự nó đã làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

 

Bạn và Hội Thánh của bạn có những đóng góp nào để làm cho xã hội lành mạnh, tốt đẹp hơn?

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con không những tin đạo mà phải sống đạo giữa trần gian này. Xin Chúa giúp con và Hội Thánh con thể hiện tình yêu thương của Chúa cách cụ thể giữa nơi Chúa đặt để chúng con.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Các Quan Xét 16.

 

Bài trướcLễ Tốt Nghiệp Khóa V và Bế Giảng niên học 2015 của Viện Thánh Kinh Thần Học
Bài tiếp theoNgày 5/11/2015: Quan Hệ của Hội Thánh Đối Với Trần Gian