Năm Mới, Tấm Lòng Mới

13724

 

 

Dường như con người xưa nay luôn khao khát cái mới, muốn được đổi mới luôn. Tương truyền rằng vua Thang đời Thương bên Trung Hoa có bài minh khắc trên đá với chín chữ “cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân” (ví ngày mới, ngày ngày mới, lại ngày mới), và câu nói nổi tiếng ấy thường được người ta nhắc tới khi nói về cái mới. Thật vậy, bước vào năm mới, xuân mới, vạn vật đất trời đều đổi mới khiến con người chúng ta cũng thường ao ước được đổi mới. Tuy nhiên, điều gì quan trọng cần đổi mới đây? Con người luôn muốn đổi mới môi trường, xã hội bên ngoài với những nỗ lực kế hoạch canh tân, đổi mới. Ngày xuân đến, người ta thường chưng dọn, sơn phết nhà cửa cho mới; trẻ con thì thích mặc áo quần mới, mang giày dép mới. Tuy nhiên Kinh Thánh cho biết rằng Chúa muốn đổi mới bên trong tấm lòng con người; Ngài luôn coi trọng, đánh giá tấm lòng “Đức Giê-hô-va cân nhắc cái lòng” (Châm Ngôn 16:2). Chúa mong ước con dân Chúa có tấm lòng kính sợ Chúa, nhận biết Chúa để được phước (Phục 5:29; Giê 24:7).

 

Trong Ê-xê 36:26, Chúa hứa ban cho con dân Chúa một tấm lòng mới. Sứ điệp tiên tri Ê-xê-chi-ên được ban ra trong bối cảnh dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày ở Ba-by-lôn và họ đang trông mong Chúa cho họ được trở về quê hương sau bảy mươi năm như lời Chúa qua tiên tri Giê-rê-mi (Giê 25:11-12) Chúa sẽ phục hồi, phục hưng họ không chỉ về phương diện đất đai, vật chất mà Ngài muốn họ được phục hưng về tâm linh với một tấm lòng mới nữa.

 

Trước hết, Chúa hứa ban cho họ một tấm lòng mới. Tấm lòng mới có nghĩa gì? Trong Kinh Thánh từ tấm lòng có ý nghĩa sâu, rộng hơn ý nghĩa tiếng Việt mà chúng ta thường dùng. Chữ “lòng” (lab) trong Cựu Ước chỉ về con người bề trong, gồm cả ý chí, tình cảm, tâm hồn, tâm trí, suy nghĩ của chúng ta nữa. Lòng mới còn ám chỉ về sự tươi mới bởi Đức Thánh Linh thăm viếng, sự phục hưng tấm lòng, tâm linh chúng ta.

 

Tại sao cần có tấm lòng mới trước hết? Bởi vì mọi sự bắt nguồn từ tấm lòng và tâm trí. Chính Chúa Giê-xu phán: “Vì từ nơi lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối, và lộng ngôn” (Mat.15:19). Kinh Thánh cũng dạy: “Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, Vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra” (Châm 4:23).

 

Tấm lòng mới như thế nào? Ít ra có ba điều liên quan đến tấm lòng mới mà tiên tri Ê-xê-chi-ên đề cập ở đây: đó là tấm lòng thánh sạch, tấm lòng mềm mại, nhu mì, và tấm lòng vâng phục, vâng lời.

 

Tấm Lòng Thánh Sạch

 

“Ta sẽ rưới nước trên các ngươi và các ngươi sẽ trở nên sạch” “làm sạch hết mọi ô uế” (c.25).

 

Nghi lễ thanh tẩy trong thời Cựu Ước là dùng nước để tắm hay rửa. Dân Y-sơ-ra-ên đã phạm tội lìa bỏ Chúa để thờ các tà thần ngoại bang mà Chúa đã cấm, vì thế họ bị lưu đày. Bây giờ Chúa phục hồi, cho họ trở về quê hương thì trước hết tấm lòng họ phải được thanh tẩy khỏi tội lỗi, khỏi mọi thần tượng ô uế của các dân ngoại. Lòng phải được tẩy sạch tội lỗi, ô uế là điều kiện tiên quyết để được Chúa thăm viếng, phục hưng.

