Lễ Cảm Tạ Chúa, Kỷ Niệm 100 Năm Thành Lập Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn

2613

HTTLVN.ORG – Sáng ngày 6/8/2022, Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn, số 155 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh long trọng tổ chức Lễ Cảm Tạ Chúa – Kỷ Niệm 100 năm Thành Lập Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn (1920-2020). Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên chương trình phải dời đến hôm nay mới có thể tiến hành.

Đến tham dự có Mục sư Thái Phước Trường – Hội trưởng HTTLVN, diễn giả chương trình; Mục sư Phan Quang Thiệu – Phó Hội trưởng II, nguyên Quản nhiệm HTTL Sài Gòn; Mục sư Đỗ Việt Hùng – Ủy viên Mục vụ TP HCM; Mục sư Mã Phúc Hiệp – Chủ tịch và Mục sư Phạm Trọng Huy – Phó Chủ tịch HĐGP; Mục sư Trương Văn Ngành – Trưởng Ban và các Mục sư trong Ban Đại diện Tin Lành TP. HCM; Đại diện chính quyền các cấp và khoảng 1.000 tôi con Chúa về tham dự.

Tin Lành đến Việt Nam từ 1911, sau gần 10 năm thì được truyền đến vùng Sài Gòn và Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn đã được thành lập. Trải qua 100 năm, đến nay Hội Thánh Sài Gòn có khoảng 2.500 thành viên, tổ chức được 15 khu vực với 23 Ban ngành để hoạt động. Trong hành trình 100 năm, Hội Thánh trải qua 19 Quản nhiệm và 23 Phụ tá, cụ thể như sau:

    • 1920:    TĐ. Đoàn Văn Khánh – QN
    • 1924:    MS. Trần Xuân Phan – QN
      MS. Bùi Tự Do – QN
    • 1926:    MS. Kiều Công Thảo – QN
    • 1928:    MS. Dương Nhữ Tiếp
    • 1931:    Ms. Lê Văn Quế – QN
      Phụ tá: MS. Lê Văn Trầm
    • 1937:    MS. Lê Đình Tươi – QN
      Phụ tá:      MS. Nguyễn Văn Xuyến
      MS. Nguyễn Văn Thái
      MS. Đặng Văn Lục
    • 1943:    MS. Trần xuân Hỉ – QN
      Phụ tá: MS. Võ Thạnh Thời
    • 1951:    MS. Lê Văn Phải – QN
      Phụ tá:      MS. Nguyễn Văn Phách
      MS. Nguyễn Sơn Hà
    • 1958:    MS. Trần Thự Quang – QN
      Phụ tá:      MS. Nguyễn Văn Trình
      TĐ. Đoàn Văn Mạnh
    • 1961:    MS. Lê Văn Phải – QN
      Phụ tá:         TĐ. Trần Thiên Tứ
      TĐ. Nguyễn Hữu Viễn
      TĐ. Lương Văn Sấm
    • 1972:    MS. Nguyễn Văn Quan – QN.
    • 1975:    MS. Phạm Xuân Hiển – QN.
      MS. Phạm Văn Thâu – QN.
      Phụ tá:         TĐ. Lê Trọng Nghĩa
      TĐ. Trần Văn Sánh
      TĐ. Lê Phước Lạc
      TĐ. Trần Thiên Tứ
      TĐ. Ngô Tấn Lợi
    • 1983:    MS. Ông Văn Huyên – QN.
      MS. Đoàn Văn Miêng – Cố vấn
      Phụ tá:      MS. Nguyễn Phú Ngọc
      TĐ. Nguyễn Thành Huệ
    • 1990:    MS. Nguyễn Thành Sơn – QN.
    • 1992:    MS. Phan Quang Thiệu – QN.
      Phụ tá: TĐ. Bùi Tấn Lộc
    • 2008:    MS. Châu Văn Sáng – QN.
      Phụ tá:      TĐ. Đỗ Ngọc Hoà
      TĐ. Trần Nguyễn Hữu Thiên
    • 2012 – đến nay: MS. Nguyễn Thế Hiển – QN.
      Phụ tá:      MsNc. Hồ Hoàng Ân
      Nữ TĐ. Lê Thị Lệ Hoà

