Các phần Kinh Thánh trích dẫn sau đây giúp ta hiểu Lẽ Thật là gì:
Giăng 8:32 Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi.
Giăng 8:40 Nhưng hiện nay, các ngươi tìm mưu giết ta, là người lấy lẽ thật đã nghe nơi Đức Chúa Trời mà nói với các ngươi; Áp-ra-ham chưa hề làm điều đó!
Giăng 8:44 Các ngươi bởi cha mình, là ma quỉ, mà sanh ra; và các ngươi muốn làm nên sự ưa muốn của cha mình. Vừa lúc ban đầu nó đã là kẻ giết người, chẳng bền giữ được lẽ thật, và không có lẽ thật trong nó đâu. Khi nó nói dối, thì nói theo tánh riêng mình, vì nó vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối.
Giăng 8:45 Nhưng vì ta nói lẽ thật, nên các ngươi không tin ta.
Giăng 8:46 Trong các ngươi có ai bắt ta thú tội được chăng? Nếu ta nói lẽ thật, sao các ngươi không tin ta?
Giăng 14:6 Vậy Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.
Giăng 14:17 tức là Thần lẽ thật, mà thế gian không thể nhận lãnh được, vì chẳng thấy và chẳng biết Ngài; nhưng các ngươi biết Ngài, vì Ngài vẫn ở với các ngươi và sự ở trong các ngươi.
Giăng 15:26 Khi nào Đấng Yên ủi sẽ đến, là Đấng ta sẽ bởi Cha sai xuống, tức là Thần lẽ thật ra từ Cha, ấy chính Ngài sẽ làm chứng về ta.
Giăng 16:13 Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến.
Giăng 17:17 Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha tức là lẽ thật.
Giăng 17:19 Con vì họ tự làm nên thánh, hầu cho họ cũng nhờ lẽ thật mà được nên thánh vậy.
Giăng 18:37 Phi-lát bèn nói rằng: Thế thì ngươi là vua sao? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Thật như lời, ta là vua. Nầy, vì sao ta đã sanh và vì sao ta đã giáng thế: ấy là để làm chứng cho lẽ thật. Hễ ai thuộc về lẽ thật thì nghe lấy tiếng ta.
Giăng 18:38 Phi-lát hỏi rằng: Lẽ thật là cái gì? Khi người đã hỏi vậy rồi lại đi ra đến cùng dân Giu-đa, mà rằng: Ta chẳng thấy người có tội lỗi gì cả.
Đối với một số người, Lẽ Thật chưa minh bạch lắm.
Nói như thế nghe như mâu thuẫn. Vì làm sao lẽ thật lại không minh bạch được?
Trong bài này chúng ta sẽ nghiên cứu về lẽ thật.
Theo định nghĩa của Kinh Thánh Tân Ước thì Lẽ Thật có ba nghĩa như sau:
1. Điều gì có tính chất tin cậy được, chân thật, ngay thẳng.
Tính chất này được sử dụng cho Chúa và cho người. Cách dùng từ Lẽ Thật theo nghĩa này không phải là lối dùng thường, và đôi khi trong bản Kinh Thánh tiếng Việt dịch là thành tín. Đây là một đức tính quan trọng của Chúa được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong toàn bộ Kinh Thánh Tân Ước.
2. Nghĩa thứ hai của từ Lẽ Thật là: Điều gì thật và hoàn hảo đối nghịch với điều gì giả trá và thiếu sót. Đức tin của người tin Chúa được gọi là thật. Chúa Giê-xu xưng Ngài là Lẽ Thật được nhân cách hóa. Giăng nói rằng: Lẽ thật do từ Chúa Giê-xu mà đến và Chúa Giê-xu bảo rằng Thánh Linh sẽ dẫn người tin Ngài vào Lẽ thật để cho mọi người:
Biết Lẽ Thật (Giăng 8:32),
Làm theo Lẽ Thật (Giăng 3;21)
Ở trong Lẽ Thật (Giăng 8:44) và
Đời sống tái sinh của người tin Chúa là nhờ Lẽ Thật hay lời chân thật của Chúa mà được sinh ra (Gia-cơ 1:18).
Lẽ thật theo nghĩa này không phải chỉ là giáo điều hay lý thuyết, mà là Lời Chúa dạy, Điều Răn, phải tuân thủ, nếu không sẽ bị trừng phạt. (Rô-ma 2:8, Ga-la-ti 5:7).
3. Nghĩa thứ ba của từ Lẽ Thật là dùng theo tĩnh từ (alèthinos) nghĩa là điều gì thật chứ không phải là bản sao. Tức là nguyên bản, bản gốc chứ không phải bản đã chụp sao lại hay chép lại. Bản thật chứ không phải chỉ là hình thức.
Hê-bơ-rơ gọi Chúa Giê-xu là hình thật của đền thờ tạm khi xưa (Hê-bơ-rơ 8:2), tương phản với những bóng của nghi thức thuộc họ Lê-vi (Hê-bơ-rơ 8:4f.).
