Mầu Nhiệm Phục Sinh

5095

 

Nếu tín đồ các tôn giáo khác hãnh diện về một cái xương hay một sợi râu của vị giáo chủ mình đã tìm lại được, thì ngược lại, tín đồ Cơ Đốc giáo lại hãnh diện về một ngôi mộ trống, vì Chúa Giê-xu đã từ kẻ chết sống lại một cách vinh quang! Thật vậy, hai điểm nổi bật trong cuộc đời Chúa Cứu Thế là sự chết và sự sống lại của Ngài. Đó là hai sự kiện quan trọng và là trung tâm điểm của chương trình cứu rỗi mà Thiên Chúa đã thực hiện để cứu nhân loại ra khỏi tội lỗi và sự chết. Đức tin Cơ Đốc giáo đặt nền tảng trên sự chết và sự sống lại mầu nhiệm đó.

 

CÂU CHUYỆN VỀ SỰ CHẾT VÀ SỰ SỐNG LẠI CỦA CHÚA GIÊ-XU CƠ ĐỐC

 

Muốn biết sự chết và sự sống lại của Chúa Cơ Đốc đã xảy ra như thế nào, chúng ta hãy trở về với những trang Phúc Âm. Cả 4 sách Phúc âm đã ghi lại một cách cụ thể, rõ ràng và trung thực về sự chết và sự sống lại của Ngài (Ma-thi-ơ 27 & 28; Mác 15 & 16; Lu-ca 23 & 24; Giăng 19 & 20). Xin tóm lược câu chuyện như sau: Đến năm 30 tuổi, Chúa Giê-xu bắt đầu thi hành chức vụ của Ngài trên đất. Ngài đi đây đó, rao giảng Đạo Cứu rỗi, làm nhiều phép lạ và có nhiều người theo Ngài. Nhưng các lãnh tụ tôn giáo và chính quyền La Mã lúc bấy giờ chống đối và tìm cách giết Ngài. Họ bắt Ngài đem đi tra hỏi, đánh đập, sỉ nhục và cuối cùng đóng đinh Ngài trên cây thập tự. Sau khi chết, Ngài được một môn đồ tên là Giô-sép đến xin xác Ngài đem liệm rồi để trong một cái huyệt đục trong hốc đá lớn và lăn hòn đá chận cửa huyệt lại (đây là lối mai táng theo phong tục Do Thái). Cách 3 ngày sau, lúc tờ mờ sáng ngày thứ nhất trong tuần lễ (tức ngày Chúa Nhật) có mấy người đàn bà yêu mến Chúa đến thăm mộ. Kinh Thánh chép: “Kìa, đất rúng động dữ dội vì có thiên sứ của Chúa ở trên trời xuống đến lăn hòn đá ra mà ngồi ở trên. Hình dung của thiên sứ giống như chớp, áo trắng như tuyết. Vì cớ sợ hãi thiên sứ nên bọn lính canh run rẩy trở nên như người chết. Thiên sứ bèn nói cùng các người đàn bà đó rằng: “Đừng sợ vì ta biết các ngươi tìm Giê-xu là Đấng chịu đóng đinh trên cây thập tự giá. Ngài không ở đây đâu vì Ngài đã sống lại như lời Ngài đã phán. Hãy đến xem chỗ Chúa đã nằm. Rồi hãy đi mau báo cho môn đồ Ngài rằng Ngài đã từ kẻ chết sống lại. Kìa, Ngài đi qua xứ Ga-li-lê trước các ngươi, tại đó các ngươi sẽ thấy Ngài.” Họ bèn vội vàng ra khỏi mộ vừa sợ vừa cả mừng chạy báo tin cho môn đồ Ngài. Bỗng Chúa Giê-xu gặp họ mà phán rằng: “Mừng các ngươi, họ cũng đến ôm chơn Ngài và thờ lạy Ngài. Bấy giờ Chúa Giê-xu phán cùng họ rằng: “Đừng sợ, hãy đi báo cho anh em ta để họ đi qua Ga-li-lê, ở đó sẽ thấy ta” (Ma-thi-ơ 28:1-10). Sau đó, Chúa Giê-xu còn hiện ra nhiều lần, nhiều chỗ cho nhiều người xem thấy. Ngài ở với môn đồ 40 ngày rồi Ngài về trời và phán rằng: “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người. Ai tin và chịu phép báp têm sẽ được rỗi; nhưng ai chẳng tin sẽ bị đoán phạt.” (Mác 16:15-16).

