Khánh Thành Cầu Kênh Đường Cày – Tỉnh Long An

1102

Sáng ngày 30/7/2013, Hội Nhánh Thạnh Phước thuộc Chi Hội Mộc Hóa – tỉnh Long An đã làm Lễ Khánh Thành và bàn giao một cây cầu do Hội Thánh vận động xây dựng cho cộng đồng.

 

Tạ ơn Chúa, Lễ Khánh Thành đã diễn ra rất long trọng và vui mừng tại nhà thờ Thạnh Phước với sự tham dự của khoảng 25 người. Về phía chính quyền có đại diện Đảng ủy, Mặt trận Tổ quốc xã và ấp. Đại diện của UB YTXH TLH cũng đã tham dự.

 

Mục sư Quản nhiệm Đặng Thiên Phúc làm chủ lễ, Truyền đạo Nguyễn Hiền Triết chia sẻ Lời Chúa.

 

Sau chương trình lễ, mọi người xuống xuồng đến tại vị trí cầu để cắt băng khánh thành và bàn giao cây cầu cho chính quyền địa phương quản lý và bảo dưỡng.

 

 

 

Cầu Kênh Đường Cày được một Chấp sự của HT Hồng Ngự đảm nhận xây dựng, khởi công ngày 20/06/2013 và hoàn thành ngày 13/07/2013 với tổng kinh phí là 80 triệu đồng do nhiều con cái Chúa và Hội Thánh các nơi ủng hộ.

 

Cầu Kênh Đường Cày dài 27m, rộng 1,4m, có 3 nhịp, nhịp giữa cao 3,5 m so với mặt ruộng. Con cái Chúa tại địa phương cho biết cây cầu sẽ được khoảng 100 gia đình sử dụng, nhất là trẻ em đi học tại ngôi trường nằm đối diện nhà thờ bên kia dòng kênh 2/9. Một cây cầu lớn khác đang được Chính phủ xây dựng bắc qua kênh 2/9 gần nhà thờ phía bên phải, khi hoàn thành, con cái Chúa sẽ đến được nhà thờ bằng đường bộ.

 

 

 

Hội Nhánh Thạnh Phước do Mục sư Đặng Thiên Phúc – Quản nhiệm Hội Thánh Mộc Hóa – kiêm nhiệm và Truyền đạo Nguyễn Hiền Triết phụ trách. Hội Nhánh có khoảng 65 tín hữu, trong đó có khoảng 15 em thiếu nhi, đa số sống cách nhà thờ khoảng 1 giờ đi bằng xuồng. Gần như tất cả con cái Chúa đều phải dùng xuồng để đến thờ phượng Chúa. Do sông nước cách trở nên thường xuyên nhóm lại khoảng 30 người, và tín hữu phải đem thức ăn theo để ăn trưa sau giờ nhóm, trước khi ra về.

 

Được biết ấp Cả Sáu là vùng sâu gần biên giới Cam-pu-chia, người dân đời khó khăn, sống chủ yếu bằng nghề nông. Nhu cầu lớn nhất của địa phương là đường giao thông. Vì là vùng trũng sông nước, rất nhiều kênh rạch và đê bao mới được đào đắp vừa để ngăn lũ bảo vệ lúa, vừa làm đường giao thông. Đường giao thông thì dễ có nhưng cầu thì khó vì kinh phí lớn, không thể làm tạm bợ như đường đi. Vì vậy, cầu là thứ cần nhất ở vùng này. Việc đi lại của người dân hiện nay chủ yếu vẫn bằng xuồng và qua những con kênh nhỏ bằng cầu khỉ. Cầu xin Cha Thiên Thượng tuôn đổ ơn phước xuống cộng đồng và tôi con Chúa tại nơi đây.

 

Bác sĩ Lê Hoàng Sơn


Một số hình ảnh ghi nhận:

 

Hội Nhánh Thạnh Phước

Tín hữu đi nhóm thờ phượng Chúa bằng xuồng

Quang cảnh lễ khánh thành trong nhà thờ

Quá trình xây dựng

Cầu Kênh Đường Cày được hoàn thành

Bảng lưu niệm

Ký giấy bàn giao cho chính quyền địa phương

Chụp hình lưu niệm

Đón nhận quà lưu niệm từ chính quyền

 

Bài trướcBài thứ 221: Vai Trò Của Chúa Giê-xu
Bài tiếp theoBài thứ 222: Ngăn Ngừa Phạm Tội