Với nỗ lực chia sẻ tin Lành cứu rỗi và mở mang vương quốc Chúa tại vùng Sài Gòn và phụ cận, Hội Thánh Sài Gòn thành lập được 13 Chi Hội và 1 Điểm Nhóm gồm: Cần Đước (1936), Phú Xuân (1938), Cần Giuộc (1940), Gia Định (1950), Nguyễn Tri Phương (1953), Hòa Hưng (1953), Khánh Hội (1954), Trương Minh Giảng (1957), Chánh Hưng (1958), Phạm Thế Hiển (1968), Thị Nghè (1969), Bình Trị Đông (1972), Ngô Gia Tự (1972), Điểm nhóm Phú Lợi – Bình Điền (2015). Với 14 Hội Thánh nầy lại mở mang thêm nhiều Hội Thánh khác nữa.

Lược sử HTTL Sài Gòn  

Chuỗi các sự kiện và lược sử 100 năm thành lập HTTL Sài Gòn

Sứ điệp “Hành Trình Đức Tin” của Mục sư Hội trưởng nương trên câu Kinh Thánh nền tảng Phi-líp 3:14. Hành trình đức tin 100 năm của Hội Thánh Sài Gòn không chỉ là hành trình của Hội Thánh mà còn là của từng cá nhân, từng gia đình. Hành trình của mỗi người, của mỗi Hội Thánh có bắt đầu khác nhau và kết thúc cũng khác nhau, nhưng điều quan trọng là phải đi trọn cuộc hành trình.

Mục sư Nguyễn Thế Hiển – Quản nhiệm HT chào mừng và cầu nguyện khai lễ

Thư ký Phan Ngọc Danh hướng dẫn chương trình

Mục sư Phan Quang Thiệu – Phó Hội trưởng II, nguyên Quản nhiệm HT Sài Gòn cầu nguyện đáp ứng Lời Chúa; Mục sư Trương Văn Ngành, Trưởng BĐD TP. HCM cầu nguyện dâng hiến

Mục sư Hội trưởng Thái Phước Trường giảng Lời Chúa

Ca đoàn HT Sài Gòn

Ban hát Ban Chấp sự và Ban Điều hành

Ban hát đại diện Mục sư & Tín hữu xuất thân từ HT Sài Gòn

Ban hát Thanh niên HT Shinchon (Hàn Quốc)

Ca đoàn đại diện các Hội Thánh do HT Sài Gòn thành lập với bài hát “Hành trình đức tin”.

Đại diện Giáo hội và chính quyền chúc mừng

Đại diện chính quyền phát biểu trong chương trình

Tri ân cho các tiền nhiệm 

Lưu niệm cho đại diện các Hội Thánh do HT Sài Gòn thành lập

Buổi lễ kết thúc sau lời cầu nguyện chúc phước của Mục sư Mã Phúc Hiệp – Chủ tịch HĐGP với sự thỏa lòng và cảm tạ Chúa của toàn thể hội chúng.

