Hội Thánh Sống

3471

Chúa Giê-xu nói: “Ta sẽ lập Hội Thánh Ta…” (Ma-thi-ơ 16:18). Sứ đồ Phao-lô đã giải thích: “Đấng Christ là đầu Hội Thánh, Hội Thánh là thân thể Ngài” (Ê-phê-sô 5:23). Mỗi chúng ta đang thờ phượng Chúa hằng tuần với Hội Thánh, sinh hoạt trong Hội Thánh và phục vụ trong Hội Thánh, vì vậy khi hiểu rõ về ý nghĩa và những hoạt động của Hội Thánh sẽ giúp chúng ta sống với Hội Thánh đúng đắn hơn.

Hội Thánh…

Từ “Hội Thánh” trong Kinh Thánh Tân Ước là Ekklésia, ban đầu là một từ được dùng ngoài xã hội, chỉ một hội đồng công dân Hy Lạp tự do, được kêu gọi ra để bàn định việc công. Từ này được Chúa Giê-xu dùng lần đầu tiên trong Ma-thi-ơ 16:18, Ngài nói: “Ta sẽ lập Hội Thánh ta…”. Khi nói như vậy, không phải Ngài sẽ xây cất một ngôi nhà thờ, nhưng Ngài lập nên “một nhóm người hiệp một bởi Đức Thánh Linh, được kêu gọi ra từ trong thế gian để thuộc về chính Ngài”. Đó là ý nghĩa đầu tiên của từ Hội Thánh. Sau đó, từ này được dùng rộng rãi tổng cộng 114 lần trong Tân Ước.

Ngày nay, chúng ta thường hiểu Hội Thánh là một cơ chế, một tổ chức hay một thánh đường có những hoạt động tôn giáo trong đó, nhưng hiểu cho đúng nghĩa thì Hội Thánh chính là tập thể một nhóm người, là cộng đồng dân Chúa, là chính từng con người tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của mình. Hội Thánh cần nhà thờ, Hội Thánh cần có tổ chức, Hội Thánh cần nghi thức, tuy nhiên tất cả những điều ấy phải được phục vụ cho chính dân sự của Chúa. Khi hiểu như vậy thì mỗi người mới có thể ý thức rằng chính mình là một viên đá sống xây nên ngôi nhà thiêng liêng của Chúa, là Hội Thánh, mà Chúa Giê-xu là đá góc nhà (1 Phi-e-rơ 2:5-7); và như vậy, khi nói đến Hội Thánh chính là nói đến từng tín hữu, từng con người. Nói cách khác, mỗi chúng ta đều phải có trách nhiệm với Hội Thánh Chúa, vì Hội Thánh là chính tập thể của tất cả chúng ta do Chúa Giê-xu lãnh đạo.

Hội Thánh sống

…là thân thể Ngài

Hội Thánh là chính chúng ta, và chúng ta là thân thể Chúa, như vậy Hội Thánh là một cơ thể sống chứ không phải là một ngôi nhà im lìm, bất động. Ai cũng biết một cơ thể sống là một cơ thể gồm có các bộ phận, các tế bào hoạt động không ngừng nghỉ, khi có một bộ phận nào đó yếu đi hoặc không hoạt động, thì cơ thể ấy bị bệnh, và khi toàn thể các bộ phận ngưng hoạt động thì cơ thể ấy chết. Cũng vậy, Hội Thánh sống phải là một Hội Thánh hoạt động liên tục và mạnh mẽ bằng những nỗ lực của từng thành viên, của từng ban ngành, của ban Chấp sự, của những người lãnh đạo tinh thần, nhằm mục đích gây dựng và phát triển thân thể Chúa theo ý muốn của Ngài. Ngược lại, một Hội Thánh dù có số người nhóm họp lại thật đông, dù có nhà thờ thật lớn, dù có ban hát thật hay, dù có ban chấp sự thật mạnh v.v… nhưng nếu Hội Thánh ấy chỉ bằng lòng với hiện tại, với những gì mình đang có thì Hội Thánh ấy chẳng khác nào một pho tượng, trông thật đẹp và hùng vĩ nhưng không có các hoạt động của sự sống.

Hội Thánh là thân thể Ngài, vì vậy Hội Thánh phải là một cơ thể sống với những hoạt động tích cực dưới sự lãnh đạo của Chúa Giê-xu chứ không phải là một pho tượng chết. Mỗi con cái Chúa cần phải ý thức được điều này để không có tinh thần tiêu cực, cũng không có tinh thần tự mãn nghĩ rằng “đủ rồi” không cần phải làm thêm gì nữa. Mỗi người cần góp một tay để Hội Thánh Chúa được hoạt động không ngừng, để “thân thể Ngài” luôn sống động.

“Thân thể Ngài”, “Hội Thánh Ta”, cũng nhắc cho chúng ta quyền tể trị của Chúa trên Hội Thánh. Hội Thánh là của Chúa, không phải của cá nhân nào, không ai có quyền chi phối Hội Thánh Chúa theo ý mình, cũng không ai có quyền ngăn trở sự hoạt động của cơ thể ấy. Lịch sử Hội Thánh đã chứng minh, từ con người cho đến Sa-tan đã từng thất bại khi muốn cản trở sự phát triển Hội Thánh của Ngài. Bài học lịch sử thật quý báu và khích lệ chúng ta cứ mạnh mẽ trong sự phục vụ Chúa, bất luận gặp thời hay không gặp thời.

