Hội Thánh Tam Kỳ – Phương Nam Mở Cõi (P2)

1456

Trong cơn thử thách, đức tin tín đồ vẫn vững vàng, không hề rúng động. Có người chỉ vì sự nghi ngờ mà bị giam gần một năm, lúc được thả ra, nhà chức trách tuyên bố: ‘Sự học tập của anh này không tiến bộ gì cả, chỉ có đức tin về tôn giáo vẫn mạnh mẽ hơn thôi.

PHẦN 2: LỬA THỬ VÀNG, GIAN NAN THỬ SỨC

Trưởng thành:

Từ năm 1931, Tam Kỳ đã là Hội Thánh tự lập.[1] Lúc này, Hội Thánh đã xây hồ báp-têm, xây thêm một nhà khách và xây cửa ngõ.[2]

Năm 1932 là thời kỳ kinh tế khủng hoảng, tuy vậy, việc dâng hiến của con cái Chúa không hề giảm sút. Các khoản tiền dâng cho việc truyền đạo, Tổng Liên Hội, Địa hạt, cứu trợ thiên tai, Thánh Kinh báo, cùng các việc khác… vẫn rất tốt.[3] Đầu năm ấy, tại Tam Kỳ có trận dịch với nhiều căn bệnh: tê bại, điên cuồng, phong cùi, nhưng nguy hiểm nhất là dịch tả,[4] bệnh fièvre typhoid (sốt rét).[5] Đến cuối năm, lại xảy ra một trận hỏa hoạn rất ghê gớm: cháy gần 100 ngôi nhà ngói và nhà tranh. Tuy nhiên nhà tín đồ thì không hề gì, chỉ có nhà ông Chấp sự Nhâm bị ngọn lửa đang cháy ở nhà bên cạnh lan qua mà thôi. Qua trận hỏa hoạn này, danh Chúa lại được cả sáng.[6]

Cuối năm 1932, Truyền đạo Nguyễn Xuân Diệm về hầu việc Chúa tại Tam Kỳ, (ông được tấn phong Mục sư vào ngày 10/11/1932 nhân Hội đồng Địa hạt Trung Kỳ tại Tam Kỳ),[7] ông bà Mục sư Đoàn Văn Khánh đổi về Trường An[8]. Số tín đồ là 320 người[9]. Hội đồng Thường niên của Chi Hội Tam Kỳ năm 1932 cũng khá đặc biệt. Hội Thánh đã rất quan tâm xây dựng nếp sống đạo của tín hữu: giúp đỡ cho tín đồ mới tin Chúa được đứng vững, chấn chỉnh nề nếp trong giờ thờ phượng, đó là phải ăn mặc đàng hoàng, không nói chuyện, ồn ào, đi ra đi vô, khạc nhổ… mà phải giữ sự yên lặng để nghe giảng, v.v… đồng thời đẩy mạnh công tác chứng đạo qua Ban Làm chứng.[10] Chưa tròn một năm, đã có 120 người tin Chúa, trong số đó có 81 người đã chịu phép báp-têm.

Ở làng Phương Hòa[11], có bà Nguyễn Thị Phú bị điên. Sau khi tin Chúa vài tháng, bà được hồi phục, nhờ vậy mà cả gia đình bà và những người lân cận cũng được Chúa cứu. Ở làng Dưỡng An[12], cũng có một số người nghiện á phiện, người thì đau ốm thập tử nhất sinh, nhờ tin Chúa mà được Chúa cứu khỏi.[13]

Năm 1937, số tín hữu tăng lên đến 400 người, nên nhu cầu xây nhà thờ mới thật cấp bách. Dù mất mùa liên tiếp, đời sống tín đồ khó khăn, nhưng đến cuối năm, Hội Thánh đã hoàn thành việc xây dựng nhà thờ mới, phí tổn hơn 2.000đ kể cả tiền công.[14] Nhà thờ mới có tháp chuông cao phía trước, có bậc thang cấp từ hai bên đi vào bên trong, được xây dựng khá đẹp với nhiều đường nét chi tiết, tỉ mỉ.[15] Lễ khánh thành nhà thờ và bố đạo diễn ra vào ngày 20-22/02/1938. Có Mục sư Irwin, Hazlett, Lê Đình Tươi, Ông Văn Trung, Đoàn Văn Khánh, các Truyền đạo và quý chức viên của các Hội Thánh đến dự.