Lược sử HTT Sài Gòn

  • Năm 1911, Tin Lành đến Tourane (Đà Nẵng ngày nay).
  • Năm 1916, Hội Truyền giáo Phúc Âm Liên hiệp được phép chia sẻ Lẽ Thật tại Cochin-China (miền Nam ngày nay).
  • Năm 1918, Hội Truyền giáo Phúc Âm Liên Hiệp quyết định thành lập cơ sở truyền giáo tại Sài Gòn, và bổ nhiệm giáo sĩ J. D. Olsen và giáo sĩ   I. R. Stebbins hầu việc Chúa nơi đây.
  • Mùa thu 1918, giáo sĩ J. D. Olsen tuyển dụng ông Lang làm giáo viên dạy tiếng Việt. Sau đó, ông Lang cầu nguyện tin nhận Chúa và trở thành Cơ Đốc nhân đầu tiên tại xứ Nam kỳ.
  • Năm 1920, Hội Truyền giáo Phúc Âm Liên Hiệp bổ nhiệm hai Mục sư: Đoàn Văn Khánh và Hoàng Trọng Thừa, cùng với giáo sĩ H. A. Jackson hầu việc Chúa tại Sài Gòn.
  • Hàng tuần, Mục sư Đoàn Văn Khánh tổ chức nhóm thờ phượng Chúa, và giữa tuần, có buổi nhóm cầu nguyện khoảng 15 phút. Trong thời gian nầy, có 6 người cầu nguyện tin Chúa, trung tín thờ phượng Ngài và dâng hiến. Họ là những tín hữu đầu tiên của Hội Thánh Sài Gòn.
  • Năm 1921, Hội Thánh có 10 tín hữu. Được sự đồng ý của hội Truyền giáo Phúc Âm Liên hiệp, giáo sĩ Olsen đã thuê căn nhà gần cổng ga xe lửa, ngay bên quảng trường công cộng, làm nhà giảng Tin lành.
  • Năm 1922, bà Irwin – vợ giáo sĩ E. F. Irwin được bổ nhiệm biên soạn Bài học Trường Chúa Nhật hàng tháng. Mỗi tháng, các bài học Trường Chúa Nhật được gởi đến các nhà giảng Tin Lành.
  • Năm 1923, Hội Thánh có 31 tín hữu, trong số đó có 21 người chịu phép báp-tem.
  • Năm 1924, hội Truyền giáo Phúc Âm Liên hiệp bổ nhiệm Mục sư Trần Xuân Phan và Mục sư Bùi Tự Do hầu việc Chúa tại Sài Gòn.
  • Hội Thánh có 35 tín hữu.
  • Tại làng Bình Tri, một tân tín hữu, trước khi qua đời vào 12-1924, đã chia sẻ sự Bình an và Hy vọng của Đấng Christ cho bạn bè và hàng xóm.
  • Năm 1925, 52 người trong làng đến nhà giảng Tin Lành Sài Gòn, tìm hiểu về Phúc Âm, và tin nhận Chúa. Sau một thời gian thờ phượng Chúa tại nhà giảng Sài Gòn, vì đường xá xa xôi nên họ xin phép xây dựng một nhà giảng Tin Lành ngay trong làng.
  • Năm 1926, Hội Thánh có 40 tín hữu và 18 người chịu báp-tem.
  • Năm 1926, Mục sư Kiều Công Thảo, Chủ toạ Hội Thánh.
  • Số lượng tín hữu là 36 người. Có 2 người chịu báp-tem.
  • Năm 1928, Giáo sĩ E. F. Irwin và Mục sư Hội trưởng Dương Nhữ Tiếp hầu việc Chúa tại Sài Gòn.
  • Ông Huỳnh Minh Ý – thư ký của giáo sĩ E. F. Irwin, là một nhân sự nhiệt thành hầu việc Chúa.
  • Ngày 1-3-1929, giáo sĩ E. F. Irwin thuê một căn phố đối diện với ngôi chợ lớn (góc đường Hàm Nghi – Phó Đức Chính, gần ga xe lửa và chợ Bến Thành) làm nhà giảng Tin Lành.