 

Tấm lòng thánh sạch được đặt ra trước hết vì đó là sự trong sạch, thanh khiết từ trong sâu kín của tấm lòng. Lòng trong sạch (nội tâm thanh khiết – Bản Hoa ngữ) là lòng chân thật, ngay thẳng, trong sáng, không hai lòng và giả hình. Người có lòng trong sạch là người chân thật trong tư tưởng, lời nói và hành động: mọi việc làm đều xuất phát từ động cơ trong sáng, thánh thiện. Khi vua Đa-vít ăn năn tội lỗi đã phạm, ông đã tra xét lòng mình và thấy những động cơ không trong sạch, những âm mưu đen tối trong lòng mình chỉ có Chúa biết, người ngoài không biết, nên đã cầu nguyện rằng: “Đức Chúa Trời ôi! Hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch, Và làm cho mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng” (Thi 51:10). Trong bài giảng trên núi, Chúa Giê-xu cũng phán: “Phước cho người có lòng trong sạch vì sẽ thấy Đức Chúa Trời” (Mat 5:8)

 

Kinh Thánh thường nói đến lòng trong sạch đi đôi với lòng thánh khiết, được tẩy sạch khỏi tội lỗi như là điều kiện được ở nơi Si-ôn, nghĩa là ở với Chúa “người có tay trong sạch và lòng thánh khiết, chẳng hướng linh hồn mình về sự hư không, Cũng chẳng thề nguyện giả dối” (Thi 24:4).

 

Đức Chúa Trời là Đấng thánh cho nên Ngài đòi hỏi con dân Chúa phải có tấm lòng trong sạch, thánh khiết. Vì thế tấm lòng thánh sạch rất quan trọng đối với Đức Chúa Trời, vì “loài người xem bề ngoài nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng” (1 Sam 16:7). Cầu xin Chúa ban cho mỗi con dân Chúa một tấm lòng trong sạch, thánh khiết trong năm mới này.

 

Tấm Lòng Mềm Mại, Nhu Mì

 

“Ta sẽ cất lòng bằng đá khỏi thịt các ngươi và ban cho các ngươi lòng bằng thịt” (c.26).

 

Tấm lòng mới là tấm lòng mềm mại, nhu mì, khiêm nhường. Nó trái ngược với lòng cứng cỏi, bướng bỉnh. Chúa đã nhiều lần quở trách dân Y-sơ-ra-ên là một dân cứng cỏi (Xuất 33:5), không vâng lời, không chịu ăn năn và chính vì vậy mà họ bị lưu đày qua xứ người. Bây giờ Ngài muốn họ thay đổi. Ngài sẽ cất “lòng bằng đá” và ban cho một tấm “lòng bằng thịt”, mềm mại, nhu mì để họ sẽ được phước.

 

Ngày nay cũng vậy, Chúa muốn con dân Chúa có một tấm lòng mềm mại, nhu mì. Nhu mì là một trong những đức tính quí báu nhất mà Chúa Giê-xu nêu gương để chúng ta học theo. Tấm lòng mềm mại thường thể hiện qua thái độ nhu mì, khiêm nhường đối với mọi người. Mỗi người chúng ta đều có cái tôi cứng cỏi, kiêu ngạo, cần phải được Chúa biến đổi, bởi vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo nhưng ban ơn cho người khiêm nhường. Mi-chê 6:8b chép “cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công bình, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?”.

 

Một tấm lòng mềm mại cũng là tấm lòng biết ăn năn tội, tan vỡ trước mặt Chúa. Vua Đa-vít nêu gương cho chúng ta hình ảnh của con người mềm mại, nhu mì. Ông phạm tội và Chúa dùng bị tiên tri Na-than cáo trách thì ông đã xưng tội và ăn năn, tan vỡ trước mặt Chúa và được Chúa tha tội. Thật vậy “Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương: Đức Chúa Trời ôi! Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu” (Thi 51:17). Xin Chúa ban cho chúng ta tấm lòng mềm mại, biết ăn năn, tan vỡ về những điều tội lỗi, xấu xa của mình trong năm cũ để được Chúa tẩy sạch và phấn hưng đời sống tâm linh.