Trường Chúa nhật tại Hội Thánh Tam Kỳ thời kỳ này được tổ chức rất tốt, có 07 lớp, Ban Trị sự và giáo viên là 23 người, học viên trong danh sách chừng 350 người. Nhờ xác định được những ích lợi của Trường Chúa nhật nên Hội Thánh đã tổ chức khá thành công.[16]

Nhà thờ Tin Lành Tam Kỳ trong ngày lễ Cung hiến năm 1938

Vững bước:

Tà thuyết Chúa tái lâm ngày 01/10/1945 lan rộng, làm ảnh hưởng đến một số tôi con Chúa tại khu vực miền trung.[17]

Tháng 02/1946, Mục sư Lê Châu từ Tiên Phước đổi xuống Tam Kỳ thay cho Mục sư Nguyễn Xuân Diệm đến Tam Thanh.[18]

Năm 1950, Hội Thánh Tam Kỳ mua được một mẫu rưỡi[19] ruộng tốt để lo tự trị vĩnh viễn. Năm 1951, Hội Thánh mua thêm miếng đất kế cận để mở rộng vườn nhà thờ, và xây tường rào dọc theo quốc lộ. Từ năm 1947 đến ngày đình chiến, riêng Tam Kỳ bị khoảng 1.500 quả bom oanh tạc cả ngày lẫn đêm. Hội Thánh Tam Kỳ cũng như các Hội Thánh trong vùng bị khủng hoảng cả phần thuộc thể lẫn phần thuộc linh. Tối ngày 04/12/1953, Mục sư Lê Châu bị bắt và vu khống về nhiều điều.[20] Tuy nhiên, qua sự đấu tranh của tín hữu Hội Thánh, nên ông đã được thả về.

Trong cơn thử thách, đức tin tín đồ vẫn vững vàng, không hề rúng động. Có người chỉ vì sự nghi ngờ mà bị giam gần một năm, lúc được thả ra, nhà chức trách tuyên bố: ‘sự học tập của anh này không tiến bộ gì cả, chỉ có đức tin về tôn giáo vẫn mạnh mẽ hơn thôi’. Bao lần tín đồ phải di cư đây đó, thế mà Chúa nhật nào nhóm cũng đông, các ngày lễ, cuộc giảng đặc biệt vẫn tổ chức tưng bừng, mỗi năm đều có người chịu phép báp-têm.[21]

Cuối năm 1953, đầu năm 1954, do có lệnh tản cư triệt để, nên Hội Thánh Tam Kỳ phải tập trung về nhóm tại nhà thờ Tin Lành Chiên Đàn. Ngày 23/07/1954, Hội Thánh lại trở về nơi nhóm cũ. Nhà thờ bị hư hỏng khá nhiều. Việc tu bổ không thể trì hoãn vì sợ gió to, rất dễ bị sập đổ. Đời sống tín đồ lúc này rất khó khăn do nhiều năm tản cư, nhà cửa hư hoại, mùa màng thất thoát…[22] Tình hình các Hội Thánh trong tỉnh cũng không lấy gì khả quan hơn.[23]

Nhà thờ Tin Lành Tiên Quả

Tháng 03/1955, Mục sư Nguyễn Xuân Vọng từ Tiên Phước đổi xuống Tam Kỳ, Mục sư Lê Châu về lại Tiên Phước.[24] Từ tháng 04-12/1955, có 89 người tin Chúa, đó là nhờ phép lạ Chúa thể hiện trên 4 người sắp chết mà được cứu sống.[25]