  • Căn phố nầy có hai tầng. Tầng trên được biệt riêng để tín hữu thờ phượng Chúa và truyền giảng Phúc Âm. Tầng trệt dùng làm phòng đọc sách, bán sách Cơ Đốc và là nơi giải nghĩa Lẽ Thật cho ai quan tâm.
  • Có 430 người cầu nguyện tin Chúa; trong số đó có 77 người chịu báp-tem.
  • Hội Thánh Sài Gòn bắt đầu là một trong những Hội Thánh tự lập.
  • Năm 1930, Các chương trình truyền giảng được tổ chức hằng đêm. Rất nhiều tầng lớp xã hội đến nghe Tin Lành như phu xe, sinh viên, doanh nhân, quan chức, … Vào tháng 5, các buổi truyền giảng đã mời gọi khoảng 550 người cầu nguyện tin nhận Chúa. Rất nhiều trong số tân tín hữu nầy đến từ những nơi rất xa. Sau khi tin Chúa, họ trở về nhà với niềm hạnh phúc tràn ngập trong tâm.
  • Cửa hàng sách Cơ Đốc mở hàng ngày. Các ấn phẩm Cơ Đốc được lan truyền rất rộng và rất xa trong xã hội.
  • Ngày 10 – 4 – 1931, Mục sư Lê Văn Quế, Chủ toạ Hội Thánh và Mục sư Lê Văn Trầm phụ tá Mục sư Chủ toạ.
  • Các buổi truyền giảng tiếp tục được tổ chức mỗi đêm. Nhiều người đến nghe và tin nhận Chúa. Có 101 tân tín hữu chịu phép báp-tem.
  • Năm 1932, hàng tháng hoặc hai tháng một lần, giáo sĩ E. F. Irwin tổ chức Hội đồng Bồi linh Mục sư – Truyền đạo – Chấp sự tại nhà giảng Tin Lành Sài Gòn.
  • Năm 1933, ban Chứng Đạo được thành lập và hoạt động vào chiều Chúa Nhật hàng tuần. Trong 7 tháng, ban Chứng Đạo đã chia sẻ Phúc Âm cho 500 người; trong đó, 5 người tin Chúa và 3 tân tín hữu trung tín nhóm thờ phượng Đức Chúa Trời vào mỗi ngày Chúa Nhật.
  • Hội Thánh mượn nơi nhà thờ của người Hoa, tại 464 Nguyễn Trãi – Chợ Lớn, do Mục sư Vi Úc Lương chủ toạ.
  • Năm 1936, Mục sư Lê Văn Quế kêu gọi tín hữu toàn cõi Đông Pháp cầu nguyện cho Hội Thánh Sài Gòn để có đủ tiền mua đất và cất nhà thờ.
  • Năm 1937, Mục sư Lê Đình Tươi, Hội trưởng Hội Thánh Tin lành Việt Nam kiêm Chủ toạ Hội Thánh Sài Gòn. Giáo sĩ D. I. Jeffrey được bổ nhiệm hầu việc Chúa tại Sài Gòn. Các Mục sư phụ tá là Mục sư Nguyễn Văn Xuyến, Mục sư Nguyễn Văn Thái và Mục sư Đặng Văn Lục.
  • Ngày 10 – 10 – 1937, Trường Chúa Nhật chính thức được thành lập.
  • Năm 1938, hai Hội Thánh nhánh được thành lập: Hội Thánh Cần Đước và Hội Thánh Phú Xuân.
  • Năm 1939, Hội Thánh Sài Gòn đã hoàn tất việc mua đất tại góc đường 173 Boulevard Galliéni và Louvain (góc đường Trần Hưng Đạo và Đề Thám ngày nay), để xây cất nhà thờ.
  • Với sự giúp đỡ của ông bà giáo sĩ D. I. Jeffrey và Mục sư Vi Úc Lương, việc xây cất nhà thờ đã hoàn tất. Chúa Nhật 01 – 12 – 1940, Hội Thánh Sài Gòn tổ chức Lễ khánh thành cung hiến Đền thờ cho Đức Chúa Trời Ba Ngôi.