Hội Thánh tăng trưởng

Một cơ thể sống phải là một cơ thể có sự tăng trưởng. Hội Thánh là thân thể của Chúa, nên sự tăng trưởng của Hội Thánh tuỳ vào sự liên hiệp giữa chúng ta với Đấng Christ là đầu. Khi mỗi tín hữu có mối liên hệ sống động với Chúa Giê-xu thì quyền năng và sức sống của Chúa tuôn tràn qua từng cơ thể sống của Hội Thánh, và dưới sự lãnh đạo của Đấng Christ, Hội Thánh Chúa được tăng trưởng không ngừng.

Một Hội Thánh sống cần phải tăng trưởng toàn diện. Những hoạt động của Hội Thánh phải hướng tới mục tiêu tăng trưởng trong sự thờ phượng Chúa, mỗi tín hữu cần phải sống với tinh thần thờ phượng Chúa suốt cả cuộc sống trong từng công việc của mình chứ không phải chỉ thờ phượng trong nhà thờ mà thôi. Hội Thánh cũng phải gây dựng để từng chi thể được trưởng thành qua nhiều chương trình giảng dạy, bồi dưỡng, trang bị, huấn luyện v.v… Mọi sinh hoạt nội bộ của Hội Thánh đều phải nhằm mục đích giúp cho tín hữu lớn lên cách đồng bộ để mỗi ngày một giống Chúa hơn. Ngoài ra, Hội Thánh cũng phải tăng trưởng về phương diện làm chứng cho Chúa. Thờ phượng và gây dựng là tăng trưởng thuộc linh; rao truyền Danh Chúa chính là tăng trưởng về số lượng. Một cơ thể lành mạnh là cơ thể tăng trưởng cân đối. Hội Thánh Chúa cũng vậy, cần phải quân bình trong sự tăng trưởng thuộc linh và số lượng. Một sự tăng trưởng thiếu quân bình, tức chỉ gây dựng mà không quan tâm đến phát triển hoặc chỉ lo phát triển mà thiếu trang bị sẽ khiến cho Hội Thánh trở thành “khuyết tật”.

Nhìn lại mình

Mỗi chúng ta lâu nay xác định vai trò của mình trong Hội Thánh là gì? Tôi là “viên đá sống” trong nhà thiêng liêng hay tôi chỉ là “viên đá” lăn lóc bên ngoài? Mối liên hệ giữa tôi với Chúa Giê-xu là đầu Hội Thánh như thế nào? Tôi đã góp phần gì trong các hoạt động của Hội Thánh?

Những người có trách nhiệm trong Hội Thánh Chúa luôn có và cần phải có những chương trình sinh hoạt để gây dựng tín hữu như tổ chức nhóm lại thờ phượng Chúa sáng Chúa nhật, một số chương trình các buổi tối trong tuần, sinh hoạt ban ngành theo từng độ tuổi, những sinh hoạt chuyên đề, những khóa Thánh Kinh căn bản, trại hè, những chương trình huấn luyện, bồi dưỡng… Cũng có những kế hoạch liên tục được phát động để phát triển nước Chúa; truyền giảng Tin Lành để giới thiệu Chúa cho đồng bào bằng nhiều hình thức, trong nhà thờ, ngoài nhà thờ, tại nhà riêng…; chứng đạo cá nhân để làm chứng về Chúa v.v… Mỗi tín hữu luôn có và cần phải có tinh thần tham gia, hưởng ứng, ủng hộ tích cực các chương trình, kế hoạch nói trên, đó cũng là trách nhiệm của mỗi người, mỗi thành viên sống trong Hội Thánh sống.

Xin đừng ai ngạc nhiên, cũng đừng ai than phiền trách móc sao Hội Thánh phát động nhiều quá! Sao Hội Thánh cứ hết kế hoạch này đến chương trình khác? Sao Hội Thánh cứ kêu gọi dâng hiến liên tục? Sao Hội Thánh không chịu nghỉ yên một ngày nào? Sao Hội Thánh cứ…? vân vân và vân vân… Không! Hội Thánh không thể không làm như vậy, vì Hội Thánh là một cơ thể sống, là “thân thể của Chúa Giê-xu”. Nếu một cơ thể sống đương nhiên phải hoạt động, thì Hội Thánh sống cũng thật bình thường khi có những sinh hoạt nói trên không ngừng nghỉ.

Kết luận

Hội Thánh là một tập thể những người được Chúa kêu gọi, nên việc góp phần phát triển Hội Thánh là việc mà tất cả mọi người cùng góp sức chung vai để gánh vác chứ không phải của riêng ai. Đấng Christ là đầu của Hội Thánh, Ngài luôn ban ân tứ cho mỗi chúng ta, là những người giữ mối liên hệ với Ngài, để mỗi tín hữu có thể góp phần của riêng mình một cách hiệu quả trong sự gây dựng và phát triển Hội Thánh.

Hãy để sự sống của Chúa tuôn tràn qua mỗi chúng ta và biến Hội Thánh Chúa thành một Hội Thánh sống. Mỗi con cái Chúa hãy cùng nhau nhập cuộc với những chiến lược phát triển Hội Thánh để Lời Chúa “Ta sẽ lập Hội Thánh Ta” được ứng nghiệm trên khắp đất.

Ánh Dương

(BTMV 30 – Tháng 07/2012)

Bài viết này được trích đăng từ chuyên mục “Dưỡng Linh” của Bản Tin Mục Vụ. Để đọc thêm nhiều bài viết bổ ích khác, quý độc giả có thể đặt mua BTMV qua địa chỉ contact@httlvn.com hoặc số điện thoại của Phòng Truyền thông: 028.38.533.633

Bài trướcHiếu Kính Cha Mẹ – 30/7/2020
Bài tiếp theoCó thật là Đức Chúa Trời ngủ không?