Hội Thánh có tổ chức tại Hội chợ Tam Kỳ từ ngày 26/04-06/05/1956 một Phòng Triển lãm Tin Lành. Phòng này do ông Quận trưởng Tam Kỳ và Ban tổ chức Hội chợ miễn phí thuê chỗ. Tại đây trưng bày các bức tranh về đời sống của Đức Chúa Giê-xu từ lúc Ngài giáng sinh cho đến khi thăng thiên. Bản đồ các thời đại giữa hai cõi đời đời. Lịch sử của loài người từ khi sáng thế đến khải huyền. Bản hệ thống tổ chức của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Có các tranh ảnh, đồ bản giới thiệu về mục đích và thành tích hoạt động của các cơ quan của Hội Thánh như: Thánh Kinh báo, Thánh thơ Công hội (trình bày 30 quyển Kinh Thánh của 30 ngôn ngữ), Nhà in (với hơn 80 loại sách giải nghĩa đạo, có chỗ ngồi đọc và có người thường trực để giải đáp, chứng đạo), Trường Chúa nhật, công cuộc Truyền giáo Thượng du, Cô nhi viện Tin Lành, trường Trung học Bết-lê-hem, trường Kinh Thánh, các tạp chí Hừng Đông, Đuốc Thiêng. Có đài thu, phát thanh, có đĩa hát Thánh ca và giảng Tin Lành trong máy đĩa. Có giới thiệu các đài phát thanh Tin Lành.

Tối ngày 27, Hội Thánh tổ chức một cuộc giảng Tin Lành tại Kỳ Hưng (nay là xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành), cách hội chợ 5km, cụ Giáo sĩ Carlson giảng. Có gần 1.000 người nghe. Qua ngày 29, tại đó có 9 người cầu nguyện tin Chúa. Có 15.000 người đến phòng triển lãm xem và đọc sách.[26]

Ngày 12/10/1957, nhà thờ bị sập do một trận bão lớn. Nhờ nỗ lực của Mục sư Nguyễn Xuân Vọng, nên các nhà từ thiện của Hội Truyền giáo đã giúp cho 137.000đ và tín đồ kẻ ít người nhiều (chưa kể công) đã góp sức trùng tu lại nhà thờ, tốn đến 170.000đ. Khởi công từ ngày 04/02/1958, đến ngày 20/06/1958 mới hoàn thành.

Năm 1958, số tín hữu của Hội Thánh Tam Kỳ là 1.308 người, riêng thị xã Tam Kỳ có 411 người.[27] Lễ cung hiến nhà thờ Tam Kỳ diễn ra vào 8 giờ Chúa nhật ngày 22/06/1958 do Mục sư Nguyễn Xuân Vọng làm chủ tọa. Hiện diện có các tôi tớ Chúa: Mục sư Ông Văn Huyên – Thư ký Tổng Liên Hội, ông bà Giáo sĩ Irwin đại diện cho Hội Truyền giáo ở Việt Nam, Mục sư Nguyễn Văn Nhung – Tư hóa, đại diện cho Ban Trị sự Địa hạt Liên hội Trung nguyên Trung phần đến chúc mừng và dâng nhà thờ cho Chúa. Có quý tôi con Chúa khắp nơi, đại biểu chính quyền và trên 350 tín đồ.[28]

Nhà thờ Tin Lành Tam Kỳ năm 1958

Trong năm 1958, có một số con cái Chúa từ hai Hội Thánh Tam Kỳ và Tiên Phước đã lên sinh sống tại Ea Tul, Ban Mê Thuột. Nhờ sự chăm sóc của Mục sư Nguyễn Hậu Nhương, họ đã tổ chức nhóm lại và cử hành lễ khánh thành nhà thờ mới vào ngày 23/02/1958.[29]

Thời kỳ này, Mục sư Nguyễn Xuân Vọng hầu việc Chúa tại Tam Kỳ rất thành công. Trong báo cáo năm 1961 của Giáo sĩ Mangham có viết: “Quảng Nam là một trong những địa phương phát triển nhất từ khi đạo Chúa đến đây. Hiện có 33 Hội Thánh được thành lập và mỗi nhà thờ có nhiều chi nhánh. Mục sư Vọng tại Tam Kỳ đã rất thành công trong việc mở rộng các Hội Thánh tại địa phương. Nếu tất cả các mục sư có tầm nhìn, nhiệt huyết và được Chúa xức dầu như ông ấy, thì chúng ta sẽ được chứng kiến sự tăng trưởng kỳ vượt bậc về số lượng nhà thờ…”[30]