  • Ban Thanh niên Hội Thánh Sài Gòn được thành lập và tôn vinh Chúa trong lễ Cung hiến Đền thờ cho Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Bà giáo sĩ D. I. Jeffrey là trưởng ban Thanh niên.
  • Ngày 5 – 02 – 1941, Hội đồng Nam Hạt được tổ chức tại nhà thờ Sài Gòn.
  • Ngày 17 – 01 – 1942, tên chính thức của Giáo hội là Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.
  • Ngày 25 – 01 – 1942, sau khi giảng dạy, Mục sư Lê Đình Tươi – Hội Trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, bị tai biến và qua đời vào ngày 28 – 02 – 1943. Mục sư Trần Xuân Hỉ, Chủ toạ Hội Thánh và Mục sư Võ Thạnh Thới, phụ tá Chủ toạ.
  • Ngày 21 – 02 – 1942, trong Hội đồng Địa hạt Nam kỳ lần thứ 17 tại Cần Thơ, Hội đồng phát giải thưởng cho các ban về hoạt động tích cực và kết quả tốt. Ban Trường Chúa Nhật Hội Thánh Sài Gòn được trao giải nhất năm 1941.
  • Ngày 9 – 3 – 1943, trong Hội đồng Địa hạt Nam kỳ lần thứ 18 tại Sài Gòn, ban Chứng Đạo Hội Thánh Sài Gòn được trao giải nhất và ban Trường Chúa Nhật được trao giải ba.
  • Năm 1950, Hội Thánh Sài Gòn thành lập Hội Thánh Gia Định.
  • Năm 1951, Mục sư Lê Văn Phải, Chủ toạ Hội Thánh và Mục sư Nguyễn Văn Phách, phụ tá Chủ toạ.
  • Chúa Nhật 29 – 7 – 1951, Ban Trị sự Thanh niên (ngày nay gọi là Ban Điều Hành), quyết định mở thêm một quỹ giúp cơ quan Truyền giáo ở Thượng du.
  • Năm 1953, Hội Thánh Sài Gòn thành lập Hội Thánh Nguyễn Tri Phương và Hội Thánh Hoà Hưng. Trong thời gian nầy, Mục sư Nguyễn Sơn Hà được mời làm phụ tá Hội Thánh Sài Gòn và kiêm quyền chủ toạ Hội Thánh Nguyễn Tri Phương.
  • Năm 1954, Hội Thánh Sài Gòn thành lậpHội Thánh Khánh Hội.
  • Ban Chứng Đạo Hội Thánh Sài Gòn quyết định dùng ngày kỷ niệm Đức Thánh Linh giáng lâm (20-5-1956) là ngày kỷ niệm hàng năm.
  • Ngày 01 – 7 – 1956, Ban Thanh niên thành lập bảy tiểu ban: 1. Ban Chứng Đạo: hoạt động vào mỗi chiều Chúa Nhật – 2. Lớp Chứng Đạo pháp: dành cho các ban viên Chứng Đạo vào mỗi chiều Chúa Nhật lúc 14:00-14:30 – 3. Ban Thăm viếng – 4. Ban hát thường trực tôn vinh Chúa vào mỗi Chúa Nhật và các buổi giảng Tin Lành – 5. Ban Vận động: mời gọi thanh niên tham gia Ban Thanh niên – 6. Ban cầu nguyện tuần hoàn: mỗi tối thứ Năm tại nhà các thành viên – 7. Ban Phát thanh Tin Lành đảm nhận chương trình phát thanh Tin Lành trên Đài Phát thanh Sài Gòn lúc bấy giờ. Thời gian phát thanh: 11:30 – 12:00 thứ Bảy hàng tuần.
  • Năm 1957, Hội Thánh Sài Gòn thành lập Hội Thánh Trương Minh Giảng.
  • Dựa trên sáng kiến của bà giáo sĩ D. I. Jeffrey và được sự đồng ý của Mục sư Trần Xuân Hỉ – Chủ nhiệm Địa hạt, giáo sĩ R. Shelton hiệp với Mục sư Nguyễn Sơn Hà – Đoàn trưởng Thanh niên Nam hạt, tổ chức chương trình giảng Tin Lành “TIẾNG NÓI THANH NIÊN TIN LÀNH” vào mỗi tối thứ Sáu tại giảng đường của Hội Thánh Sài Gòn.