 

Tấm Lòng Vâng Phục (Vâng Lời)

 

“Khiến các ngươi noi theo luật lệ ta, thì các ngươi sẽ giữ mạng lịnh ta và làm theo” (c.27).

 

Tấm lòng mới là tấm lòng vâng phục hay vâng lời. Một tấm lòng thánh sạch và mềm mại, nhu mì chắc chắn sẽ dẫn đến một tấm lòng vâng phục, tức là noi theo, vâng giữ và làm theo mạnh lịnh của Chúa. Dân Y-sơ-ra-ên là dân được Chúa ban cho luật pháp mạng lịnh để nhờ đó họ được sống. Nhưng rất tiếc là họ đã không vâng giữ, làm theo luật lệ của Chúa cho nên họ phải trả giá đắt. Bây giờ Chúa thăm viếng họ và Ngài muốn họ có tấm lòng vâng phục, vâng lời Ngài. Cơ Đốc nhân ngày nay cũng phải có tấm lòng vâng phục Chúa, bước đi theo Thánh Linh: “Vậy tôi nói rằng: Hãy bước đi theo theo Thánh Linh , chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt”(Gal 5:16). Bước đi theo Thánh Linh là để Đức Thánh Linh làm chủ, điều khiến đời sống chúng ta và chúng ta vâng phục Ngài. Chúng ta thường làm buồn Đức Thánh Linh khi chúng ta chống lại Thánh Linh, không vâng phục Ngài.

 

Tấm lòng vâng phục cũng là tấm lòng mềm mại, sẵn sàng đáp ứng trước lời Chúa, như Kinh Thánh chép: “Nầy là kẻ mà ta đoái đến: tức là kẻ nghèo khó có lòng ăn năn đau đớn, nghe lời nói ta mà run” (Ê-sai 66:2b). Cầu xin Chúa cho chúng ta trở nên những con cái hay vâng lời để được Chúa đẹp lòng: “Anh em đã nên như con cái hay vâng lời, thì chớ có làm theo sự dâm dục, là sự cai trị trong anh em ngày trước, về lúc anh em còn mê muội” (1Phi 1:14).

 

Tóm lại, một tấm lòng mới là tấm lòng thánh khiết trong sạch, một tấm lòng mềm mại, nhu mì, và là tấm lòng vâng phục Chúa. Một tấm lòng mới như thế sẽ được Chúa ban phước như lời Ngài đã hứa: “Các ngươi sẽ ở trong đất mà ta đã ban cho tổ phụ các ngươi; các ngươi sẽ làm dân ta, ta sẽ làm Đức Chúa Trời các ngươi” (c.28).

 

Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta có khao khát và sẵn sàng để Chúa Thánh Linh đụng chạm và biến đổi tấm lòng mình hay không. Bí quyết để có tấm lòng mới, trước hết là để “Thần Ta” tức là Chúa Thánh Linh cai trị, làm chủ tấm lòng chúng ta và sẵn sàng vâng phục, bước đi theo Ngài. Thứ hai, hãy dâng lòng chúng ta cho Chúa như lời Chúa dạy: “Hỡi con, hãy dâng lòng con cho cha, Và mắt con khá ưng đẹp đường lối của cha” (Châm 23:26).

 

Năm mới, xin Chúa ban cho chúng ta tấm lòng mới: thánh sạch, mềm mại, vâng phục.

 

Cầu xin Chúa Thánh Linh thăm viếng và phục hưng tâm linh mỗi người. Hãy cùng hát và lòng họa theo bài Thánh ca 694 “Cầu xin Cha đổi lòng” (Nt. Change my heart oh God) như một lời cầu nguyện cho năm mới Ất Mùi 2015 này: “Cầu xin Cha đổi lòng, làm tâm linh trắng trong. Cầu xin Chúa đổi lòng, khiến con đây giống Ngài”.

 

A-men!

 

Trịnh Phan

Xuân Ất Mùi 2015

 

 

Bài trướcHiệp Nguyện Mục Sư, Truyền Đạo & Chấp Sự – Tp. Cần Thơ Tháng 02/2015
Bài tiếp theoGiới Thiệu: Phần Mềm Ứng Dụng Kinh Thánh Trên Điện Thoại