Gióp 34:10-15
10 Vì vậy, hỡi người thông sáng, hãy nghe tôi:
Đức Chúa Trời chẳng hề hành ác,
Đấng Toàn năng không bao giờ làm hung nghiệt.
11 Ngài báo ứng loài người tùy công việc mình làm,⚓
Khiến mỗi người tìm được lại chiếu theo tánh hạnh mình.
12 Quả thật Đức Chúa Trời không làm ác,
Đấng Toàn năng chẳng trái phép công bình.
13 Ai giao cho Ngài trách nhiệm coi sóc trái đất?
Ai đặt Ngài cai trị toàn thế gian?
14 Nếu Ngài chỉ lo tưởng đến chính mình Ngài,
Thâu lại về mình thần linh và hơi thở của Ngài,
15 Thì các loài xác thịt chắc chết chung nhau hết,
Và loài người trở vào bụi đất.
Câu gốc: “Quả thật Đức Chúa Trời không làm ác, Đấng Toàn năng chẳng trái phép công bình” (câu 12).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Ê-li-hu bày tỏ quan điểm của ông về Đức Chúa Trời ra sao? Tại sao chúng ta phải vững tin nơi Chúa dù hoàn cảnh ra sao? Bạn có trải nghiệm nào về quyền năng của Chúa trên đời sống mình?
Trong phần Kinh Thánh này, ông Ê-li-hu nhấn mạnh rằng Đức Chúa Trời không thể làm điều sai lầm trong việc đoán xét và cư xử với loài người. Chúa luôn luôn đúng, Ngài “không bao giờ làm điều ác, …chẳng khi nào làm chuyện bất lương” (câu 10 BTTHĐ). Đức Chúa Trời luôn luôn công bình, báo ứng loài người tùy theo công việc họ làm (câu 12). Mọi người phải nhận lấy kết quả của việc làm thiện hay ác của mình. Để chứng minh điều ông nói là đúng, ông Ê-li-hu nêu lên những câu hỏi để bênh vực cho lý luận của mình: “Ai giao cho Ngài trách nhiệm coi sóc trái đất? Ai đặt Ngài cai trị toàn thế gian” (câu 13). Ông nhắc lại cho mọi người biết, trái đất là do Đức Chúa Trời dựng nên, và Ngài thiết lập những quy luật của nó. Chỉ có Chúa mới có quyền trên tạo vật của Ngài. Hơi thở con người là do Chúa ban cho, thể xác con người do Chúa tạo dựng. Sự sống con người lệ thuộc vào Đức Chúa Trời, vậy thì con người dựa vào nền tảng nào mà dám đoán xét việc của Đức Chúa Trời? Lý luận của ông Ê-li-hu hoàn toàn đúng: Đức Chúa Trời luôn là Đấng tể trị và công chính.
Khi con người gặp thử thách trong tai nạn, chiến tranh, hoặc thiên tai, nhiều người nghi ngờ về sự công bình hay quyền tể trị của Đức Chúa Trời. Điều đáng buồn hơn là một số Cơ Đốc nhân khi gặp hoạn nạn đã vơi đi hay mất đi lòng trông cậy nơi Chúa. Qua sách Gióp, chúng ta biết Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng, ngay cả Sa-tan cũng chỉ được làm những điều gì Chúa cho phép (Gióp 2:6). Chúa biết mọi cảm nghĩ của ông Gióp và mọi người xung quanh ông. Chúa có chương trình cho ông Gióp, Ngài sẽ giải cứu ông và ban phước cho ông trong thánh ý của Ngài (Gióp 42:12-16).
Chúng ta cũng như ông Gióp và các bạn của ông, đôi khi chúng ta không thể hiểu hay giải thích tường tận mọi điều xảy ra quanh ta. Sự khôn ngoan chúng ta có giới hạn nên không thể lý giải hết những công việc của Đấng tạo dựng. Chúng ta chỉ có thể thấy một phần của hiện tại, nhưng Đức Chúa Trời là Đấng cai trị đời đời. Do đó, chúng ta phải vững tin nơi Chúa, Ngài luôn ban cho chúng ta những điều tốt nhất, không những trong hiện tại mà cả trong cõi vĩnh hằng. Những sự sửa phạt của cha mẹ giúp trẻ con trưởng thành, những cơn gió giúp rễ cây ăn sâu hơn trong đất thể nào, thì sự khó khăn, thử thách cũng giúp chúng ta gắn chặt vào Đức Chúa Trời, vững tin vào Ngài thể ấy.
Bạn có trải nghiệm được sự trưởng thành trong đức tin khi trải qua hoạn nạn không?
Kính lạy Chúa, con tin Chúa luôn yêu con đến cuối cùng. Xin Chúa cho con luôn đặt niềm tin vững chắc nơi Ngài trong mọi thử thách khó khăn. Xin Chúa cho con luôn tin rằng Chúa là Đấng Toàn Năng.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-sai 31.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org