 

Sự phục sinh của Chúa Giê-xu là một biến cố kỳ diệu đến nỗi ngay những môn đồ của Ngài lúc mới đầu cũng không tin, nhưng cuối cùng họ đã thấy tận mắt, rờ tận tay và họ phải tin. Xưa nay cũng có nhiều người cố công tìm kiếm những chứng cớ, lý lẽ để hòng phủ nhận sự sống lại của Chúa Giê-xu, nhưng tất cả đều vô ích vì sự sống lại của Ngài là một thực tại lịch sử không ai có thể phủ nhận được.

 

            Ý NGHĨA SỰ CHẾT CỦA CHÚA GIÊ-XU CƠ ĐỐC

 

Tại sao Chúa Giê-xu phải chiu chết trên cây thập tự một cách đau thương như thế? Ngài chỉ nhập thế và dạy cho con người biết con đường cứu rỗi không đủ sao? Và nếu Ngài là Đấng Cứu Thế đến từ Thiên Chúa toàn năng thì Ngài có thể dùng quyền năng để cứu con người không được sao, hà tất phải chịu khổ và chết đau đớn như vậy? Đó là những câu hỏi thường được nhiều người nêu lên. Để trả lời cho vấn đề nầy, trước hết chúng ta cần tìm hiểu căn nguyên của sự đau khổ và sự chết mà loài người phải chịu. Tội lỗi, đau khổ và sự chết là ba nan đề mà từ xưa đến nay nhân loại không sao giải quyết nổi. Nếu xã hội loài người ngày càng văn minh, tiến bộ vượt bậc, ngày càng có thêm nhiều triết thuyết, chủ nghĩa và những phát minh khoa học tân kỳ thì ngược lại, đạo đức con người ngày càng bại hoại, tội lỗi đầy dẫy, đau khổ chất chồng và cuối cùng con người phải đối diện với sự chết, một thực tại kinh khiếp luôn ám ảnh, đe doạ và thách thức lý trí con người. Sự chết có thể đến với mỗi người bất cứ giờ nào, bất cứ nơi nào, không kỳ hẹn – già chết mà trẻ cũng chết; bịnh tật chết đã đành mà đang mạnh khoẻ cũng có thể chết bất đắc kỳ tử! Ôi! Sự chết là cái gì khủng khiếp và đầy bí ẩn! Trước cái chết như một nỗi bất lực ấy, con người có nhiều thái độ khác nhau: Có người nỗ lực, tìm tòi những phương thuốc “trường sinh” nhằm kéo dài sự sống nhưng rồi cũng vấp phải nấm mồ! Có người thì bi quan, miễn cưỡng, chấp nhận cái chết như một định mệnh nghiệt ngã mà Đấng Tạo Hoá dành cho con người hoặc coi “sự chết là qui luật của cuộc sống” để tự an ủi mình. Có người thì oán trách Thiên Chúa và đâm ra nghi ngờ sự hiện hữu của Ngài: Thật sự có Thiên Chúa, có Ông Trời? Ngài ở đâu và tại sao lại để cho con người đau khổ và chết chóc như thế? Cuối cùng, một thái độ cũng được nhiều người tán đồng là tìm cách thăng hoa cái chết, làm cho nó mang một ý nghĩa đẹp đẽ như “bước vào cõi vĩnh hằng”, “tiêu diêu miền cực lạc” hay “chuyển kiếp”… để mong lãng quên, không bị ám ảnh bởi cái chết. Có thể nói, cuộc đời con người là một chuỗi dài nỗ lực để vượt thoát, trốn chạy thật xa cái chết, nhưng rồi cuối cùng thần chết vẫn đuổi theo kịp!

 

Tại sao có sự chết và đau khổ? Sau khi chết, con người sẽ đi về đâu? Nhà thơ Bùi Giáng vốn là người thông thái về triết học, văn chương và cũng có niềm tin tôn giáo nào đó, nhưng đến cuối cuộc đời, ông cũng băn khoăn tự hỏi “Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại. Tôi ra đi mà không biết đi đâu?”

 

Thực ra, có thể nói con người không thể nào tìm ra câu giải đáp thỏa đáng cho những thắc mắc về sự chết, đau khổ, đời sau, nếu không trở về với Kinh Thánh là lời của Thiên Chúa. Kinh Thánh đã trả lời một cách rõ ràng dứt khoát rằng: “Vì mọi người đếu đã phạm tội, hụt mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 3:23) và “Tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23). Loài người phải đau khổ và chết vì loài người đã phạm tội cùng Thiên Chúa. Thuỷ tổ của loài người là A-đam và Ê-va đã phạm tội nên phải mang lấy bản án tử ngay từ những ngày đầu tiên và từ đó nhân loại trên trái đất nầy là dòng dõi của ông bà phải rướt lấy hậu quả ấy như một án phạt của Thiên Chúa. “Cho nên như bởi một người mà tội lỗi đã vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết và như vậy sự chết đã lan khắp mọi người vì mọi người đều đã phạm tội” (Rô-ma 5:12). Kinh Thánh phân biệt ba ý nghĩa của sự chết. Chết về tâm linh (tức là linh hồn không còn tương giao với Thiên Chúa), chết về thể xác (tức là chết tạm thời để chờ ngày phán xét) và chết cả thể xác lẫn linh hồn nơi hoả ngục (đây là sự chết vĩnh cữu, đời đời). Từ khi phạm tội, loài người nói chung đều đã chết về tâm linh, tức là bị phân cách, không giao thông được với Thiên Chúa và chết về thể xác, tức là thể xác trở về bụi đất còn linh hồn được ở một nơi gọi là âm phủ, chờ ngày phán xét cuối cùng để được sống đời đời hoặc bị chết đời đời.

