Giới Hạn & Vô Hạn

1470

 

   Trong khoảng 30 năm nay, thỉnh thoảng giá dầu xăng lại biến động và mọi người lại bàn tán xôn xao.  Khi xăng tăng, các loại xe lớn bắt đầu ít khách chiếu cố, nhưng rồi đâu lại hoàn đấy, vì các nhà sản xuất phải làm sao cho xăng hạ thì mới mong có lãi.

 

   Nhưng thật sự thì xăng có thiếu không và có bao giờ các giếng dầu sẽ cạn hết? Câu hỏi này tuy dễ mà không ai trả lời cả.

 

   Tại Thụy sĩ, nhằm thời gian giá xăng cao, nhà nước ra lệnh cấm xe hơi di chuyển trong Chúa Nhật.  Đường phố tự nhiên trở thành yên lặng và vắng vẻ, người ta nghe được tiếng gót giầy trên vỉa hè. Những đứa bé lợi dụng đường vắng chạy pa-tanh hàng loạt và thỉnh thoảng còn thấy người cưỡi ngựa nữa.  Thế là cứ mỗi ngày Chúa Nhật, người ta lại trở về những năm mà xe hơi chưa ra đời, và mọi người có dịp nhìn nhau chậm rải hơn.

 

   Nhưng khan hiếm dầu xăng quả là một tai hại lớn cho nên văn minh nhân loại.  Cái giới hạn về nhiên liệu cho thấy nguyên một nền văn hóa hay văn minh phụ thuộc vào một số nguồn năng lượng khác nhau.

 

   Một nguồn năng lượng này cạn sẽ ảnh hưởng đến nhiều thứ khác. Cứ tưởng tượng dầu xăng cạn nguồn chẳng hạn, các hãng kỹ nghệ sẽ phải sa thải nhân viên, và hãng này đóng cửa sẽ lây lan và ảnh hưởng giây chuyền đến nhiều hãng xưởng khác.  Thế rồi khủng hoảng về tài chính từ nước lớn sang nước nhỏ.

 

   Dầu xăng giới hạn, năng lượng giới hạn, nơi ở giới hạn, lương thực giới hạn, chuyên chở giới hạn, giới hạn về nhiều nguồn cần thiết cho nhu cầu của đời sống.  Bàn đến các giới hạn này làm cho ta bi quan không hiểu ngày mai ra sao?

 

   Mỗi cá nhân sống giữa các giới hạn của xã hội cảm thấy chán nản và tuyệt vọng hay ít ra cũng buồn vì các giới hạn đó.

 

   Những người có quá nhiều việc phải làm, rất khó chịu về giới hạn của thời gian. Những người có nhiều tài và sáng kiến, khó chịu về giới hạn của năng lực: thân xác mong manh, phải nghỉ và phải bồi dưỡng.

 

   Những người giàu sáng tạo nhưng vì giới hạn trong khả năng thực hiện, sinh ra chán đời.

 

   Nhiều người gặp giới hạn về chất lượng trong mọi địa hạt và thường than rằng, ngày xưa thế này hay thế khác, bây giờ thì……

 

   Còn nhiều giới hạn lắm: vui giới hạn, an bình giới hạn, yên lặng giới hạn, nguồn cung cấp giới hạn, sức mạnh giới hạn, thích thú giới hạn, rốt lại cái gì cũng có cái mức cuối cùng, cũng có giới hạn cả.

 

   Nhưng có cách nào ra khỏi các giới hạn không?

 

   Thật ra con người bị giới hạn trong không gian và thời gian không biết rằng Đấng tạo thành vũ trụ giới hạn này lại là Đấng vô hạn. 

 

   Vũ trụ có giới hạn, đó là một thực sự không ai chối cãi được.  Không những các giếng dầu xăng có giới hạn mà ngay năng lực của con người cũng thế.

 

   Con người phụ thuộc hoàn toàn vào một Đấng Tạo Hóa vô hạn, là Đấng có thể cung ứng mọi nhu cầu cấp thiết mà chúng ta cần trong nhiều lĩnh vực.

 

   Sứ Đồ Phao-lô viết trong thư gửi cho cộng đoàn dân Chúa tại thành Phi-líp ngày xưa rằng: Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Jêsus Christ. (Phi-líp 4:19).

 

   Nhưng Chúa cung ứng cho các nhu cầu nào?