Trung tuần tháng 07/1962, Mục sư Nguyễn Xuân Vọng, đã đắc cử Chủ nhiệm Địa hạt Bắc Trung phần, ra Đà Nẵng nhận nhiệm vụ. Mục sư Tạ Kế ở Tiên Phước chuyển xuống Tam Kỳ.[31]

Ngày 01/05/1963, lúc 20 giờ, Hội Thánh Tam Kỳ cử hành cung hiến Phòng sách Tin Lành. Có ông bà Chủ nhiệm Mục sư Nguyễn Xuân Vọng, Giáo sĩ T. H. Stebbins và Linh mục Chánh xứ cùng với các quan khách đến dự. Thầy Lê Yên và thầy Phan Đình Ký phụ trách thường trực luôn để đón tiếp đồng bào đến tìm hiểu đạo Chúa. Thỉnh thoảng vào tối thứ Bảy, có tổ chức truyền giảng. Kết quả sau 5 tháng kể từ ngày mở Phòng sách: có 3.050 người xem sách và nghe giảng, 3.291 quyển sách phát ra, 8 lần giảng, 42 người tin Chúa, thu 4.130đ tiền bán sách.[32]

Trong 2 năm 1964-1965, Hội Thánh đã xây một nhà tiếp cư để đón tiếp con cái Chúa khắp nơi và thành lập Viện Dưỡng lão.[33] Đầu năm 1968, Hội Thánh bắt đầu xây dựng cơ sở trường Tiểu học Tin Lành.[34] Cơ sở này hoạt động đến năm 1975, thì cho chính quyền mượn làm cơ sở giáo dục, mãi đến năm 2006 mới được trả lại.

Vượt qua muôn vàn thử thách, khó khăn, gian khổ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi con Chúa tại Tam Kỳ vẫn luôn giữ vững được đức tin để bước đi trên con đường mà Chúa đã chọn cho mình.

(còn tiếp)

Vũ Hướng Dương

Chú thích:

