Có thật là Đức Chúa Trời ngủ không?

2847

Câu hỏi:

Thưa Mục sư! Trong Thi Thiên 44:23-26 và trong một số Thi Thiên khác (như 7, 35, 59, 73 và 74) nói về việc Đức Chúa Trời đang ngủ hoặc cần được đánh thức. Tuy nhiên tôi thấy một phân đoạn khác trong Thi Thiên 121:4 lại khẳng định điều ngược lại. Vậy Đức Chúa Trời có thật ngủ không?

 

Trả lời:

Chào bạn!

Kinh Thánh thật có ghi lại khi Đức Chúa Trời kết thúc công cuộc sáng tạo, Ngài nghỉ ngơi. Trong Thi Thiên 7, 35 và 59 đều là lời than khóc của những người trong tình cảnh khó khăn, thảm khốc. Nhưng trong mỗi trường hợp, họ đều tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ “chỗi dậy” đúng thời điểm để bênh vực họ. Chính vì vậy, các phân đoạn Kinh Thánh mà em nêu ra đều là những khổ thơ của người Hê-bơ-rơ, cho nên từ ngữ và ý tưởng được sử dụng ở đây sẽ chứa đựng chất thơ ca và nhân cách hóa để diễn tả hành động của Chúa.

Thi Thiên 44 mô tả cộng đồng con dân Chúa đang chờ đợi sự đáp lời của Chúa sau khi hứng chịu sự thất bại trên chiến trường. Vấn đề được nêu lên ở đây là: Nếu đức vua và con dân Chúa trung tín với giao ước (Thi Thiên 44: 18-22), vậy thì tại sao Đức Chúa Trời lại không thành tín với lời hứa của Ngài, tại sao Ngài không giải cứu và bảo vệ?

Thực ra, Thi Thiên 44 là một trường hợp rõ ràng nhất của sự tìm kiếm nguyên nhân vì sao quốc gia phải đối mặt với những hoạn nạn. Tác giả Thi Thiên kêu lên trong cảm xúc bực bội: “Thật vì Chúa mà hằng ngày chúng tôi bị giết” (Thi Thiên 44:22). Cơn hoạn nạn mà họ phải đối mặt trong trường hợp này không hẳn là bởi tội lỗi, nhưng là những biểu hiện của một chiến trận mang tính thuộc linh khó có thể hiểu thấu được giữa kẻ thù của họ và Đức Chúa Trời – Đấng họ đang hầu việc. Qua đó, Chúa muốn niềm tin của họ phải vượt lên trên mọi bằng chứng hoặc triết lý, thần học, và cứ tiếp tục tin tưởng, trông cậy, và cầu nguyện.

Theo đó, Thi Thiên này có hai phần đối lập: vinh quang trong quá khứ (Thi Thiên 44:1-8) và tai họa trong hiện tại (Thi Thiên 44: 9-16). Dường như Đức Chúa Trời đã không ở cùng quân đội Ngài khi họ ra trận (Thi Thiên 44:9). Sự thất bại của Y-sơ-ra-ên khiến họ trở nên một sự khinh miệt và sỉ nhục trước mặt những kẻ thù của họ (Thi Thiên 44:13-14). Tất cả điều này xảy ra mặc dù Y-sơ-ra-ên đã không quên Chúa (Thi Thiên 44:17-18); dầu vậy, Chúa đã bẻ nát họ bằng sự thất bại nhục nhã (Thi Thiên 44:19).

Bất chấp mọi sự nhục nhã và hổ thẹn, lời cầu nguyện và sự hy vọng của họ vẫn hướng về Chúa (Thi Thiên 44:23-26). Lời cầu nguyện này được thốt lên bằng thuật ngữ quân sự. Sự kêu gọi Đức Chúa Trời trổi dậy và đánh thức Ngài ở đây không chỉ về hành động ngủ, nhưng về một hoạt động trong quân đội giống như bài ca của Đê-bô-ra trong sách Các 5:12 “Hỡi Đê-bô-ra! khá tỉnh thức, tỉnh thức! Hãy tỉnh thức, tỉnh thức, hát một bài ca! Hỡi Ba-rác, khá chỗi dậy! hỡi con trai của A-bi-nô-am! hãy dẫn những phu tù người đi!” Bài ca chiến trường được hát đi hát lại khi hòm giao ước được khiên trước đoàn dân Y-sơ-ra-ên khi họ tiến vào trận chiến “Khi hòm giao ước đi, thì Môi-se nói rằng: Hỡi Đức Giê-hô-va, xin chỗi dậy, để kẻ thù nghịch Ngài bị tản lạc, và kẻ nào ghét Ngài chạy trốn trước mặt Ngài!” (Dân 10:35).

Lời cầu nguyện kêu gọi sự giúp đỡ từ Chúa trong cơn khủng hoảng có thể được tiếp tục cho dù trận chiến có thể thất bại. Có thể cùng một trận chiến được tiếp tục. “Xin Chúa hãy chỗi dậy mà giúp đỡ chúng tôi” (Thi Thiên 44:26), họ kêu nài trong Thi Thiên. Nhưng lời cuối cùng trong Thi Thiên này là sự tin chắc rằng Đức Chúa Trời vẫn sẽ cứu giúp họ bởi vì tình yêu bất diệt của Ngài – lời ân điển đó xuất hiện hơn hai trăm năm mươi lần trong Cựu Ước, nói về ân điển, lòng thương xót và lòng trắc ẩn dành cho kẻ không xứng đáng (Thi Thiên 44:26).

Kết lại, Thi Thiên này không mâu thuẫn với Thi Thiên đảm bảo rằng Chúa chúng ta không hề nhắm mắt, cũng không buồn ngủ. Ngài không ngủ! Đôi khi Đức Chúa Trời trì hoãn sự đoán phạt và mở rộng lòng khoan dung đối với kẻ ác và hành động của chúng. Đối với những người chỉ xem xét hời hợt thì Đức Chúa Trời đang ngủ và cần phải đánh thức. Nhưng lòng thương xót và sự chịu đựng lâu dài của Chúa không được nhầm lẫn với sự dửng dưng hoặc sự không có ý thức. Hơn thế nữa, ngôn ngữ ở đây không phải là từ ngữ chỉ về sự mệt mỏi hoặc buồn ngủ, nhưng là từ ngữ được sử dụng diễn tả lời kêu gọi Đức Chúa Trời đấu tranh để bảo vệ danh thánh và vương quốc của Ngài.

Thân ái.

(BTMV 48 – Tháng 07/2015)

Bài viết này được trích đăng từ chuyên mục “Thưa Mục sư” của Bản Tin Mục Vụ. Để đọc thêm nhiều bài viết bổ ích khác, quý độc giả có thể đặt mua BTMV qua địa chỉ contact@httlvn.com hoặc số điện thoại của Phòng Truyền thông: 028.38.533.633

Bài trướcHội Thánh Sống
Bài tiếp theoThư Mời Và Thông Báo: Lễ Cảm Tạ Chúa – Kỷ Niệm 70 Thành Lập HTTL Gia Định