  • Năm 1958, Mục sư Trần Thự Quang, Chủ toạ Hội Thánh Sài Gòn cùng với hai phụ tá: Truyền đạo Đoàn Văn Mạnh và Mục sư Nguyễn Văn Trình.
  • Trong năm nầy, Hội Thánh Sài Gòn thành lập Hội Thánh Chánh Hưng.
  • Năm 1961, Mục sư Lê Văn Phải, Chủ toạ Hội Thánh Sài Gòn cùng với ba phụ tá: Truyền đạo Trần Thiên Tứ, Truyền đạo Nguyễn Hữu Viễn và Truyền đạo Lương Văn Sấm.
  • 17:00 Chúa Nhật 20 – 10 – 1963, ban Trị sự Hội Thánh Sài Gòn đặt viên đá đầu tiên khởi công xây cất CƠ SỞ CƠ ĐỐC GIÁO DỤC với quy mô toà nhà lầu – 5 căn 3 tầng, ngay phía sau nhà thờ, tại 161 Đề Thám, Quận 1 ngày nay. Ngày 20 – 10 – 1966, Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn cử hành Lễ khánh thành Trung tâm Cơ đốc Giáo dục.
  • Năm 1968, Hội Thánh Sài Gòn thành lập Hội Thánh Phạm Thế Hiển.
  • Năm 1969, Hội Thánh Sài Gòn thành lập Hội Thánh Thị Nghè.
  • Được sự giúp đỡ của hội Truyền giáo Phúc Âm Liên hiệp, ngày 14 – 7 – 1969, Hội Thánh Sài Gòn khởi công tái thiết nhà thờ. Sau một năm, sáng Chúa Nhật 25 – 10 – 1970, Hội Thánh Sài Gòn cử hành Lễ khánh thành cung hiến Đền thờ mới tái thiết cho Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Hội Thánh họp thờ phượng Chúa trên các tầng lầu. Tầng trệt là phòng sách Tin Lành và văn phòng Tổng liên hội.
  • Ngày 11 – 02 – 1971, trong Hội đồng Địa hạt Miền Đông Nam phần, Hội đồng phát giải thưởng cho các ban về hoạt động tích cực và kết quả tốt. Các ban ngành của Hội Thánh Sài Gòn vinh dự nhận được các giải như sau: Ban Chứng Đạo được nhận giải nhất, ban Trường Chúa Nhật được nhận giải nhì.
  • Năm 1972, Mục sư Nguyễn Văn Quan, Quản nhiệm Hội Thánh. Trong năm nầy, Hội Thánh Sài Gòn thành lập hai Hội Thánh: Hội Thánh Minh Mạng (nay là Hội Thánh Ngô Gia Tự) và Hội Thánh Bình Đông.
  • Năm 1974, Mục sư Nguyễn Văn Quan đắc cử Chủ nhiệm Địa hạt Đông Nam Bộ.
  • Từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1975, Hội Thánh khuyết Chủ toạ. Ông Trần Minh Huy, thư ký Hội Thánh, được cử quyền xử lý thường vụ tạm thời. Sau đó, Địa hạt bổ nhiệm Mục sư Phạm Xuân Hiển, Chủ toạ Hội Thánh.
  • Mục sư Phạm Văn Thâu, chủ nhiệm Địa hạt Nam Trung bộ kiêm Chủ toạ Hội Thánh. Trong giai đoạn nầy có sự cộng tác của các vị Mục sư, Truyền Đạo như: Truyền đạo Lê Trọng Nghĩa, Truyền đạo Trần Văn Sánh, Truyền đạo Lê Phước Lạc, Truyền đạo Huỳnh Thiên Tứ và Truyền đạo Ngô Tấn Lợi.
  • Ngày 13 – 6 – 1976, Hội đồng Tổng Liên hội lần thứ 42 được tổ chức tại nhà thờ Sài Gòn.