[1] Tin tức Tam Kỳ, TKB số 002, tháng 02/1931, trang 13. 
[2] Tin tức Tam Kỳ, TKB số 004, tháng 04/1931, trang 120.
[3] Đoàn Văn Khánh, Tin tức Tam Kỳ, TKB số 019, tháng 09/1932, trang 370 và TKB số 020, tháng 10/1932, trang 406.
[4] Đoàn Văn Khánh, Tin tức Tam Kỳ, TKB số 012, tháng 02/1932, trang 060.
[5] Đoàn Văn Khánh, Tin tức Tam Kỳ, TKB số 013, tháng 03/1932, trang 099-100.
[6] Nguyễn Xuân Diệm, Tin tức Tam Kỳ, TKB số 022, tháng 12/1932, trang 473.
[7] Đoàn Văn Khánh, Tin tức ‘Hội đồng Địa hạt Trung Kỳ’, TKB số 023, tháng 01/1933, trang 10.
[8] Đoàn Văn Khánh, Tin tức Tam Kỳ, TKB số 020, tháng 10/1932, trang 406.
[9] Thư ký Nguyễn Tấn Minh, ‘Tiểu sử Hội Thánh Tam Kỳ’, TKB số 263 (094), tháng 09/1958, trang 25.
[10] Đoàn Văn Khánh, Tin tức Tam Kỳ, TKB số 014, tháng 04/1932, trang 148.
[11] Làng Phương Hòa ở về phía bắc Tam Kỳ, nay có Hội Thánh Tin Lành Phương Hòa.
[12] Làng Dưỡng An ở về phía tây Tam kỳ, có thể là khu vực Tam Dưỡng, Dưỡng Sơn, phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ. Cả hai nơi này đều có chi phái của Hội Thánh Tam kỳ.
[13] Ban Trị sự, Tin tức Tam Kỳ, TKB số 032, tháng 10/1933, trang 397.
[14] Ban Trị sự, Tin tức Tam Kỳ, TKB số 076, tháng 06/1937, trang 109; Nguyễn Xuân Diệm, Tin sau cùng, TKB số 084, tháng 02/1938, trang 40.
[15] Theo nhiều người đánh giá, đây là nhà thờ đẹp nhất trong lịch sử HT, tuy nhiên, nó vẫn không đáp ứng kịp với sự phát triển của Hội Thánh Tam Kỳ, dầu vậy, mãi 20 năm sau, năm 1958, Hội Thánh mới xây một nhà thờ mới rộng hơn.
[16] Nguyễn Tấn Minh, Tin tức ‘Trường Chúa nhật Tam Kỳ’, TKB số 086, tháng 04/1938, trang 105.
[17] Xem thêm trong ‘Lịch sử HTTL Việt Nam (1911-1965)’, Mục sư Lê Hoàng Phu, NXB Tôn giáo 2010, trang 234-237.
[18] Ban Trị sự, ‘Tiểu sử Hội Thánh Tiên Phước’, TKB số 259 (090), tháng 05/1958, trang 17-19.
[19] 1 mẫu trung bộ = 5000m2.
[20] Có người vu cáo tháp chuông của nhà thờ là vật chỉ điểm cho người Pháp bắn pháo vào thành phố (?).
[21] Mục sư Lê Châu, Tin tức Tam Kỳ, TKB số 218 (049), tháng 12/1954, trang 14.
[22] Chấp sự Nguyễn Tấn Minh, Tin tức Tam Kỳ, TKB số 232 (063), tháng 02/1956, trang 11 và ‘Tiểu sử Hội Thánh Tam Kỳ’, TKB số 263 (094), tháng 09/1958, trang 25.
[23] Ông bà Giáo sĩ E. F. Irwin, ‘Da Nang’, The Call of Vietnam, Summer 1956, trang 03.
[24] Ban Trị sự, ‘Tiểu sử Hội Thánh Tiên Phước’, TKB số 259 (090), tháng 05/1958, trang 17-19.
[25] Chấp sự Nguyễn Tấn Minh, ‘Chứng thực quyền Chúa’, TKB số 231 (062), tháng 01/1956, trang 15.
[26] Ban Trị sự, Tin tức Tam Kỳ, TKB số 237 (068), tháng 07/1956, trang 07.
[27] Thư ký Nguyễn Tấn Minh, ‘Tiểu sử Hội Thánh Tam Kỳ’, TKB số 263 (094), tháng 09/1958, trang 25.
[28] Thư ký Nguyễn Tấn Minh, ‘Lễ Cung hiến Nhà thờ HTTL tại Tam Kỳ’, TKB số 264 (095), tháng 10/1958, trang 14.
[29] Mục sư Truyền giáo Nguyễn Hậu Nhương, ‘Khánh thành nhà thờ và lập Hội Thánh mới’, TKB số 261 (092), tháng 07/1958, trang 18, 23.
[30] T. G. Mangham, Jr Chairman, Narrative Report for 1961 from The Field of Viet Nam, Saigon: February 1, 1962, trang 04.
[31] Thư ký Nguyễn Tấn Minh, Tin tức Tam Kỳ, TKB số 290 (121), tháng 08/1962, trang 12.
[32] Mục sư Tạ Kế, Tin tức ‘Phòng sách Tin Lành Tam Kỳ’, TKB số 306 (138-139), tháng 01-02/1964, trang 22.
[33] Tin tức Tam Kỳ, TKB số 329 (160), tháng 02-03/1966, trang 02.
[34] Sổ Biên bản Địa hạt số 1, Địa hạt Liên hội Bắc Trung phần, Biên bản số 316/BTP, trang 84.

Bài trướcCảm Tạ Trong Hoạn Nạn – 28/11/2019
Bài tiếp theo Để Sống Một Cuộc Đời Lan Toả Tình Yêu Của Đấng Cứu Ân