Trong ý nghĩa này mà Lễ Tiệc Thánh được hình thành, vì Chúa Giê-xu tuyên bố rằng:
Ngài là bánh thật (Giăng 6:32,35) và rượu nho thật (Giăng 15:1), tức là từ đó trở đi, trong thánh tiệc, bánh và nước biểu trương cho Chúa Giê-xu.
Cùng một nghĩa đó, người thờ phượng Chúa phải lấy hết tâm thần và Lẽ Thật mà thờ phượng. Nghĩa là thờ phượng tức là thực sự tiếp cận với Chúa là thần linh tương phản với nghi lễ và thói tục giới hạn Chúa trong đền thờ tại Giê-ru-sa-lem hay trên một ngọn núi nào.
Xin nhắc lại, Lẽ Thật là:
Điều gì có tính chất tin cậy được, chân thật, ngay thẳng
Điều gì thật và hoàn hảo đối nghịch với điều gì giả trá và thiếu sót.
Điều gì thật chứ không phải là bản sao.
Khi áp dụng vào Chúa, chúng ta có thể nói:
Chúa đáng tin cậy, chân thật, ngay thẳng.
Chúa hoàn hảo và chân thật.
Chúa là hình thật chứ không phải là hình bóng.
Chúng ta tin Chúa, cần biết rõ các điểm này:
1. Chúa không phải là một ông thầy thuốc, ta đến khám bệnh, ông thầy cho thuốc và ta không biết thuốc có giúp mình lành bệnh hay không. Chúa chúng ta hoàn toàn đáng tin cậy, chân thật và ngay thẳng. Nghĩa là lời Chúa nói là đúng, không thể sai lệch gì cả. Ta có thể căn cứ vào lời hứa của Chúa mà hành động sẽ có kết quả. Mặt khác, Chúa không có gì để ta phải nghi ngờ mà có thể hoàn toàn tin cậy.
Trong Chúa mặc dù có nhiều huyền nhiệm nhưng không có những huyền hoặc.
Nghĩa là có những điều ta không hiểu chứ không phải hư cấu không có thật.
Một điểm khác nữa là Chúa rất ngay thẳng. Nghĩa là không ai có thể hối lộ Chúa được. Hễ có tội thì dù là ai cũng vẫn bị lên án và trừng phạt.
Biết được Chúa như thế, chúng ta cần theo gương Chúa.
Nghĩa là: phải là người đáng tin cậy, không thất hứa, không lừa đảo. Những gì ta biết ta nói ra, nhưng nếu chưa thấu hiểu, cần học hỏi đào sâu hơn, nếu không, người ta sẽ cho ta là khoe khoang không chân thật.
2. Theo ý nghĩa thứ hai về Lẽ Thật, chúng ta thấy Chúa hoàn hảo và chân thật. Nói khác đi, Chúa toàn thánh, toàn thiện. Nghĩa là trong Chúa không cần phải thêm bớt gì cả. Người ta nói nhân vô thập toàn, câu nói này rất đúng và không thể áp dụng cho Chúa Giê-xu được. Chúa từng thách thức mọi người cáo tội Chúa, và cho đến quan tòa Phi-lát cũng phải công khai tuyên bố: Ta không thấy người này có tội gì cả.
Chúng ta tin một đấng toàn thánh toàn thiện chứ không phải một lãnh tụ tôn giáo đã từng phải ăn năn sám hối về tội của mình. Chúa là đấng duy nhất có quyền tha tội cho con người và cũng chỉ một mình Ngài đủ tư cách làm sinh tế chuộc tội cho tất cả, vì Chúa hoàn toàn vô tội.
3. Theo ý nghĩa thứ ba về Lẽ thật, ta được biết Chúa Giê-xu là hình thật chứ không phải hình bóng. Chúa không phải là biểu tượng của tình thương mà chính Ngài là tình thương.
Chúa không phải là biểu tượng cho an bình mà chính Ngài là Vua hòa bình.
Ngày xưa người ta dùng chiên cừu giết đi làm sinh tế, đó là hình bóng về cuộc đền tội của con người, nhưng Chúa Giê-xu chính là sinh tế bị đóng đinh treo lên cây thập tự và chết vì toàn thể nhân loại.
Chúng ta không tin vào một biểu tượng, nhưng tin một Chúa Giê-xu đang sống và có thể trao đổi với Ngài bằng lòng tin và thành tâm cầu nguyện.
Thưa quý vị và các bạn, ai cũng ưa sự thật và rất ghét những gì mờ ảo dị đoan. Chúa Giê-xu chính là đối tượng cho những người như thế. Quý vị và các bạn có thể đến với Chúa Giê-xu, thử thách Ngài, tìm hiểu về Ngài và sẽ nhận ra rằng Chúa rất thật, rất chân thật, toàn thánh, toàn thiện, Đấng duy nhất đáng cho ta tôn thờ làm Chúa, làm chủ cuộc đời mình.
Nguyễn Sinh