 

   Chúa Giê-xu từng dạy rằng: Các ngươi đừng lo cho sự sống, nói rằng lấy gì ăn, lấy gì uống; cũng đừng quá lo cho thân thể, nói rằng, lấy gì mặc đây!  Vì Cha các ngươi ở trên trời biết rõ các người cần những thứ này rồi. Nhưng trước tiên hãy tìm đến Nước Đức Chúa Trời và sự công chính thánh thiện của Ngài thì các nhu cầu đó sẽ thêm vào cho các ngươi. (Ma-thi-ơ 6:25,32,33 -NS).

 

   Đây là mệnh lệnh của Chúa đưa ra và có ba phần:

 

   1. Thứ nhất, đừng lo lắng, nhất là đừng nửa đêm thức giấc hốt hoảng. Đó là phương diện tiêu cực.

 

   2. Thứ hai, thay vì lo lắng hoảng sợ, hãy có hành động tích cực, đó là suy nghĩ đến sự hiện hữu của Chúa và thực trạng ta là con trong nhà của Chúa và thực sự lên tiếng kêu cầu với một Đấng vô hạn.

 

   Nhưng trước tiên hãy tìm đến Nước Đức Chúa Trời nghĩa là gì? 

 

   Trên thực tế là hãy để cho những việc của Chúa lên trước chương trình nhất định của ta.

 

   Thí dụ như những việc thường nhất, làm việc, buôn bán, nấu ăn, đi chợ v.v. Bỗng nhiên có điện thoại reo, có người gõ cửa hay một lá thư nhờ giúp đỡ, hay kêu gọi làm một việc thiện lành nào.. Nghĩa là những việc làm ta tốn thời gian, tiền bạc, sáng kiến, năng lực những biết rằng đó là việc Chúa vui lòng, thì ta đừng ngần ngại mà nên tìm đến Nước Đức Chúa Trời trước”.

 

   Như thế, tìm đến Nước Đức Chúa Trời không có nghĩa là đến nhà thờ phục vụ vài tiếng đồng hồ mỗi tuần hay là dâng tiền cho một cơ quan phục vụ Chúa, nhưng là rộng mở tâm hồn và nhạy cảm để Chúa hướng dẫn vào những việc có thể làm gián đoạn việc làm hay lợi ích của mình về vật chất, thân xác hay tâm lý.  Trong tình trạng thuận phục Chúa như thế, nghĩa là tìm đến lợi ích của Chúa trước, thì các nhu cầu khác sẽ được cung ứng.

 

   3. Thứ ba là tìm đến sự công chính thánh thiện của Chúa.

 

   Chúng ta là phàm nhân, giới hạn trong mọi phương diện đạo đức, nhưng Chúa vô hạn trong công chính thánh thiện.

 

   Sứ đồ Phao-lô trong Phi-líp 3:8,9 cũng như nhiều chỗ khác trong các thư của ông, nói rằng:

 

“   Tôi coi tất cả như là mất hết (hay là không quan trọng gì cả), cốt để được Chúa Cứu Thế, được liên hợp với Ngài, không còn ỷ lại nơi công đức, đạo hạnh của mình, nhưng tin cậy Chúa Cứu thế để Ngài cứu rỗi tôi.  Đức tin nơi Chúa Cứu Thế làm cho con người được tha tội và coi là công chính trước mặt Đức Chúa Trời.

 

   Hãy nghĩ đến tương lai tươi sáng là khi ta ứng hầu trước Chúa với thánh thiện công chính của Ngài.

 

   Công chính thánh thiện  mà ta phải tìm đến là điều Chúa đã cung ứng và vô hạn. Khi Phao-lô nói rằng ông bị một cái gai xóc vào thân xác, và xin Chúa bỏ đi cho, Chúa không bỏ mà cho ân sủng, tức là năng lực để chịu đựng và thắng vượt..  Đây là cái yên tĩnh giữa cơn bão tố tiếp diễn, chiến thắng giữa cuộc chiến dai dẳng

 

   Chúng ta không cần phải tiếp tục sống trong lo lắng, tuyệt vọng, chán chường, mất ngủ…. Chớ lo phiền gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh hãy trao mọi ưu tư cho Chúa. Sự an bình tuyệt diệu của Chúa mà trí óc con người không sao hiều được, sẽ chế ngự và bảo vệ tâm hồn ta, vì Chúa là nguồn sức mạnh không giới hạn.

 

 

Nguyễn Sinh

Bài trướcGiới Thiệu Sách
Bài tiếp theoHuấn Luyện Thánh Kinh Hè Năm 2012 Khu vực Bù Đăng Tỉnh Bình Phước.