 

Mặc dầu con người phạm tội và phải lãnh án chết như thế, Thiên Chúa vẫn hằng yêu thương con người là một tạo vật kỳ diệu của Ngài. Vì thế, ngay từ buổi sáng thế, Thiên Chúa đã dự bị một phương cách để giải cứu con người khỏi tội lỗi và hậu quả của nó là đau khổ và sự chết. Đó là Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh mang hình hài con người, sống giữa nhân loại và cuối cùng hiến thân chịu chết thay cho tội lỗi của cả nhân loại trên cây thập tự. Chỉ có Chúa Giê-xu là Thiên Chúa thành người mới đủ tư cách đại diện cho cả nhân loại mà thôi. Sự chết của Ngài có giá trị chuộc tội cho cả thế gian và cứu nhân loại thoát khỏi án phạt là sự chết. Vì thế, có thể nói Ngài đã chiến thắng sự chết bằng chính cái chết của Ngài. Đó là lý do khiến Chúa Cứu Thế phải chịu chết vậy.

 

Sự chết của Chúa Giê-xu Cơ Đốc còn thể hiện đức công chính, thánh khiết và yêu thương là những bản tính của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng Thánh Khiết không chịu được tội lỗi nên khi con người phạm tội, thì phải bị đoán phạt. Nhưng Chúa Giê-xu tự nguyện hiến thân chết thế cho cả nhân loại để nhờ Ngài mà nhân loại được trắng án và được sống. Kinh Thánh chép “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.” (Rô-ma 5:8). Sự hiến thân chịu chết của Ngài cũng minh chứng một tình yêu vô biên tuyệt diệu: Ngài là Thiên Chúa quyền năng, vô tội bằng lòng chịu chết vì tội lỗi của nhân loại. Ngài phải chết để nhân loại được sống.

 

            Ý NGHĨA SỰ SỐNG LẠI CỦA CHÚA GIÊ-XU CƠ ĐỐC

 

Sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu là hai sự kiện bất khả phân ly: Không thể có sống lại nếu không chết và nếu Ngài không sống lại thì cũng không ích lợi cho ai cả. Đó cũng chỉ là cái chết của một bậc anh hùng đại nghĩa đáng ca tụng mà thôi chứ không thể giải thoát con người khỏi sự chết. Vâng! Ngài đã sống lại! Những chứng cứ về sự sống lại của Chúa Giê-xu được bày tỏ trước hết qua ngôi mộ trống hiện vẫn còn ở xứ Do Thái, thứ đến qua những lần xuất hiện sau khi sống lại được ghi rõ trong Kinh Thánh và cuối cùng qua sự sống của Ngài trong mỗi đời sống Cơ Đốc nhân.

 

Tại sao Chúa Giê-xu phải sống lại? Sự sống lại của Ngài có ích lợi gì cho chúng ta?

 

Trước hết, chính sự phục sinh của Ngài đã cho chúng ta hiểu được ý nghĩa sự chết của Ngài. Ngài đã dạy rằng: “Nếu hạt lúa mì chẳng rơi xuống đất mà chết thì cứ chỉ một mình, nhưng nếu chết đi thì kết quả nhiều (Giăng 12:24). Một hạt giống cần được gieo xuống đất và tan rã để thành cây và sinh hoa trái, nhưng nếu chỉ bị tan rã mà không nẩy mầm thì đó là một hạt giống vô ích. Cũng thế, nếu Chúa Giê-xu Cơ Đốc không sống lại thì sự chết – một thực tại kinh khiếp đe doạ con người – vẫn còn nguyên vẹn và con người vẫn chưa được giải thoát. Nếu Ngài không sống lại thì làm thế nào có thể cứu nhân lại khỏi sự chết mà đến sự sống được? Và như thế Ngài không phải là Đấng Cứu Thế!

