Lời Cảnh Báo Chí Tình – 28/12/2018

2408

 

Xuất Ê-díp-tô Ký 9:13-19

13 Đoạn, Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Ngươi hãy thức dậy sớm, ra mắt Pha-ra-ôn mà tâu rằng: Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời của dân Hê-bơ-rơ, có phán như vầy: Hãy tha dân ta đi, để chúng nó hầu việc ta; 14 vì lần nầy ta sẽ giáng các tai nạn cho lòng ngươi, quần thần, và dân sự ngươi, hầu cho ngươi biết rằng khắp thế gian chẳng có ai bằng ta. 15 Nếu bây giờ, ta đã giơ tay ra hành hại ngươi bịnh dịch, thì ngươi cùng dân ngươi đều đã bị diệt khỏi đất rồi. 16 Nhưng vì cớ nầy ta để ngươi còn sống, là cho ngươi thấy quyền năng của ta, hầu cho danh ta đồn khắp cả thiên hạ. 17 Nếu ngươi còn cản trở, không để cho dân ta đi, 18 thì mai, tại giờ nầy, ta sẽ làm một đám mưa đá lớn, đến đỗi tại xứ Ê-díp-tô từ khi khai sáng cho đến ngày nay chẳng có đám mưa nào giống như vậy. 19 Thế thì, bây giờ hãy sai đem lục súc và mọi vật thuộc về ngươi ở ngoài đồng vào, cho khỏi hiểm nghèo. Mưa đá sẽ rớt xuống trên mọi người và vật đương ở ngoài đồng không vào nhà, thì sẽ chết hết. 

Câu gốc: “Nếu bây giờ, ta đã giơ tay ra hành hại ngươi bịnh dịch, thì ngươi và dân ngươi đều đã bị diệt khỏi đất rồi” (câu 15).

Câu hỏi suy ngẫm: Đức Giê-hô-va yêu cầu Pha-ra-ôn làm gì? Chúa muốn Pha-ra-ôn và người Ai Cập biết gì về Ngài? Chúng ta được nhắc nhở gì qua lời cảnh báo của Chúa?

Đây là lần thứ sáu ông Môi-se và ông A-rôn đến trước mặt Pha-ra-ôn yêu cầu vua tha cho tuyển dân ra đi hầu việc Đức Giê-hô-va y theo lệnh của Ngài (Xuất Ê-díp-tô Ký 5:1; 7:16; 8:1; 8:20; 9:1; 9:13). Trong sự toàn tri, Chúa biết trước Pha-ra-ôn sẽ không cho tuyển dân đi. Tuy vậy, Ngài cũng đã trải lòng cảnh báo cho vua biết rằng Ngài sẽ giáng họa trên xứ Ai Cập để người Ai Cập nhận thức được ba điều sau đây:

Thứ nhất, Đức Giê-hô-va của người Y-sơ-ra-ên là Đấng có năng quyền tối thượng, không thần nào có thể so sánh được (câu 14). Năng quyền của Ngài sẽ được bày tỏ ở giữa xứ sở của họ. Ngài chẳng những làm những việc phi thường trên đất mà còn tể trị quy luật thiên nhiên ở trên trời, làm mưa đá rơi xuống, là việc mà người ta chưa từng thấy từ khi lập quốc (câu 18).

Thứ hai, Ngài là Đấng tể trị mọi sự. Chúa nắm giữ sự sống và sự chết của họ. Nếu Chúa giơ tay hành hại họ bằng dịch bệnh, thì cả vua lẫn dân Ai Cập đã bị tuyệt diệt hết rồi (câu 15). Chúa tể trị trên khắp đất, chính Ngài đã cho Pha-ra-ôn ở vị trí lãnh đạo dân Ai Cập và có thẩm quyền cai trị trên người Y-sơ-ra-ên. Việc giải thoát tuyển dân khỏi ách nô lệ tại Ai Cập để hầu việc Chúa thật không khó cho Ngài. Tuy nhiên, Chúa đã kiên nhẫn với họ và cho phép những sự việc này xảy ra, hầu cho danh của Ngài được biết khắp cả thiên hạ (câu 16).

Thứ ba, Chúa là Đấng yêu thương và đầy ân sủng trên vua và thần dân Ai Cập. Mặc dù Chúa biết Ngài sẽ phải giáng họa cho vua và thần dân Ai Cập nhưng Chúa cũng đã chỉ cho họ phương cách để giảm thiểu thiệt hại bằng cách đưa bầy súc vật và mọi thứ đang còn ở ngoài đồng về nhà (câu 19). Ngài cho họ một ngày để quyết định và thu xếp. Điều Ngài muốn ở họ là đức tin và sự vâng lời.

Học biết Chúa là Đấng năng quyền tối thượng không thần nào có thể so sánh, để chúng ta ngưỡng mộ và tôn thờ Đức Chúa Trời và chỉ một mình Ngài mà thôi. Học biết Chúa đang tể trị, cầm giữ mạng sống và là nguồn của mọi thẩm quyền, để chúng ta kính sợ và quy phục Chúa, sống bình an giữa những biến cố cuộc đời. Học biết Chúa yêu thương đầy ân sủng, để chúng ta dành trọn cho Ngài lòng tin yêu và biết ơn.

Qua đời sống của bạn, thiên hạ nhận biết Chúa là ai?

Lạy Chúa, con tôn ngợi và biết ơn Chúa là Đấng năng quyền, tể trị và ân sủng cao vời! Xin giúp con sống kính sợ Ngài, luôn thuận phục ý Chúa; hầu cho qua đời sống con, năng quyền của Chúa được bày tỏ và thiên hạ nhận biết Ngài là Chân thần độc tôn cao cả và họ sẽ quy phục Ngài.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Sa-mu-ên 28.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcRồi Mùa Lễ Hội Cũng Qua Đi…
Bài tiếp theoKhánh Hòa: Thông Công Giáng Sinh 2018 Khu Vực TP. Nha Trang