  • Mục sư Ông Văn Huyên, Hội trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), kiêm quyền Chủ nhiệm Địa hạt Đông Nam bộ, kiêm quyền Chủ toạ Hội Thánh Sài Gòn. Cố vấn: Mục sư Đoàn Văn Miêng – Phó Hội trưởng. Các phụ tá: Mục sư Nguyễn Phú Ngọc và Truyền đạo Nguyễn Thành Huệ.
  • Trong thời gian nầy, vào chiều thứ Tư và thứ Năm hàng tuần, Hội Thánh tổ chức những buổi học Kinh Thánh do Mục sư Phó Hội Trưởng Đoàn Văn Miêng đảm nhận.
  • Ngày 11 – 9 – 1988, Ban Thanh tráng được thành lập.
  • Năm 1990, Ban Trị sự Địa hạt Đông Nam bộ bổ nhiệm Mục sư Nguyễn Thành Sơn, nghị viên Địa hạt, Chủ toạ Hội Thánh Gia Định, kiêm nhiệm quyền Chủ toạ Hội Thánh Sài Gòn.
  • Ngày 23 – 02 – 1992, Mục sư Phan Quang Thiệu, Quản nhiệm Hội Thánh Sài Gòn.
  • Năm 1995, tổ chức Lễ kỷ niệm thành lập Hội Thánh Sài Gòn.
  • Năm 1997, có ba ban được thành lập: Ban Phiên dịch (Trưởng ban: Cô Nguyễn Trần Quỳnh Dao), Ban Âm nhạc (Trưởng ban: Nguyễn Hữu Phúc) và Ban Âm thanh (Trưởng ban: Ông Nguyễn Ngọc Phương).
  • Năm 2000, Tổ chức lễ kỷ niệm thành lập Hội Thánh Sài Gòn.
  • Ngày 7 – 02 – 2001, khai mạc Đại Hội đồng Tổng Liên hội lần thứ I (Lần thứ 43 theo lịch sử Giáo hội) được tổ chức tại nhà thờ Sài Gòn. Mục sư Phan Quang Thiệu đắc cử Tổng Thủ quỹ Tổng Liên hội, nhiệm kỳ 2001 – 2005.
  • Ngày 3 – 4 – 2001 tại nhà thờ Sài Gòn diễn ra Lễ tiếp nhận tư cách pháp nhân Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) và Lễ kỷ niệm thành lập Hội Thánh Sài Gòn.
  • Tháng 10 – 2001, hai nhà trọ dành cho sinh viên ra đời.
  • Ngày 12 – 4 – 2002, Ban Trình Chiếu (Trưởng ban: Ông Huỳnh Thành Tín) được thành lập.
  • Ngày 2 – 3 – 2003, Ban Tráng niên được thành lập.
  • Ngày 12 – 12 – 2004, Ban Hát lễ Hội Thánh Sài Gòn (Trưởng ban: Ông Nguyễn Trung Thành) được thành lập.
  • Tháng 8 – 2005, Tổ chức lễ kỷ niệm thành lập Hội Thánh Sài Gòn.
  • Ngày 4 -3 – 2005, kết thúc Hội đồng Tổng Liên hội lần thứ II (lần thứ 44 theo lịch sử Giáo hội), Mục sư Phan Quang Thiệu, Tổng Thủ quỹ Tổng Liên hội, nhiệm kỳ 2005 – 2009.
  • Ngày 06 – 4 – 2008, Lễ bổ nhiệm Mục sư Châu Văn Sáng, Quản nhiệm Hội Thánh Sài Gòn.
  • Chúa Nhật 19 – 4 – 2009, Ban biên soạn Bài học Kinh Thánh Hàng tuần được thành lập và Bài Kinh Thánh Hàng tuần đầu tiên được xuất bản.
  • Ngày 13 – 3 – 2010, Ban Phụ nữ Hội Thánh Sài Gòn được thành lập.
  • Ngày 24 – 5 – 2010, Truyền đạo Đỗ Ngọc Hoà và Truyền đạo Trần Nguyễn Hữu Thiên được bổ nhiệm phụ tá Quản nhiệm Hội Thánh Sài Gòn.
  • Ngày 05 – 10 – 2011, Mục sư Châu Văn Sáng về nước Chúa.
  • Trong 2 năm (2011 – 2012), Hội Thánh khuyết Quản nhiệm. Ban Chấp sự – Trị sự Hội Thánh nhiệm kỳ 2009 – 2010 được lưu nhiệm trong thời gian đợi tổ chức Hội đồng mời Tân Quản nhiệm.