 

Hơn nữa, sự phục sinh của Chúa Cứu Thế bảo đảm cho sự sống lại của những kẻ tin Ngài. Thánh Phao-lô đã phân tích một cách rõ ràng mối tương quan chặt chẽ giữa sự sống lại của Chúa Giê-xu và sự sống lại của những kẻ tin Ngài. Ông xác quyết: “Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại (I Côr.15:11). Chưa ai từ kẻ chết sống lại và sống mãi mãi trừ ra Chúa Giê-xu Cơ Đốc. Kinh Thánh gọi Ngài là “trái đầu mùa của những kẻ ngủ (chết)”. Có lẽ đến đây bạn sẽ thắc mắc là chúng ta sống lại như thế nào? Thân xác chết đi, trở về với cát bụi thì làm sao sống lại?Than thể đó sẽ ra sao? Kinh Thánh cũng cho biết rằng thân thể chúng ta khi sống lại là thân thể vinh quang, thiêng liêng và kỳ diệu: “Thân thể đã gieo ra là hư nát mà sống lại là không hay hư nát; đã gieo ra là nhục mà sống lại là vinh; đã gieo ra là thể huyết khí mà sống lại là thể thiêng liêng. Nếu có thể huyết khí thì cũng có thể thiêng liêng” (I Côr. 15:42-44). Sự phục sinh của Chúa Giê-xu mang lại cho chúng ta một niềm hy vọng sống: Ngài đã sống lại và những kẻ tin Ngài chắc chắn sẽ được sống lại để hưởng phước hạnh khi Chúa trở lại. Chính Chúa Giê-xu đã phán “25Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin Ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. 26 Còn ai sống và tin Ta thì không hề chết. Ngươi tin điều đó chăng?” (Giăng 11:25-26).

 

Cuối cùng, sự phục sinh của Chúa Giê-xu đã trả lời một cách dứt khoát cho những nghi vấn quan trọng của con người xưa nay, rằng: Thiên Chúa thực hữu, Ngài là Đấng Toàn Năng; chết không phải là hết, đời sau là một thực tại, không còn nghi ngờ gì nữa! Sau khi chết, con người sẽ sống lại để được ban thưởng trong Nước thiên đàng phước hạnh hoặc bị trừng phạt nơi Hỏa ngục khổ đau tùy theo công việc mình làm lúc còn sống, như Kinh Thánh chép “Ai đã làm lành thì sống lại để được sống, ai đã làm dữ thì sống lại để bị xét đoán.” (Giăng 5:29)

 

*Nếu tội lỗi đã phá vỡ mối tương giao giữa con người và Thiên Chúa thì sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu Cơ Đốc đã tái lập “mối quan hệ bình thường”, thiết lập mối giao hảo giữa Trời và Người. Sự chết của Chúa đóng vai trò tẩy rửa, công chính hoá nhân loại và sự sống lại của Chúa đem lại cho con người niềm hy vọng sống

 

Thưa bạn đọc thân mến, sự cứu rỗi trong Danh Chúa Giê-xu Cơ Đốc là một ơn Thánh sủng, là quà tặng của Thiên Chúa ban cho để nhân loại nhờ đó nhận được sự sống đời đời và điều kiện duy nhất để bạn nhận được sự cứu rỗi là mở lòng ra tiếp nhận Chúa Giê-xu Cơ Đốc là Cứu Chúa của mình, là Đấng đã chịu chết vì bạn và đã sống lại để bạn nhận được sự sống và sự sống vĩnh cửu.

 

Chúng tôi tha thiết khuyên mời bạn hãy tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của mình để tội được tha, linh hồn được cứu khỏi sự đoán phạt và được hưởng sự sống phong phú từ Chúa Phục Sinh ngay hôm nay. Lời Chúa hứa “Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jêsus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu.” (Rô-ma 10:9). 

 

Nếu bạn muốn đặt niềm tin của mình nơi Chúa Phục sinh, xin hãy cầu nguyện theo những lời sau đây:

 

Kính lạy Chúa Giê-xu là Thiên Chúa đã yêu thương con, chịu chết trên thập tự giá để chuộc tội cho con và đã sống lại để ban cho con niềm hy vọng sống. Nhưng bấy lâu nay con chưa nhận biết Ngài và chưa đặt niềm tin nơi Ngài. Bây giờ con quyết định tin nhận Chúa và mời Chúa ngự vào lòng con. Xin Chúa tha tội cho con, biến đổi cuộc đời con và giúp con bước đi theo Chúa trọn đời. Con thành tâm cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-xu. A-men!

 

 

           Mục sư Trịnh Phan

           Mùa Phục sinh 2017

Bài trướcNgày 13/4/2017: Tận Cùng của Sự Vâng Phục
Bài tiếp theoKhóa Bồi Dưỡng Mục Vụ Truyền Giáo Tại Tỉnh Hậu Giang