  • Ngày 07 – 7 – 2012, Lễ bổ nhiệm Mục sư Nguyễn Thế Hiển, Quản nhiệm Hội Thánh Sài Gòn.
  • Ngày 17 – 02 – 2013, Ban Trung niên được thành lập.
  • Tháng 3 – 2013, Hội Thánh mua đất tại Phú Lợi, Quận 8 để xây Điểm Nhóm Tin Lành.
  • Ngày 09 – 02 – 2015, Điểm Nhóm Phú Lợi – Bình Điền được thành lập. Hội Thánh thuê căn nhà số 53 đường 3052 Phạm Thế Hiển, Quận 8 làm Điểm Nhóm Tin Lành, để 40 tín hữu trong khu vực nầy thờ phượng Chúa vào lúc 14:00 thứ Năm hàng tuần.
  • Năm 2016, Mục sư Nguyễn Thế Hiển tiếp tục hầu việc Chúa tại Hội Thánh Sài Gòn nhiệm kỳ II (2016 – 2020).
  • Trong năm nầy, khởi công và hoàn thành xây dựng Điểm Nhóm Phú Lợi – Bình Điền.
  • Ngày 23 – 9 – 2016, Truyền đạo Hồ Hoàng Ân và Nữ Truyền đạo Lê Thị Lệ Hoà được bổ nhiệm phụ tá Quản nhiệm Hội Thánh nhiệm kỳ 2 năm (2016 – 2018).
  • Năm 2017, phòng Thiếu niên – lầu 2, 161 Đề Thám, được sử dụng là nơi thờ phượng Chúa cho phụ huynh có con dưới 1 tuổi. Ban Phụ nữ nhận trách nhiệm điều phối nhân sự.
  • Ngày 21 – 12 – 2017, Điểm Nhóm Phú Lợi chính thức dời về Điểm Nhóm Tin Lành tại số 4 khu D, Khu Dân cư, phường 7, Quận 8, và bắt đầu thờ phượng Chúa vào chiều Chúa Nhật hàng tuần lúc 17:30.
  • Ngày 25 – 01 – 2018, Lễ Cảm Tạ Chúa được tổ chức tại Điểm Nhóm Phú Lợi – Bình Điền. Ngoài công việc phụ tá Quản nhiệm tại Hội Thánh Sài Gòn, Mục sư Nhiệm chức Hồ Hoàng Ân kiêm nhiệm đặc trách Điểm Nhóm nầy.
  • Ngày 17 – 10 – 2018, Mục sư Nhiệm chức Hồ Hoàng Ân và Nữ Truyền đạo Lê Thị Lệ Hoà tiếp tục được bổ nhiệm phụ tá Quản nhiệm Hội Thánh nhiệm kỳ II (2018 – 2020).
  • Năm 2020, Mục sư Nguyễn Thế Hiển, Quản nhiệm Hội Thánh Sài Gòn nhiệm kỳ III (2020 – 2024).
  • Trong năm nầy, Hội Thánh Sài Gòn hoàn tất mua căn hộ 161E Trần Hưng Đạo, Quận 1, mở rộng cơ sở vật chất nhà Chúa nhằm đáp ứng nhu cầu thờ phượng Đức Chúa Trời và sinh hoạt Cơ Đốc của tín hữu.
  • Tháng 02 – 2020, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và Chỉ thị số 16 “Giãn cách xã hội” bắt đầu hiệu lực vào ngày 01 – 4 – 2020.
  • Ngày 13 – 3 – 2020, Ban Chấp sự Hội Thánh Sài Gòn quyết định tái thành lập Ban Truyền Thông.
  • Buổi nhóm Thờ phượng Chúa của Hội Thánh Sài Gòn được phát trực tuyến đầu tiên vào Chúa Nhật 29 – 3 – 2020.
  • Ngày 11 – 11 – 2020, Mục sư Nhiệm chức Hồ Hoàng Ân và Nữ Truyền đạo Lê Thị Lệ Hoà tiếp tục được bổ nhiệm phụ tá Quản nhiệm Hội Thánh nhiệm kỳ III (2020 – 2022).
  • Tháng 01 – 2021, Ban Chấp sự quyết định sáp nhập Ban Trình Chiếu vào Ban Truyền Thông.

(Lược sử do HTTL Sài Gòn cung cấp)

TTV. Minh Cảnh THT

Bài trướcBài hát: Khôn Ngoan Giữa Đời
Bài tiếp theoĐà Nẵng: Hiệp Nguyện Tháng 8/2022